Điểm sách - Đường hẹp lên miền Bắc thẳm
Mình tưởng đã đọc kha khá về Đệ nhị thế chiến, đã biết thế nào là trại tập trung Auschwitz, biết thế nào là đời những địa ngục trần gian trong chiến tranh, dù ở Nga, Ba Lan, Ý, Pháp hay những chiến trường khác. Thế mà phải đến Đường hẹp lên miền Bắc thẳm mình mới biết đến tuyến đường sắt tử thần Thái Lan-Miến Điện, và tội ác chống lại loài người trong quá trình xây nên nó.
Nhiều bạn, có cả mình, thấy 100 trang đầu rất thử thách, nhưng qua được mốc đó rồi, bạn sẽ bị cuốn vào câu chuyện dữ dội và tàn khốc. Rồi vài mươi trang cuối sẽ cho ta cảm giác như đã xem một bộ phim dài rồi tự nhiên mọi thứ chuyển thành đen trắng, tác giả lần lượt cắt đặt cái kết cho từng người, từng thân phận đã bị ném vào cuộc chiến, hay cụ thể hơn là vào chính công trường tử thần đó.
Tuyến đường sắt tử thần (Deathly Railway hay Burma Railway) được quân Nhật xây trong WW2, nối Thái Lan với Miến Điện nhằm tiếp tế cho quân đội trong công cuộc xâm lược Ấn Độ. Quân đội Thiên Hoàng có "hơn một phần tư triệu cu li và sáu mươi ngàn tù cho đường sắt này", và cuối cùng, hơn 12.000 tù binh chiến tranh thuộc phe đồng minh và hàng chục ngàn người bị lao động cưỡng bức đã thiệt mạng.
Quá trình làm đường sắt này này được thuật lại bằng thứ văn trần trụi không khoan nhượng của Richard Flanagan, trong một tác phẩm có cái tựa rất thơ (vì đúng là lấy từ thơ của nhà thơ thời Edo Basho).
“... tinh thần Nhật Bản giờ đã là chính đường sắt, và đường sắt chính là tinh thần Nhật Bản, con đường hẹp của chúng ta lên miền Bắc thẩm, giúp đưa vẻ tuyệt mỳ và minh triết của Basho truyền bá cho toàn thế giới.”
Người Nhật muốn tuyến đường sắt được hoàn thành càng nhanh càng tốt, mà việc xây dựng nào có dễ dàng - phải băng qua rừng rậm đầy muỗi độc, lội trên địa hình không bằng phẳng, vượt núi băng sông, mà điều kiện vệ sinh, ăn uống và y tế thì dưới cả tối thiểu.
Speedo - cách người Nhật phát âm từ speed, là thứ ám ảnh nhất của những người tù, vì khi đó, chỉ có một thứ duy nhất ý nghĩa trên đời: hoàn thành đường ray đúng hạn, còn mạng người hay cái gì đi nữa không quan trọng.
"Để cho cái tuyến đường vô nghĩa lý những nền đất đắp và đồi núi xẻ và thây người, những hố khoét sâu và đất chất chồng và đá vỡ nát và thây người thêm nữa, những trụ giàn tre và cầu vắt vẻo và tà vẹt tếch và thây người mỗi lúc một nhiều thêm, những đinh ray vô số kể và thanh thép không khoan nhượng, những thây người tiếp nối thây người tiếp nối thây người - để cái tuyến đường sắt ấy có trên đời, anh hiểu rằng {x} phải bị trừng phạt”.
Câu chuyện là lời kể theo góc nhìn của bác sĩ phẫu thuật người Úc Dorrigo Evans, lãnh nhiệm vụ “trao đi hy vọng ở nơi không thể có hy vọng, trong cái nhà thương chả ra nhà thương mà chỉ là một lán dột bằng giẻ vắt”, nơi “có những giường chả ra giường mà là những phiên tre nhung nhúc chấy rận”, và bản thân anh, “là bác sĩ nhưng chẳng có đồ nghề bác sĩ gì để chăm sóc bệnh nhân”.
Evans đã cố hết sức để cứu những người-lính-tù-nhân khỏi chết đói, khỏi dịch tả, khỏi những trận đòn tàn nhẫn, và lòng vẫn luôn nhớ về mối tình ngang trái với Amy, vợ của dượng anh. “Giữa họ là một tình bạn được củng cố đầu này bởi cây cột trụ là chồng nàng, dượng của anh, ở đầu kia là cuộc đính hôn sắp sửa của anh với Ella.”
Văn của tác giả quá hay và chân thật. Người đọc có thể thấy mình ở ngay hiện trường mà ông miêu tả - nước Úc thời bình, rồi hậu chiến, nước Nhật sau khi bị hai quả bom nguyên tử tàn phá, giữa công trường tử thần, trong những lán trại tồi tàn và kinh tởm, trước một ca mổ hoàn toàn không có một thiết bị y khoa đúng nghĩa. Mỗi đoạn trong sách có thể cắt ra và hoàn toàn là một câu chuyện cực ngắn, độc lập, nhưng thừa sức nặng. Điều này vẫn đúng ngay cả về cuối tác phẩm.
Ngoài ra, phần tự nhìn lại, cật vấn lương tâm của những người Nhật tham chiến theo mình được thể hay hơn ông họa sĩ trong Một họa sĩ phù thế. Kể cả nội tâm Dorrigo Evans khi đã thành bác sĩ danh tiếng thời hậu chiến, vì những day dứt của ông thời ở Burma, cũng xuất sắc hơn nhiều.
Tiểu thuyết có nhiều câu chuyện nhỏ, nhưng khiến người ta sững sờ, như chuyện người lính Úc và những bức vẽ của mình khi đang lao động khổ sai, hay chuyện một bác sĩ nhật từng làm việc trong chiến tranh không bao giờ mặc áo blu trắng vì một ca mổ đã thay đổi con người ông mãi mãi.
Hay chuyện tự vấn cuối đời của tên cai tù Triều Tiên đã "làm phần việc của hắn", yên tâm rằng "không phải lỗi của hắn mà chúng thành nô lệ", "không phải lỗi của hắn mà không có thuốc cũng không có thức ăn", "không phải lỗi của hắn mà có thổ tả và sốt rét". "Trên đời có cái gọi là số phận, và số phận của chúng và của hắn là có mặt ở đó, số của chúng là chết ở đó và số của hắn là chết ở đây".
Dù đã quá dài nhưng mình viết thêm thông tin bên lề. Tài văn của Richard Flanagan ở chỗ kể quá chân thật dù đó là trải nghiệm thực tế của cha anh, chứ không phải của anh. Trong 1 bài viết cho tờ Sydney Morning Herald năm 2013 - lúc sách vừa xuất bản và phải một năm sau mới thắng Booker 2014 - Flanagan đã viết rất hay, về cái tựa và về chất liệu thực tế của tiểu thuyết.
Cha ông chính là người tù san byaku san ju go (335, dòng chữ đề tặng ở đầu sách) của quân đội Nhật, bị đẩy đến thi công đường sắt tử thần. Ông là một trong số 1000 người tù do Trung tá Edward "Weary" Dunlop lãnh đạo, và đây là nguyên mẫu có thật của Dorrigo Evans trong sách. Cha Flanagan đã sống sót trở về, và từ câu chuyện của ông, Flanagan đã quay lại đường tàu ấy, tìm hiểu và nghe thêm, để viết nên Đường hẹp lên miền Bắc thẳm.
Tựa sách là bài thơ của Basho, và là sự lựa chọn có ý đồ của Flanagan. Các sĩ quan trong sách xem đường sắt là cách phát huy tinh thần Nhật Bản như cách Basho làm với các bài thơ của ông, còn với Flanagan, “Nếu (bài thơ) Đường hẹp lên miền Bắc thẳm của Basho là một trong những đỉnh cao của văn hóa Nhật Bản thì trải nghiệm của cha tôi và những người bạn của ông là một trong những điểm đáy của nó.”
Mình thấy nhiều review cho rằng chuyện tình yêu trong đây nên lướt đi, bỏ qua cũng được. Nhưng những ký ức về Amy chính là thứ giáp sắt giúp Evans vượt qua những ngày tăm tối. Và chính Flanagan, trong bài viết cho Sydney Morning Herald, đã lý giải vì sao mất 12 năm, với 5 phiên bản khác nhau, ông mới chọn cách kể chuyện đời của bố ông - nhưng không phải về cá nhân ông, tiểu thuyết hóa cuộc đời ông - bằng một chuyện tình.
“Tại sao? Bởi vì những câu chuyện tình yêu vĩ đại luôn hướng tới chứng minh sự thật vĩ đại về tình yêu: rằng chúng ta khám phá ra sự vĩnh cửu trong khoảnh khắc lụi tàn ngay sau đó. Những câu chuyện chiến tranh tất yếu đều có sự đổ vỡ và cái chết. Chiến tranh thắp sáng tình yêu; tình yêu cứu chuộc chiến tranh.”
Một lý do nữa là Flanagan đã bị cuốn hút bởi một câu chuyện tình mà cha ông rất yêu thích, một câu chuyện có thật về một cựu binh WW2 và tình yêu của đời mình, với tình huống trớ trêu ở cuối sách mà ai đọc qua sẽ hiểu.
Về bản dịch tiếng Việt, mình cho rằng bản gốc đã không tự kiểm duyệt, nói giảm nói tránh hay uyển ngữ thì tiếng Việt cũng nên thế, và bản dịch này đã thực sự làm được điều đó. Sự thật dữ dội và trần trụi, chỉ nói giảm một từ thôi cũng đã làm giảm sức nặng của nó.
Cuối cùng, có thể mô tả cảm giác khi đọc quyển này bằng đúng một đoạn trong sách: "Câu chuyện của Sato chảy qua Nakamura như một con sông dâng nước tràn qua một mụt đá lớn. Nó rỉ rách quanh ông ta, rồi nó trào lên qua ông ta, và cuối cùng nó nhấn chìm ông ta". Chỉ khác một chỗ. Nhân vật Nakamura, dù vừa trải qua chuyến tàu cảm xúc đó, cuối cùng vẫn "trơ ra bất động" tự trong lòng. Còn chúng ta, khó mà dửng dưng như thế được.
đọc blog của anh hay quá, cảm ơn những bài viết của anh. Tiện cho em hỏi làm thế nào để tạo được trang như của anh (xumap.blogspot.com) và có mất phí không ạ?
ReplyDeleteCám ơn Nguyên nhé. Mình thấy Nguyên cũng có blog với giao diện và tên miền cá nhân giống mình, https://nguyen3391.blogspot.com/ rồi mà? Dịch vụ Blogger này của Google thì miễn phí hết, mình cũng làm giống bạn thôi à
ReplyDelete