Xem truyền hình trên Facebook: ai ủng hộ, ai phản đối?


Dù đã có 2 tỉ người dùng thường xuyên, Facebook vẫn muốn người ta dành thời gian cho mạng xã hội này nhiều hơn với cú “xoay trục” đầy bất ngờ sang lĩnh vực truyền hình.

Định nghĩa lại ngành công nghiệp truyền hình trong thời công nghệ là mảnh đất đã có quá nhiều người cày, với các dịch vụ xem trực tuyến (streaming) và video-on-demand (thích gì xem đó) do những tên tuổi như YouTube, Amazon hay Netflix cung cấp.

Facebook cũng vừa tuyên bố sẽ bước vào cuộc chơi hồi đầu tháng 8 với sản phẩm có tên Watch. Gã khổng lồ mạng xã hội là kẻ đến sau, nhưng liệu có thể về trước?

Dáng dấp YouTube

Watch sẽ tồn tại dưới dạng một trang riêng trên Facebook, cho phép người dùng theo dõi các chương trình truyền hình nhiều tập được sản xuất và phát độc quyền trên mạng xã hội lớn nhất thế giới. 

Facebook đang hợp tác với các nhà sản xuất nội dung với tỉ lệ ăn chia lợi nhuận từ quảng cáo là Facebook 45% và đối tác 55%. Để chuẩn bị cho việc ra mắt, Facebook thừa nhận có hỗ trợ tài chính cho một số nhà sản xuất.

Các show “truyền hình Facebook” gồm cả chương trình được quay trước và phát lại lẫn phát trực tiếp (live), nhưng tất cả đều có kịch bản, theo một chuỗi câu chuyện xuyên suốt mỗi mùa phát sóng. Watch sẽ phân loại video thành các mục “được quan tâm nhiều nhất”, “gây cười nhiều nhất” và “chương trình bạn bè đang xem” để người dùng dễ lựa chọn. 

Người xem cũng có thể dùng tính năng Watchlist để đăng ký theo dõi cập nhật từ các chương trình yêu thích. Đến đây có thể thấy Facebook Watch mang dáng dấp của YouTube.

Facebook cho biết trước mắt sẽ có vài chục chương trình trên Watch với người dùng tại Mỹ trước khi mở rộng ra toàn cầu, chẳng hạn như “Virtually Dating” (hẹn hò qua mạng thực tế ảo) hay “Kitchen Little” (đầu bếp nấu ăn theo công thức do các em bé mách bảo). Facebook cũng đạt được thỏa thuận để phát trực tiếp mỗi tuần một trận bóng chày thuộc Giải MLB. 

Và dĩ nhiên, trên nền Facebook, Watch cho phép người xem, nhà sản xuất kết nối và tương tác với nhau như khi dùng mạng xã hội.



Đón xu hướng

Facebook chưa bao giờ giấu giếm kế hoạch đầu tư mạnh vào video. Đầu năm 2017, ông chủ Facebook Mark Zuckerberg gọi video là “xu hướng lớn” và tiết lộ chiến lược phát triển theo hướng ưu tiên video của mạng xã hội này. 

“Ngày càng có nhiều người vào Facebook để xem video - Daniel Danker, giám đốc sản phẩm phụ trách video của Facebook, nói với trang TechCrunch ngày 9-8 - Vì thế, chúng tôi muốn tạo ra một nơi mà họ có thể tìm thấy các video mình muốn, kết nối với nhà phát hành và những người tạo ra chúng, và bảo đảm họ sẽ không bỏ lỡ mỗi khi các show truyền hình có tập mới”.

Danker nói thế, nhưng sau tất cả, Watch cũng chỉ là một cỗ máy kiếm tiền mới mà Facebook đang đặt cược vào.

Facebook, với phương châm “miễn phí và sẽ luôn miễn phí”, không thu một đồng từ người dùng, nhưng điều sống còn với mạng xã hội này là giữ chân người dùng càng lâu càng tốt, vì chính họ mới là mỏ vàng cho Mark Zuckerberg. 

Doanh thu Facebook đến từ quảng cáo, và 2 tỉ người dùng thường xuyên (mỗi tháng “vào phây” ít nhất một lần), kèm những thông tin “hiểu khách hàng hơn chính họ” là món hàng ngon để Facebook lấy tiền các nhà quảng cáo.

The Verge cũng cho rằng nếu thành công, Watch sẽ thực sự là nguồn thu quảng cáo mới cho Facebook, trong bối cảnh họ đã “hết chỗ” để đăng quảng cáo trên News Feed (trang chủ của mỗi người dùng Facebook). 

Các chương trình “truyền hình Facebook” nếu thật sự cuốn hút sẽ giữ chân người dùng lâu hơn và tiền thu về từ quảng cáo cũng tăng theo tỉ lệ thuận và nhiều nhà sản xuất nội dung giỏi cũng sẽ nhảy vào hợp tác để “kiếm ăn”. 

Facebook cũng chọn đúng thời điểm để tung ra Watch: doanh thu quảng cáo từ truyền hình truyền thống ngày càng sa sút vì người xem “cắt cáp” và chuyển sang các hình thức xem trực tuyến. Các nhà quảng cáo đang chuyển đầu tư từ truyền hình sang Internet, và Facebook hoàn toàn có thể đón lấy xu hướng này.

“Xây dựng cộng đồng” là kim chỉ nam hoạt động mà CEO Zuckerberg thường xuyên nhắc đến trong các phát biểu chính thức về Facebook. Watch cũng không là ngoại lệ. “Chúng tôi tin rằng có thể định nghĩa lại rất nhiều trải nghiệm, bao gồm video, thông qua lăng kính xây dựng cộng đồng” - Zuckerberg viết khi giới thiệu Watch hôm 9-8. 

Watch vì thế được cho là sẽ “biến truyền hình truyền thống thành một hoạt động xã hội độc đáo, nơi mà bạn bè và các nhóm có thể liên tục bình luận (trực tuyến) về chương trình họ đang cùng xem” - theo trang mạng Daily Dot ngày 15-8.

Không gì tuyệt hơn cùng ngồi trước TV và xem một sự kiện thể thao cùng nhau. Nhưng nếu điều kiện không cho phép gặp nhau thì sao? Trong thời Internet, dĩ nhiên ta có thể mỗi người một nơi và chat với nhau qua smartphone. Watch mang tất cả về một mối - không cần vừa xem vừa nhìn điện thoại, hoặc chuyển đổi qua lại giữa ứng dụng xem video và chat. 

Những cặp yêu xa, các thành viên gia đình buộc phải mỗi người một nơi, hoàn toàn có thể cùng “xem TV với nhau” với Watch, đúng theo nghĩa “kết nối” của Facebook. Troy Young, chủ tịch phụ trách nội dung số thuộc tạp chí Hearst Magazines (Mỹ), mô tả Watch là “bước ngoặt lớn cho cả ngành truyền hình và bản thân Facebook”. 

“Các nhà sản xuất đang vật lộn kiếm tiền từ video do lẽ chưa tìm được kênh phát hành hiệu quả, trong khi người dùng sẵn sàng xem và doanh nghiệp sẵn sàng đăng quảng cáo, giờ thì đã có Facebook” - Young nói với Financial Times ngày 14-8.

Nhưng thay đổi có tính cách mạng hơn mà Watch có thể mang đến cho các nhà sản xuất truyền hình chính là họ sẽ có thể hiểu người xem của mình hơn và gần như ngay lập tức khi chương trình lên sóng.

Khi chưa có Internet, các nhà sản xuất thường phải làm thăm dò trong một nhóm khán giả đa thành phần để phần nào đoán định được phản hồi về chương trình. Kết quả dĩ nhiên chỉ mang tính tham khảo vì câu trả lời có thể chủ quan và các thang đo như “đánh giá mức độ thích từ 1 đến 5” không thể đưa ra kết quả định tính thật sự chính xác.

Với Watch, người xem có thể dùng hệ thống “cảm xúc 6 sắc thái” (không chỉ “like” mà còn “thả tim”, cười “haha”, ngạc nhiên hay làm mặt buồn hay quạu) để đánh giá mỗi chương trình và nhà sản xuất biết ngay yêu hay ghét. Ngoài ra, thông tin nhân khẩu học (tuổi, vị trí địa lý, giới tính...) của người xem cũng đã có sẵn và sẽ là nguồn thông tin quý báu để nhà sản xuất hiểu đối tượng khán giả của mình hơn.

Đây là yếu tố giúp Watch có thể làm thay đổi cuộc chơi, bởi nó sẽ làm truyền hình “thích ứng” nhanh chóng với yêu cầu và sở thích của người xem. Nhà phát hành nội dung có thể chỉnh sửa kịp thời chương trình để chiều lòng và níu chân người xem, điều mà thế hệ đi trước có nằm mơ cũng không thấy.



Mèo nào cắn mỉu nào?

Đã có thiên thời (ngành truyền hình đang sa sút), địa lợi (công nghệ sẵn trong tay) và nhân hòa (2 tỉ người dùng), mọi thứ sẽ là màu hồng với Facebook? Không đơn giản như vậy vì Facebook chỉ là kẻ đến sau trong một thị trường có nhiều tay chơi không dễ bắt nạt.

Giới quan sát cho rằng Facebook Watch là đòn nhắm thẳng vào YouTube, nhưng đánh bại gã khổng lồ này không phải là chuyện dễ dàng. YouTube (do Google “chống lưng”) có 12 năm kinh nghiệm và 1,5 tỉ người dùng. Mỗi ngày người dùng YouTube xem trung bình hơn một giờ video, chỉ tính riêng trên nền di động.

Ngoài ra YouTube còn có YouTube Red, dịch vụ xem các nội dung độc quyền có thu phí, và thị trường còn những cái tên khác như Netflix, Amazon hay HBO. Twitter, Snapchat cũng có kế hoạch sản xuất nội dung video riêng để phát trên nền tảng của mình. 

“Với quá nhiều cạnh tranh ở mảng video có độ dài trung bình, thật khó để người ngoại đạo như Facebook thay đổi cục diện thị trường một sớm một chiều” - Paul Verna, chuyên gia phân tích thuộc Công ty eMarketer, nói với WIRED.

Làm sao để người dùng quen với việc “vào Facebook để xem truyền hình” cũng là vấn đề. Joel Espelien, chuyên gia phân tích Công ty nghiên cứu video The Diffusion Group, so sánh chuyện ông trùm mạng xã hội làm truyền hình với việc “WalMart bán hàng thời trang cao cấp còn McDonald’s bán đồ ăn chuẩn nhà hàng”. 

Dĩ nhiên đó không phải là chuyện bất khả thi, song “thật sự rất khó có thể thay đổi quan niệm của khách hàng về thương hiệu của bạn”.

“Liệu có ai thực sự vào Facebook thường xuyên chỉ để xem video suốt ngày, mà lại còn phải xem quảng cáo? Hãy chờ xem” - tác giả Kurt Wagner viết trên Recode. 

Kiểm soát nội dung cũng là một bài toán không đơn giản. Sau giai đoạn đầu hợp tác với nhà sản xuất chuyên nghiệp, Facebook có thể “mở cửa” để ai cũng có thể sản xuất chương trình và tung lên Watch. Không ai dám bảo đảm sẽ không có những video kém chất lượng, nhảm nhí, thậm chí nguy hiểm tràn ngập trên Watch. YouTube hiện đã phải gặp trường hợp này. 

Tương tự, video trực tiếp cũng là con dao hai lưỡi vì nó vừa thu hút vừa có mặt trái là ta không biết được chuyện gì sẽ xảy ra khi ai đó đang “live”. Facebook hiểu chuyện này hơn ai hết khi vẫn còn loay hoay tìm giải pháp sau hàng loạt bê bối như người dùng phát live cảnh bạo lực, tự tử hay hãm hiếp.

Việc lôi kéo nhà sản xuất hay “về đội của mình” cũng là thử thách không nhỏ với Facebook. Có thể tung tiền để chiêu dụ, nhưng đó không phải là giải pháp bền vững. Theo Financial Times, nhiều tập đoàn truyền thông lớn có thể cân nhắc lời mời hợp tác với Facebook, bởi họ có đủ lực để tự đưa nội dung lên nền tảng của chính mình hay lên YouTube. Chẳng hạn, Hãng Disney gần đây đã rút phim của mình khỏi Netflix để chuẩn bị phát trên nền tảng riêng.

Cần phải đợi đến khi Facebook Watch phổ biến rộng rãi để biết “mèo nào cắn mỉu nào”. Song, Verna trong bài viết trên WIRED, dự báo Watch và YouTube sẽ có lối đi riêng: YouTube tập trung thu hút thuê bao trả tiền, còn Facebook dựa vào quảng cáo.


TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Popular posts from this blog