Tôi dư một ít bánh, bạn cần dùng không?





Trên thế giới này, người thừa, kẻ thiếu thực phẩm chẳng có gì lạ. Làm cách nào để có thể chia sẻ những thực phẩm dư thừa ấy cho người cần?

Nếu mọi bữa buffet sáng ở khách sạn hay tiệc trưa tại các hội thảo hoàn toàn không để lại chút thức ăn thừa nào, sẽ tốt cho thế giới biết bao?

Pete Pearson, giám đốc phụ trách chống lãng phí thực phẩm thuộc Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đã đặt vấn đề như thế khi công bố chương trình thí điểm kéo dài 12 tuần nhằm “ngăn những bữa ăn rốt cuộc lại bị tống vào thùng rác” hôm 21-3.

1/3 thức ăn không được... ăn
Những thông báo nhỏ nhắc nhở thế giới vẫn còn nhiều người không đủ ăn đặt cạnh các bàn buffet vốn không phải là điều xa lạ, nhưng dường như kêu gọi chống lãng phí thực phẩm như thế vẫn chưa phải là cách làm hiệu quả.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, khoảng 1/3 lượng thức ăn được sản xuất ra trên toàn thế giới sẽ chẳng bao giờ được ăn, bởi chúng sẽ hư hỏng ngay sau khi thu hoạch hoặc trong quá trình vận chuyển, hoặc do người tiêu dùng và các cửa hàng đổ bỏ.

Riêng tại Mỹ, người tiêu dùng và ngành bán lẻ đã đổ bỏ khoảng 66 triệu tấn thức ăn trị giá 162 tỉ USD trong năm 2010, theo số liệu của bộ nông nghiệp nước này. Cùng lúc đó, gần 800 triệu người trên khắp địa cầu phải ngủ mỗi đêm với dạ dày lép kẹp.


Đổ bỏ thức ăn không chỉ phí phạm lượng thực phẩm lẽ ra đã có thể giúp những người thiếu đói, mà còn lãng phí nước, năng lượng và nhiên liệu dùng để trồng, lưu trữ và vận chuyển chúng, chưa kể đến việc thức ăn ở các bãi rác sẽ sinh ra khí nhà kính độc hại trong quá trình phân hủy.

WWF vì thế đã kêu gọi được hơn 10 chuỗi khách sạn Mỹ, vào loại lớn nhất thế giới, tham gia nỗ lực giảm lãng phí trong ngành khách sạn.

Một trong các mục tiêu chính của sáng kiến này là tìm cách “định nghĩa lại” thực đơn để các bữa tiệc không trở nên lãng phí.

“Các đầu bếp khách sạn sẽ phải tìm cách để các thực đơn có thể dễ dàng được điều chỉnh nếu cần thiết, và thức ăn nếu có thừa thì cũng có thể dễ dàng tái sử dụng cho các bữa ăn khác - Pearson nói với Quỹ từ thiện Thomson Reuters Foundation - Thực tế là đâu có đầu bếp nào muốn lãng phí thức ăn”.

Chương trình do Hiệp hội Khách sạn và lưu trú Hoa Kỳ cùng Quỹ Rockefeller tài trợ cũng tập trung đào tạo kỹ năng cho nhân viên khách sạn và nâng cao nhận thức người tiêu dùng.

Các khách sạn thường để các mẩu ghi chú nhỏ trên khăn tắm hoặc drap trải giường, nhắn nhủ khách rằng nếu chưa thật sự cần thiết thì không nên yêu cầu giặt chúng để tiết kiệm nước.

Ngoài ra, theo Sunny Verghese - đồng sáng lập Công ty thực phẩm Olam, thành viên liên minh chống lãng phí thức ăn Champions 12.3, có thể ngăn lãng phí thực phẩm ngay từ nguồn, tức ở dạng nguyên liệu, chưa được chế biến thành món ăn.

Verghese đề xuất cung cấp kiến thức, kỹ năng và phương tiện cho nông dân và đầu tư vào kho bãi, hạ tầng để giảm tỉ lệ hư hỏng từ khâu trồng trọt, thu hoạch đến lưu trữ và vận chuyển.

Để làm được điều đó, chính phủ và các định chế tài chính cần chung tay để hỗ trợ về mặt tài chính và chính sách, theo Verghese. Và dĩ nhiên, người tiêu dùng cũng cần chung tay góp sức, chỉ đơn giản bằng cách “chỉ mua những thứ cần và hãy dùng những thứ đã mua”.

Kết nối người thừa - kẻ thiếu
Một số ứng dụng công nghệ cũng đã ra đời, góp phần chống phí phạm thực phẩm theo cách phổ biến trong “nền kinh tế chia sẻ”: kết nối người cần với người có.

Olio, ứng dụng do hai nữ doanh nhân người Anh sáng lập, kết nối người đang dư thực phẩm với người cần chúng. Mỗi khi trong nhà có dư đồ ăn, ví dụ nồi cà ri nấu hơi nhiều hay nửa chiếc bánh sinh nhật chưa ai đụng đến, người dùng có thể chụp ảnh chúng, viết vài dòng mô tả và đăng lên Olio.

Những người dùng Olio khác ở gần đó sẽ nhận được thông báo về món ăn đó. Nếu thích, họ sẽ gửi tin nhắn cho người muốn tặng thực phẩm và hẹn gặp để “nhận hàng”.

Báo Telegraph cho biết ý tưởng của Olio nhằm giải quyết thực tế 15 triệu tấn thức ăn bị đổ bỏ mỗi năm ở Anh, và gần một nửa số đó chính là từ các hộ gia đình.

Trang web Olio cho biết họ đã có gần 180.000 người dùng với gần 215.000 lượt thực phẩm được trao đổi. Ngoài việc ngăn thức ăn thừa bị đổ bỏ, những người sáng lập Olio tin rằng ứng dụng của họ cũng tăng tình làng nghĩa xóm.

Một ứng dụng khác là Unsung, được gọi là “Uber của đồ ăn”, cũng kết nối người dư thức ăn với người thiếu, song với cơ chế có khác Olio một chút.

Người tham gia Unsung (nghĩa là thầm lặng) có thể là cá nhân, chủ cửa hàng thực phẩm hay nhà hàng cũng sẽ đăng ảnh món ăn họ đang dư lên mạng xã hội của ứng dụng. Một mạng lưới tình nguyện viên sau đó sẽ đến các địa điểm đăng ký tặng đồ ăn và chuyển chúng đến các bếp ăn từ thiện hay mái ấm của người vô gia cư.

Cuối cùng, mỗi chúng ta cũng có thể góp phần vào nỗ lực chống lãng phí thực phẩm toàn cầu bằng cách tránh phí phạm chính bữa ăn hằng ngày của mình. 

Có nhiều ứng dụng để giúp ta làm điều này, như Love Food Hate Waste, gợi ý cách “lên menu” cho bữa ăn, mua sắm hiệu quả, tận dụng thức ăn thừa; hoặc My Kitchen, giúp người dùng theo dõi số lượng mọi nguyên liệu trong bếp để không bao giờ phải “mua thêm cho chắc”, để rồi cuối cùng dùng không kịp, hết “đát” và phải bỏ đi.

Comments

Popular posts from this blog