Đừng “đi tìm Dory” trong đời thật

Vì sao giới bảo vệ động vật lại mong trẻ em đừng “đi tìm Dory” trong đời thật, tức mang giống cá này về nhà nuôi, khi bộ phim hoạt hình cùng tên đang khuynh đảo phòng vé toàn cầu?

Phải mất đến 13 năm sau Finding Nemo (Đi tìm Nemo), hãng hoạt hình danh tiếng Pixar mới cho ra phần nối tiếp, Finding Dory (Đi tìm Dory, Walt Disney phát hành) và họ không khiến khán giả, cả thế hệ đã từng say mê chú cá hề (clownfish) Nemo đến lứa trẻ con sau này, thất vọng.

Cũng như Nemo, cô nàng cá Dory trong phần phim mới nhất không phải “nhân vật hư cấu” mà là một giống cá có thật - blue tang, tên tiếng Việt là đuôi gai xanh. Khác với hành trình nhiều biến cố nhưng đầy thú vị trong phim, việc “đi tìm” loài cá biển này trong đời thực đôi khi chỉ đơn giản là ghé cửa hàng cá cảnh gần nhất và rước vài em về bể cá nhà mình. Song đây chính là lý do bộ phim, dù chinh phục nhiều lớp khán giả (thu về 136 triệu USD trong tuần đầu tiên công chiếu), lại khiến giới bảo vệ động vật phiền lòng. Người ta đang lo ngại một cơn sốt nuôi Dory - tức cá đuôi gai xanh - làm cảnh sẽ xuất hiện sau thành công của Finding Dory và từ đó đưa loài cá này đến bờ tuyệt chủng.

Mối lo nghe có vẻ to tát và xa vời, nhưng các nhà bảo vệ môi trường và động vật hoang dã hoàn toàn có cơ sở để lo ngại như vậy. Họ vẫn chưa quên “hiệu ứng Nemo” từng có cách đây 13 năm: nhiều trẻ em vốn chẳng hề biết cá hề là gì nằng nặc đòi có chú cá màu cam xinh xắn này trong nhà ngay sau khi xem Finding Nemo, và các nhà kinh doanh nhanh tay tận thu cá hề từ khắp nơi để chớp lấy thời cơ. Nhu cầu mua cá hề đã tăng 40% sau khi Finding Nemo được trình chiếu, và ai dám chắc điều đó sẽ không xảy ra với Dory?



“Yêu đến chết” theo nghĩa đen

Thực tế cho thấy “số lượng cá đuôi gai xanh được rao bán trước khi Finding Dory công chiếu đã gia tăng một cách đáng lo ngại” - Center for Biological Diversity (CBD), một tổ chức phi chính phủ gồm các nhà hoạt động bảo tồn các loài có nguy cơ tuyệt chủng, cảnh báo trong thông cáo ngày 13-6. Thông cáo của CBD, đại diện luôn cho ba tổ chức khác là Hội nhân đạo Hoa Kỳ, Hội nhân đạo quốc tế, và tổ chức For the Fishes, cho rằng họ hoan nghênh hai bộ phim hoạt hình của Pixar vì đã giúp nhiều trẻ em nhận thức và hiểu biết về môi trường biển nhiều hơn, nhưng cảnh báo nhu cầu nuôi “cá Dory” làm kiểng tăng mạnh có thể ảnh hưởng đến quần thể cá này.

Điều lý thú là trong khi Dory cũng xuất hiện trong tập phim mà Nemo là nhân vật chính, chẳng ai chú ý đến giống cá này cho đến khi có phần phim riêng về nàng cá đuôi gai xanh này. Theo các tổ chức nói trên, cơn sốt nuôi “cá Dory” nguy hiểm ở chỗ rất khó nhân giống loại cá này trong môi trường phi tự nhiên - tức nuôi nhốt trong bể chứa hay hồ. Điều đó có nghĩa tất cả những con “cá Dory” được bày bán đều được bắt trực tiếp từ thiên nhiên. Vốn là cá nước mặn, cá đuôi gai xanh rất khó sống sót sau khi bị bứt ra khỏi môi trường sống tự nhiên, bởi bể cá tại gia không thể nào mô phỏng được các đặc tính môi sinh phức tạp môi trường biển thật sự. Tệ hơn, “cá Dory” chủ yếu được đánh bắt ở các rặng san hô ở Philippines và Indonesia bằng độc chất xyanua, do đó cũng sẽ hủy hoại luôn hệ sinh thái ở vùng biển đó, theo thông cáo của CBD.

Giới bảo vệ động vật cho rằng nguy cơ bộ phim Finding Dory có tác động xấu lên loài cá đuôi gai xanh cao hơn rất nhiều so với trường hợp cá hề của Finding Nemo, bởi “cá Nemo” giờ đây đã có thể được nuôi và cho sinh sản trong môi trường phi tự nhiên. Cũng cần nhắc lại hiệu ứng Nemo hồi những năm 2003: trẻ em sẽ reo lên “Nemo” mỗi khi trông thấy cá hề ở cửa hàng cá cảnh hay thủy cung vì tưởng đó là tên chính thức của giống cá này. “Bộ phim cũng tạo ra nhu cầu nuôi cá hề cao đột biến, khiến hàng triệu con “cá Nemo” bị đánh bắt - CBD than phiền - 90% người nuôi cá hề không biết rằng để phục vụ cho thú vui của họ, cá hề đã bị tuyệt chủng ở nhiều nơi và các rặng san hô cũng bị ảnh hưởng không sao khắc phục được”.

“Người ta có thể yêu giống cá tuyệt đẹp này “đến chết” theo nghĩa đen và chúng tôi không muốn điều đó xảy ra lần nữa (với Dory)” - nhà hoạt động Nicholas Whipps của CBD.

Theo International Business Times ngày 21-6, hơn 100.000 người đã ký kiến nghị yêu cầu hãng Disney phải cho đăng khuyến cáo người xem không nên mua cá đuôi gai xanh vào phần mở đầu của bộ phim.

Bộ đôi Disney và Pixar cũng kêu gọi khán giả nên “chọn loại cá phù hợp cho bể cá gia đình vì cá đuôi gai xanh, giống như Dory, không phải là thú cưng phù hợp”.

Theo chương trình Today của Đài NBC (Mỹ), bộ phim Teenage Mutant Ninja Turtles (Ninja rùa) công chiếu hồi năm 2014 cũng gây ra cơn sốt nuôi rùa, khiến giới hoạt động vì động vật cũng phải lên tiếng vì có đến 90% rùa được mua về làm thú cưng không thể sống sót. Tương tự, số lượng chó chihuahua ở Mỹ cũng tăng vọt nhờ hiệu ứng từ bộ phim Beverly Hills Chihuahua.

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog