[Review] Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa

#xuđọc - Review Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa của Phan Thị Vàng Anh.

Mình biết Phan Thị Vàng Anh (con gái nhà thơ Chế Lan Viên) đầu tiên là qua tập “Nhân trường hợp chị Thỏ bông”, xuất bản năm 2004, tập hợp các bài tản văn về những nghịch lý xã hội với nhiều chiêm nghiệm và viết theo lối châm biếm.

Quyển đó ký bút danh Thảo Hảo. Từ đó mình thích style của chị này, vẫn thường đọc chị, quãng năm 2011 cũng có mua Tạp văn Phan Thị Vàng Anh. Nói chung với mình đây là tác giả đáng đọc, nếu không muốn nói là yêu thích.

Quyển “Ghi chép nhỏ của người cưỡi ngựa” in năm 2016 - sự trở lại của Thảo Hảo sau 12 năm - cũng không ngoại lệ. Quyển này vẫn là những ghi ghép suy nghĩ tản mạn về những vấn đề cuộc sống, những chuyện kiểu biết rồi khổ lắm. 


Như tác giả cũng viết trong tản văn về báo xuân, đại ý viết báo xuân thì năm nào cũng có ngần ấy chuyện, nhưng mỗi người viết thì lại khác, lại có cái nhìn cái hay riêng. Thì thế, cũng chuyện Hanoi ngày cũ sắp mất, tuổi thơ con trẻ, chuyện thực phẩm bẩn sạch, chuyện trồng cây, chả lạ gì, nhưng tác giả viết nhẹ ru, cũng là phàn nàn, bày tỏ không hài lòng nhưng không lên gân, mệt mỏi. 

Cũng những chuyện ấy, có nhiều tác giả viết dù rất chính xác, nhưng thấy mệt, thấy cuộc sống cuộc đời tăm tối, chán nản quá. Vàng Anh thì không.

Đọc quyển này thấy có khi tác giả như bà cô khó tính nhưng không mặt nặng mày nhẹ, không cằn nhằn cửi nhửi, có chỗ thấy giọng kể tỉnh rụi kiểu Nguyễn Ngọc Tư, dù người ở miệt U Minh trong nam còn người quê Quảng Trị miền trung anh hùng.

Đọc cách tác giả nhìn và chiêm nghiệm về cuộc sống mà gật gù tưởng thưởng, thỉnh thoảng lại bắt gặp vài câu buông nhẹ nhàng mà nghe tâm đắc.

Chẳng hạn khi nói về nấu bánh chưng trong thời hiện đại bận rộn, tác giả viết: “Bánh chưng phải đông mới gói", khi trẻ nghe người già nói trong lòng vẫn ngầm coi thường, đến có cái bánh cũng không thể đơn độc mà gói hay sao! Lúc đã trung niên lần đầu làm bánh mới hiểu, khi gói bánh chưng người ta không thể giả bộ sum vầy.”

Viết về việc tranh thủ trồng cây dù nhà chung cư, nhà phố chật chội và mong ngóng ngày gặt thành quả: “rau quả không còn là rau quả mà đã là một thứ đựng thời gian sống của người gieo trồng, có hi vọng, có bẽ bàng và cả hạnh phúc”, và rồi “trồng cây khi ấy không còn là thư giãn, yêu đời; chỉ để tập bình tĩnh trước những tai ương từ trên trời rơi xuống”.

Comments

Popular posts from this blog