[Review] Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất

Review nhanh vế quyển sách 'đọc mở hàng' năm 2017.

Phan An không để độc giả chờ lâu khi giải thích ngay tựa đề của quyển sách ở những trang đầu. Tựa sách là một câu trích trong một vở tuồng, mà có lẽ, ít người được biết. Và vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi phần đầu của sách, tác giả bộc bạch với người đọc nỗi day dứt của mình về nghệ thuật truyền thống của nước nhà ngày càng ít người biết đến. Cái đau đáu về sự mai một hiển hiện của những gì cổ truyền nhất thấm đẫm từng trang viết của tác giả, dù có lúc, cảm giác người viết hơi nhạy cảm quá, cả nghĩ quá. Rất may là cách viết, dù vậy, không ủy mị, không sến, nhưng phần nào gây cảm giác ‘ngán’ nơi người đọc.



Phan An vốn đã gây chú ý với Trời hôm ấy không có gì đặc biệt, thì ở tập tản văn này, những câu chuyện về thời sinh viên của một người học kiến trúc, của những ngày làm đồ án, lang bạt từ phòng trọ này đến xóm trọ kia, tiếp tục khiến người đọc thích thú, đồng cảm và hoài niệm, đôi lần phải ngừng tay giữa những lần giở sách, để mà nhớ lại thời sinh viên của chính mình.

Song nổi bật hơn cả là những bài Phan An viết về làng quê, cái làng quê nghèo khó, ở đâu đó xa tít, mà anh nhiều lần nhắc lại giữa những bài viết khác nhau. Cảm giác tác giả rất đỗi tự hào khi nhắc đến những địa danh mà có lẽ chỉ người làng anh, quê anh biết. Song anh không ngần ngại nhắc đến chúng, với tất cả lòng triều mến và yêu quê hương tha thiết.

Những bài hồi tưởng về tuổi thơ ở làng quê nghèo miền trung đó, còn hơn cả nhữngbài về thời sinh viên, lại làm dậy lên ở người đọc mối rung cảm về làng quê của chính họ, mà có lẽ nhiều người, khi đọc những gì Phan An viết, cũng đang không ở quê nhà, và hẳn, đã xa nhà hàng mươi năm. Quyển sách mỏng bỗng trở thành buổi triễn lãm kho từ vựng, phương ngữ mà có lẽ hàng chục năm rồi không còn nghe thấy. Những từ tưởng đã quên như bỗng nhiên nhớ ngay khi đọc thấy trong những dòng Phan An viết.

Tác giả dường như không quên bất cứ điều gì đã xảy ra trong thời thơ ấu, dù khi đó anh chỉ mới tám chín tuổi. Anh có thể hồi tưởng, phục dựng gần như hoàn chỉnh từng con dốc, bụi tre, khúc sông, cái giếng làng anh. Chúng ta có làm được như thế không? Cái làng quê và tuổi thơ chúng ta có còn in trong trí nhớ rõ mồn một như thế không? Hẳn chúng vẫn nằm đó, ngủ vùi trong quên lãng, và chỉ được đánh thức, một cách mạnh mẽ và nồng nhiệt, từ những câu chuyện nhớ hồi xưa của tác giả.

Có nhiều câu chuyện, cách kể, lối đối thoại, phản phất âm hưởng của Nguyễn Nhật Ánh, có thể là vì cả hai đều là người miền Trung, mà lại cùng Quảng Nam. Và vì lối kể mộc mạc, dùng những từ ngữ thôn quê, xưa cũ, lại có đôi chỗ đọc giống Nguyễn Ngọc Tư. Và cuối cùng, nếu biết tác giả chính là người đứng sau trang lacai.org, chuyên điểm mặt những trang mạng vớ vẩn, tào lao xịt bộp khi xưa, không khó để tìm những dòng những ý hài hước rất đậm nét riêng của tác giả.

Tết này, nếu vô tình trở lại quê nhà, hãy thử đọc Con chim khổng tước còn hót vang ngày mở đất. Bởi vì khi ta đang ở chính mảnh đất đã từng lớn lên, khi được nhắc nhớ về tuổi thơ qua những bài viết trong sách, kỷ niệm ắt sẽ ùa về nhanh hơn, rõ nét hơn, so với khi đọc sách ở chốn phồn hoa nào đó.


Comments

Popular posts from this blog