Xả súng, màu da và tôn giáo

Thảm kịch Las Vegas không phải là vụ xả súng đầu tiên xảy ra dưới triều tổng thống Donald Trump, nhưng nó là vụ đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ hiện đại chứ không chỉ trong 8 tháng từ khi nhà tỉ phú bước vào Nhà Trắng. 

Khi ký sắc lệnh hành pháp cấm công dân một số quốc gia Hồi giáo vào Hoa Kỳ, ông Trump khẳng định điều này sẽ giúp bảo vệ người Mỹ khỏi “bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan”. 

Nhưng sau khi 58 người chết và hơn 500 người bị thương trong thảm sát Las Vegas đêm 1-10, không có người Hồi giáo hay nhóm cực đoan nào để ông Trump đổ lỗi. Nghi phạm đã tự sát là một người Mỹ. Đàn ông. Da trắng.

Trong một lớp học, giả thử có vụ trộm cắp vặt nào đó, thật “dễ xử” cho giáo viên nếu thủ phạm là học sinh nghèo, học kém hay xuất thân từ xóm lao động hay khu ổ chuột. Ngược lại, hẳn sẽ có lúng túng nếu thủ phạm là học sinh nhà giàu học giỏi. Định kiến sẽ chiến thắng lý trí trong những trường hợp như vậy. Câu chuyện xả súng ở Mỹ cũng thế. Khi thủ phạm là người da trắng, truyền thông lúng túng vì không có chỗ “đổ lỗi mặc định”.

Những người Hồi giáo hay da màu ở Mỹ sẽ nghĩ gì đầu tiên khi hay tin lại có một vụ xả súng đẫm máu? Định kiến buộc họ phải mong rằng nghi phạm là ai cũng được, miễn không phải người Hồi giáo hay da màu.

Stephen Paddock, dù đã tự kết liễu đời mình, vẫn đang tận hưởng “đặc quyền da trắng” ngay khi đã chết: không ai gọi y là kẻ khủng bố, và chủng tộc, đức tin của y không có lỗi.



Nhiều tờ báo, hãng tin Mỹ đã bị chỉ trích vì sớm kết luận Stephen Paddock, một kế toán về hưu dành hơn 20 năm tích trữ một kho vũ khí cá nhân, là “sói cô độc” khi cuộc điều tra còn chưa chính thức bắt đầu và chưa rõ động cơ của y. Thủ phạm của các vụ xả súng, nếu là da trắng, đều được gọi ngay là "sói cô độc" hoặc được cho là có vấn đề tâm thần. 

Tổng thống Trump chỉ dành “lời chia buồn nồng ấm nhất” cho gia đình các nạn nhân, gọi hành vi rải mưa đạn vào đám đông đang thưởng nhạc của Paddock là “tội ác nguyên bản” nhưng không có một chỉ trích mạnh mẽ theo phong cách của ông dành cho y. Cảnh sát trưởng Los Angeles cũng từ chối gọi y là khủng bố.

Nếu tay súng là một người Hồi giáo, hắn sẽ bị gọi ngay là kẻ khủng bố và đạo Hồi sẽ được cho là nguồn cơn tội ác. Nếu đó là một người da màu, các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc sẽ lập tức nổ ra.

Việc không thể đổ cho khủng bố Hồi giáo cực đoan (dù IS đã mau mắn “nhận vơ”) đồng nghĩa với việc phải xem xét câu chuyện theo hướng dường như người Mỹ không muốn nhìn thẳng vào: vì sao người da trắng lại làm thế, và vì sao việc kiểm soát súng đạn vẫn mãi là câu chuyện không có hồi kết ở Mỹ?

Năm 2012, tổng thống Mỹ khi đó là ông Obama đã không kìm được nước mắt khi nói lời chia buồn với gia đình nạn nhân sau khi 20 học sinh thiệt mạng trong vụ xả súng làm 26 người chết ở trường tiểu học Sandy Hook (TP Newton, bang Connecticut). 

“Chúng ta phải có hành động ý nghĩa để ngăn những bi kịch thế này không xảy ra thêm nữa” – ông Obama đã nói trong nước mắt, nhưng các thảm kịch vẫn tiếp tục xảy ra trong 5 năm tiếp theo ông còn ở Nhà Trắng.

Bài toán khó được truyền sang tay một đời tổng thống nữa, người vẫn đang nghĩ về những bức tường và lệnh cấm nhập cư, và vẫn xem xét vấn đề qua màu da của kẻ thủ ác.

TRƯỜNG SƠN


Comments

Popular posts from this blog