Emoji: Tiến bộ hay bước lùi của ngôn ngữ?

Emoji, những biểu tượng nhỏ xíu dùng để thể hiện cảm xúc trong giao tiếp điện tử, đang dần trở thành một thứ ngôn ngữ mới. Nhưng phải chăng sử dụng hình ảnh thay lời nói thật ra lại là một bước lùi của ngôn ngữ?
Người trung tuổi có lẽ không biết nhiều về emoji và ít dùng chúng. Nhưng với những người trẻ, chuyên giao tiếp qua smartphone và mạng xã hội, họ còn rành ý nghĩa của emoji hơn các biển báo giao thông. Một thăm dò của nhà mạng TalkTalk Mobile (Anh) cho thấy 72% những người tuổi từ 18 đến 25 thừa nhận dùng emoji để biểu đạt cảm xúc dễ hơn là bằng lời.


Biểu tượng thay ngàn lời nói

Nhiều người lầm tưởng emoji có liên quan gì đó với từ emotion, nghĩa là cảm xúc trong tiếng Anh. Đây chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, bởi emoji là tiếng Nhật, về mặt từ nguyên là ghép giữa e (hình ảnh) và moji (ký tự). Ngoài các hình ảnh thể hiện cảm xúc, tâm trạng khác nhau, những thứ vốn khó có thể diễn tả bằng từ ngữ, emoji còn có nhiều thể loại, như các vật dụng thường ngày, xe cộ, đồ ăn thức uống, thời tiết, thú vật (Ngôi sao Kim Kardashian còn có cả bộ sưu tập emoji riêng tạo theo hình ảnh của mình). Dù được người Nhật đưa vào tin nhắn điện thoại từ thập niên 90, emoji chỉ thật sự bắt đầu phổ biến từ khi Apple đưa chúng vào điện thoại iPhone, và kế đó là các hệ điều hành khác như Android và Microsoft, vài năm trở lại đây.

Một trong những ví dụ minh chứng cho sức hút kỳ lạ chính là việc từ điển danh tiếng Oxford đã chọn một emoji làm “Từ của năm 2015”, chứ không phải một từ tiếng Anh như thường lệ. Biểu tượng được Oxford chọn có tên chính thức là “Face with tears of joy” (gương mặt với nước mắt vui sướng), vốn chiếm đến 20% các emoji được dùng tại Anh năm 2015, và tỉ lệ ở Mỹ là 17%, theo nghiên cứu công ty công nghệ di động SwiftKey thực thiện theo đặt hàng của Oxford. Cũng theo Oxford, năm 2015 là năm bùng nổ của từ “emoji”: dù xuất hiện trong tiếng Anh từ năm 1997, tần suất sử dụng từ “emoji” năm 2015 đã tăng gấp 3 lần một năm trước đó.

Tháng 5-2015, Vyvyan Evans, giáo sư ngôn ngữ học Đại học Bangor (Xứ Wales), cho rằng emoji đã trở thành “ngôn ngữ phát triển nhanh nhất trong lịch sử” xét về mức độ được tiếp nhận và tốc độ tiến hóa (tăng thêm từ mới) của nó. “Cùng là ngôn ngữ thể hiện bằng hình ảnh, nhưng emoji đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với chữ tượng hình Ai Cập, vốn phải mất hàng thế kỷ để phát triển” - BBC dẫn lời GS Evans.


Thậm chí, mới đây một người ẩn danh đã gây sốc với việc chuyển ngữ cả Kinh Thánh sang emoji. Được đưa lên iBooks, dịch vụ sách trực tuyến của Apple ngày 30-5, phiên bản emoji của Kinh Thánh gồm 3.000 trang với các câu kinh được diễn đạt bằng các biểu tượng. Chẳng hạn với câu đầu tiên của Sáng thế ký (Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất), có 3 emoji được dùng (chúa, trời và đất). Tác giả bí ẩn đã dịch trọn 66 quyển Kinh Thánh sang emoji với mục đích ban đầu chỉ là “để cho vui” và liên tục cập nhật từng câu được dịch lên Twitter. Dù gây phản ứng trái chiều, trong đó có những chỉ trích việc dùng emoji với Kinh thánh là không nghiêm túc, bản ‘Kinh thánh emoji’ cũng được khá nhiều ủng hộ vì gần gũi với những người thuộc thế hệ Millennial (sinh năm 1982-2005 và trưởng thành trong thời bùng nổ công nghệ). “Nhiều phụ huynh viết thư cho tôi nói rằng phiên bản emoji giúp con cái họ chịu đọc Kinh Thánh, đặc biệt là trẻ khuyết tật cũng có thể đọc” - anh nói với The New York Times.

Trở về thời Ai Cập cổ

Tuy sự phổ biến của emoji là không phải bàn cãi, nhiều chuyên gia cho rằng sau nhiều thiên niên kỷ để đi đến chữ viết hiện đại, việc trở lại giao tiếp bằng chữ tượng hình chẳng khác nào một “bước lùi của tiến hóa”. Tháng 5 năm ngoái, The Guardian có bài viết với tít khá gay gắt “Emoji đang kéo chúng ta ngược về thời đen tối, (nhưng) chúng ta chỉ có thể cười”.  Bài viết cho rằng sau nhiều thiên niên kỷ, trải qua nhiều đau thương để nhân loại đi từ không có chữ viết đến văn chương của Shakespeare, sự phổ biến của emoji chẳng khác nào “vứt bỏ hết những tiến bộ đó”. “Chúng ta đang quay trở lại thời Ai Cập cổ xưa, và kế tiếp có thể là thời kỳ đồ đá, với nụ cười nhăn nhó trên gương mặt ta (ý chỉ biểu tượng emoji phổ biến nhất là mặt cười - NV)” - bài báo viết.


The Guardian cũng chỉ ra emoji là một bước lùi theo nghĩa chữ tượng hình không thể là một lựa chọn giao tiếp tốt. Người Ai Cập tạo ra chữ tượng hình đầy tính nghệ thuật và những huyền thoại kì bí, và rồi mắt kẹt ở đó trong tiến trình văn minh: “Chữ tượng hình cho phép họ viết các câu bùa chú nhưng không thể biểu đạt tư duy cao hơn, và người Hy Lạp, với chữ viết của họ, đã làm được điều đó”. Nói cách khác, việc biểu đạt ý nghĩ bằng hình ảnh luôn có những hạn chế nhất định, hơn nữa kỹ năng ngôn ngữ, diễn đạt ý tưởng bằng lời nói về lâu dài cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu các câu thoại của ta chỉ toàn emoji.

Trong khi đó, trên The Huffington Post ngày 13-8-2015, nữ nhà báo Joan Gage đặt câu hỏi “Liệu emoji có đang hủy hoại ngôn ngữ của chúng ta?”. Gage bày tỏ lo ngại rằng thói quen sử dụng các biểu tượng thay lời nói sẽ ảnh hưởng xấu đến kỹ năng ngôn ngữ của con người, cũng như các loại hình nghệ thuật như văn học hay thơ ca. Gage cũng dẫn lại lời cây bút chuyên về thời trang Ben Smithurst châm biếm rằng “Sau 5.000 năm tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng ta đã trở lại thời biểu đạt ý nghĩa một cách đại khái thông qua chữ tượng hình”.

Trước đó, ngay từ năm 2011, nữ diễn viên Anh Maria McErlane từng nói với The New York Times bà cảm thấy “bị sỉ nhục sâu sắc” bởi các biểu tượng mặt cười và sẽ “hủy kết bạn” ngay lập tức với bất kỳ ai gửi chúng cho bà qua tin nhắn trên Facebook. “Tôi cho như vậy là quá lười biếng. Chẳng lẽ bạn không đủ ngôn từ để nói hay sao?” - bà bức xúc.

Bất chấp nhiều chỉ trích, emoji vẫn liên tục phát triển và người dùng luôn đòi hỏi thêm nhiều biểu tượng mới, dù có thể họ sẽ không bao giờ sử dụng hết kho dữ liệu hiện có của emoji. Tháng 6 này, Unicode Consortium, tổ chức phát triển bảng mã quốc tế Unicode, sẽ chấp nhận thêm 72 emoji mới, gồm các hình như quả bơ, bánh sừng trâu, hay gương mặt có mũi dài vì nói dối như Pinocchio.




Comments

Popular posts from this blog