World Cup và Facebook


“Facebook đi đôi với World Cup”, là comment mà một người bạn đã gửi lên Facebook của tôi khi tôi liên tục cập nhật diễn biến cuộc rượt đuổi tỉ số của Ý trong trận gặp Slovakia tối 24 tháng 6 vừa qua. Facebook đi cùng World Cup. Đó chính xác là những gì có thể nói về World Cup 2010, xét về mặt công nghệ. Và tôi biết mình không phải là người duy nhất gắn liền World Cup với Facebook.

Những người thuộc thế hệ trước vẫn thường nhắc đến những kỳ World Cup giai đoạn từ những năm đầu thập niên 70 đến đầu 80 của thế kỷ trước, khi cách duy nhất để theo dõi tin tức từ ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là những buổi tường thuật trên radio của các đài truyền thanh quốc tế hay những mẩu tin ngắn gọn lạnh lung trên các báo. Cùng với sự phát triển của đời sống, đến những kỳ World Cup cuối thập niên 80 và đầu 90, những buổi tường thuật trên TV, dù là TV trắng đen, đã thay thế cho chiếc đài rột rẹt. Và đến World Cup 2006 tại Đức, công nghệ truyền thông đã bùng nổ, và lượng người xem World Cup qua truyền hình đã đạt mức kỷ lục hơn 93 triệu người xem trên trung bình mỗi trận đấu [1]. World Cup 2006 cũng là kì World Cup đầu tiên những phát triển của công nghệ số được áp dụng, như live blog (WorldCupBlog.org) với hơn 1 triệu người tham gia, streaming video cho phép xem trực tiếp các trận đấu qua internet và các trận đấu được trực tiếp trên truyền hình bằng chuẩn HD [2]. Những ứng dụng công nghệ này hứa hẹn sẽ phát triển hơn nữa ở Nam Phi 2010, và thực tế đúng như vậy, ngoài sự bùng nổ về lượng người xem (Theo ESPN, 13 triệu người hâm mộ bóng đá nước này đã xem trận Mỹ gặp Anh qua TV [3] và số người xem trung bình mỗi trận đấu qua TV dự kiến đạt mức 123 triệu người, phá kỷ lục Đức 2006 [4]), World Cup 2010 còn bùng nổ ở một kênh truyền thông khác: các mạng xã hội, mà nổi bật nhất là Facebook và Twitter.

Kể từ khi trái bóng Jabulani bắt đầu lăn đến khi vòng đấu bảng sắp kết thúc, cộng đồng Facebook Việt chưa bao giờ thôi sôi sục không khí World Cup. Đầu tiên là khoản avatar (hình đại diện). Thay cho bức ảnh cá nhân thường ngày là logo chính thức của Nam Phi 2010, hoặc quốc kỳ của đội bóng con cưng hay thậm chí là ảnh của Messi, C.Ronaldo, Kaka, thường thấy ở các Facebooker nữ. Trên tường nhà (Wall) của các Facebooker cũng liên tục xuất hiện những status "ra kèo" để bạn bè vào comment đặt cược. Không hiếm những tín đồ bóng đá là cư dân mạng vừa xem World Cup vừa hí hoáy dùng điện thoại để cập nhật diễn biến của trận đấu lên Wall. Và sau mỗi trận đấu, chẳng cần chờ các tờ báo điện tử đăng bài bình luận, chỉ cần xem Update news trên Facebook là sẽ thấy vô số lời bình luận, đủ các cung bậc tình cảm buồn vui, cay đắng, hân hoan của các fan trước chiến thắng hay thất bại của đội nhà. Đó là những status bày tỏ tình yêu và lòng hâm mộ với những cầu thủ xuất sắc, sự nuối tiếc khi bàn thắng của đội nhà hay thậm chí là lời nguyền rủa gửi đến các trọng tài vì đã “làm khó” đội bóng ruột của mình. Facebook gắn liền với World Cup, và sự phát triển của công nghệ số, đã tạo ra nhiều thói quen mới, như việc mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là vào ngay Facebook để xem bạn bè cập nhật tỷ số của trận đấu mà mình bỏ lỡ tối qua. Không còn cảnh sáng sáng chạy đi mua tờ Tin nhanh World Cup của các báo, cũng chẳng còn phải chờ đến bản tin thể thao trong chương trình thời sự mỗi ngày để xem lại các bàn thắng, vì giờ đây với công nghệ streaming video và đường truyền internet tốc độ cao, việc xem lại các video clip về các trận đấu trở nên quá dễ dàng. Nếu đến thăm Facebook của các nhà báo đang tác nghiệp tại Nam Phi, bạn còn có cơ hội được xem những bài bình luận, những bức ảnh nóng hổi được cập nhật nóng hổi từ chính các sân vận động đang diễn ra các trận đấu của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh.

Không chịu thua kém Facebook, mạng xã hội Twitter còn lập hẳn chuyên trang về World Cup tại địa chỉ http://twitter.com/worldcup/home để các tín đồ túc cầu giáo có thể thỏa thích thể hiện niềm đam mê trái bóng tròn của mình qua những tin nhắn 140 ký tự. Twitter không phổ biến ở Việt Nam như Facebook, nhưng vào trang này có thể thấy tình yêu bóng đá của cư dân mạng toàn cầu lớn như thế nào. Trong mùa World Cup này, Twitter cho biết trung bình mỗi ngày có 750 tweets được gửi lên Twitter mỗi giây, tức tổng cộng 65 triệu tin nhắn/ngày [5]. Ngoài ra họ còn thống kê top 3 bàn thắng được tweet nhiều nhất, dựa trên số tweet/giây (tweet per second, TPS) được gửi lên Twitter trong vòng 30 giây sau khi bàn thắng được ghi. Top 3 hiện tại bao gồm bàn thắng của Nhật vào lưới Cameroon với 2.940TPS, bàn thắng đầu tiên của Brazil trong trận gặp CHDCND Triều Tiên (2.928 TPS) và cuối cùng là bàn gỡ hòa 1 – 1 của Mexico vào lưới đội chủ nhà trong trận khai mạc (2.704 TPS) [6]. Ngoài ra, người dùng Tweeter cũng có thể theo dõi những tin nhắn xoay quanh các trận được cập nhật trực tiếp theo thời gian thực trên trang http://worldcup.tweetbeat.com/. Với ưu thế cập nhật siêu tốc, cộng đồng Twitter đã góp phần làm cho không khí bóng đá trên các mạng xã hội cuồng nhiệt hơn bao giờ hết.

World Cup Nam Phi 2010 sắp bước vào vòng đấu loại trực tiếp, và chắc chắn không khí bóng đá, cả ngoài đời thực lẫn trên Facebook, sẽ tiếp tục sôi sục theo vòng lăn của trái bóng Jabulani và tiếng kèn Vuvuzela.

(bài đã đăng ở đây: http://nhipsongso.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=387474&ChannelID=550)
----
Tham khảo:

[1] http://www.tvsquad.com/2006/07/25/world-cup-ratings-are-astounding/
[2] http://chuyentrang.tuoitre.vn/WorldCup2006/Index.aspx?ArticleID=148425&ChannelID=358
[3] http://www.espnmediazone3.com/us/2010/06/u-s-england-most-watched-fifa-world-cup-first-round-match-and-most-viewed-united-states-match-since-1994/
[4] http://chuyentrang.tuoitre.vn/WorldCup2010/Tin-World-Cup/384463/World-Cup-2010-se-pha ky-luc-khan-gia-xem-truyen-hinh.html
[5], [6] http://blog.twitter.com/2010/06/big-goals-big-game-big-records.html

Comments

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog