Vừa mặc đẹp, vừa cứu Trái đất

Theo một báo cáo năm 2015 của trang web môi trường Ecowatch, thời trang là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai thế giới sau dầu khí.

Vải làm từ vỏ cam

Không hiển hiện như những nhà máy xả khói đen vào không khí, ngành thời trang thực sự gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường “sau hậu trường”, khiến nhiều người không nhận ra cách mình ăn mặc cũng gây hại cho Trái đất.

Đòi hỏi quần áo cũng phải thân thiện với môi trường ngày càng bức thiết khi xu hướng fast fashion, hay thời trang “mì ăn liền” ngày càng phổ biến. Fast fashion là xu hướng sản xuất quần áo cập nhật những mẫu thiết kế thời thượng nhất nhưng bán với giá bình dân.

Theo tạp chí Fortune, sự phổ biến của dòng thời trang này đã khiến người tiêu dùng xem quần áo giá rẻ gần như là hàng xài một lần rồi bỏ.

Các nhà sản xuất fast fashion liên tục tung ra sản phẩm mới với số lượng lớn, giá rẻ, điều này gián tiếp dẫn đến ô nhiễm môi trường thông qua các loại vải hay sợi tổng hợp rẻ tiền và thuốc nhuộm hóa học. Việc quần áo bị vứt bỏ quá sớm cũng gây lãng phí lượng tài nguyên như điện, nước và hóa chất đã được dùng để làm ra chúng.

Ăn mặc sao cho đẹp mà vẫn không “cảm thấy có lỗi” với mẹ thiên nhiên? Nhiều nghiên cứu và khoa học gia đã vào cuộc để đảm bảo rằng từ chiếc mũ đội đầu đến đôi vớ ở chân của chúng ta trong tương lai đều có thể thân thiện môi trường nhờ làm từ vật liệu sinh học.


Ngày 2-6, trang web chuyên về thời trang Highsnobiety có bài viết “Những công nghệ điên rồ mà các nhãn hàng đang áp dụng để cứu môi trường”, giới thiệu các nỗ lực tìm kiếm giải pháp tránh hoặc chí ít là giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành thời trang lên hệ sinh thái.

Đầu tiên phải kể đến giải pháp “dệt vải từ vỏ cam” của Công ty Orange Fiber (Ý). Theo giới thiệu trên trang web của công ty này, loại vải được dệt bằng sợi xử lý từ phụ phẩm của ngành sản xuất nước cam công nghiệp, tức “tất cả những thứ được vứt ra sau khi vắt một quả cam”.

Hằng năm ở Ý có đến 700.000 tấn phụ phẩm như vậy và Orange Fiber đã tìm ra giải pháp biến nguồn nguyên liệu này thành vải thay vì bỏ đi.

Công nghệ của Orange Fiber sẽ tách phần cellulose có trong vỏ cam, tạo ra một vật liệu kiểu polymer có thể dệt thành sợi và làm thành vải. Nhà sản xuất cam kết sợi vải 100% làm từ vỏ cam “là chất liệu thuần khiết nhất, siêu nhẹ, tạo cảm giác mềm mại và mượt khi cầm trên tay”.


Ví da cá hồi
Không phải giết con vật nào

Sản phẩm bằng da rất được nhiều người ưa chuộng, nhưng có cách nào vừa diện đồ da vừa không cảm thấy day dứt vì những con vật đã phải hi sinh để tạo ra sản phẩm thời trang cho con người hay không?

“Định nghĩa lại đồ da” là khẩu hiệu của Công ty Modern Meadow (Mỹ), với công nghệ sản xuất sinh học (biofabrication) tạo ra vật liệu dày, mềm mại như da thật từ collagen.

Công nghệ của Modern Meadow tổng hợp collagen trích từ da động vật cùng các loại protein khác để “trồng” một loại da “giống y hệt da thật về mặt sinh học” mà không cần phải giết con vật nào hay sử dụng nhiều hóa chất như quá trình thuộc và xử lý da truyền thống.

Modern Meadow khẳng định loại da “của nhà trồng được” hoàn toàn thân thiện môi trường và không có độc chất hay tồn dư vôi (dùng để tẩm da trước khi thuộc) như sản phẩm thông thường.

Nếu công nghệ sinh học “trồng da trong phòng thí nghiệm” này có thể phổ biến rộng rãi, nó cũng sẽ gián tiếp có tác động tích cực lên môi trường khi nhu cầu gia súc nuôi lấy da sẽ giảm theo, hạn chế được dấu chân cacbon và các vấn đề ô nhiễm khác mà ngành chăn nuôi gây ra.


Thời trang có thể tái sử dụng
Song, những giải pháp trên dường như vẫn chưa đủ điên rồ bằng lối tiếp cận “ăn quần áo cũ” của hãng đồ thể thao Thụy Điển Houdini Sportswear.

Thực tế đây chỉ là cách nói hình tượng để Houdini Sportswear sử dụng cho chiến dịch quảng bá nhằm chứng minh quần áo làm bằng chất liệu phân hủy sinh học của hãng thực sự thân thiện với môi trường. Việc “ăn” ở đây cũng diễn ra gián tiếp chứ không phải dọn một cái áo cũ lên đĩa rồi nhâm nhi.

Cụ thể, Houdini Sportswear thu lại quần áo đã cũ sờn đến không thể tiếp tục mặc được từ khách hàng và cho phân hủy thành đất, sau đó trồng rau trên chỗ đất đó. Sau cùng, hãng sẽ mời đầu bếp nổi tiếng Thụy Điển Sebastian Thureson chế biến số rau đó thành các món ngon đúng chuẩn nhà hàng và dọn ra mời quan khách trong một sự kiện hôm 23-4.

Bữa tối diễn ra cực kỳ thành công và Eva Karlsson, CEO của Houdini Sportswear, cho biết tầm nhìn của hãng là “tối ưu hóa trải nghiệm của người dùng mà không để lại ảnh hưởng xấu đến môi trường trên hành tinh chúng ta”. Karlsson tự hào khẳng định bữa ăn tối với rau trồng trên đất tạo ra bằng cách phân hủy quần áo cũ của hãng “là minh chứng tuyệt vời cho những gì chúng tôi tin tưởng”.


Minh họa giày đế bắp của Reebok

Định nghĩa lại giày

Sẽ tốt cho thiên nhiên biết bao nếu giày dép khi đã cũ mòn, bị vứt đi có thể tự phân hủy sinh học và tan vào lòng đất. Trong tháng 7 này, Công ty giày Vivobarefoot (Anh) dự kiến tung ra mẫu giày có tên Ultra Blooms, đáp ứng tiêu chí tự phân hủy nói trên nhờ được làm bằng tảo biển.

Theo trang WIRED ngày 29-6, với chất liệu đặc biệt này, giày Ultra Blooms siêu nhẹ, mang êm chân mà lại bền, thích hợp “đi cả trên cạn lẫn dưới nước” nhờ thiết kế với nhiều lỗ để không ứ nước trong lòng giày. Ultra Blooms chỉ có một màu duy nhất là màu xanh của tảo với giá bán dự kiến 75 USD.

Galahad Clark, đồng sáng lập Vivobarefoot, cho biết mẫu giày tảo biển “giống như mẫu giày Crocs phổ biến nhưng bạn có thể mang chạy marathon”.

Ultra Blooms không phải là thiết kế giày bằng vật liệu sinh học đầu tiên. Năm 2016, Công ty Adidas (Đức) cũng giới thiệu mẫu giày dệt bằng bọt biển tận dụng từ lưới đánh cá và mẫu giày sneaker bằng nguyên liệu tổng hợp từ tơ nhện.

Các công ty như Rothy's, New Balance và Nike đã thử nghiệm sản xuất giày bằng cách tái chế nâng cấp (upcycling - sản phẩm được tái chế có chất lượng cao hơn sản phẩm gốc) chai nhựa.

Hồi tháng 4 năm nay, Hãng giày Reebok tuyên bố sẽ tung ra loại giày cực kỳ thân thiện môi trường với phần thân bằng cotton hữu cơ và đế giày bằng susterra, loại nhựa đặc biệt tổng hợp từ hạt bắp.

Theo Reebok, loại bắp dùng để sản xuất nhựa này là bắp công nghiệp, chuyên dùng làm thức ăn gia súc nên sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực của con người.

Chi phí làm susterra tương đương nhựa làm từ dầu mỏ, song “sẽ có lượng khí thải nhà kính ít hơn 40-50%”.

Đã có giày “cứu Trái đất”, hẳn cũng cần có vớ thân thiện với môi trường cho đủ bộ. Sock Exchange, một công ty khởi nghiệp mới toanh ở New Zealand, đang bán đúng loại sản phẩm như vậy: những đôi vớ nhiều màu sắc sinh động, dệt hoàn toàn từ sợi làm bằng chai nhựa tái chế.

Trang Stuff.co.zn ngày 5-7 cho biết cần năm chai nhựa để làm ra một đôi vớ, và mục tiêu của Sock Exchange là truyền đi thông điệp 
rằng “một chai nhựa cũng có thể mang đến sự khác biệt”.

Vẫn như hạt cát trên sa mạc
Trái với sự lạc quan của những người tiên phong ở lĩnh vực “xanh hóa” thời trang, trong bài viết trên Highsnobiety ngày 22-6, tác giả Aleks Eror thẳng thắn phản biện rằng “thời trang thân thiện với môi sinh là vô nghĩa”.

Eror cho rằng thời trang làm bằng chất liệu bền vững “không thể cứu thế giới” và “không cứu được ngành thời trang khỏi mang tiếng hủy hoại môi trường”.

“Cotton hữu cơ vốn là một trong những yếu tố phổ biến nhất của thời trang bền vững, nhưng số liệu mới nhất cho thấy nguyên liệu này chỉ chiếm 1% sản lượng cotton toàn cầu - Eror viết, ngụ ý số lượng vật liệu thân thiện với môi trường được dùng để may quần áo chỉ là hạt cát giữa sa mạc - Vẫn biết có còn hơn không, nhưng tỉ lệ thấp như vậy thì không đủ để thay đổi điều gì”.

Eror thừa nhận việc các hãng thời trang lớn như H&M có chương trình nhận lại đồ cũ của khách để tái chế sợi vải là “ý tưởng hay về mặt lý thuyết”, song dẫn một bài báo của Newsweek cho rằng chỉ có 0,1% số quần áo cũ được gửi lại cho H&M hay các tổ chức từ thiện thật sự được tái chế.

Cuối cùng, tác giả cho rằng sẽ không có nhiều nhãn hàng thực sự nghĩ đến Trái đất mà tự nguyện chuyển sang lối sản xuất xanh, vì “bản chất của kinh doanh là lợi nhuận”.

Eror cho rằng những công ty nổi bật trong lĩnh vực thời trang bền vững đều là những thương hiệu không thực sự nổi tiếng toàn cầu, ngụ ý không có sự tham gia của các tên tuổi lớn thì “thời trang xanh” không thể trở thành xu hướng chủ lưu.

“Một con én không làm nên mùa xuân - Eror viết - Cũng thật khó để xác định quy mô của ngành thời trang bền vững hiện nay vì mỗi thương hiệu chỉ thân thiện với môi trường ở một mức độ nào đó chứ không hoàn toàn 100%”.

Dù giống như “tạt gáo nước lạnh” vào những người ủng hộ thời trang thân thiện môi trường, thật khó để nói Eror không có lý. Song, những công ty đã chọn khởi nghiệp “mặc đẹp, cứu Trái đất” đều tin tưởng vào con đường đang đi.

Như trang WIRED viết trong bài giới thiệu giày tảo biển, những sáng kiến của Vivobarefoot, Adidas hay Reebook dù có thể không thành công, cũng đã đủ truyền đi thông điệp “định nghĩa lại giày dép” đến người tiêu dùng. “Giày là thứ ta mang vào chân và bước ra thế giới, và nếu nó làm từ chất liệu có thể “cứu Trái đất” thì thật tốt biết bao” - WIRED viết.

Và có thể quần áo, giày dép thân thiện môi trường đúng là “hạt cát giữa sa mạc” để có thể cứu lấy Trái đất, song ít nhất các nhãn hàng đã bắt đầu làm gì đó thay vì tiếp tục sản xuất theo lối cũ và tiếp tục tàn phá mẹ thiên nhiên.

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh