“Nạn nhân” mua gian bán lận: tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Người bán hàng rong có bảng "1/2kg" đang bị ném đá. Có đáng như vậy? Thử nhìn theo một góc độ khác.

Theo dõi loạt bài về trò buôn gian bán lận tại VN mấy ngày qua, điều dễ nhận thấy là hầu hết người dùng đều "rành sáu câu" trước các mánh lới này của người bán, nhưng vẫn tặc lưỡi cho qua và ghé vào mua như thuờng.

Nhiều người thừa nhận họ ghé mua vì tiện đường, vì quen rồi, và chắc hẳn còn vì… giá rẻ.

Những người cân điêu, độn cành lá, bùn đất, thức ăn để tăng trọng cho trái cây, sò huyết và gà dĩ nhiên là lừa dối và cần phải lên án. Nhưng còn những người đằng sau tấm biển hiệu "1/2 ký" thì sao? Thật ra họ không làm gì sai. Họ niêm yết giá, và bán đúng với giá đã công khai. Họ không lừa khách hàng. Đó là lý do những người bán hàng rong này không bị phạt (nếu có, chỉ có thể phạt tội lấn chiếm lòng lề đường chứ không thể phạt tội gian lận).

Người dùng có thể bị lừa lần đầu bởi bảng giá cố tình mù mờ, nhưng chắc chắn sẽ không có lần bị lừa lần thứ hai. Và thời nay chắc chỉ có người mới đến Sài Gòn lần đầu mới bị những tấm bảng giá như vậy lừa, bởi chiêu này đã có hàng chục năm nay!

Như vậy, nếu xét lại, giữa người bán cố ý viết bảng giá mập mờ với người mua bất chấp tất cả để được giá trẻ và tiện lợi, ai đáng trách hơn?

Nếu vải 10.000kg mà cũng tin, thì nên trách mình dại hay trách người gạt ta?

Trong một chừng mực nào đó, những người hàng rong đang áp dụng một chiêu marketing (tiếp thị) đánh trúng tâm lý (ham rẻ) của khách hàng, và điều này thật ra không đến mức phải lên án, bởi nó quá bình thường trong kinh doanh.

Niêm yết giá làm sao để khách hàng luôn có cảm giác mình sẽ lợi khi mua hàng là điều cực kì quan trọng trong nghệ thuật bán hàng.

Có những siêu thị mà ở quầy trái cây, họ niêm yết giá theo 100g chứ không phải 1kg. Do vậy, nhìn vào quầy bơ với biển giá 5.000 đồng/100g, chúng ta luôn cảm giác nó rẻ và muốn mua hơn khi để 50.000/kg, dù bản chất vẫn là một mức giá.

Một “chiêu trò” khá phổ biến khác trong niêm yết giá là giảm 1.000 hay 10.000 để đưa về số lẻ kiểu 99.000 hay 999.990 để tạo cảm giác “giá rẻ”.

Tương tự, các chương trình cho vay mua hàng tiêu dùng trả góp luôn công bố mức lãi suất theo tháng để thu hút người dùng vì có cảm giác lãi suất thấp. Trong khi nếu bình tĩnh tính toán lại, họ sẽ thấy mức lãi theo năm là rất lớn.

Đương nhiên chẳng ai phê phán các siêu thị, cửa hàng niêm yết giá theo kiểu này cả. Và người bán hàng rong cũng chỉ áp dụng những chiêu này mà thôi.

Khi mang câu chuyện người dùng trách “bị lừa” bởi các bảng giá “½ ký” kể cho những người bạn nước ngoài, tôi nhận được sự ngạc nhiên của họ. Là bởi tại sao người dùng Việt biết thế mà vẫn mua, và sau đó lại trách người bán?

“Tại sao phải chấp nhận mua cua bị cột dây, trong khi bạn có thể mua chúng trong siêu thị mà không phải trả tiền cho sợi dây?” và “Hơn ai hết các bạn biết rõ giá cả của các loại trái cây, vậy sao có thể tin rằng lại có nơi bán chôm chôm chỉ 3.000/ký” là những câu hỏi mà các bạn nước ngoài đặt ra.

Quả vậy, chúng ta thừa biết vải, chôm chôm không thể chỉ vài ngàn một ký, hay không đến mức không thể ghé siêu thị để mua cua mà không bị cột dây. Vậy sao vẫn “xem là chuyện thường và cho qua”, để rồi lại than trách bị lừa?

Như tiến sĩ Huỳnh Thế Du từng trả lời Tuổi Trẻ, chính người dùng đã tự biến mình thành “khách hàng trung thành” của hàng rong giá rẻ, chất lượng mập mờ, khiến họ có thể “lừa” người dùng quanh năm suốt tháng.

Những người bán hàng rong này, nếu có trách, chỉ có thể nói họ hơi "ma lanh" để khách hàng dừng chân, chứ họ không bán thiếu hay sai giá.

Chỉ trách chúng ta vì một chút tiện lợi và rẻ đi vài nghìn mà chấp nhận cảm giác bị lừa và thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

Nếu ngày mai trên đường đi làm về, bạn bỏ qua những xe đẩy bán “đào Hà Nội”, “vải thiều Bắc Giang” mà chịu khó tấp vào một siêu thị mini chẳng hạn, thì ai sẽ “lừa” được bạn?

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog