199mấy - Hồi ấy làm gì: Kỷ niệm là để nhớ


Khi WingsBooks tung hình ảnh giới thiệu về quyển này, mình đã có cảm giác nổi da gà khi nhìn lại những hình ảnh quen thuộc cách đây đã 20 năm, qua nét vẽ rất dung dị. Dĩ nhiên khi đã cầm sách trên tay thì cảm xúc đó còn dào dạt hơn. 

Trên mạng thỉnh thoảng vẫn có những album chia sẻ hình ảnh của những thứ xưa cũ, và nhiều trong số đó cũng có mặt trong quyển sách này: đó là những món ăn vặt siêu rẻ siêu ngon (như snack cua đến nay vẫn còn), những trò chơi ngày ấy, rồi đồ chơi huyền thoại và phim ảnh, truyện tranh thời chưa có internet.

Thật ra ban đầu mình có thấy tiếc một chút vì phần đầu là kể chuyện thơ ấu của tác giả khi sống và lớn lên trong khu tập thể ở thủ đô, còn mình là một mảnh đất thôn quê miền nam. Nhưng có đọc vào mới thấy, mình chỉ không chia sẻ đoạn hồi ức đó thôi, còn những thứ khác rất tương đồng - chẳng hạn chuyện kê hai viên gạch, đặt ống lon lên trên rùi đốt lửa chơi nấu ăn, và nhất là trong phần 2, những thứ có tầm phổ biến toàn quốc. 

Và mình nhận ra một điều thú vị: đọc về Hanoi năm 199-mấy giúp mình có thể so sánh tên gọi của các sinh hoạt, món ăn, trò chơi giữa hai miền nam bắc. Chẳng hạn, vai trò của “bình vôi" trong trò chơi con trẻ có vẻ là nhân vật cho-tham-gia-nhưng-thật-ra-là-bị-ra-rìa, cái này mình nhớ trong nam gọi là “làm cục nhân", “chơi ăn chè", nghĩa là … bất tử, không bao giờ thua hay bị phạt gì. 

Trò ngoài bắc gọi là ném lon với mình là tạt lon, chuyền là banh đũa, “ô mai giun và ô mai đất" mình gọi xí muội, bim bim dĩ nhiên là “bánh snack", chơi đồ là chơi keng, nhảy ngựa là nhảy cừu… Thú vị hơn cả là những bài hát trẻ con cũng có dị bản. “Vòng quanh sô cô la/Bánh đa sữa đậu nành/Pepsi sống hay chết trả lời ngay”, còn mình nhớ lúc nhỏ hát là “bòn bon si cu la sữa hột gà, có ông chủ ở nhà hôn". 

Mình muốn nói thêm về chuyện hoài nhớ. Những kỷ niệm xưa luôn đẹp, những món ăn ngày cũ luôn ngon, những bộ phim xưa sao mà quá hay. Nhưng bạn có bao giờ thử ăn lại món đó (ví dụ snack cua giờ còn bán nè), xem lại những bộ phim đó (trên YouTube có đầy)? 

Từ nhiều năm trước, mình đã thử, và nhận ra cảm giác không còn như xưa.  mình muốn tìm cách lý giải chuyện đó. Có một lý giải, là vì hiệu ứng vịt con (Baby duck syndrome, vịt khi mới nở mặc định nhìn vật thể chuyển động đầu tiên là mẹ nó). 

Theo Wiki thì: “ở con người, hội chứng vịt con dùng để chỉ việc con người có xu hướng coi những gì xảy ra đầu tiên, trải nghiệm đầu tiên, những cảm xúc đầu tiên là chuẩn mực, khuôn mẫu và hoàn hảo và khoa học gọi đó là tâm lý ấn tượng hay dấu ấn khó phai”.

Một lý giải khác là những trải nghiệm thơ bé của ta hầu hết là đầu đời, ta không có một chuẩn gì để so sánh. Còn bây giờ khi đã trưởng thành, trải qua bao nhiêu thứ, cái chuẩn về hay-ngon-đẹp của ta đã khác xưa. Khi thử lại một món tuổi thơ, ta lại áp cái chuẩn đó vào, thành ra không bao giờ tìm lại được cảm giác xưa cũ. 

Vậy cho nên, những điều xưa cũ là để nhớ về; nếu có thử lại mà không được cảm giác như xưa thì cũng không có gì ngạc nhiên hay phải thất vọng.

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh