Tắm lạ, khỏe thật - Phần 1: Tắm rừng

Những kiểu “tắm lạ”, hòa mình vào những thứ không - phải - là - nước, lại là một xu hướng mới trong trị liệu sức khỏe bởi hiệu quả giải stress và điều trị được nhiều chứng bệnh.
Phần 1 của loạt bài dài kỳ này, mới các bạn tìm hiểu tắm rừng.

“Tắm rừng” không có nghĩa là... tắm ở trong rừng. Người Nhật gọi “tắm rừng” là shinrin-yoku, và đưa hình thức này vào chương trình chăm sóc sức khỏe công cộng chính thức từ năm 1982. “Tắm rừng” đơn giản chỉ là đứng giữa cây cối để thư giãn, nghĩa là “tắm mình” vào không gian xanh do cây cối tạo ra.

Chỉ đứng giữa đám cây cối um tùm mà xả được stress và tăng cường sức khỏe, có khó tin lắm không? Theo trang Quartz, từ năm 2004 đến 2012, Nhật Bản đã chi khoảng 4 triệu USD để nghiên cứu tác dụng trị liệu và tâm lý của “tắm rừng”.

Kết quả là khoa học chứng minh được “tắm rừng” làm giảm nhịp tim và huyết áp, giảm hormone gây căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch và tăng cảm giác an nhiên. Từ đó, Chính phủ Nhật quyết định lập 48 khu chuyên dành cho phương pháp trị liệu này.


Từ năm 2009, các nhà khoa học Trường Y khoa Nippon (Nhật) chỉ ra việc đi thăm rừng làm tăng hoạt động của các tế bào tiêu diệt tự nhiên, góp phần thúc đẩy hệ thống miễn dịch và phòng chống ung thư.

Cây cối trong rừng thường phát ra một hợp chất hữu cơ kháng khuẩn dưới dạng tinh dầu gọi là phytoncide, để tự bảo vệ mình khỏi côn trùng và các vi sinh vật gây hại.

Người “tắm rừng” sẽ “hưởng ké” chất này khi hít thở. Nhóm nghiên cứu kết luận cứ một lần “tắm rừng” vào cuối tuần thì những tác động tích cực của nó lên sức khỏe sẽ kéo dài đến tận một tháng sau.

Một nghiên cứu khác do Trung tâm Khoa học cảnh quan, sức khỏe và môi trường thuộc Đại học China (Nhật) đã so sánh nồng độ salivary cortisol (một loại hormone gây stress), nhịp tim, huyết áp và hoạt động thần kinh của một nhóm người ở suốt một ngày trong thành phố với nhóm đã “tắm rừng” 30 phút.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “môi trường rừng làm giảm nồng độ salivary cortisol, giảm nhịp tim, hạ huyết áp, tăng hoạt động thần kinh phó giao cảm và giảm hoạt động thần kinh giao cảm, so với môi trường đô thị”.

Ngoài hiệu quả trị liệu, việc “tắm rừng” cũng có tác động tích cực đến tâm lý người tắm. Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Public Health năm 2007, các nhà khoa học Nhật theo dõi 498 người khỏe mạnh khi họ sống trong môi trường bình thường và khi “tắm rừng”.

Kết quả, mỗi khi được tiếp xúc với không gian xanh và cây cối, người ta có xu hướng giảm trầm cảm và ít nổi nóng hay cáu giận hơn, trái lại trở nên năng động hơn. Nhóm nghiên cứu cũng kết luận môi trường rừng là phương pháp “trị liệu bằng cảnh quan” rất phù hợp với những người bị căng thẳng kinh niên.

Phải “tắm rừng” 
sao cho đúng?
Trang Quartz dẫn lời các “sư phụ” cho rằng thật ra ta không cần phải làm gì cả. “Chỉ cần có cây cối. Bạn không cần phải đi bộ đường dài (hiking), không cần các thiết bị đeo thông minh để đo sức khỏe. Bạn có thể ngồi hoặc nhảy nhót, chỉ cần nhớ mục đích chính của ta khi vào rừng là để thư giãn chứ không phải để đạt một mục tiêu gì đó” - Quartz viết.

Các chuyên gia cho rằng có thể “tắm rừng” ở công viên cũng được, miễn là có lượng cây xanh kha khá để ta tắm. “Tắm rừng” ở công viên giúp giải stress, nhưng để đạt được các hiệu quả kể trên thì phải vào rừng thật.

Quartz giới thiệu câu lạc bộ “tắm rừng” do anh Julia Plevin, một nhà thiết kế người Mỹ, sáng lập ở San Francisco vào năm 2014. Các thành viên sẽ “tắm rừng” mỗi tháng một lần với nhau để cùng thoát khỏi công nghệ.

“Chúng ta đã dành phần lớn đời mình tiếp xúc với các màn hình 2D - Plevin chia sẻ - Điều đó thật đáng buồn vì ta có cả một thế giới 3D rộng lớn ngoài kia. Tắm rừng là cách để bạn tách rời điện thoại, máy tính và tất cả những ồn ào của email hay mạng xã hội”.

Nếu điểm đến cho phép trong kỳ nghỉ của bạn sắp tới, hãy thử đưa “tắm rừng” vào lịch trình. Và đừng quên cân nhắc lời khuyên sau của Gregg Berman - hướng dẫn viên “tắm rừng” chuyên nghiệp ở California (Mỹ):

“Ở cửa rừng, hãy nhặt một hòn đá, đặt vào đó một điều phiền muộn và thả nó xuống. Dĩ nhiên bạn có thể nhặt điều muộn phiền đó khi ra khỏi rừng. Song, sau hai giờ tắm rừng, có ai lại muốn làm thế chứ?”.

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh