Đọc Nghiệt Duyên, nghĩ về những mối tình oan nghiệt


Review Nghiệt Duyên, tiểu thuyết bán chạy nhất Thái Lan hơn 45 năm qua.

Quyển sách khổng lồ, in khổ bự, chữ dàn tràn lề, mà đã gần 600 trang. Nếu in khổ thông thường, chắc phải đến 800 trang. Đêm qua đọc một mạch ¼ cuốn cho đến hết, sáng ngủ dậy cảm thấy toàn thân ê ẩm vì sách nặng quá.

Điều đầu tiên cần nói về quyển sách này là khen cho từ "Nghiệt duyên" của dịch giả, vì nó quá hay và bao quát được mối tình ngang trái nhiều đắng cay trong truyện. Cái nghiệt ngã của mối tình giữa cô gái Thái và chàng sĩ quan Nhật chiếm đóng, nó làm đau lòng cả người trong cuộc lẫn người đọc, và kết thúc không hề có hậu của truyện cũng thật khắc nghiệt.

Tựa gốc tiếng Thái, Koo Kam (คู่กรรม), không rõ là gì, Google Translate thì ra là 'double action', còn một trong các tựa tiếng Anh thì là Fated Love, không thể hay bằng "nghiệt duyên" được.

Nghiệt duyên như tên gọi của nó là mối tình rất nghiệt giữa hai người ở hai bờ chiến tuyến của Đệ nhị thế chiến. Mở đầu hơi dài dòng, đến khúc giữa bắt đầu hay và phần cuối thì chỉ muốn đọc nhanh để biết kết cục, dù cuối cùng là chẳng có happy ending.

Thật ra, motif của những mối tình oan trái như vậy không mới, và các cách cố chấp của nữ chính thật khiến người ta bực mình, như phim Hàn Quốc. Còn nam chính thì gọi theo ngôn ngữ bây giờ chắc là soái ca chánh hiệu nai vàng.

Truyện ngồn ngộn tư liệu lịch sử, lần đầu tiên mình biết Thái lan đã trải qua những gì trong WWII. Cần phải hiểu bối cảnh lịch sử của truyện mới cảm được câu chuyện và nắm bắt được tâm lý của nhân vật. Thật may, dịch giả vô cùng có tâm, đã cung cấp các thông tin cần thiết về quan điểm chính trị của Thái khi Nhật chiếm đóng vào những năm 1942-45 để người đọc hiểu thêm.

Có thể tóm gọn, nghiệt duyên là chuyện chàng sĩ quan Nhật đem lòng yêu cô gái Thái, vốn đang mang lời hẹn ước chờ người yêu 5 năm du học trở về, khi quân đội Thiên Hoàng chiếm đóng Thái Lan để làm bàn đạp xâm lấn các nước Đông Á khác. Thái buộc phải về phe Nhật vì tương quan lực lượng không tương xứng, nhưng dần dần cũng có các thành phần cách mạng âm thầm bày mưu để đánh đuổi quân Nhật.

Trong bối cảnh đó, cô gái Thái khó có thể yêu chàng trai Nhật, ít nhất là trong giai đoạn đầu. Tình cảm ấy dần dần thay đổi ở nửa sau của thiên tiểu thuyết. Chuyện yêu mà không nói ra, phải đè nén, vì nhiều lý do, không mới. Và nó chỉ khiến người đọc bực mình vì họ muốn câu chuyện kết thúc lẹ đi. Nhân vật có lý lẽ của riêng họ, còn chúng ta có mong đợi của riêng mình. Khiến cho độc giả dù bực bội, không đồng tình, nhưng vẫn đi đến tận cùng cuốn sách, cũng là tài năng của nhà văn vậy.

Vậy Nghiệt duyên có đáng đọc không? Câu trả lời là có, dù ta cũng có thể coi phim (nghe nói Thái Lan liên tục dựng đi dựng lại tiểu thuyết này cho cả truyền hình lẫn màn ảnh rộng).

Nghiệt duyên sẽ rất dễ đọc với người Việt, bởi sự tương đồng trong cả văn hóa lẫn địa lý, những cảnh sông nước, những phong tục miêu tả trong sách, không có gì khó hiểu với độc giả Việt. Và cả chuyện chiến tranh. Ai có thể hiểu rõ về sự tàn khốc của chiến tranh, ít nhất qua văn học, hơn người Việt Nam? Những bom đạn gào thét, những hoạt động bí mật của những người cách mạng trong sách dễ hình dung và dễ hiểu, bởi nó cũng được nói rất nhiều trong văn học Việt.

Cái “nghiệt” ở Nghiệt duyên là vấn đề sắc tộc Nhật - Thái, và vì chiến tranh. Nhiều nhân vật khác nhau trong sách, không dưới một lần, đều tiếc nuối “giá mà anh không phải là người Nhật”, “giá mà không có chiến tranh”. Nhưng trong những mối tình nghiệt ngã ấy, không có chỗ cho chữ giá như.

Hãy nghĩ đến những “nghiệt duyên” khác. Như Triệu Mẫn, thân là quận chúa Mông Cổ lại đem lòng yêu Trương Vô Kỵ, người nhận trách nhiệm lãnh đạo quần hùng đánh đuổi bọn Thát Đát ra khỏi Trung Nguyên.

Triệu Mẫn cũng từng nói đại ý nếu không phải quận chúa mông cổ mà chỉ là một cô gái trung nguyên bình thường, cô chắc chắn sẽ chiến thắng được Chu Chỉ Nhược để giành lấy tình yêu của Vô Kỵ. Cuối cùng thì Triệu cô nương cũng từ bỏ anh và cha, bỏ hết địa vị vương giả của mình để theo chàng giáo chủ Minh Giáo du sơn ngoạn thủy…

Cũng trong Ỷ thiên đồ long ký, một mối tình oan nghiệt khác là Hân Tố Tố thuộc Minh Giáo (mà quần hùng vẫn gọi Ma giáo) và Trương Thúy Sơn. Hai bên kẻ chính kẻ tà, đem lòng yêu nhau, chẳng phải oan nghiệt quá hay sao?

Lại nói cuộc tình chính-tà khác là Kỷ Hiểu Phù, đại đệ tử Nga My, lại sẵn lòng tử bỏ hôn ước với người chính phái là Hân Lợi Đình của Võ Đang để đến với Dương Tiêu, cánh tay trái của giáo chủ Minh giá. Đó cũng là nghiệt duyên nhưng Kỷ Hiểu Phù không hề hối tiếc.

Rốt cuộc thì tất cả cũng có thể vượt qua mọi rào cản, định kiến để đến với nhau, vấn đề là có đúng lúc hay không. Nếu Triệu Mẫn cuối cùng có thể ở bên Vô Kỵ mãi mãi, thì Tố Tố và Thúy Sơn chỉ có thể bên nhau dưới chốn tuyền đài. Hiểu Phú để lại cho Dương tả sứ đứa con gái mang tên Bất Hối, và chính cô cũng bắt đầu một nghiệt duyên khác với người tình đã bị mẹ cô phụ bạc khi xưa.

Trở lại chuyện nghiệt duyên của Thái, Angsumalin chỉ dám vứt bỏ tất cả để nói câu yêu người khi tất cả đã quá muộn, mang đến cái kết nghiệt ngã và đau buồn.

SƠN T. LƯƠNG

(Photo: Facebok Nhã Nam)

Comments

Popular posts from this blog