Tangled

  

Chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 100 phút nhưng “Tangled”, bộ phim hoạt hình thứ 50 của hãng Walt Disney danh tiếng, đã thực sự mang đến cho người xem một bữa tiệc cảm xúc đúng nghĩa. Ngoài cảm xúc chủ đạo là những tiếng cười giòn giã trước những ‘xen’ hài hước ý nhị đúng kiểu Disney còn là nhiều cung bậc cảm xúc khác khiến người xem bất ngờ, ngạc nhiên, thích thú và cả bồi hồi, lắng đọng.


Khán giả hoàn toàn mãn nhãn trước khung cảnh đẹp rực rỡ và lộng lẫy của Tangled, suýt xoa trước cách tạo hình tròn xoe cực dễ thương của các nhân vật và ngất ngây với những ca khúc đầy ý nghĩa, đánh thức mọi cảm xúc của người nghe.

(Chú ý: bài viết có tiết lộ nội dung phim – cân nhắc trước khi đọc nếu bạn chưa xem phim)

Âm nhạc

Nếu những bài hát trong Disney classics vẫn luôn đi thẳng vào lòng người nhờ giai điệu du dương, ca từ đẹp thì trong Tangled, tất cả dường như đã được nâng lên một tầm cao mới. Bài hát “Mother knows best” của bà mẹ Gothel đã thể hiện rõ bản chất ích kỷ, độc đoán của bà: dựng lên một hình ảnh đen tối về thế giới bên ngoài ngọn tháp để giữ Rapunzel ở mãi bên mình.

Bài “I’ve got a dream” mà Rapunzel hát cùng với bọn ác nhân ở quán rượu Snuggly Ducking lại có ý nghĩa hơn cả: khi Rapunzel hỏi “Haven’t any of you ever had a dream?” và gã quái nhân với cánh tay có móc sắt lộp cộp bước về phía cô, người xem nín thở chờ đợi một cái tát hay những lời miệt thị mà gã sẽ dành cho cô, nhưng không, gã ác nhân với ngoại hình xấu xí chỉ nhẹ nhàng buông từng chữ “I had a dream…once”. Câu hỏi của Rapunzel đã chạm vào tầng sâu kín nhất trong tâm hồn vẩn đục của lũ côn đồ, bởi sâu thẳm trong mỗi con người, dù là ác nhân hay kẻ lương thiện, đều cũng đã từng có một ước mơ. Và rồi âm nhạc cất lên, lũ quái nhân lần lượt ca hát, nhảy múa và nói lên ước mơ của mình. Gã tay móc sắt từng mơ làm nghệ sĩ dương cầm, chàng mũi bự răng hô mơ có một người yêu đích thực, hay chàng béo dễ thương mơ làm nghệ sĩ kịch câm. Xúc động với những ước mơ giản dị của những kẻ bên lề xã hội, người xem lại được dịp vui mừng khi thấy những ước mơ ấy đều đã thành sự thật ở phần kết của phim. Một cái kết đúng motif “dreams come true” của Disney.

 

Cuối cùng, không thể không nhắc đến bài hát “đinh” của phim, “I see the light”. Bài hát cất lên giữa một không gian đỏ rực rỡ và lấp lánh của những chiếc đèn trời và hai nhân vật chính cùng ngồi trên một con thuyền trên dòng sông lấp loáng ánh sáng. Một khung cảnh lãng mạn đủ làm lay động cả những người khó tính nhất. Khi Eugene cùng Rapunzel cùng thả 2 chiếc đèn trời bay cao và cất giọng hát, tôi đã thực sự rùng mình vì xúc động, một cảm giác “nghẹt thở” vì cảm xúc dâng cao. Cảnh Eugene và Rapunzel cùng thả đèn trời, cùng nắm lấy tay nhau và cùng hòa giọng hát đúng là cao trào của mạch cảm xúc đã được nuôi dưỡng từ lúc 2 người cùng ngồi dưới thuyền ngắm những chiếc đèn trời đầu tiên bay lên.

 
Nhân vật
Tangled đã không đi vào lối mòn của việc khắc họa hình tượng nhân vật một chiều: ác thật ác hay hiền thật hiền. Nhân vật nữ chính, Rapunzel, không còn là một nàng công chúa nhu mì, yếu đuối chờ hoàng tử đến cứu mà chính cô, với hai thứ vũ khí vô cùng đặc biệt là mái tóc và cái chảo, đã tự mình chiến đấu, vượt qua hiểm nguy để cứu mình và cứu người; Flynn Rider, hay Eugene Fitzherbert – nhân vật nam chính – cũng không còn là chàng hoàng tử dũng cảm vượt muôn nghìn trắc trở để cứu công chúa, mà lại là tên trộm khét tiếng nhất vùng; và bà mẹ Gothel đôi lúc lại làm cho người xem có cảm tưởng bà không phải là một người độc ác. Gothel không phải là phù thủy như thường thấy trong các truyện cổ tích khác. Bà chỉ là một người quá tôn sùng sắc đẹp và sự trẻ trung của mình, dẫn đến ích kỷ một cách mù quáng. Người xem băn khoăn trước cách Gothel âu yếm Rapunzel, cách bà gọi cô, ôm hôn cô. Gương mặt bà, ánh mắt bà những lúc ấy thực sự mang một vẻ trìu mến mà một người mẹ dành cho con gái cưng của mình. Rồi cái cách bà tất tả, quày quả lên đường để tìm màu vẽ cho Rapunzel khi cô yêu cầu, cách bà cho rằng mình phải “đóng vai ác” khi phải la mắng hay trừng phạt Rapunzel, tất cả mang đến cho khán giả một niềm thương cảm nào đó, và cả một cảm nhận mơ hồ về cái ranh giới thiện – ác trong bà. Và lời giải cho mối băn khoăn này chỉ đến vào cuối phim, một cách làm rất thành công, khiến người xem liên tục dõi theo và bất ngờ và phút chót.



Trong phim có 4 nhân vật từ đầu đến cuối không nói một lời nào, nhưng vai trò của họ cũng như cách họ được thể hiện là điều rất đáng bàn. Đầu tiên là 2 con vật độc đáo: chú tắc kè Pascal và chú ngựa Maximus. Pascal là người bạn duy nhất trong tháp tối của Rapunzel, và chỉ với ánh mắt, cái miệng rộng, đôi bàn tay và bản năng tự đổi màu, Pascal không cần nói gì nhưng người xem vẫn có thể cảm nhận được hết tất cả những gì chú muốn nói.  Pascal sát cánh với Rapunzel qua bao gian nguy, chia sẻ với cô niềm vui và nỗi buồn. Các họa sĩ của Tangled đã thật tinh tế khi cho Pascal đổi sang màu xanh (blue - buồn) những khi Rapunzel u sầu. Chú ngựa láu lỉnh Maximus có lẽ là nhân vật được yêu thích nhất trong phim. Maximus đã khiến khán giả cười từ đầu đến cuối với những hành động rất giống loài cẩu của mình. Cũng như Pascal, Maximus không nói một lời nào, nhưng chỉ cần nhìn vào nét mặt được thể hiện hết sức biểu cảm của chú là người xem có thể thấy được tinh thần trách nhiệm của chú khi săn đuổi Rider hay vẻ bất đắc dĩ khi phải làm hòa với anh.




Hai nhân vật “không lời” còn lại chính là vua và hoàng hậu. Nhà vua đã khiến người xem như muốn khóc theo khi ông lặng lẽ đứng nhìn vợ mình thả chiếc đèn trời đầu tiên với giọt nước mắt lăn dài trên má. Ở đoạn cuối, khi anh lính hớt hả chạy vào phòng vua và hoàng hậu, không nói gì ngoài một cái khẽ gật đầu, vua và hoàng hậu cũng liền hối hả chạy ra, hồi hộp mở cửa, để rồi trông thấy Rapunzel và Eugene đang đứng đó. Hoàng hậu chạy đến bên Rapunzel, khẽ đặt tay lên má cô, rồi ôm chầm lấy cô. Rồi nhà vua cũng chạy đến ôm lấy hai người, và những vòng ôm lại được vòng sang cả Eugene. Toàn bộ trường đoạn này không có lấy một lời thoại nào, nhưng cảm xúc thì quá đong đầy. Với vua và hoàng hậu, họ hạnh phúc vì đã tìm thấy cô công chúa bị thất lạc 18 năm qua; với Rapunzel, cô hạnh phúc vì đã tìm được gia đình đúng nghĩa của mình; và với Eugene, anh hạnh phúc vì đã tìm thấy giấc mơ mới của mình.



Cảm xúc
Như đã nói ở phần đầu, “Tangled” là một bữa tiệc cảm xúc đúng nghĩa. Ngoài những tiếng cười vang sảng khoái trước những trò quậy của Pascal và Maximus, những giây phút lãng mạn tuyệt vời giữa Rapunzel và Eugene, người xem còn có dịp trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác.

Đó là nỗi cảm thương cho cô gái Rapunzel bé bỏng phải quanh quẩn suốt đời trong tháp tối, chỉ mong thấy được những thứ lấp lánh bay lên trời vào đúng ngày sinh nhật mỗi năm mà cô bé tin rằng đó không phải là những ngôi sao. Đó còn nỗi xót xa khi nhìn thấy Rapunzel bé bỏng với niềm tin bị tổn thương, khi đứng nhìn bóng của chàng trai mình đã tin tưởng đang ngồi trên thuyền và trôi xa khỏi cô cùng chiếc vương miện, đúng như những gì mẹ Gothel của cô đã cảnh báo. Dẫu biết hiểu lầm rồi cũng sẽ được giải quyết nhưng sao vẫn thương cho Rapunzel lúc ấy quá. Cảnh Rapunzel chần chừ, nấn ná, suy tính ngược xuôi trước khi quyết định lên đường cùng Flynn Rider được thể hiện bằng những khung hình hài hước khiến khán giả cười ầm, nhưng xem ra đó như một cách “nói giảm” về sự dằn vặt mà Rapunzel mang trong mình trước một bước ngoặc quá lớn trong đời mình, và đó cũng là sự dằn vặt về tình cảm mà cô dành cho Gothel – đó thực sự là tình mẹ con như cô vẫn được dạy như thế, hay là một cái gì khác?

Trên hết, cảnh gây bất ngờ nhất, cảm xúc nghẹt thở nhất vẫn là lúc Eugene, trong cơn hấp hối, quyết định cắt phăng mái tóc của Rapunzel. Một hành động làm Gothel ngỡ ngàng, và cả khán giả cũng thế. Không ai có thể ngờ lấy một cách giải quyết như thế trước tất cả những gì đã diễn ra. Nét cắt của Rider mạnh mẽ, dứt khoát, cũng như đòn kết liễu đầy kịch tính cho mọi mâu thuẫn trong phim.

Kết
Khi những khuôn hình cuối cùng khép lại, đèn trong rạp bật sáng, tôi vẫn cứ nhấn nhá không muốn ra về, như muốn níu giữ những trải nghiệm vừa có được khi xem “Tangled”. Một bộ phim quá hay, quá ý nghĩa, quá cảm xúc như thế này thật xứng đáng trở thành chủ nhân mới nhất cho danh hiệu “phim hoạt hình yêu thích nhất” của riêng tôi, và chắc hẳn là của không ít các bạn khác.

Comments

Popular posts from this blog