Review: Những chấn thương tâm lý hiện đại (2016)


Đọc tập "Những chấn thương tâm lý hiện đại" của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, chuyện mười năm trước mà ngỡ như hôm nay.

Vương Trí Nhàn không phải là cái tên xa lạ với những người chú ý để thể loại phiếm luận trên báo chí. Ngày trước mình vẫn thường đọc các bài của ông và từng nghĩ giá ông ra sách, đọc một loạt bài thì hay biết mấy. Thì đây hôm nay ông đã ra sách thật.

Tập sách 230 trang với 60 bài viết được đăng rải rác trên báo chí từ khoảng 2006 đến 2009, được tác giả tập hợp lại in thành sách.

Chính mốc thời gian này mới là điều đáng chú ý, bởi hóa ra những câu chuyện này đã được viết dựa theo những diễn biến thời sự từ cách đây đúng 10 năm, mà sao nghe như chuyện hôm nay. Lướt qua mục lục, dễ lầm tưởng sách mới được viết năm ngoái, khi các thói tật của người Việt và xã hội được tác giả nhắc đến, chẳng gì xa lạ ngoài "cái vội", "cái hung hãn", "mệt mỏi, bừa bãi, buông thả", "tham lam", "vô cảm" của người mình.

Quyển sách in lần đầu năm 2009 và tái bản sau bảy năm, chính vì thế, không hề lạc lõng và tin rằng có rất ít chỗ tác giả phải chỉnh sửa, cập nhật bởi những vấn để phiếm đàm trong sách hầu như vẫn y nguyên, không chịu thay đổi sau ngần ấy năm.

Đọc mới thấy hóa ra người ta cũng mau quên thật. Có những chuyện khi nó mới xảy ra, ta cũng bức xúc, cũng ngao ngán lắm. Ấy rồi bẵng đi cũng quên biệt, đến khi đọc sách mới giật mình, hóa ra.

Tác giả bàn chuyện bánh chưng bánh giầy to cộ để cúng cụ từ những năm 2004, thì có khác gì bánh chưng 2,5 tấn của Đầm Sen mới giỗ tổ vừa qua. Tác giả than phiền cái cố tật hễ ra đường là chỉ có biết đến mình, cứ cắm đầu mà phóng về phía trước, há chẳng phải những thứ vẫn đang diễn ra hằng ngày đó sao? Chuyện người quê ra phố, người "bống dưng giàu" nhưng không thôi được lối cư xử làng xã, chắc còn lâu mới là quá vãng.

Nhiều bài viết trong sách xoay quanh sự kiện VN chính thức gia nhập WTO (2007), nội dung tựu trung vẫn là VN chưa sẵn sàng cho cuộc chơi lớn. Mười năm nhìn lại, thay WTO bằng TPP, những bài viết trong sách vẫn còn nguyên giá trị. Những lời khuyên, cảnh báo, về "cơ hội và thách thức" người ta chỉ ra cho VN trước thềm WTO 10 năm trước giờ lại lặp lại, chứng tỏ một thập niên trôi qua, chúng ta vẫn chả rút ra được bài học gì hay thay đổi gì, mọi thứ cứ là vòng lặp luẩn quẩn.

Một nét độc đáo khác là tác giả, vốn là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, rất thường so chuyện hôm nay (thật ra là hôm nay của thập kỷ trước) với những chuyện xưa cũ, từ cách đây bảy tám chục năm, bằng cách trích những tác gia lớn như Thạch Lam, Nam Cao, rồi Nguyễn Minh Châu, cùng các tên tuổi nước ngoài như Chekov, Dostoevsky.

Hà Nội của ngày tháng cũ, những nền nếp được người xưa thực hành nghiêm túc, như tác giả nói, "thường xuyên trở về trong tâm trí tôi", để rồi nó làm nổi bần bật lên cái thế sự đương thời, làm sâu sắc hơn những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực trong cách người ta sống, đối đãi với nhau, cũng như cách xã hội vận hành.

Cái tinh thần trông việc nay mà nhớ việc xưa được chính tác giả đúc kết: "Có phải chúng ta đã thay đổi đến khó ngờ? Thời gian mang lại cho con người rất nhiều nhưng cũng lấy đi rất nhiều. Không thể luyến tiếc, nhưng phải nhớ rằng nhiều cái tốt đẹp đã bị đánh mất"

Đương nhiên, tác giả không phiến diện đến mức cho rằng tất cả những gì thuộc về thời xa vắng đều đẹp, đều tốt hơn hôm nay. Ông vẫn thẳng thắn chỉ ra những cố tật đã có từ hàng chục năm trước mà đến nay chẳng hề thay đổi mà còn trầm trọng hơn. Cố nhiên, những cây đại thụ của dòng văn học hiện thực phê phán như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan sẽ được trích dẫn nhiều nhất để minh chứng cho những vấn đề như vậy.

Vậy rốt cuộc, "những chấn thương tâm lý hiện đại" là gì? Tác giả lý giải, chấn thương đó, nói cách khác, chính là "cái vạ chết lòng", nghĩa là xác tuy còn đó nhưng tấm lòng đã chết.

"Không còn phân biệt đúng sai, mất lòng tin ở chung quanh và chính mình, không còn cảm thấy cái gì là thiêng liêng, nghe mấy chữ “tình người“ giống như một lời đùa cợt, thấy ai giàu...lập tức nghĩ ngay rằng người ấy không làm ăn bất hợp pháp thì cũng tham nhũng, ăn cắp..."

Vương Trì Nhàn cho rằng tình trạng "một cái chết dần mòn của những gì tốt đẹp" không xa lạ với nhiều người, và với người lớn tuổi, nó gây ra cái vòng lặp "Ta tìm cách chống lại. Rồi ta có vẻ khỏi bệnh. Rồi ta lại mắc tiếp", nhưng với người trẻ, thì tai hại hơn nhiều.

"Đến như lớp trẻ thì bệnh trạng phát triển rất nhanh và nhiều trẻ đang nhoài ra khỏi tầm tay chúng ta để sống với niềm tin của những kẻ sống để trả thù đời, bất cần, phá phách. Khi người ta trẻ thì các chấn thương càng nặng."

Quan điểm về "chấn thương tâm lý hiện đại" nói trên được Vương Trí Nhàn đưa ra từ năm 2009. Sau bảy năm, khó có thể nói định nghĩa này đã lạc hậu, mà trái lại, thực tế đôi khi còn ghê gớm hơn những gì tác giả khái quát.

Nhưng rốt lại, ta thuộc dạng nào khi mắc phải "chấn thương" trên? Là người lớn tuổi để cố chống chọi, tìm lại thời quá khứ hòng cứu vãn hiện tại, hay là người trẻ để buông xuôi?

Câu trả lời xin dành riêng mỗi người.

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog