Chuông nguyện hồn Flash


Tôi vẫn nhớ những ngày say mê xem các file nhạc Flash, chữ chạy kèm theo tiếng hát, hay chơi các game flash mini vui nhộn cách đây hơn 10 năm. Thời Flash thống trị nội dung web dường như đã xa khi cả thế giới công nghệ đang kêu gọi đào mồ chôn nền tảng này gấp gấp.

“Giới công nghệ đang viết điếu văn cho Flash”, tờ Wall Street Journal (WJS) sáng 20-7 giật tít. Điều gì đang xảy ra?

Từng mang lại luồn gió sinh động cho nội dung web với nội dung động kèm âm thanh, thay vì đơn điệu chỉ với chữ và hình, thế nhưng mọi thứ có vẻ như sắp kết thúc với Flash, công nghệ cho phép tạo các nội dung tương tác đa phương tiện.

Thật ra, giới công nghệ đã chỉ trích tính kém bảo mật của Adobe Flash nhiều năm qua, và hãng đã phải đều đặng cung cấp các bản cập nhật cho phần mềm của mình.

Nhưng giọt nước có vẻ sắp làm tràn ly khi tuần trước, khi giám đốc bảo mật của Facebook, Alex Stamos, đã thẳng thừng đưa ra “lời khuyên” cho Adobe: “đừng cố gắng sửa lỗi cho Flash nữa, hãy ‘diệt’ nó luôn đi”.

Ngay lập tức, Google và Mozilla cùng tạm thời cho dừng (disable) các nội dung flash trên Chrome và Firefox.


Các phát biểu và động thái trên được đưa sau thông tin các tin tặc vẫn đang tiếp tục khai thác một lỗ hổng bảo mật của Flash, có thể gây hại cho người dùng.

Adobe hiện vẫn cho phép người dùng tải Flash và các bản nâng cấp bảo mật thường xuyên. Nhưng với các sự cố gần đây, nhiều tờ báo công nghệ đã khuyên người dùng nên tắt hẳn Flash trên trình duyệt của mình, dù điều này sẽ khiến họ không xem được video hay các nội dung tương tác tại một số trang web.

Song, Danny Brian, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu thuộc hãng Gartner Inc, nhận định “cái chết” của Flash là điều không tránh khỏi.

“Khả năng Flash đến hồi cáo chung đã xuất hiện khoảng 1-2 năm nay” - WSJ dẫn lời Brian.


Thời hoàng kim

Ra mắt đầu những năm 1990, Flash vốn được Macromedia Inc tạo ra như một chương trình tạo ảnh động (animation) dễ sử dụng.

Sau đó, phần mềm này trở nên phổ biến đến nỗi nó được cài sẵn trên mọi máy tính bán ra trên toàn thế giới.

Năm 2005, Adobe bỏ ra 3,4 tỉ USD mua lại Macromedia, thương vụ mà Flash được là “hòn đá tảng chiến lược”. 

YouTube được thành lập năm 2005 dựa trên Flash, và Netflix cũng sử dụng công nghệ này để phát các nội dung media trực tuyến. 

Flash cũng được các hãng quảng cáo tôn là nhà vô địch khi giúp tạo ra các banner quảng cáo online bắt mắt. 

Vào thời hoàng kim này, ai cũng nghĩ Flash sẽ mãi là một phần không thể thiếu của thế giới web.

"Cú đấm" iPhone

Song Flash dường như bắt đầu bị đẩy đến bờ tuột dốc từ năm 2007, khi Apple ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên.

Adobe lập tức muốn Flash có mặt trên iPhone, vì “Mọi người ở Adobe, ai cũng có một chiếc iPhone cả” - kỹ sư Carlos Icaze, lúc đó đang phụ trách phát triển Flash trên nền di động, nói với WSJ.

Song Icaza không ngờ ông lại bị Apple “làm khó”. 


Flash khi đó vốn đã bị than phiền vì tốn nhiều tài nguyên. Vấn đề này không lớn với máy tính cá nhân (PC), nhưng với thiết bị di động, với phần cứng hạn chế và dung lượng pin có giới hạn, đây lại là chuyện lớn. Và Apple do đó đã quyết định không hỗ trợ Flash trên iPhone.

Muốn có mặt trên smartphone của “Quả táo cắn dở”, Flash phải được lập trình lại rất nhiều.

Nhưng lãnh đạo Adobe lại không cho Icaza có được các nguồn lực cần thiết để làm điều này.

“Mọi người đều có thiết bị tuyệt vời đó và đều biết nó sẽ thay đổi thế giới. Nhưng chẳng ai [tại Adobe] muốn làm cho Flash chạy được trên iPhone cả” - Icaza nói với WJS.

Song một cựu lãnh đạo khác của Adobe lại nói với WJS, hãng này đã rất muốn Flash chạy trên iPhone nhưng không đạt được thỏa thuận với Apple.


Tháng 4-2010, khi Apple tiếp tục tạo ra iPad, Steve Jobs cũng công khai chỉ trích Flash làm hao pin, đầy lỗi bảo mật và rốt lại, là lựa chọn xấu cho các nền tảng di động của Apple.

CEO quá cố của Apple còn có mối hiềm khích cá nhân với Adobe.

Steve Jobs không bao giờ tha thứ cho Adobe vì đã từ chối cho phép chương trình chỉnh sửa video Adobe Premiere chạy trên máy Mac vào năm 1999, khi Apple đang phải vật lộn để tồn tại, theo Walter Isaacson, người viết tiểu sử của Jobs.

Brightcove Inc, một hãng sản xuất phần mềm video, nhân cơ hội nhảy vào thay thế Flash.

Brightcove phát triển ứng dụng miễn phí dựa trên nền tảng mở và nhanh chóng làm “xoay trục” thị trường video online.

Flash chẳng là gì với Adobe

Adobe hiện vẫn kiếm được tiền nhờ bán các phần mềm tạo website trên nền Flash, nhưng lợi nhuận từ Flash là vô cùng ít ỏi bởi sự cạnh tranh của các nền tảng miễn phí khác.

Flash hiện chỉ chiếm chưa tới 5% tổng sớ lợi nhuận của Adobe. Dù vẫn được nhiều trang web sử dụng và tương thích với hầu hết các trình duyệt, số trang web chạy Flash đang giảm dần. Hiện chưa tới 6% các trang chủ trên Internet có chạy Flash, theo BuiltWith, một trang theo dõi công nghệ Internet.

Bản thân Adobe cũng đã phải “xoay trục” để thích ứng với tình thế. Hãng cho ra mắt các công cụ Creative Cloud dành cho các lập trình viên vốn đang phát triển các công nghệ hòng thay thế Flash.


Ngoài ra, Adobe cũng đã tăng đầu tư cho chuẩn Web mở HTML5 trong vòng 4 năm qua. Microsoft, vốn dự định đưa phần mềm Silverlight của mình thay thế Flash, cũng đã đón nhận HTML5 và đã tuyên bố sẽ ngưng hỗ trợ Silverlight trong 6 năm tới.

Adobe đã có “thuở ban đầu” huy hoàng với Flash và sự sa sút của nó thật ra không tác động nhiều đến hoạt động của hãng.

Giá cổ phiếu của Adobe đã tăng hơn gấp đôi từ khi Steve Jobs đẩy Flash xuống bờ tuột dốc.

Adobe hiện vẫn chưa phản hồi lời khuyên “hãy diệt Flash đi” của Stamos.

Nhưng với giới công nghệ, có lẽ Flash đã sắp trút hơi thở cuối cùng.

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog