Review Hẹn gặp lại trên kia

Bất kỳ cuộc chiến nào đi qua cũng để lại nhiều vấn đề hậu chiến phức tạp. Đó có thể là lo tìm và an táng tử sĩ, lo cho những người còn sống sót trở về, tái thiết đất nước sau chiến tranh tàn phá, vinh danh những người anh hùng và tưởng nhớ những người đã khuất.


Hẹn gặp lại trên kia, như lời giới thiệu ở bìa 4, là “câu chuyện về ba anh lính sống sót trở về sau cuộc Đại chiến thứ I và họ phải đối mặt với một xã hội chỉ tiếc thương và ca ngợi công lao những người đã khuất mà quên đi những người còn sống trở về”. Vì lẽ đó, cả ba “trở thành kẻ bất lương, lừa đảo đất nước, lừa đảo toàn xã hội để kiếm những đồng tiền không chính đáng”.

Nhân vật phản diện chính, Henri d'Aulnay Pradelle, nhìn thấy cơ hội trục lợi sau chiến tranh từ việc tìm kiếm và an táng tử sĩ, còn Édouard Péricourt, người trở lại thế giới đời thường trong tình trạng sống không bằng chết với gương mặt bị “thổi bay” gần hết, lại đánh vào “cơn lên đồng” của đất nước để thương tiếc, tưởng nhớ những người đã ngã xuống, thay vì những người sống sót trở về. Và cuối cùng, Albert Maillard, đồng đội và cùng là nạn nhân của chiến tranh với Péricourt, tiếp tục đồng hành với anh trong “trò lừa vĩ đại” (The Great Swindle - tựa tiếng Anh từ tựa gốc là Au revoir là-haut).

Pierre Lemaitre đã kể câu chuyện tài tình, cài cắm nhân vật vào những tình thế éo le, oái ăm và buộc họ phải tìm ra giải pháp. Tất cả các quá trình của “vụ lừa đảo vĩ đại”, từ ủ mưu, lên kế hoạch, thực thi, ra đòn quyết định đến hạ màn - và kèm theo đó là phát hiện và truy lùng - đều được thuật với giọng văn lôi cuốn, hấp dẫn.

Đã có ý kiến cho rằng mọi thứ diễn ra quá nhiều ngẫu nhiên, theo kiểu nếu xem phim ta thường hay mỉa mai, vạn sự xảy ra tùy ý đạo diễn, nhưng không thể phủ nhận Pierre Lemaitre đã dựng nên một trò chơi công phu cho các nhân vật của mình và bày cho người đọc theo cách thuyết phục.


Đây là quyển cuối cùng trong loạt sách về chiến tranh mình đọc trong tháng 4-2018, vì thế có rất nhiều liên hệ, liên tưởng đến những gì đã đọc trước đó.

Trong Hồi ức lính, những kịch bản của người ra trận được vạch ra rõ ràng: hoặc xanh cỏ - hi sinh, hoặc đỏ ngực - trở về thời bình ngực mang đầy huy chương, hay bị thương, được trở về Bắc, làm thương binh, cưới vợ sinh con, là kết thúc trọn vẹn. Vừa không hổ thẹn vì không chiến đấu vì tổ quốc, vừa đủ may mắn để tiếp tục đời sống. Kịch bản nào hợp với Albert Maillard và Édouard Péricourt, khi người trở về chỉ để thấy người yêu đã từ bỏ mình, còn người đánh mất khuôn mặt theo đúng nghĩa đen và muốn từ chối gia đình? Họ có thể không cần “đỏ ngực”, song biết đâu “xanh cỏ” sẽ tốt hơn?

Và nhân vật phản diện đốn mạt Pradelle lập tức khiến mình nhớ lại tiểu thuyết Cát trọc đầu của nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã đọc hồi năm 2013. Tay Bá của Cát trọc đầu là một trong những nhân vật phản diện khiến mình nhớ nhất. Tác giả chỉ ngắn gọi hắn là “kẻ hèn”, còn nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên thì cho rằng đó “sự thoái hóa nhân cách của những kẻ lợi dụng chiến tranh để trục lợi cho mình”. Đây cũng là chủ đề có thể tìm thấy trong Hẹn gặp lại trên kia.

TRƯỜNG SƠN


Comments

Popular posts from this blog