Chống nghiện cái màn hình, ai giúp bạn?

Trước sức ép của dư luận, thậm chí là hành động phản kháng vì tính gây nghiện của thiết bị điện tử và mạng xã hội, từ các hệ điều hành di động đến các ứng dụng mạng xã hội bắt đầu hành động giúp chính người dùng giảm thời gian dán mắt vào màn hình. Nhưng liệu những nỗ lực kia có khác gì dòng chữ “hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” trên mỗi bao thuốc?

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra “screen time”, tức thời gian dành trước màn hình (máy tính, điện thoại, máy tính bảng, máy chơi điện tử, TV), đặc biệt là ở trẻ em, càng cao thì nguy cơ về sức khỏe càng nhiều.

Mới nhất là nghiên cứu công bố ngày 7-8 cho thấy thời gian chăm chú vào điện thoại hay màn hình của các thiết bị khác sẽ tăng nguy cơ béo phì và bệnh tim. Thói quen nghiện màn hình cũng được cho là làm ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ, rối loạn ăn uống.

Nếu như trước đây người dùng phải tự cứu mình bằng cách cố cai nghiện điện thoại, hoặc cha mẹ cấm con cái dùng thiết bị điện tử nhiều hoặc lên lịch mỗi ngày chỉ cho vài tiếng chơi iPad, thời gian gần đây, chính các công ty công nghệ như Google, Apple và Facebook cũng cung cấp công cụ giúp người dùng quản lý thời gian sử dụng thiết bị di động hay lướt mạng xã hội.

Động thái này rõ ràng là có thiện ý và trong chừng mực nào đó có thể góp phần giúp người dùng giảm thời gian trước màn hình, song nếu phân tích sâu hơn, mọi chuyện dường như không đơn giản như thế.


Mỗi giây phút đều có ý nghĩa

Ngày 6-8, Google chính thức ra mắt Android P, thế hệ mới nhất của hệ điều hành dành cho thiết bị di động, với nhiều tính năng mới, trong đó được chú ý nhất là Digital Wellbeing, bảng điều khiển cho phép người dùng quản lý thời gian sử dụng điện thoại và các ứng dụng để đảm bảo sức khỏe cho mình.

Tính năng này cho phép người dùng biết được họ đã dành bao nhiêu thời gian cho điện thoại, mỗi ngày mở khóa điện thoại bao nhiêu lần, nhận được bao nhiêu thông báo (notification) và cho từng app cụ thể, và sử dụng ứng dụng nào nhiều nhất.

Người dùng cũng có thể đặt giới hạn sử dụng từng app, chẳng hạn không quá 2 tiếng mỗi ngày cho Facebook. Khi đang dùng Facebook mà lố khoảng thời gian này, một thông báo sẽ hiện lên nhắc nhở và tạm khóa luôn ứng dụng. Muốn tự phá luật, người dùng buộc phải quay lại chỗ cài đặt và tự nâng mức thời gian lên.

Hồi tháng 6, Apple cũng công bố phiên bản hệ điều hành iOS 12 sắp ra mắt chính thức cũng sẽ có tính năng Screen Time, cung cấp báo cáo mỗi ngày và mỗi tuần với các thông tin tương tự như Digital Wellbeing. 

Người dùng cũng có thể đặt giới hạn giờ cho từng app như trên Android P. Apple cho rằng một khi đã biết mình tốn bao nhiêu thời gian cho iPhone hay iPad, người dùng có thể kiểm soát “screen time” của họ tốt hơn, và cha mẹ cũng có thể yên tâm cho con cái sử dụng thiết bị di động sau khi đã đặt giới hạn giờ sử dụng.

Nhưng rõ ràng ta không dán mắt cả ngày vào điện thoại nếu trong đó... chẳng có gì hấp dẫn. Các ứng dụng, đặc biệt là mạng xã hội, mới là nguyên nhân chính. Vì thế mà Facebook cũng nối gót Google và Apple vào cuối tháng 7, với tuyên bố ứng dụng Facebook và Instagram sẽ được thêm tính năng thống kê và quản lý thời gian sử dụng.

Mạng này muốn “mỗi giây phút người dùng dành cho Facebook đều có ý nghĩa”, và vì thế sẽ cho phép họ biết họ dành trung bình bao nhiêu giờ mỗi ngày trên hai nền tảng này. Người dùng có thể cài đặt để Facebook nhắc họ “đã đến lúc ngưng lướt phây”, hoặc tạm tắt các tin nhắn thông báo sau một khoảng thời gian nhất định.

Phía sau chân dung hào hiệp

Câu chuyện nghiện điện thoại thường dẫn đến tranh cãi: tại anh có sản phẩm hay ho làm tôi ghiền, hay tại tôi không biết làm chủ bản thân. Apple, Google và Facebook giờ đã đưa rõ thông điệp: quý vị muốn bớt “đắm đuối” vì sản phẩm của chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng giúp. 

Giữa các ông lớn này dường như cũng có sự bắt tay nhau vì đại cục: Digital Wellness và Screen Time rõ là muốn người dùng bớt xài các app như Facebook, song công ty của Mark Zuckerberg cho thấy họ cũng không phiền vì điều đó mà còn cung cấp thêm công cụ, tiếp sức cho hai công ty kia.

Tuy nhiên, đằng sau chân dung hào hiệp của các đại gia công nghệ là một sự thật xấu xí. Chính bằng nghĩa cử “cho tôi tham gia giúp quý vị”, các hãng công nghệ này đã trút được gánh nặng trách nhiệm ra khỏi vai họ.

Bằng cách “trao quyền” cho người dùng được biết và quản lý thời gian sử dụng điện thoại hay lướt mạng xã hội, xem như Google, Apple và Facebook giờ đây không còn chịu trách nhiệm nếu người dùng có gặp vấn đề về sức khỏe hay lãng phí thời gian, theo đúng kiểu “chúng tôi đã cho quý vị công cụ rồi, có gì thì tự chịu nhé”.

Mark Gottlieb, giám đốc điều hành Tổ chức Public Health Advocacy Institute, so sánh câu chuyện này với việc các hãng thuốc lá dán cảnh báo “hút thuốc có hại cho sức khỏe” lên sản phẩm của mình. 

Cung cấp thông tin và cảnh báo, còn thì sau đó ra sao là do chính người hút/người dùng. “Nếu có chuyện gì xảy ra, nhà sản xuất sẽ nói, ồ quý vị đã được cảnh báo rồi mà - Gottlieb nói với WIRED - Với quản lý screen time cũng vậy, người dùng đã được trao công cụ, thành ra họ phải tự xử lý mọi việc”.

Và cũng đừng quên Facebook hay Instagram sống nhờ việc người dùng “ở lại” với ứng dụng của họ càng lâu càng tốt. Thật khó tin họ thật lòng muốn người dùng đang lướt phây thì bỏ điện thoại xuống, ra ngoài và tập thể thao.

Ngay cả “sứ mệnh” giúp người dùng “có thời gian hữu ích trên Facebook” cũng mâu thuẫn với công cụ quản lý thời gian. 

Facebook cho biết đã thay đổi thuật toán để người dùng chỉ thấy tin tức hữu ích trên trang chủ (newsfeed). Điều trớ trêu là nếu hữu ích đến vậy thì người dùng đâu có lý do gì để ngưng dùng Facebook?


Hạ hồi phân giải

Người dùng hiện chỉ mới có thể tải bản iOS 12 không chính thức mới có thể dùng Screen Time, trong khi Android P mới được cập nhật cho người dùng Pixel 2 do Google sản xuất, còn tính năng của Facebook và Instagram cũng đang được cập nhật dần chứ không phải có ngay cho toàn bộ người dùng.

Thời gian sẽ trả lời liệu các công cụ quản lý screen time từ Google, Apple và Facebook có thực sự giúp người dùng hay không.

Tờ WIRED khá bi quan khi cho biết số liệu từ Moment, một công cụ đo thời gian người dùng sử dụng thiết bị di động, cho thấy quản lý và hạn thời gian sử dụng các ứng dụng không giúp gì nhiều trong việc khiến người ta bớt “dính chặt” vào smartphone.

Các chuyên gia hoài nghi cũng chỉ ra, người dùng giờ đây có thể biết mỗi ngày mình “lên phây” 3 hay 4 tiếng đồng hồ, hay sử dụng điện thoại cả chục tiếng, ngày mở khóa trăm lần, song làm sao để họ đánh giá chất lượng của chỗ thời gian đã tiêu đó?

Con số “3 tiếng trên smartphone” đâu có nghĩa là 3 tiếng hoàn toàn lãng phí mà còn bao gồm cả thời gian ta check mail hay trao đổi công việc qua Messenger kia mà?

Larry Rosen, nhà nghiên cứu tâm lý học thuộc Đại học California State University, thẳng thắn cho biết “rất khó để giảm thời gian dùng điện thoại, ngay cả khi ai đó bảo bạn, hôm nay xài bốn tiếng rồi đấy”. 

Rosen đã dùng Moment để theo dõi người dùng trong một nghiên cứu và nhận thấy ngay cả khi biết lượng thời gian khổng lồ mà mình đã lãng phí trên mạng xã hội, những người tham gia nghiên cứu cũng không giảm nghiện smartphone đáng kể. 

Không chỉ trích Facebook là “đá trách nhiệm” khi cung cấp công cụ quản lý thời gian cho người dùng, Rosen cho rằng đây là động thái khởi đầu “tốt nhưng chưa đủ”.

“Facebook và Instagram cho chúng ta biết chuyện gì đang xảy ra (ta nghiện mạng xã hội cỡ nào), và nhiệm vụ của ta là trả lời hai câu hỏi quan trọng còn lại: tại sao (ta nghiện) và làm cách nào (để giải quyết nó)” - Rosen nói với WIRED. 

Nhưng người lạc quan có thể kỳ vọng các “con số biết nói” sẽ giúp người dùng thức tỉnh, và những ai thực sự muốn “cai nghiện smartphone” và đủ ý chí, hẳn sẽ thành công nếu nghiêm túc đặt “quota thời gian” cho việc dùng điện thoại.



BOX

Một số chính phủ cũng nhận thấy họ cần can thiệp để giúp người dùng bớt nghiện smartphone hay mạng xã hội. Bang Georgia (Mỹ) vừa thông qua một luật cấm tài xế đụng vào điện thoại trừ khi đang đậu xe, trong khi Pháp vào đầu tháng 8 áp dụng lệnh cấm sử dụng smartphone trong trường học trên phạm vi toàn quốc. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer gọi động thái này của chính phủ là “thông điệp về sức khỏe cộng đồng đến các gia đình”.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

  1. Cám ơn bài viết của bạn. Đây là góc chia sẻ kiến thức của mình nhé
    congdongmarketingvn.com Nơi chia sẻ kiến thức về marketing và thiết kế hữu ích

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog