Máy tôi mua, sao không được quyền sửa


Có một bức ảnh kiểu “xúp gà cho tâm hồn” được chia sẻ trên không gian mạng khá phổ biến, đại ý một cặp vợ chồng già khi được hỏi vì sao họ vẫn giữ được hạnh phúc sau hàng chục năm thì từ tốn đáp: “Chúng tôi yêu nhau thời cái gì vỡ hay hỏng đều có thể sửa chữa được”. Thời nay, có những thứ muốn sửa cũng không được, phải có quyền!

Chắc mọi người vẫn nhớ đồ điện tử hồi xưa rất bền, chờ mãi chẳng chịu hư để có lý do mua cái mới. 

Điều đó dường như không còn đúng với các sản phẩm công nghệ ngày nay. 

Ví dụ rõ nhất là “con” smartphone, khi cũ đi thì không tệ đến mức không dùng được nhưng sẽ cực kỳ chậm, pin mau cạn, màn hình xuống sắc, kém nhạy. 

Ta buộc phải lên đời điện thoại vì tiền sửa có khi còn mắc hơn mua máy mới. Chuyện này không phải là ngẫu nhiên, mà có lý do cả.



Độc quyền sửa chữa?

Các nhà sản xuất ngày nay thích bán sản phẩm model mới nhất cho người dùng hơn là sửa đồ cũ của họ, và vì thế cố ý làm ra những sản phẩm không thể sửa chữa được, hoặc chỉ có người của họ sửa được mà thôi. 

Giấu nhẹm cách sửa chữa, từ chối bán phụ tùng thay thế cho các cửa hàng sửa chữa độc lập và hét giá dịch vụ sửa chữa để buộc ta phải mua hàng mới - tất cả là những lời cáo buộc nhắm vào nhiều hãng sản xuất, đặc biệt là đồ điện tử và công nghệ.

Nhiều thập niên trước, các hãng sản xuất rất “có tâm” khi bán sản phẩm ngoài cuốn hướng dẫn sử dụng còn kèm theo cẩm nang sửa chữa. Chẳng hạn việc mở thùng máy tính cá nhân ra và tháo ráp các linh kiện trong đó không có gì là quá phức tạp nếu chịu khó xem qua tài liệu. 

Vậy nhưng những năm gần đây, các thông tin hữu ích đó không còn nữa. 

“Hãy thử vào trang web của Apple và tìm cẩm nang sửa MacBook Pro, hay vào trang của Samsung tìm cách chữa tivi màn hình phẳng - quý vị chỉ trở ra tay trắng mà thôi” - hai tác giả Kyle Wiens và Gay Gordon-Byrne viết trong bài “Tại sao chúng ta phải đấu tranh giành quyền được tự sửa thiết bị điện tử của mình?” đăng trên tạp chí IEEE Spectrum. 

Điều tương tự cũng đúng với camera GoPro, máy đọc sách Kindle, máy in Lexmark. “Quý vị may ra có thể tìm thấy tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc mẹo sửa chữa do người khác đăng tải trên mạng, chứ còn bản thân các nhà sản xuất thì im thin thít” - hai tác giả viết.

Trung tuần tháng 7, Hãng Apple một phen “lên ruột” khi 11 video lưu hành nội bộ cho thấy chi tiết cách sửa iPhone X, iPad, MacBook Pro và iMac Pro với quy trình, kỹ thuật và công cụ độc quyền của họ bị rò rỉ. 

Apple dù không chính thức phát ngôn gì về số video này, nhưng nhanh chóng tìm cách để chúng biến khỏi Internet. Cách phản ứng này thật ra đồng nghĩa với việc Apple thừa nhận các video này là thật và một lần nữa khẳng định lập trường của họ trước nay “cấm cửa” người dùng và các cửa hàng bên thứ ba tự sửa thiết bị của mình để buộc người dùng phải lên đời sản phẩm liên tục, hoặc dùng dịch vụ sửa chữa đắt đỏ của Apple.

“Vì người dùng”?

Các hãng sản xuất biện hộ rằng họ cần phải hạn chế quyền được sửa chữa, dù là cho người dùng cá nhân hay doanh nghiệp, trước hết để bảo vệ sở hữu trí tuệ, và thứ nữa, lý do rất “cao cả” là “giành việc vất vả về mình” thay vì để người mua phải chịu.

Chẳng hạn Apple cho rằng họ sợ người dùng tự sửa thì có thể bị mảnh vỡ của màn hình làm bị thương. Công ty này cũng cho rằng họ phải là người duy nhất được sửa lỗi iPhone, nhất là nút Home - nơi lưu trữ vân tay của người dùng để mở khóa - để phòng hacker có thể nghiền ngẫm và tìm ra cách khống chế phần quan trọng này của thiết bị.

Nhiều nhà sản xuất còn dùng phần mềm để “trừng trị” những ai dám tự ý thay phần cứng từ bên thứ ba chứ không phải đồ chính hãng, chẳng hạn như khóa một số tính năng hay thậm chí “hô biến” thiết bị thành... cục gạch. 

Đồ điện tử ngày nay gồm phần xác (hardware) tức máy móc, linh kiện cầm nắm được và hồn (software) là phần mềm bên trong giúp nó vận hành được. Khi mua một món hàng, thật ra ta chỉ sở hữu phần xác, còn phần hồn do nhà sản xuất nắm quyền sinh sát.

Bài viết trên IEEE Spectrum dẫn chứng năm 2016 Hãng HP từng tác động vào phần mềm, khóa luôn các máy in dùng room mực không chính hãng, hay Hãng máy cày John Deere cài đặt khóa để không ai ngoài kỹ thuật viên của họ có quyền chỉnh sửa phần mềm các cỗ máy nông nghiệp thế hệ mới, chạy bằng phần mềm lập trình.

Apple cũng từng thông qua tính năng cập nhật hệ điều hành để khóa một số tính năng trên iPhone có dùng linh kiện không chính hãng và phải “trả giá” vì hành vi độc quyền này. Tại Úc, kể từ tháng 2-2015, ít nhất 275 người dùng iPhone và iPad đã bị “lỗi 53”, bị vô hiệu hóa thiết bị sau khi cài bản cập nhật như nói trên chỉ vì “trót” mang thiết bị ra tiệm sửa và thay linh kiện tương đương, thay vì gửi về trung tâm Apple để dùng phụ tùng chính hãng. 

Vụ việc kéo dài trong một năm. Đến tháng 4-2017, những người này đã khởi kiện và Apple bị tòa án tuyên phạt 9 triệu USD vì phạm luật liên bang, vốn quy định “nếu sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng có quyền hợp pháp được sửa chữa, thay thế sản phẩm, thậm chí nhận lại tiền theo luật tiêu dùng Úc”.



Cớ gì không được tự sửa iPhone?

Đứng bên kia chiến tuyến, đối đầu với các nhà sản xuất “khư khư” giữ quyền sửa chữa là các tổ chức như Repair.org iFixit, Repair Cafe và Restart Project với sứ mệnh chia sẻ tài liệu hướng dẫn, bí quyết và mẹo để ai cũng có thể tự sửa đồ đạc của mình.

Triết lý của iFixit là người dùng có quyền tự sửa đồ của mình hoặc chọn dịch vụ sửa chữa, tiếp cận tài liệu hướng dẫn và công cụ sửa chữa. Theo iFixit, chúng ta rõ ràng sẽ không mua xe hơi hay xe đạp “nếu việc tự thay bánh xe là phi pháp” và “quý vị không thể tự mình thay nhông xích”, vậy cớ gì ta lại chấp nhận việc mua iPhone nhưng không thể tự thay pin hay chọn cửa hàng sửa màn hình, mà chỉ có cách duy nhất là gửi về trung tâm Apple?

Những trang như thế này là cứu tinh cho các cửa hãng sửa chữa độc lập. Cách người tiêu dùng, cửa hàng sửa chữa độc lập tự mày mò, chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí tự tạo công cụ sửa chữa của họ thật sự hiệu quả. Người ta nhận thấy những gì thể hiện trong video rò rỉ của Apple không khác cách các cửa hàng bên ngoài làm là bao.

Repair.org được thành lập năm 2013 với mục tiêu đấu tranh để “khi một thiết bị điện tử bị hư, người tiêu dùng Mỹ có thể dễ dàng tìm thấy thông tin và các linh kiện cần thiết để (tự) sửa chúng, hoặc tùy chọn người sửa chúng giúp họ” thay vì phụ thuộc vào chính nhà sản xuất. 

Những bước tiên phong này đã dẫn đến phong trào đòi đưa ra đạo luật quyền được sửa chữa (Right to repair) ở Mỹ cũng với mục tiêu tương tự: buộc các nhà sản xuất phần cứng phải cung cấp thông tin sửa chữa và linh kiện, thiết bị cần thiết cho người sở hữu thiết bị đó cũng như các cửa hàng sửa chữa bên thứ ba.

Hồi tháng 3-2018, California trở thành bang thứ 18 ở Mỹ đưa việc thông qua đạo luật này vào nghị trình, nhằm giúp người tiêu dùng không còn phải tìm đến nhà sản xuất khi thiết bị của họ gặp vấn đề dù là nhỏ nhất, hoặc phải “lên đời” thiết bị sớm hơn cần thiết hay tốn tiền mua đồ mới liên tục.

Tương tự, viết trên Huffington Post ngày 19-4, tác giả Nicholas Mizera cho rằng người tiêu dùng ở Canada cũng không có nhiều sự lựa chọn khi thiết bị điện tử của họ hỏng hóc, khi các hãng viễn thông hay nhà bán lẻ buộc việc sửa chữa phải do chính họ hoặc các “cửa hàng ủy quyền” thực hiện. Giá cả đương nhiên một trời một vực.

Những người ủng hộ “Quyền được sửa chữa” kỳ vọng sự ủng hộ của từng bang ở Mỹ sẽ dẫn đến một đạo luật ở tầm quốc gia và người tiêu dùng ở các nước khác sẽ hưởng lợi từ thành công đó. 

Còn nhớ năm 2012, bang Massachusetts thông qua “Sáng kiến quyền được sửa chữa”, buộc các nhà sản xuất xe hơi phải cung cấp công cụ kiểm tra lỗi và tài liệu sửa chữa trực tiếp cho người dùng thay vì giữ độc quyền. 

Từ thành công của Massachusetts mà nhiều hiệp hội sản xuất xe năm 2014 đã ký biên bản ghi nhớ, cam kết làm đúng tinh thần của sáng kiến này ở toàn bộ 50 bang của Mỹ.

BOX

Wiens và Gordon-Byrne cho rằng thói quen vứt bỏ đồ điện tử thay vì sửa chúng tiềm ẩn rất nhiều nguy hại cho chính người tiêu dùng, nền kinh tế và cả môi trường, đồng thời không có lợi cho bất kỳ ai “ngoại trừ những kẻ đang muốn bán hàng cho quý vị”.

Thật vậy, người dùng cứ phải tốn tiền thay đồ mới, chỗ đồ hư không biết làm gì đành phải cho ra bãi rác, làm tăng lượng rác thải điện tử và ô nhiễm môi trường, trong khi các nhà sản xuất thì “tiền thầy bỏ túi”, không phải từ tiền bán các gói bảo hành thì cũng là phí sửa chữa hay tiền bán sản phẩm mới.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)


Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh