Review Chiến tranh và chiến tranh

Không khó để tóm tắt câu chuyện của “Chiến tranh và chiến tranh”, bởi nó được kể đi kể lại trong suốt chiều dài cuốn tiểu thuyết 400 trang cực kì đặc biệt, bởi chính nhân vật chính - Dr. Korin György, nhân viên một phòng lưu trữ tỉnh lẻ ở Hungary. Nhưng để hiểu hết về nó thì lại là chuyện khác.

Chẳng hạn ở đoạn cuối, khi Korin cũng đã ở chặng cuối cùng của hành trình vĩ đại mà gã đã chọn, gã lại một lần nữa kể lại câu chuyện của mình, "bắt đầu từ cái thành phố Hungary nhỏ bé ấy, nơi trong một buổi làm việc gã tìm thấy một cảo bản bí ẩn, cho tới khi gã mang tập cảo bản ấy sang New York, sau khi đã bán hết mọi thứ như nhà cửa, tài sản, đồ đạc và bỏ lại tất cả, bạn bè, công việc, ngôn ngữ, tổ quốc và đến New York để chết”.

Cảo bản bí ẩn, không nhan đề, không niên đại, không tên tác giả kể về bốn người đàn ông xuất hiện luôn phải trốn chạy khỏi chiến tranh, với mỗi chương là một bối cảnh, bước ngoặt khác nhau của lịch sử thế giới. Korin xem tập bản thảo huyền bí này là “thứ nghệ thuật đẳng cấp cao nhất” và “hâm mộ, hi sinh bản thân vì nó, hiến dâng cả cuộc đời cho nó” và tự trao cho mình sứ mệnh tìm lối thoát cho 4 nhân kia, cũng như đưa cảo bản vào cõi vĩnh hằng, tức gõ lại và đưa nó lên Internet, trong dự án là War and War.

Kể đi kể lại cũng là đặc điểm của tác phẩm, khi thoại rất ít mà hầu như chỉ là lời kể gián tiếp. Nhân vật chính kể cho những người xung quanh gã, những người xung quanh kể cho nhau, có những câu bắt đầu như câu trần thuật trực tiếp, nhưng đến giữa chừng mới biết lại là tường thuật gián tiếp.

Nếu có thể qua được chương đầu của “Chiến tranh và chiến tranh”, ta có thể đi được đến hết quyển. Nhưng có nắm bắt được toàn bộ, hay lạc lối đâu đó ở cuối hành trình, có lẽ tùy mỗi người.


Có thể trích ngay đoạn Korin nhận xét về cảo bản huyền bí đó để làm nhận xét về mức độ đọc-và-hiểu-được của chính “Chiến tranh và chiến tranh”:

“Dù gã đã đọc năm lần, có khi mười lần rồi, nhưng sự bí ẩn của cảo bản không bớt đi, nội dung không thể giải thích nổi của nó, thông điệp không thể hiểu nổi của nó không trở nên rõ ràng hơn, nghĩa là điều ta không hiểu ở trang đầu tiên, thì chính điều đó ở trang cuối cùng cũng không thể hiểu nổi, dầu vậy nó vẫn thôi miên ta, và ta không thoát khỏi không gian và thời gian huyền bí mê hoặc mà nó cuốn ta vào, vì trong khi đọc nghiến ngấu từng trang, mỗi lúc ta càng nhận ra rằng trên trái đất này không có gì quan trọng hơn điều khuất lấp sau sự bí ẩn, sự không thể giải thích nổi.”

Đoạn trên gồm 131 từ, và là điển hình của lối viết của quyển này, những dòng chữ cuồn cuộn như suy nghĩ trong đầu ta, câu này nối tiếp câu khác, tuyệt không có lấy một dấu chấm, từ trang một cho đến trang 400. Nhưng không hề gì, cái hay của tác giả, và cũng là thành tựu của người dịch, là ta không hề thấy điều này là bất tiện. Các câu văn cứ cuốn ta đi và cho đến giữa cuốn sách, có khi ta chẳng còn thèm để ý liệu có dấu chấm hay không nữa.

Korin điên mà không điên, câu chuyện của gã dù lần nào cũng dài dòng, kể từ đầu chí cuối, đi vào từng chi tiết và nghe như của một gã điên, cũng có hấp lực như cảo bản huyền bí mà gã đã say mê và ám ảnh. “Nhưng gã không nói năng vô nghĩa, vì người ta phải lắng nghe gã, vì câu chuyện của gã đưa người ta tới đâu đó, và như vậy mỗi từ gã nói đều có ý nghĩa, hơn nữa có ý nghĩa bi kịch”.

“Chiến tranh và chiến tranh” làm nhớ đến “Tro tàn sắc đỏ” khi nhân vật cũng bỗng dưng bắt đầu một cuộc đời mới ở một nơi xa lạ, bỏ lại tất cả sau lưng, chỉ khác là Korin biết rõ hắn muốn gì khi đến New York, nơi gã gọi là “trung tâm thế giới”. Korin không đến New York để "bắt đầu cuộc sống mới", mà là để "kết thúc cuộc sống cũ".

Truyện cũng làm nhớ đến bà giúp việc Szeredás Emerenc trong “Cánh cửa” của Szabó Magda, cũng là một nhân vật độc đáo, kỳ lạ và duy nhất của văn học Hungary

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog