Luật bản quyền số có khiến tương lai Internet bớt tự do?

Trong khi giới kinh doanh và sử dụng dịch vụ Internet vẫn còn loay hoay để tuân thủ quy định chung về Bảo vệ dữ liệu (GDPR) vừa được Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp dụng cuối tháng 5, dự thảo luật mới về bản quyền trên không gian số lại dấy lên nhiều lo ngại.

Cũng như GDPR, câu chuyện về dự luật bảo vệ bản quyền trên mạng không chỉ là chuyện riêng của các nước EU, mà hoàn toàn có thể ảnh hưởng toàn cầu và thậm chí thay đổi sâu sắc Internet mà ta vẫn biết, như nhiều chuyên gia lo ngại.

EU bắt đầu nghiên cứu quy định chống vi phạm bản quyền trên Internet giữa các nước thành viên từ năm 2016. Ngày 20-6 vừa qua, Ủy ban luật pháp của cơ quan này đã thông qua dự luật, gọi ngắn gọn là Copyright Directive (Chỉ thị bản quyền).

Việc bỏ phiếu thông qua diễn ra chỉ chưa đầy một tháng, sau khi GDPR chính thức có hiệu lực. Cả hai bộ quy định này của EU đều có thể thay đổi triệt để và ảnh hưởng rộng khắp lên Internet. Điều khác biệt đáng chú ý nhất là cách chúng được cộng đồng đón nhận, không chỉ ở châu Âu mà cả phần còn lại của thế giới.

GDPR quy định các tổ chức trên mạng phải công khai và được người dùng ở EU đồng ý nếu muốn thu thập thông tin của họ, đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ các thông tin đó. Mục đích của quy định này rõ là muốn tốt cho người dùng và vì thế GDPR được đánh giá cao, thậm chí được xem là ví dụ tốt cho thấy EU đi đầu trong nỗ lực nhằm đặt Internet vào quy củ theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Trái lại, quy định về bảo vệ bản quyền được cho là mơ hồ, dễ bị lạm dụng và có thể khiến Internet không còn là không gian mở như trước nay, mà sẽ ngột ngạt hơn.


Cái gì và tại sao

Có thể hình dung dự luật này giống như cách YouTube đang làm để chặn vi phạm bản quyền video và âm thanh (audio) của các nội dung đưa lên mạng chia sẻ video lớn nhất hành tinh này. Nhưng tầm ảnh hưởng của nó sẽ lớn hơn rất nhiều do lẽ nội dung bao hàm cả chữ, hình ảnh, phần mềm (ngay cả khi còn ở dạng mã nguồn) và mọi nền tảng đều phải tuân thủ, chứ không riêng gì YouTube.

Người ta nhanh chóng điểm mặt chỉ tên hai nội dung gây tranh cãi nhất của Copyright Directive là điều 11 và 13, cho rằng hai quy định này có thể khiến Internet không còn là Internet mà ta đã biết.

Điều 13 quy định mọi nền tảng phải lọc nội dung ngay từ khâu tải lên (upload), xem nó có chứa các nội dung được đăng ký bản quyền hay không. Người chia sẻ buộc phải có giấy phép sử dụng nội dung đó (chẳng hạn được sự đồng ý của nhạc sĩ cho sử dụng một đoạn nhạc hay tác giả cho trích một đoạn văn), nếu không thì nền tảng đó có trách nhiệm ngăn không cho họ tải nội dung đó lên.

Quy định này sẽ ảnh hưởng cực lớn đến các nền tảng có vô vàn thông tin nhưng hoàn toàn do người dùng đưa lên như Facebook, Instagram, GitHub, Reddit và Tumblr cũng như các nền tảng nhỏ, ít tên tuổi hơn.

Người dùng Internet hẳn đều quen thuộc với kết quả tìm kiếm trên Google News, khi các bài báo được trình bày với dạng tiêu đề, hình minh họa và đoạn mô tả ngắn, ngay bên dưới đường link để vào đọc chúng. Các đường link của báo mạng khi được chia sẻ trên Facebook cũng được trình bày dạng như thế. Tổ hợp tiêu đề + hình ảnh + mô tả đó được gọi là snippet.

Điều 11 của Copyright Directive sẽ buộc các công ty như Google, Facebook và Microsoft phải trả tiền cho các nhà sản xuất nội dung để được phép hiển thị các snippet nói trên khi người dùng chia sẻ đường link của họ. Phần phí này được gọi là “link tax”, tức “thuế (để) dẫn link”.

Các nền tảng không thể hoặc không chịu trả phí bản quyền để hiển thị snippet sẽ phải ngưng tính năng này, hoặc chấp nhận chỉ hiển thị link theo dạng không có snippet, tức chỉ là một dòng chữ xanh có gạch chân và người dùng không rõ bấm vào nó sẽ dẫn đến đâu, hay biết trước được nội dung sơ lược của bài báo đó.

Lợi bất cập hại

Điều 11 và 13 của Copyright Directive có tác động gì, trong khi chúng rõ là nhằm để chống vấn nạn ăn cắp bản quyền nhức nhối và mang lại thêm nguồn thu cho các nhà phát hành nội dung trên mạng?

Với các công ty công nghệ, để tuân thủ quy định này, họ buộc phải chi tiền để phát triển công nghệ, tạo ra bộ lọc chặn các nội dung vi phạm bản quyền ngay tại nguồn, tức trước khi chúng được đưa lên mạng.

YouTube đã làm điều này rất thành công với công nghệ Content ID, khi các video dù chỉ “chôm” một đoạn nhạc chỉ vài giây cũng bị phát hiện. Tuy nhiên, cần biết công ty vốn thuộc Google này có tiềm lực tài chính mạnh và phải mất 11 năm mới xây dựng thành công bộ lọc ưu việt đó.

Về phía người dùng, không phải ai cũng là người ăn cắp bản quyền khi chia sẻ các thông tin không phải của họ lên Internet. Thử tưởng tượng một người muốn trích một đoạn văn mà họ tâm đắc trước khi kèm vài dòng cảm nghĩ. Bộ lọc theo quy định của Copyright Directive sẽ chặn ngay hành động đó, xem việc chia sẻ đoạn trích hệt như một người đăng tải nguyên một quyển sách mà không xin phép tác giả.

Trong khi đó, vấn đề của điều 11 tưởng là để giành quyền lợi cho các nhà sản xuất tin tức, nhưng chưa chắc các tờ báo mạng muốn thế.

Ai cũng biết lượng truy cập từ Google và Facebook hoặc các trang tổng hợp thông tin rất quan trọng với các trang báo mạng. Nếu giờ các nền tảng này thà không dẫn link, chứ không chịu trả link tax thì chính các trang báo sẽ bị thiệt vì mất một kênh thu hút truy cập.

Và tương tự, điều 13 sẽ loại các công ty nhỏ không có tiền đầu tư bộ lọc, các trang chia sẻ tin tức sẽ bị loại khỏi cuộc chơi vì điều 11, do lẽ chỉ có Google hay Facebook mới đủ tiền để tuân thủ luật. Copyright Directive chỉ áp dụng cho người dùng EU, tức họ sẽ bị kiểm duyệt gắt gao khi muốn đưa gì đó lên mạng.

Giới chuyên gia lo ngại các điều khoản này có thể bị lợi dụng để ảnh hưởng quyền tự do ngôn luận, hoặc ngăn chặn phát tán các thông tin không mong muốn. Nhưng người dùng các nước ngoài EU thì sao? Một số chuyên gia cho rằng hoàn toàn có khả năng các gã khổng lồ Internet sẽ thay đổi cơ chế để tuân thủ luật của EU, song “các công ty có thể áp dụng bộ lọc cho khắp thế giới” - Gus Rossi, giám đốc chính sách toàn cầu của tổ chức chuyên về luật bản quyền Public Knowledge, nhận định.

Rossi dẫn ngay ví dụ các công ty lớn như Microsoft đã thay đổi các chính sách để tuân thủ luật riêng tư dữ liệu của châu Âu, song áp dụng cho người dùng toàn cầu.


Internet bị thay đổi

WIRED dẫn lời Cory Doctorow, cố vấn đặc biệt của Quỹ biên giới điện tử (Electronic Frontier Foundation), cho rằng Copyright Directive, cụ thể là điều 13, có thể bị lạm dụng cho mục đích xấu.

Chẳng hạn một người đăng toàn văn Hiến pháp Mỹ lên mạng Medium và đăng ký bản quyền cho nội dung này. Nếu Medium có bộ lọc theo luật EU, bất kỳ ai đăng nội dung có trích hiến pháp đều bị chặn ngay tức khắc.

Ngoài mục đích “phá cho vui”, Doctorow cho biết kẽ hở này có thể bị lạm dụng để chặn một nội dung nào đó không phát tán rộng rãi trên mạng vì theo lý thuyết, chỉ duy nhất người nắm bản quyền mới được phép đưa nó lên Internet. Copyright Directive được cho là để EU chống lại tầm ảnh hưởng từ các đại gia Internet của Mỹ, song chính các startup và công ty cỡ nhỏ ở châu Âu mới là người lãnh hậu quả.

Một nhóm người có tên tuổi trong thế giới Internet gồm Tim Berners-Lee, cha đẻ của Internet và đồng sáng lập Wikipedia Jimmy Wales đã thảo một thư kiến nghị gửi EU để phản đối Copyright Directive. “Trong khi các công ty Internet của Hoa Kỳ có đủ khả năng tiền bạc để đầu tư nhằm tuân thủ quy định thì chính các đối thủ của các công ty Mỹ này, bao gồm các startup châu Âu và các công ty quy mô nhỏ, mới chịu áp lực lớn nhất từ điều 13” - bức thư viết.

Nhóm chuyên gia này nhất trí rằng Copyright Directive là ý tưởng tồi tệ có thể gây các tác hại trầm trọng cho Internet, và rằng điều 13 sẽ dẫn đến việc “biến Internet từ một nền tảng mở chuyên để chia sẻ và sáng tạo thành một công cụ cho phép giám sát tự động và kiểm soát người dùng”.

Từ năm 2016, khi dự luật này mới chỉ bắt đầu được thai nghén, Caroline Atkinson, giám đốc chính sách toàn cầu của Google, đã lên tiếng phản đối và cho rằng nó sẽ “biến Internet thành nơi mà mọi thứ được đưa lên web sẽ phải được các luật sư thông qua, trước khi đến được với khán giả (người đọc, xem, nghe, sử dụng)”.

Atkinson cũng cho rằng bắt các nền tảng trả tiền cho nhà phát hành nội dung chỉ để hiển thị snippet là không khả thi, và điều này chỉ khiến giảm lượng truy cập mà Google mang đến cho các trang web thông qua trang tìm kiếm và Google News.

BOX

Dự thảo Copyright Directive sẽ được đưa ra để 751 thành viên Nghị viện châu Âu biểu quyết vào tháng 7 hoặc tháng 9.

Nếu được thông qua, nó lại phải được từng nước thành viên phê chuẩn, trước khi Nghị viện châu Âu cho phần biểu quyết cuối cùng vào tháng 12-2018 hoặc tháng 1-2019.

Cho tới đó, tương lai tự do của Internet ở châu Âu và thế giới vẫn còn là ẩn số, dù người ta thiên về kịch bản xấu nhiều hơn!

TRƯỜNG SƠN


(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Popular posts from this blog