Sự dối trá



Đâu là điểm chung giữa đề thi tốt nghiệp THPT môn văn, vua đạo văn Lê Đức Thông, và tuyên bố của bộ GD&ĐT sau kỳ thi tốt nghiệp? Câu trả lời không gì khác hơn chính là vấn đề được đặt ra trong câu hỏi nghị luận xã hội của đề thi môn văn: sự dối trá.



"Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội", gần 1 triệu học sinh trung học phổ thông đã phải viết về đề tài này, và nếu có quan tâm đến thời sự, nhiều em chắc chắn sẽ có được một ví dụ 'thời sự' nhất về vua đạo văn Lê Đức Thông, người đã "hùng hồn công bố với thế giới là đã phát minh phương pháp phổ chuẩn tinh mới "Thong method" (phương pháp của Thông)" (Tuổi Trẻ 29/05/2012). Thế nhưng, khi các bài viết trên tạp chí khoa học quốc tế của nhà vật lý này bị gỡ bỏ, người ta không khỏi nghi ngờ rằng phương pháp ấy có lẽ chỉ bao gồm hai thao tác "copy" và "paste".

Tuy vậy, các em học sinh, tiếc thay, đã không có dịp viết về một ví dụ khác của thói dối trá, vì nó chỉ xuất hiện khi em đã kết thúc kỳ thi: bộ GD-ĐT đánh giá "kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có sự cố đáng tiếc." (Tuổi Trẻ 05/06/2012), lời phát biểu được đăng buổi sáng thì ngay buổi chiều, đoạn video clip đặc cả một phòng thi hỗn loạn được tung lên mạng, như một cái tát vào mặt ngành giáo dục với những phát biểu mà dư luận đã thuộc nằm lòng, dù biết chắc sự thật hoàn toàn không phải thế.

Đó có phải là thói dối trá? Chúng ta vẫn thường nghe những người có trách nhiệm báo cáo những điều toàn màu hồng, toàn những "an toàn", "tốt đẹp", "đúng quy chế". Nhưng hãy thử tạm quên những lời có cánh đó, hãy hỏi chính con em mình -- những người trong cuộc. Hãy hỏi các em thực tế những gì đã diễn ra sau cánh cổng đóng kín của trường thi, để thấy đâu mới là sự thật, và để thấy rằng vụ việc ở Bắc Giang chỉ là một trong số rất nhiều những biểu hiện tiêu cực ở rất nhiều hội đồng thi khác, và trong rất nhiều năm qua.

Một kỳ thi tầm quốc gia còn vậy, huống hồ gì những kỳ thi khác, những sự việc khác mà ai đã, hoặc có người quen làm trong ngành giáo dục không hề xa lạ chút nào.

Và chính các bạn trẻ nữa, những người đã trải qua thời học sinh, đã thụ hưởng thành quả của nền giáo dục nước nhà trong suốt 12 năm, và dĩ nhiên, đã từng thi tốt nghiệp, các bạn sẽ nói gì? Hãy kể cho mọi người nghe những kỳ thi mà các bạn bị buộc phải giở bài làm của mình cho người khác chép, hay chứng kiến giám thị nhắc bài cho bạn. Hãy nhớ lại những lần thanh tra được báo trước, những buổi thao giảng mà học sinh được chọn sẵn để trả lời câu hỏi. Mọi thứ có hẳn là màu hồng? Nhưng sao người ta cứ cố lờ đi mọi thứ để nói những điều mà chẳng ai tin nổi? Đó là sự dối trá.

Trở lại với "Phương pháp Thông" -- hãy hỏi các sinh viên Việt Nam, có bao nhiêu người sẽ thẳng thắn thừa nhận mình đã từng áp dụng "phương pháp" này? Trong một bài viết hồi năm ngoái, tôi đã đề cập đến việc với nhiều sinh viên, một bài tiểu luận luôn được thực hiện theo công thức Google + Copy & Paste, và đến nay tôi đã được biết đó được gọi là Phương pháp Thông.

Điều quan trọng hơn, và trớ trêu thay, là khi tất thảy mọi người đều biết, đều thấy, thì những người nên biết, nên thấy lại dường như không biết gì cả. Và sự vụ Bắc Giang, những bài báo sau đó, và cả bài viết này, rồi sẽ lại chìm vào im lặng, và năm sau, chúng ta lại được đọc những bản tin về phao trắng trường thi, và biết đâu là thêm vài clip chống tiêu cực nào đó nữa.

Và chắc chắn sẽ không thể thiếu lời tuyên bố "kỳ thi đã diễn ra thành công, tốt đẹp".

Đó là gì, nếu không phải là sự dối trá?

Comments

  1. Đúng là đừng nên nói dối !Nhưng nhiều khi lời nói dối sẽ tốt hơn cho chúng ta

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh