Review Bẫy 22

Quyển sách 600 phi lý điên rồ, không dễ đọc.

Vật vã 200 trang đầu với hàng loạt nhân vật, lối kể rõ là cố tình dông dài, lặp đi lặp lại, những nghịch lý, những đoạn đối thoại với cái thứ phi logic trắng trợn nhức não, cảm giác ai cũng điên và mình đọc thì cũng điên theo. Sau tất cả thì cũng lấy được mạch và đi hết 600 trang.

Bẫy 22 là quyển sách hoàn toàn không dễ đọc, trên Goodreads đầy những review than thở, kể cả từ người đọc bản ngữ. Nhưng vì sao nó lại là kinh điển?

Ai cũng biết rằng để đọc sách ta cần có thời gian, nếu bận quá thì không thể đọc sách được. Vậy thì hãy thôi đọc sách. Nhưng nếu không đọc sách nữa thì ta lại có thời gian, vậy thì lại tiếp tục đọc sách. Đây là điển hình của bẫy 22, điên khùng, xoắn não.



Bẫy 22 là thứ không tồn tại nhưng được nghĩ ra để thành viên Phi đoàn 256 phải tiếp tục ra trận. Bối cảnh phi đội ném bom của Quân đội Mỹ trong Thế chiến thứ 2, với chân dung những sĩ quan cấp tá cấp tướng và những bác sĩ, cha tuyên úy, binh nhì, hoa tiêu, phi công, người cắt bom mô tả bằng dark humor.

Trong chiến tranh ta lại có những ông tá chỉ muốn lập công để lên tướng, những ông tướng chỉ quan tâm mình có được lên báo không, ném bom sao cho chụp không ảnh thật đẹp, không cần có trúng mục tiêu không, và một tay cấp dưỡng quan trọng là làm ăn, kinh doanh, kiếm lời, không từ bất cứ thủ đoạn nào, ngay cả ‘ký hợp đồng’ ném bom với cả quân ta và quân thù để ăn hai đầu.

Mình đã thắc mắc rất nhiều tại sao cuộc thế chiến thảm khốc như vậy mà lại được miêu tả bằng cách giễu nhại như vậy sao? Và người lính Mỹ vẫn luôn được mô tả qua phim ảnh như những người anh hùng cứu thế, mà sao giờ lại toàn điên điên khùng khùng thế này?

Hóa ra tất cả những thắc mắc của mình về dụng ý văn phong và bối cảm hứng thực sự của tác phẩm, kể cả lý do tại sao là bẫy 22 mà không phải 20 hay 10 hay 11, chỉ được giải đáp khi đọc Wiki. Dù trong sách nói là WW2 nhưng thật ra tác giả muốn nói về một cuộc chiến tranh khác, và điều đặc biệt là khi Bẫy 22 ra đời (1961) những gì mà nó miêu tả về bản chất vô nghĩa của chiến tranh và những kẻ trục lợi từ nó hóa ra lại vận vào cuộc chiến đang diễn ra ở Việt Nam. 



Những người Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh Việt Nam vì họ biết thực tế cuộc chiến hoàn toàn trái ngược với những tuyên bố từ chính quyền, rằng nước Mỹ đang thắng và cuộc chiến đang đến hồi kết thúc. Nhưng song song với tuyên bố là yêu cầu đòi tăng quân đến Việt Nam. đó là nghịch lý, thứ đầy rẫy trong Bẫy 22.

Yossarian và một số bạn bè của anh, những người lính trong truyện, chỉ muốn sống và trở về nhà. Người ta khó chấp nhận sách về chiến tranh và thiếu nhuệ khí như vậy, nhưng đó há chẳng phải là thực tế, nhưng vẫn thường tránh được nhắc tới trong chiến tranh hay sao?

Với các sinh viên bị đối mặt với việc bị bắt lính sang VN tham chiến, hay những người Mỹ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam, những đoạn sau hẳn sẽ được nhắc đến trong những lần tuần hành như vậy:

Thiếu tá Danby: Lý tưởng là tốt, nhưng đôi khi con người lại không được tốt lắm. Anh phải có hướng lên mà nhìn vào toàn cục.

Yossarian: Khi tôi hướng mắt lên mà nhìn, tôi chỉ thấy toàn người đang kiếm lời. Tôi không thấy thiên đường hay thánh hay thần gì. Tôi thấy người ta kiếm lời từ mọi động cơ tử tế và từ từng bi kịch con người.

Và “tuyên ngôn” của Yossarin để bảo vệ quan điểm, những người lính cần phải được về nhà:

“Tôi đã bay tới 70 trận khốn nạn. Đừng có nói với tôi về việc chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Tôi đã chiến đấu suốt thời gian qua để bảo vệ tổ quốc mình rồi. Giờ thì tôi cần phải chiến đấu một chút để bảo vệ mạng sống của tôi. Tổ quốc không còn lâm nguy nữa, nhưng tôi thì có”.

TRƯỜNG SƠN


Comments

Popular posts from this blog