Review Còn chị còn em: Tình thương và hòa giải

Sự biệt nào đủ lớn để chị em sinh đôi ngay cả khi tình cờ gặp lại nhau sau hơn 70 năm xa cách không mừng mừng tủi tủi cho ngày hội ngộ, mà kiên quyết không thể hòa hợp?

Với chị em Anna và Lotte Gourdriaan của Còn chị còn em, câu trả lời là ý thức hệ của hai người lớn lên tại hai quốc gia ở hai đầu chiến tuyến của cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất lịch sử loài người, Thế chiến II.

Gặp lại nhau sau hơn bảy thập niên mỗi người một ngả, những tưởng sẽ có những khoảnh khắc "như chưa từng có cuộc chia ly" giữa hai chị em "được cùng một bà mẹ sinh ra cùng lúc, được cùng một ông bố thương yêu". Nhưng không, sự xoay vần của tạo hóa và những sắp đặt của lịch sử đã tạo ra một hố sâu ngăn cách rất lớn giữa hai người.

Sinh ra ở Đức và trở thành trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi vừa lên sáu, Anna được gửi đến nhà người bà con trong nước, còn Lotte sang Hà Lan. Sự cách trở về địa lý sẽ không đến mức chia lìa cả hai chị em, nếu không có Hitler và Đại chiến thế giới lần hai.



Toàn bộ quyển tiểu thuyết 400 trang của Tessa de Loo, với bản dịch xuất sắc và cước chú công phu của Lê Chu Cầu, là hành trình hàn gắn, hòa giải của hai chị em, mà nỗ lực phần nhiều đến từ phía cô chị Anna - người vẫn lớn lên ở Đức và cảm thấy có lỗi vì những gì Hitler đã gây ra, trong khi cô em Lotte đã cho thấy mình căm thù mọi thứ thuộc về Đức, từ con người đến tiếng nói, ngay từ trang đầu tiên.

Anna và Lotte gặp lại nhau khi tình cờ cùng đến một khu nghỉ dưỡng ở Bỉ. Kể từ cái buổi gặp lại nhau định mệnh ấy, ngoài việc trị liệu những chứng bệnh tuổi già như mục đích ban đầu, cả hai lại còn bắt đầu một liệu trình khác - hàn gắn khoảng cách giữa họ.

Người đọc theo chân hai chị em từ khu rừng xung quanh suối nước nóng, đến những quán cà phê, tiệm bánh để chứng kiến hành trình lấp đầy cái hố sau ngăn cách giữa họ, mà trong đó, nếu cô em hờ hững với từng nhát cuốc và thậm chí có khi còn hất bớt đất ra, thì cô chị bình tĩnh, nhún nhường, kiên nhẫn bồi đắp lại những gì em mình muốn vứt đi.

Người chị cũng không giấu cô em vì sao bà muốn làm vậy: “Nếu hai chị em, được cùng một bà mẹ sinh ra cùng lúc, được cùng một ông bố thương yêu, không vượt qua nổi những rào cản ngớ ngẩn do lịch sử dựng nên, thì ai trên thế gian này có thể làm được việc ấy?”

Lotte cho rằng chị mình luôn cố gắng “bẻ quặt câu hỏi ai có lỗi trong Thế chiến II sang một hướng vô hại”, còn Anna thì luôn “chị nghe đây” để em gái “hãy trút đi'' những bực dọc và thù hằn về nước Đức, và không dưới một lần nhắc lại nếu tình chị em không đủ để lấp đầy hố sâu ngăn cách, thì hẳn sẽ không thứ gì có thể làm được.

Nhưng mọi thứ đâu đơn giản như Anna nghĩ. Có thể nói hòa giải là hòa giải không khi Anna ở phe gây chiến, còn Lotte thuộc phe căm thù nước Đức; khi Anna lấy chồng là sĩ quan SS, còn Lotte yêu và lấy một người trong số những người Do Thái mà cô nuôi giấu khỏi tay Quốc xã? Làm sao để Anna xóa bỏ cái nhìn thù địch và sự “kết án” nước Đức và khiến cô tin rằng, không phải mọi người Đức đều là những cỗ máy giết người, mà cũng có những người bình thường, bị Hitler ném vào cuộc chiến?

Xuất bản lần đầu năm 1993, câu chuyện vì sao hai chị em rạn nứt và nỗ lực hòa giải, hàn ngắn của họ vẫn còn nguyên giá trị sau một phần tư thế kỷ, nhất là với người đọc ở những nước từng kinh qua chiến tranh chia cắt, một gia đình có thể có các thành viên ở hai bên chiến tuyến.

Người đọc có thể ghét cô em Lotte cố chấp và thương cô chị Anna, thầm mong họ sớm hòa giải, nhưng lại cũng lo lắng, liệu có kịp không, thời gian có chờ đợi để cái hố sâu ấy được lấp đầy hay không, khi cả hai đã ở tuổi 80, và như người ta vẫn nói, “ăn năn muộn màng”?

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng báo Tuổi Trẻ ngày 26-4-2018)

Comments

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog