Đâu là giới hạn của chia sẻ trên mạng xã hội?

Khi người ta sẵn sàng cho cả thế giới thấy cảnh chính mình tự tử hay một người chết dần trong vũng máu qua live-stream, công nghệ này sẽ còn có thể “tiếp tay” cho cảnh tượng nào ghê hơn thế nữa?

Live-stream hiểu đơn giản nhất là quay video bằng thiết bị di động và phát trực tiếp theo thời gian thực thông qua một nền tảng trên Internet. Hãy hình dung câu chuyện sau để thấy vì sao live-stream dễ dàng được người dùng ưa chuộng.

Ta đã quá quen với hình ảnh đám đông tụ tập trước một biến cố gì đó, như một vụ cháy nhà chẳng hạn. Ở thời “tiền mạng xã hội”, đám đông chỉ có thể chỉ trỏ, bàn tán xôn xao rồi thôi. Cùng lắm là họ mang câu chuyện về nhà “tám” với bất kỳ ai mình gặp.

Rồi khi mạng xã hội ra đời, đám đông hí hoáy chụp hình cảnh cháy nhà, đưa ngay lên Facebook hay Twitter để “câu like”. Khi có live-stream thì sao? Ta sẽ mời cả thế giới cùng chứng kiến (và bàn luận rôm rả) cảnh nhà cháy ta đang thấy chỉ bằng vài thao tác trên smartphone.

Live-stream đang là cuộc chơi mới của giới công nghệ, từ các “ông lớn” Facebook, YouTube và Twitter (mua lại Periscope) đến Meerkat, YouNow và hàng tá ứng dụng tương tự dù ít tên tuổi hơn. Tuy nhiên đi kèm với những tiện ích, rõ rệt nhất là “biến bất kỳ ai có smartphone thành một đài truyền hình có chức năng phát trực tiếp”, công nghệ đang hớp hồn cả thế giới này có nhiều mặt tối.


Từ share đến overshare

Trong khi Việt Nam đang loay hoay làm sao để ngăn cảnh nóng trên một ứng dụng live-stream xuất phát từ Singapore, thế giới cũng đang đau đầu trước câu hỏi: liệu có thể đưa “nội dung video” mà ai cũng có thể sản xuất và phát đi vào một khuôn khổ đạo đức hay luật pháp nào không?

Các tranh cãi xoay quanh vấn đề này lập tức bùng nổ trở lại khi một phụ nữ dùng Facebook Live để trực tiếp cảnh bạn trai (người da màu) nằm thoi thóp trong vũng máu sau khi bị một cảnh sát da trắng bắn bốn phát đạn ở thành phố Falcon Heights, bang Minnesota (Mỹ) hôm 7-7.

Đoạn video, thu hút đến 4 triệu lượt xem trong vòng 24 tiếng, cho thấy nạn nhân Philando Castile gục trên ghế, phía cửa sổ là cánh tay cầm súng của viên cảnh sát chĩa vào và giọng nói của người quay - Diamond Reynolds. Reynolds chỉ có thể “tường thuật” sự việc được vài phút trước khi nức nở “đừng nói với tôi là anh ấy chết rồi nhé” khi nhận ra bạn trai mình bất động trong vũng máu. Facebook đã phải gỡ đoạn video nói trên và chỉ đăng trở lại sau khi đã thêm dòng cảnh báo “video có cảnh bạo lực, cần cân nhắc trước khi xem”.

Không phải đợi đến khi hình ảnh một người đầy máu me chết dần được phát trực tiếp trên Facebook người ta mới bàn đến giới hạn của live-stream.

Dù không phải là người tiên phong trong lĩnh vực live-stream, song Facebook Live lại có công “phổ biến hóa” công nghệ này nhờ số người dùng khổng lồ 1,65 tỉ người. Chỉ mới ra mắt hồi tháng 4, Facebook đã kịp chứng tỏ live-stream là một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của mình.

Mark Zuckerberg còn cho ra mắt cả trang Facebook Live Map, giúp người dùng theo dõi ai đang phát live trên toàn thế giới mà nhảy vào xem. Có thể xem cuộc “cách mạng live-stream” hiện mới ở giai đoạn đầu bởi Facebook Live chưa tròn 6 tháng tuổi, còn Periscope mới ra mắt hồi tháng 3-2015.

Những người trong cuộc có thể cho rằng cần thêm thời gian để lĩnh vực non trẻ này đặt ra được cơ chế vận hành và kiểm soát nội dung hoàn hảo. Nhưng thực tế cho thấy cơ chế đó nên được đặt ra càng sớm càng tốt.

Trước vụ cảnh sát bắn người da màu ở Minnesota, thế giới cũng đã chứng kiến quá đủ các buổi phát trực tiếp từ kỳ quái đến khủng khiếp, không chấp nhận được. Trung tuần tháng 6, báo chí đưa tin tên khủng bố IS Larossi Abballa đã sát hại một cảnh sát Pháp cùng vợ ông này trước mặt con nhỏ của họ và phát trực tiếp cảnh man rợ này trên Facebook của hắn.

Thậm chí một phụ nữ tên Lindsay Holding ở Minneapolis cũng dự tính live-stream cảnh mình sinh đứa con thứ hai “cho khoảng vài chục người thân” theo dõi, như trang Star Tribune đưa tin. Có rất nhiều ví dụ kỳ quặc để người ta đặt ra vấn đề khi nào thì chia sẻ (share) trở thành chia sẻ quá đà (overshare)? Vì chúng ta có thể phát “live” bất cứ lúc nào không có nghĩa là chúng ta nên làm thế.

Vì sao mê mẩn live-stream?

Khi ta live-stream, nội dung mà “khán giả” đang xem cũng chính là những thứ đang diễn ra trong thời gian thực. “Đó là một phương thức giao tiếp mạnh mẽ vì không có cách gì biết được chuyện gì sắp xảy ra hay sắp có vấn đề gì không” - Shayla Stern, chiến lược gia kỹ thuật số cấp cao tại Công ty tiếp thị Fast Horse, nói với Star Tribunengày 7-7.

“Bạn sẽ không thể phớt lờ một đoạn video hấp dẫn đang phát live” - Shayla Stern.

Tương tự, Valerie Belair-Gagnon, giáo sư Đại học Minnesota, cho rằng công nghệ live-stream cho phép người xem “trải nghiệm các sự kiện trực tiếp, không qua bộ lọc nào, như thể chúng xảy ra ngay trước mắt họ”.

Tuy nhiên, chính những yếu tố “trực tiếp” và “không bộ lọc”, thứ giúp live-stream hấp dẫn người dùng, cũng khiến công nghệ này không lọc được nội dung tốt và xấu trước khi đưa đến người xem. Facebook Live không chỉ được dùng để chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ, mà còn là những cảnh tự tử, hãm hiếp hay bạo lực.

Mark Zuckerberg từng nhấn mạnh Facebook Live sẽ cung cấp các nội dung “raw”, tức nguyên chất, chưa qua xử lý đến người dùng. Washington Post cho rằng đây chính là nghịch lý: nội dung không qua cắt gọt hấp dẫn người dùng, nhưng lại rất khó “làm sạch” để không vi phạm pháp luật hay các quy tắc đạo đức.

Cần nhớ các video có cảnh bạo lực, máu me lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội có thể gây tác động “truyền nhiễm”, tức kích thích các hành vi bạo lực tương tự từ họ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Nếu các đài truyền hình chính thống ít nhiều đều phải tuân thủ các tiêu chuẩn về nội dung để có thể phát sóng trực tiếp và luôn có độ trễ khi phát “live” để kịp xóa các hình ảnh bạo lực hay không phù hợp, người dùng live-stream không bị bất kỳ quy định nào chi phối.

Reuters ngày 8-7 cho rằng vụ truyền hình trực tiếp cảnh chết người ở Falcon Heights đã làm nóng lại tranh cãi về tính pháp lý và đạo đức của các ứng dụng live-stream. Reuters cho rằng “thiếu các nội dung quản lý có thể khiến (người dùng live-stream) khai thác một cách bất nhẫn các thảm kịch”.

“Những người này sẽ làm mọi thứ, miễn là có nhiều người xem và like, bất chấp các hệ quả về luật pháp” - Reuters dẫn lời giáo sư luật Mary Anne Franks thuộc Đại học Miami.

Thực tế với người dùng live-stream, điều cần quan tâm là các đoạn video của họ sau khi được phát trực tiếp sẽ được lưu trữ thế nào, có dễ phát lại không hơn là các vấn đề về đạo đức và pháp luật.

Như vậy nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ live-stream hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm? Có thể nói là như thế. Ít nhất Facebook hay Twitter sẽ không phải chịu trách nhiệm về các nội dung gây tranh cãi hay thậm chí phạm pháp do bên thứ ba (tức người dùng) đưa lên nền tảng của họ, “miễn là họ có chính sách rút các nội dung vi phạm đó xuống”, theo Reuters.

Tuy nhiên, thách thức dành cho Facebook, cũng như các nền tảng live-stream khác, là làm sao phản ứng kịp thời khi người dùng phát trực tiếp những thảm kịch hay nội dung nhạy cảm, bạo lực hoặc gây tranh cãi lên mạng.

Để làm điều này, các mạng xã hội hiện phụ thuộc rất nhiều từ việc báo vi phạm của chính người dùng. Điều này có nghĩa nếu muốn Facebook hay Twitter gỡ bỏ nội dung không phù hợp đang phát trực tiếp, người xem phải lập tức báo cáo. Các báo cáo vi phạm đó cần được quản trị viên xem xét và đôi khi họ hành động không nhanh như mong muốn.

Thực tế người xem đã chứng kiến toàn bộ cảnh tự tử hay hãm hiếp được trực tiếp mà không có sự can thiệp nào từ Periscope hay Twitter.

Và ở vị trí người xem, có lẽ chúng ta cũng phải tự chịu trách nhiệm trong việc làm “khán giả thông minh”, tức biết chọn thứ gì nên xem, như lập luận của Alfred Hermida - giáo sư báo chí, truyền thông xã hội thuộc Đại học British Columbia.

“Chúng ta phải là người tiêu dùng truyền thông thông minh, tức không cổ xúy các hành vi đạo đức bằng việc click và xem (các video đó)” - ông nói với Đài CBC.

Vẫn có mặt lợi

Dù còn tranh cãi nhưng công nghệ live-stream vẫn xứng đáng được nhìn nhận khách quan về các mặt tích cực của nó. “Live-stream trang bị cho mỗi “nhà báo công dân” công cụ có thể chia sẻ các video nguyên bản, không bị cắt cúp hay can thiệp về các sự kiện thời sự nóng bỏng - Star Tribune viết - Hãy tưởng tượng những người có mặt tại tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới có thể phát live sự việc ngày 11-9-2001 mà xem?”.

Bues Benjamin Burroughs, giáo sư chuyên nghiên cứu các loại hình truyền thông mới thuộc Đại học Nevada, cũng cho rằng không nên phê phán live-stream chỉ vì nó còn những mặt tối. “Hàng triệu video phát trực tiếp đã giúp chúng ta cười, thu hẹp khoảng cách hoặc giúp ta tiếp cận nhiều thứ mới mẻ” - Burroughs nói với Washington Post.

Vị giáo sư này cũng cho rằng việc phát live cũng giúp người xem thấy được đúng bản chất của sự việc, thứ có thể không xảy ra nếu ta xem sự việc đó qua bản tin đã qua xử lý của truyền hình chính thống.

Có một trào lưu live-stream khác ở Trung Quốc, Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, công nghệ live-stream lại tạo ra những trào lưu, xu hướng mới khá kỳ quái, nhưng đều có điểm chung là xuất phát từ sự cô đơn của người trẻ trong xã hội. Chẳng hạn trào lưu mukbang ở xứ kim chi, những cô gái chuyên phát trực tiếp cảnh mình ăn tối với hàng tá đồ ăn (có khi đủ cho 6 người).

Luôn có cả ngàn người sẵn sàng ngồi trước màn hình theo dõi và tặng bong bóng ảo (có thể đổi thành tiền mặt) cho người ăn. Rachel Ahn, “thánh ăn” nổi tiếng của Hàn Quốc với biệt danh Aebong-ee, thường có 1.000 người theo dõi trong mỗi buổi phát sóng và số bong bóng cô gái này nhận được sau đó đổi được đến 200 USD.

Người ăn không chỉ đơn giản là thanh toán hết đống đồ ăn khổng lồ, mà phải... ồn ào như húp xì xụp hay nhai nhồm nhoàm càng tốt. Người xem cũng có thể chat để yêu cầu người trình diễn gắp đồ ăn đưa đến gần camera hơn hay giả vờ mời, đút họ ăn. Tất cả diễn ra trong 3 giờ cho mỗi “show diễn”.

Vì sao trào lưu kỳ quái này lại thu hút đến thế? Rachel Ahn nói với Đài NPR (Mỹ) rằng nhiều khán giả của cô là nữ giới đang ăn kiêng và xem cô ăn ngấu nghiến một bữa đại tiệc cũng là một cách để họ “ăn gián tiếp”.

Hahn Yeh Seul, giám đốc tiếp thị số của AfreecaTV - công ty cung cấp nền tảng live-stream cho các “thánh ăn”, lại cho rằng do Hàn Quốc hiện có quá nhiều người đang sống độc thân nên họ muốn giải khuây bằng cách “quây quần quanh bàn ăn tối và trò chuyện, dù tất cả chỉ là ảo"

Hàng triệu người trẻ, độc thân, sống xa nhà và ít giao tiếp xã hội cũng chính là lượng người ủng hộ nhiệt thành một trào lưu live-stream khác ở Trung Quốc: xem những người bình thường làm những việc vô cùng bình thường trực tiếp trên mạng. Trên Inke, một trong số hơn 200 start-up cung cấp dịch vụ live-stream Trung Quốc, có thời điểm có đến 600.000 người cùng phát trực tiếp, nhưng nội dung các video không gì khác hơn là cảnh họ (phần lớn là nam giới độc thân) làm những việc như ăn tối, coi tivi… “Sự phổ biến của điện thoại di động và sự cô đơn do quá trình di cư quá nhanh đã khiến người ta ngày càng sẵn sàng chấp nhận kết nối theo kiểu này” - Jia Wei, giám đốc sản phẩm live-stream của ứng dụng Momo, nói với Bloomberg.

Trung Quốc cũng có những ứng dụng live-stream mà người trình diễn được người xem tặng quà và tiền như ở Hàn Quốc. Điều này khiến nhiều người phải cố nghĩ ra trò càng quái càng tốt để thu hút người xem. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc cũng theo dõi rất sát sao để ngăn các nội dung bạo lực, khiêu dâm hay phá hoại nhà nước được phát sóng. Trung Quốc từng cấm phát live cảnh ăn chuối một cách khiêu gợi vốn rất phổ biến hồi tháng 5.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog