Càng quên càng nhớ

Đừng tự trách bản thân vì tính đểnh đoảng, nhớ trước quên sau mà hãy lấy đó làm mừng: theo một nghiên cứu mới, hay quên là bình thường và thậm chí còn giúp chúng ta thông minh hơn.

Theo bài báo đăng trên tạp chí Neuron cuối tháng 6, hai nhà nghiên cứu Paul Frankland và Blake Richards đến từ Đại học University of Toronto (Canada) cho rằng bản chất của trí nhớ không phải là tìm lại thông tin chính xác nhất, mà là thông tin hữu ích nhất. Để làm được điều đó, não người có sẵn cơ chế chỉ lưu lại những gì quan trọng và “cho lui” những tiểu tiết. Giống như một ngăn tủ, nếu cái gì cũng chứa vào đó thì khi cần tìm chính xác một món đồ sẽ rất khó khăn.

Để đi đến kết luận trên, Frankland và Richards phân tích nhiều nghiên cứu đã công bố trước đó về trí nhớ và hoạt động não bộ ở cả người và động vật. Frankland cũng từng làm riêng một thí nghiệm trên chuột và nhận thấy khi tế bào não mới được hình thành ở hồi hải mã (hippocampus) – nơi lưu giữ thông tin và hình thành ký ức - các thông tin mới sẽ “ghi đè” lên ký ức cũ và khiến phần thông tin này khó “truy cập” - tức khó nhớ lại hơn.



Cơ chế “có mới nới cũ” thông tin trên não cho phép ta dễ thích nghi với môi trường mới hơn. Nếu không có cơ chế này, não sẽ ghi nhận cả thông tin cũ lẫn mới, đôi khi mâu thuẫn nhau, dễ gây lẫn lộn khi cần nhớ lại. Chẳng hạn, khi quán cà phê ta hay lui tới đổi chỗ, não cần xóa thông tin về địa chỉ cũ đi và dành chỗ để ta nhớ địa điểm mới, thay vì nhớ cả hai để rồi lẫn lộn không biết cái nào mới đúng.

Lợi ích thứ hai của cơ chế “làm quên” là chúng ta có thể không cần nhớ tiểu tiết, mà vẫn nắm được “bức tranh toàn cảnh” của vấn đề và dùng kinh nghiệm đó cho các quyết định về sau. Chẳng hạn khi lần đầu dùng bữa tại một quán ăn, ta chỉ cần nhớ cách thức gọi món hay giá tiền để lần sau có quay lại khỏi bỡ ngỡ, chứ đâu cần nhớ trần nhà màu gì hay trên tường treo tranh gì.

Nên nhớ gì và quên chi?

Frankland và Richards lưu ý rằng kết quả nghiên cứu của họ không có nghĩa là ta cứ vô tư và tự hào vì có “não cá vàng”, tức lúc nào cũng nhớ trước quên sau. “Nếu bạn thường xuyên quên nhiều hơn mức bình thường, đó là mối nguy thật sự - Richards nói - Nhưng nếu bạn chỉ hay quên những chi tiết vụn, đó là dấu hiệu trí nhớ của bạn hoàn toàn khỏe mạnh và não đang làm đúng chức năng của nó”.

Nghiên cứu này có thể làm “gió đổi chiều” trong những cuộc trà dư tửu hậu, khi ai đó tự hào trí nhớ siêu cấp của mình. “Trí nhớ của loài người đâu có tiến hóa chỉ để thắng giải mấy cuộc thi giải đố nhanh - Richards nói - Mục đích của trí nhớ là giúp chúng ta đưa ra các quyết định thông minh, bằng cách quên những gì đáng quên”.

Trong thời đại ai cũng có smartphone để “cái gì không biết thì tra Google”, các nhà nghiên cứu cho rằng không cần thiết buộc não phải nhớ số điện thoại hay những thông tin có thể dễ dàng tra cứu trên Internet. “Thay vì cố nhớ mọi thông tin mà smartphone đã có thể “nhớ” giùm, ta nên “giải phóng” bộ nhớ của mình để não có thể chứa những ký ức, thông tin quan trọng hơn” - Richards khuyên.


Vậy nên làm gì để “giải phóng” bộ nhớ? Tập thể dục là một cách hiệu quả bởi hoạt động này tăng các tế bào thần kinh ở hồi hải mã - tức sẽ có “những thông tin không còn cần thiết với bạn nữa mất đi” – Richards giải thích.

Ngoài ra, trong não chúng ta cũng có một “nút delete” bí mật để xóa những ký ức không cần thiết và nhường chỗ cho những thông tin đáng nhớ hơn. Theo tạp chí Fast Company, có thể hình dung não như một khu vườn, nhưng thay vì có hoa cỏ thì lại mọc đầy những liên kết giữa các tiếp điểm tế bào thần kinh (synaptic connection). Khi ta học một điều gì mới, thì lại có thêm những liên kết mới. Còn khi ngủ, một tế bào đặc biệt, giống như người làm vườn, sẽ bắt đầu dọn dẹp những liên kết cũ, tạo không gian cho liên kết mới.

Theo Fast Company, khi ta nghĩ về một vấn đề càng nhiều thì nó sẽ lưu lại trong ký ức càng lâu. Nghĩa là ta có thể tận dụng cơ chế “dọn vườn” của não bằng cách nghĩ thật nhiều về những thông tin muốn lưu giữ, thì những thông tin không cần thiết còn lại sẽ được xóa đi, giống như nhấn nút “delete” cho não vậy.

Comments

Popular posts from this blog