Cho cún yêu liếm mặt, nên hay chớ?

Nhiều người sẵn sàng để chó cưng liếm khắp mặt mày, nhưng kèm theo tình cảm, thú cưng cũng gửi cả vi khuẩn có thể gây họa về sức khỏe cho chủ nhân thông qua hành động thân mật này.

Một bà cụ người Anh 70 tuổi mới đây suýt chết vì nhiễm trùng máu vì để cún cưng liếm vào mặt. Một báo cáo có tên “Cái liếm chết người” (Lick of death) đăng trên tạp chí y khoa BMJ Case Reports hôm 30-6 cũng nhắc lại trường hợp hi hữu này để đưa ra cảnh báo vi khuẩn có trong nước bọt chó mèo có thể là nguyên nhân quan trọng gây nhiễm khuẩn huyết ở người lớn tuổi.



Theo báo cáo, bà cụ đang ngồi nhà gọi điện thoại cho người thân thì bỗng dưng nói lắp và sau đó bất tỉnh. Các nhân viên y tế sau đó tìm thấy bà đổ sụp trên ghế bành trong ngôi nhà không có ai khác ngoài chú chó săn thỏ (greyhound) gốc Ý. Bà cụ được chẩn đoán bị nhiễm trùng huyết do Capnocytophaga canimorsus, một loại vi khuẩn phổ biến trong nước bọt chó mèo. Nhiễm trùng máu do vi khuẩn này vốn không phải chuyện hiếm, nhưng chỉ khi nước bọt của con vật tiếp xúc với người bệnh thông qua vết cắn hay trầy xước. Điều hi hữu là cụ bà không hề bị cắn hay cào xước, “mà chỉ được chú chó tiếp xúc thân mật bằng cách liếm láp” - báo cáo viết. Bệnh nhân phục hồi sau hai tuần được chăm sóc đặc biệt và truyền kháng sinh.

Nhóm tác giả nói rõ nghiên cứu của họ không có ý khiến những người yêu thú cưng phải e dè khi thân mật với chúng, mà là “bài học cho các bác sĩ rằng, nhiễm trùng máu vẫn có thể xảy ra khi bệnh nhân không bị chó cắn hay làm trầy xước” và “nguyên nhân này cần được đặc biệt xem xét trong trường hợp người bệnh là người già có nuôi thú cưng”.

Báo cáo cho rằng người già nhiều khả năng sẽ bị nhiễm khuẩn khi tiếp xúc thân mật với chó, do hệ miễn dịch của họ đã suy yếu. Trẻ em với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện cũng phải cẩn thận vì lý do tương tự.

Nhưng hãy nghĩ đến những điều này

Tuy nghiên cứu trên BMJ Case Reports khẳng định người nuôi đừng vội xa lánh thú cưng chỉ vì tình huống hiếm hoi nói trên, tờ Business Insider lại vừa tung ra một video khiến người yêu chó phải hoảng sợ thật sự.

Video “Vì sao bạn không nên để chó liếm mặt” được đăng ngày 30-6, trùng với thời điểm câu chuyện cụ bà 70 gặp nạn gây xôn xao. Tuy vậy, đoạn phim dài 2 phút rưỡi này lại nhằm phản bác quan niệm khá phổ biến rằng “miệng chó sạch hơn miệng người”, bằng cách chỉ rõ “sự thật là trong miệng cún đầy vi khuẩn và con người sẽ có nguy cơ bị lây bệnh truyền nhiễm nếu tiếp xúc với nước bọt nhiễm khuẩn của chúng”.



Theo đoạn video, việc để nước bọt của chó tiếp xúc với da không gây nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng khi để chó liếm vào mắt, mũi, miệng, hoặc khi dùng tay có dính nước bọt của chó chạm vào các bộ phận đó, người nuôi thú cưng sẽ bị lây nhiễm các bệnh Zoonotic (bệnh lây từ động vật sang người), tiêu biểu là các bệnh về đường tiêu hóa. Để chó liếm cũng gây nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm qua đường phân đến miệng (fecal-oral route), vì phân chó thường chứa kí sinh trùng mà loài cún cũng thường hay “ăn” sản phẩm sau khi “giải quyết”.

Lời khuyên là chủ nhân của thú cưng (đặc biệt là người già) nên tránh để chúng liếm lên mặt, cần rửa tay sau khi âu yếm chúng và giữ vệ sinh, diệt ký sinh trùng cho nhà của cún yêu.

“Lần tới khi chó cưng muốn liếm mặt bạn, hãy nghĩ đến việc trước khi tìm đến bạn, cún ta đã dùng mõm vào việc gì rồi?” - Business Insider.

Theo The Conversation, từ năm 1990 đến nay chỉ có 13 trường hợp nhiễm khuẩn huyết do Capnocytophaga canimorsus xảy ra trên toàn nước Anh, tức tỉ lệ mắc bệnh là 1/150 triệu người/năm.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh