Có cần cười nữa không khi ai cũng đeo khẩu trang?

Cười là một cách giao tiếp với nhiều mục đích, chứ không chỉ bày tỏ niềm vui. Vậy có cần cười nữa không khi không ai có thể thấy chúng bởi lớp khẩu trang?

Khi chiếc khẩu trang trở thành vật không thể thiếu, người ta mới nhận ra tầm quan trọng của việc… thấy miệng người đối diện. 

Biên tập viên Belinda Luscombe của tờ Time hôm 1-6 còn bàn về chuyện “ta mất gì khi nụ cười ẩn sau khẩu trang?”, rằng giờ đây ngay cả chuyện tưởng như bình thường là mỉm cười khi bước sang một bên, nhường ai đó đi trước, cũng trở nên bất khả.

Đây là lúc để ý đến tầm quan trọng về sự chuyển động của các cơ gò má, tức việc cười. Theo Luscombe, con người biết cười từ khi mới 42 ngày tuổi và sẽ còn thực hành biểu cảm gương mặt này đến hết đời. “Và rồi đột nhiên tất cả những kỹ năng, những miệt mài tập luyện cười của ta trở nên vô nghĩa - Luscombe viết - Chúng ta đánh mất hình thức giao tiếp ưa thích vào thời điểm mà ta cần nhiều cách để giao tiếp hơn bao giờ hết”.

Paula Niedenthal, nhà tâm lý học và chuyên gia nghiên cứu biểu cảm gương mặt thuộc Đại học Wisconsin - Madison, phân loại việc cười thành ba dạng: cười vui sướng (khi ngạc nhiên hay được quà), cười thân ái (chí ít là để không “tỏ ra nguy hiểm” theo nghĩa đen) và cười áp đảo (chứng tỏ ta hơn người).

Nghiên cứu của Niedenthal cho thấy sẽ khó phân biệt được cười thân ái và cười áp đảo nếu không thấy nửa dưới gương mặt của người cười. Chẳng hạn một người dắt chó đi dạo thì chó sủa trước người lạ, bèn cười. Nếu người đó đeo khẩu trang, ta sẽ không biết họ cười khiêu khích (sợ cún ta chưa) hay cười cầu hòa (xin lỗi vì con vật ngớ ngẩn của tôi).

Luscombe lo ngại rằng giao tiếp mà không cho người đối diện thấy ta đang cười giống như trò chuyện qua tin nhắn, rất dễ hiểu lầm. Ta mất đi phương tiện để nhận biết mình đang nói chơi hay nói thiệt, đùa giỡn hay nghiêm túc.

Thật may là theo các chuyên gia ngôn ngữ hình thể, vẫn có cách nhận biết nụ cười trong thời khẩu trang. Người ta vẫn hay mô tả ai đó có “con mắt biết cười”. Đó không phải là văn mẫu, mà đã được nhiều nghiên cứu chứng minh.

Theo Janine Driver - nhà sáng lập và chủ tịch Viện Ngôn ngữ hình thể ở thủ đô Washington, D.C., dù không thấy miệng người đối diện nhưng ta vẫn biết được nhiều điều thông qua đôi mắt và chân mày của họ. “Khi thật sự vui, ta sẽ thấy được qua nếp nhăn bên mắt” - Driver nói với Đài Today.

Nhà tâm lý học Paul Ekman cũng cho rằng “nụ cười vui sướng thực thụ” sẽ thể hiện qua vết chân chim và mắt nheo lại. Các dấu hiệu này không xuất hiện khi ta cười giả bộ. “Khi em bé cười, ta vẫn nhận ra ngay cả khi bé ngậm núm vú giả bởi đôi mắt nói lên tất cả” - Driver nói.

Không chỉ thấy nụ cười xuyên qua lớp khẩu trang, mà ta còn “nghe” được khi ai đó nhoẻn miệng. Theo Ursula Hess - chuyên gia nghiên cứu cảm xúc Đại học Humboldt (Đức), khuôn miệng thay đổi khi cười sẽ làm giọng nói nghe tươi sáng hơn, trong khi gương mặt ngầu sẽ phát ra âm thanh đục hơn.

Nếu đã biết rằng ta không chỉ thấy mà còn nghe được nụ cười giấu dưới khẩu trang, Driver khuyên rằng trong thời ai cũng ninja kín mặt nhìn vô cùng hình sự, hãy cứ vẫn cười vì chắc chắn người đối diện sẽ biết. Ngoài ra, theo Driver, “tiếp xúc bằng mắt với người khác trong thế giới mới điên rồ này cũng đủ sức làm thay đổi mọi thứ”.

Điều này đồng nghĩa với một lời khuyên quan trọng khác: đã che kín nửa gương mặt rồi thì chớ nên đeo kính râm mà giao tiếp. Lúc này có toe toét cười thì cũng không ai đoán biết nổi. “Khi tôi không thấy mắt anh, tôi không diễn giải được cảm xúc của anh và cảm thấy không chắc chắn, từ đó dẫn đến việc tôi không tin anh và cảm thấy không thoải mái khi ở cùng anh” - Driver giải thích.

* Bài đã đăng TTCT: https://cuoituan.tuoitre.vn/tin/20200615/co-can-cuoi-nua-khong-khi-ai-cung-deo-khau-trang/1559735.html

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh