Nhân đọc Sống Mòn - Nam Cao

Nhân lần đầu đọc trọn vẹn Sống mòn của Nam Cao.

Kể từ lần đầu tiên được học hồi cấp ba, Nam Cao đã trở thành tác giả mình thường xuyên đọc đi đọc lại, nhất là những Chí Phèo, Đời thừa, Giăng sáng và Đôi mắt. 

Vậy mà hóa ra cho đến hôm nay mình mới đọc trọn vẹn Sống mòn. Đọc Nam Cao ở tuổi trưởng thành, mới thấy ngày xưa học sinh thì làm sao hiểu hết được những tác phẩm này. Tuổi ăn tuổi học thì làm sao thấm thía cái cảm giác muốn làm nhiều thứ, những ước mộng đẹp đẽ và chính đáng, hay đơn giản chỉ là cái mộng văn chương, bị cái nghèo, mà nối theo là cái hèn, cái tủi, đè nén và bóp nghẹt?

Mình đọc Sống mòn khi ở độ tuổi và hoàn cảnh nếu nói giống thì cũng không phải, nhưng khác thì cũng không hẳn là khác với nhân vật chính, ông giáo Thứ. Vẫn biết mình hiện tại thì đã nghĩa là gì với những nhân vật trong Sống mòn, và mình nào có mắc phải những bi kịch không lối thoát, hoàn cảnh chưa khốn khó đến nỗi phải đánh mất chính mình và trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi, hay đố kị. Ấy vậy mà vẫn thấy nhiều đoạn, nhiều câu cực kì thấm thía. Ngày xưa đi học cũng thuộc biết bao nhiêu câu dẫn từ Nam Cao, kiểu "nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, không cần là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than..." 



Đành chép lại đây vài đoạn nhức nhối, để sau này có muốn xem lại, so thử hoàn cảnh suy nghĩ lúc bấy giờ đã có khác gì không, thì cũng là được phần tiện lợi vậy.

Như ở đoạn này về nguyên cái sự ích kỷ nhỏ nhoi của con người cũng là ở hoàn cảnh, sau 70 năm, liệu còn có đúng?

"Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái cuộc sống lầm than, nó đã bắt buộc người ta ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam"

Hay đoạn này, dù rằng có khác nhau, nhưng kẻ ngụ cư ở thành phố lớn ở thời nay, vào những phút yếu lòng, có khi nào cám cảnh tương tự?

"Y không khát, y nhắc chén nước lên, nhấp từng ngụm nhỏ như một người uống trà tàu, đôi mắt đờ đẫn nhìn bức tường đen mốc nhà bên cạnh [...] Nhắp chén nước, vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo của đời y. Làm đến chết người đó, chỉ để được ngày vài bữa cơm rau đổ vào mồm, rồi đêm ngủ một mình, tưởng nhớ đến vợ con. Trong khi ở nhà quê cũng vậy, làm đến chết người, cũng chỉ vì mỗi ngày mấy bữa cơm, ngoài ra, chẳng hề có một cái lạc thú gì khác nữa, chẳng có một cái hy vọng gì hơn nữa. Cuộc đời như thế kéo dài đã mấy năm rồi. Nó còn kéo dài ra năm năm, mười năm, hai mươi năm... biết đến bao giờ? Thứ hoảng hốt nhận ra rằng đời y rất có thể cứ thế này mãi mãi, suốt đời. Hoảng hốt như là y mới nhận ra cái điều thất vọng ấy lần đầu. Thì xưa nay y vẫn ngấm ngầm hy vọng vào một cái gì mãi đó ư? Y vẫn cho rằng cuộc đời hiện tại của y chỉ là một cuộc sống tạm bợ mà thôi. Y vẫn đợi chờ một cái gì, một cuộc đổi thay. Căn cứ vào đâu? Thứ mở to đôi mắt, sợ hãi, nhận ra rằng bao nhiêu năm nay y đã sống như mơ ngủ vậy. Ôi chao! Còn cách gì có thể thay đổi được đời y?

Và kẻ thị dân thời hiện đại, làm quần quật, không đến nỗi túng thiếu, nhưng cái ngày thoát khỏi cái gánh nặng áo cơm thì hãy còn xa lắm, nghĩ gì khi đọc những đoạn này?

"Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp quá ư loài vật, chẳng biết việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì. Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm gì sát đất."


Comments

Popular posts from this blog