Startup Trung Quốc và cuộc đua “xe đạp ơi”

Nền kinh tế chia sẻ đã cho ra đời những hình thức vận tải mới như Uber hay Grab, và cả các phiên bản phái sinh như “xe ôm công nghệ” cho thị trường Việt Nam, vậy còn xe đạp thì sao?

Hai công ty startup (khởi nghiệp) Trung Quốc - Mobike (trụ sở Thượng Hải) và Ofo (Bắc Kinh) đã đặt cược vào mô hình “Uber xe đạp” và đang tạo ra một cuộc chạy đua song mã giành giật khách hàng trong nước, nơi xe đạp từng là biểu tượng thuở hàn vi của nền kinh tế hiện đứng thứ 2 thế giới.

Cần cứ lấy - trả đâu cũng được

Mô hình “thuê xe đạp thông minh” của Mobike và Ofo nhìn chung giống nhau: người dùng tải ứng dụng để mở khóa xe và sử dụng, sau đó trả tiền thuê theo giờ. Điểm đặc biệt và cũng là điều cả Mobike và Ofo đều tự hào: khách hàng có thể đậu và trả xe bất kỳ chỗ nào, thay vì phải chạy đến đúng trạm như các mô hình cho thuê xe đạp khác. Mobike thậm chí còn có điểm cộng so với đối thủ: ứng dụng của hãng cho phép người dùng tìm xe đang trống thông qua GPS. Tờ Wall Street Journal mô tả cuộc chiến giữa Mobike và Ofo là cuộc chiến giữa “xe đạp cam và vàng”, dựa theo màu xe của hai hãng. Xe của Mobike có bánh viền cam, ít căm (nan hoa) và dùng vỏ không ruột, trong khi Ofo dùng xe bánh vàng với thiết kế hoài cổ hơn.




Dù đang “kình” nhau trong cuộc đua song mã, Mobike và Ofo cũng nhắm vào đối tượng khách hàng khác nhau. Theo Bloomberg, giá thuê của Ofo, vốn nhằm vào khách hàng sinh viên, chỉ là 1 nhân dân tệ/giờ, chỉ bằng nửa giá của Mobike. Người dùng Ofo cũng phải đặt cọc 13 USD và Mobike, với đối tượng khách hàng mục tiêu là dân văn phòng, yêu cầu đặt cọc đến 50 USD vì xe xịn hơn (vì có bộ định vị GPS).

Mobike cho biết hãng hiện có 30.000 chiếc xe (giá mỗi chiếc 440 USD), rải khắp các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến - với tổng dân thành thị tại 4 thị trường này lên đến hơn 74 triệu người, theo Reuters. Tham vọng của Mobike là nâng tổng số xe tại mỗi thành phố lên 100.000 vào cuối năm nay và mở rộng thêm thị trường sang các đô thị khác. Trong khi đó, Ofo có hơn 85.000 xe (giá chỉ 37 USD/chiếc), chủ yếu đặt ở khuôn viên các trường đại học và cũng dự định sẽ mở rộng thị trường sang các thành phố khác.

Vẫn theo Reuters, Ofo tuyên bố đạt khoảng 500.000 cuốc xe được thuê mỗi ngày, trong khi CEO của Mobike, Wang Xiaofeng đưa ra con số 100.000 người dùng hàng ngày. Ông Wang, 43 tuổi và từng đứng đầu chi nhánh Uber ở Thượng Hải, cho biết mục tiêu của Mobike là “làm cho xe đạp quyến rũ trở lại bằng cách tạo ra các chiếc xe vừa thời trang vừa hi-tech”. CEO này tin tưởng nếu mỗi chiếc xe của hãng được thuê 4 lần/ngày thì sau 2 đến 3 tháng là “gỡ vốn” được tiền đầu tư cho chiếc xe đó.



Thử thách và tiềm năng
Đầu tư tiền bạc và lạc quan nhiều là thế, nhưng theo Wall Street Journal, cả hai hãng (đều thành lập năm 2015) đều chưa có lợi nhuận. Vậy nhưng hai startup này lại hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư, gồm cả các tên tuổi lớn. Mobike vừa nhận được đầu tư khủng 100 triệu USD từ nhiều nhà đầu tư, gồm có gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent Holdings, còn Ofo cũng gọi vốn được 130 triệu USD từ nhiều ông lớn, gồm cả hãng điện tử Xiaomi và Didi - công ty đã thâu tóm mảng hoạt động tại Trung Quốc của Uber hồi tháng 4.

Thành công trong việc gọi vốn có thể giúp Mobike và Ofo tạm yên tâm vấn đề “tiền đâu”, nhưng vẫn còn hàng loạt thách thức đặt ra cho cả hai. Dễ đoán đó là chuyện xe bị trộm cắp hoặc phá hoại, hay người thuê vô trách nhiệm đậu xe ở chỗ cấm, mà theo Reuters là “diễn ra như cơm bữa”. Ở tầm “vĩ mô” hơn là vấn đề pháp lý, khi chính quyền vẫn chưa thực sự tạo điều kiện thông thoáng cho thị trường chia sẻ xe (ride-sharing) qua ứng dụng di động. Cuối cùng là chuyện đường sá. “Từ góc độ quy hoạch, chia sẻ xe đạp là mô hình tốt nhưng nhiều đường phố ở các thành phố Trung Quốc được xây theo hướng ưu tiên xe hơi và không có đủ hạ tầng cho xe đạp” - Sylvia He, phó giáo sư thuộc Viện Thành phố Tương lai Đại học Hong Kong bình luận.

Nhưng trước mắt, như mọi cuộc đua song mã trong kinh doanh, người được lợi vẫn là khách hàng. Đôi khi chẳng cần phải biết xe nào của hãng nào, “khi đang lười, thấy xe nào trước thì cứ đi thôi” - như một người dùng chia sẻ với Bloomberg.

Vậy thị trường Việt Nam có phù hợp cho startup kiểu “xe đạp ơi” hay không? Cứ bê nguyên xi những thách thức mà Mobike và Ofo vẫn đang phải đối mặt sang, thêm vào một điều - dân Việt ít có thói quen đạp xe - là có câu trả lời.



BẠN CÓ BIẾT?

Mô hình thuê xe đạp thông minh được xem là níu lại quá khứ huy hoàng cho xe đạp là bởi Trung Quốc hai thập niên gần đây đã đầu tư mạnh vào xe hơi, khiến số người “cưỡi ngựa sắt” giảm mạnh. Theo Bloomberg, năm 1995 Trung Quốc có tổng cộng 670 triệu xe đạp, nhưng đến năm 2013 chỉ còn 370 triệu.

Mô hình cho thuê xe đạp không phải là mới. Theo Bloomberg, có khoảng 600 dịch vụ như thế trên khắp thế giới, và thị trường này được dự báo sẽ trị giá đến 5,8 tỉ USD vào năm 2020, theo hãng tư vấn Roland Berger.

Comments

  1. Địa chỉ thăm khám và hỗ trợ điều trị viêm bàng quang
    Lựa chọn địa chỉ khám và chữa bệnh viêm nhiễm bàng quang uy tín là yếu tố then chốt quyết định rằng bệnh có thể khỏi hay không. Mặc dù hiện nay có rất nhiều cơ sở y tế mọc lên, tuy nhiên bên trong đó có không ít địa chỉ khám kém chất lượng. Do đó người bệnh cần sáng suốt lựa chọn địa chỉ uy tín cho mình.>>> Lựa chọn bệnh viện khám viêm bàng quang uy tín

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh