Những người đàn ông bán hàng


Tôi không biết mình bắt đầu chú ý đến những người bán hàng không phải là phụ nữ từ khi nào. Có lẽ từ khi biết nhìn cuộc đời với gam màu không phải màu hồng, biết nhìn thấy và biết xót xa trước những mảnh đời xung quanh, tôi mới thật chú ý đến những người đàn ông bán hàng.

Có hai loại đàn ông bán hàng: một vui vẻ và một buồn xa xăm.

Những người đàn ông bán hàng vui vẻ

Khi tôi còn học cấp II, có lần chú L., chủ quán hủ tíu mà tôi rất thích, nói với tôi rằng sau này có muốn bán hủ tíu giống chú không, tôi đã hồn nhiên trả lời rằng có. Vì quả thật hủ tíu chú nấu rất ngon, và cái hình ảnh làm chủ quán hủ tíu, sáng sáng mở quán nhìn khách hàng tấp nập ra vào và nghe tiếng ù ù sôi sục của nồi nước lèo rất hấp dẫn tôi lúc đó. Chú L. là đại diện tiêu biểu cho những người đàn ông bán hàng vui vẻ, bởi chú luôn nhiệt tình đón khách cũng như trò chuyện và hỏi thăm họ, với nụ cười không bao giờ tắt trên môi.

Một người bán hàng vui vẻ khác là chú N., bán canteen trường tiểu học của tôi. Chú đậm người, đầu húi cua và cũng như chú L., chú N. luôn cười vui vẻ và hay pha trò cho các cô cùng bán trong canteen cũng như lũ khách hàng học trò. Hồi cấp 2 tôi cũng có lần về thăm chú, vẫn thấy chú vui tươi như ngày nào, thỉnh thoảng cũng thấy chú chạy ngoài đường. Có điều bây giờ không có dịp về lại xem chú còn bán ở trường nữa không.

Một gương mặt khác là anh chủ quán cơm trong ký túc xá mà tôi chưa kịp biết tên. Tóc cũng húi cua, giọng bắc ngọt ngào và đôi mắt hí mỗi lần cười là hết thấy mặt trời, anh rất được lòng sinh viên chúng tôi vì luôn pha trò mỗi khi bán cơm.

Ba người đàn ông bán hàng vui vẻ kể trên có điểm gì chung? Họ đều làm chủ, và việc buôn bán của họ có thể nói là luôn ổn định. Quán hủ tíu của chú L. ngon có tiếng ở thị xã, còn chú N. và anh bán cơm thì chẳng bao giờ phải sợ ế hàng ở canteen trường học và ký túc xá. Tôi cho rằng việc này cũng có ảnh hưởng đến việc luôn vui vẻ của họ. Họ không việc gì phải buồn lo. Và thế là họ luôn tươi cười, vui vẻ.

Họ rất khác với những người đàn ông bán hàng thuộc loại thứ 2.

Những người đàn ông bán hàng buồn xa xăm

Chợ Long Hoa. Tôi đã gần như bị ám ảnh bởi ánh mắt ấy, ánh mắt đẫm một nỗi buồn không biết phải gọi thế nào của người đàn ông bên tấm vải bạt trải vội bên lề đường với vài thứ trái cây trên đó, dưới ánh sáng nhá nhem của buổi chiều chạng vạng lẫn với ánh vàng vọt của đèn đường. Không ai ghé ngang qua gian hàng (nếu có thể gọi như vậy) của ông, và ông ngồi đó, bó gối với đôi bàn tay nhăn nheo cùng cái nhìn dường như trống rỗng hướng ra dòng xe qua lại trước mặt. Thỉnh thoảng ông lại tỉ mẩn sắp xếp lại mớ trái cây trước mặt, rồi lại ngồi đó, trông chờ một tiếng thắng kit kít xe và bóng dáng ai đó trờ đến trước mặt và hỏi mua một chút gì.

Bến xe Củ Chi. Những ai thường đến bến xe này chắt hẳn sẽ biết người đàn ông với nước da ngăm đen, trong bộ đồ lính và chiếc xe đạp cọc cạch với thùng kem trên đó. Ông thường lên xe với 4 - 5 cây kem trong tay. "Kem đi em", "Trời nóng, ăn kem đi chị". Có khi ông chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ chìa kem ra trước mặt khách. Và trước những cái lắc đầu của hành khách, ông lại lặng lẽ xuống xe, chờ chuyến xe sau đến và sẽ lại tiếp tục hành trình bán kem của mình. Người đàn ông gầy gò, lưng áo luôn ướt đẫm mồ hôi trong khi tay vẫn cầm những que kem đang bốc hơi mát lạnh, và đôi mắt của ông cũng đau đáu buồn. Có bao nhiêu người sẽ ăn những que kem bình dân đó của ông trong thời đại của những cây kem cao cấp đủ màu đủ vị?

Quán mì, một đêm mưa. Cơn mưa bất chợt to như trút nước khiến đường phố mới hơn 7 giờ tối đã vắng tanh. Chỉ có những vũng nước đọng rải rác khắp nơi, loang loáng ánh đèn đường và lác đác vài chiếc xe trên phố. Sau khung tủ kính trên xe, những đĩa thịt, những viên hoành thánh, những vắt mì, hủ tíu vẫn còn nhiều quá, và nồi nước dùng thì vẫn đang sùng sục sôi, bốc hơi thơm phức. Tôi gọi một tô mì và nhìn anh lặng lẽ chế biến nó. Gương mặt anh đêm nay không giống mọi ngày, sao mà lặng lẽ quá. Anh nhẹ nhàng, từ tốn trụng mì, cho ra tô rồi cũng lại khẽ khàng cho thịt và các thứ vào. Một sự lặng lẽ đến không ngờ. Tôi hiểu, bởi tối đến giờ anh đã bán được nhiều đâu, mà đường phố thì vắng tanh còn cơn mưa có thể trở lại bất cứ lúc nào.

Sẽ rất bình thường nếu nhân vật chính của 3 câu chuyện trên không phải là đàn ông. Chúng ta đã quen với hình ảnh những phụ nữ tảo tần vất vả và cũng sẽ thấy cảm thông và xót xa khi thấy họ ngồi buồn bên gánh hàng ế ẩm. Nhưng với những người đàn ông, lại càng thấy xót xa hơn. Không phải những người sang trọng trong bộ vest lịch lãm, họ ngồi đó bên đường hay rong rủi khắp nơi để mưu sinh. Trong đôi mắt buồn của người đàn ông bán trái cây bên đường nọ phải chăng là nỗi lo không bán được hàng, để rồi không có tiền lo cho con trai đang ốm; hay đó là nỗi lo không có tiền đóng học phí cho con gái của người đàn ông bán kem ở bến xe? Và nỗi buồn trước một đêm ế khách của anh bán mì hẳn là đã rõ, khi xe mì của anh là nguồn duy nhất nuôi sống cả nhà với 2 đứa con đang tuổi ăn học.

Những người đàn ông bán hàng này thật đáng trân trọng biết bao khi họ đã cùng chia sẻ gánh nặng mưu sinh với vợ mình, cũng bươn chải, vất vả để lo cho gia đình. Họ không có may mắn được làm chủ, khó có thể vui vẻ và phải luôn mang nỗi buồn trong ánh mắt. Như họ đáng mặt đàn ông hơn rất nhiều lần so những kẻ suốt ngày say xỉn, đánh đập vợ con. Họ có bị xem thường vì là đàn ông, là nam nhi mà lại đi bán dạo, bán rong không? Sẽ có nhiều người nói vậy, nhưng họ đã làm những công việc chân chính để mưu sinh, chẳng việc gì phải xấu hổ. Con cái của họ có xấu hổ với bạn bè khi cha mình không phải là kỹ sư, giám đốc? Nếu chúng tận mắt thấy được, và hiểu được sự vất vả cùng nỗi buồn trong ánh mắt của cha chúng, chúng chắc phải tự hào thay vì cố tạo ra một nghề nghiệp nào đó để nói về cha mình.

Nghĩ vậy, nhưng sao vẫn thấy ái ngại mỗi khi nhìn vào mắt những người đàn ông bán hàng.

--
Bài đã đăng tại http://tuoitre.vn/Ban-doc/Ban-doc-gui-bai-viet/403640/Dan-ong-ban-hang.html?p=http://tuoitre.vn/Ban-doc/Ban-doc-gui-bai-viet/403640/Dan-ong-ban-hang.html


Trong ảnh: Cụ Lê Văn Mười, 80 tuổi, nhà ở Bình Dương, bán hàng ở cầu Kinh (Thanh Đa, Bình Thạnh, TP.HCM) nuôi vợ yếu bệnh, con tâm thần (nguồn: http://vtc.vn)


--
Các phản hồi nhận được từ bài đã đăng trên Tuổi Trẻ đã khiến tôi vô cùng xúc động. Cảm giác gặp được những người đồng cảm và cảm xúc được chia sẻ thật tuyệt. Xin post lại những phản hồi ấy trong bài viết này:


Mua may bán đắt nhé!

Đọc được bài viết này, tôi thấy trong lòng mình xon xót thế nào. Tôi chỉ mới là sinh viên năm cuối, chưa hẳn là ăn chưa no, lo chưa tới nhưng kinh nghiệm đường đời của tôi thì dường như chưa có gì cả. Một điều mà rất lâu rồi tôi suy nghĩ và đau đáu trong lòng mỗi khi nhìn những người bán hàng rong, tôi cảm nhận được sự chờ đợi, khắc khoải gần như tin vào may mắn mỗi khi vắng khách. Họ trông chờ đến từng bước chân, ánh mắt hay bất kì điều gì cho thấy họ quan tâm mua hàng.

Mẹ tôi suốt một đời buôn bán ở chợ, tôi lớn lên ở chợ, ngủ chợ và bán hàng ở chợ. Tôi hiểu cái tâm trạng ấy, nó không buồn nhưng nó là cả một niềm hy vọng lớn lao, hơn tất cả mọi hy vong, chắc không nhiều người nhận ra điều đó. Những mớ cá ế tôi đem mời khắp xóm, tôi chờ một tiếng gọi, một tiếng gọi sẽ giúp tôi không phải ăn mớ cá này. Lúc ấy tôi còn bé, suy nghĩ đơn giản, chỉ biết trông ngóng mà không biết làm gì. Người già và trẻ em bán hàng rong, những ánh mắt đáu đáu dò xét, tôi yêu họ, đồng cảm với họ luôn dõi theo và cầu cho họ "mua may bán đắt". Và cũng cầu mong có nhiều người đồng cảm với tôi.

HUẾ MY--

Tình người chan chứa khắp nơi

Cám ơn bạn đã có bài viết thật hay, đầy tình người trong một xã hội đầy những nhiễu nhương và tệ nạn; đạo đức ngày một xuống cấp. Nhưng chúng ta vân tin tưởng rằng tình người vẫn còn chan chứa nơi nơi...

NGUYEN NGOC TUAN--

Thật xúc động

Nhìn hình ảnh mà không thể nào cầm được nước mắt. Xót xa và cảm thương những người đàn ông hết lòng vì vợ, vì con. Những người đàn ông hay say sỉn, đánh đập vợ con hãy đọc bài báo này để biết mình không đáng mặt đàn ông chút nào. Hãy nhìn và suy nghĩ về cuộc sống này còn biết bao con người tội nghiệp và đáng thương quá.

NGUYỄN THỊ ĐỖ MY--

Xúc động
Tôi lướt qua TTO và nhấp chuột vào bài viết này đầu tiên. Bài viết của tác giả khiến tôi vô cùng xúc động. Đã nhiều lần tôi đi ngang đường Bình Quới uống cafe với bạn bè và nhìn vội một người đàn ông bán trái cây trên cầu Kinh. Tôi không nhớ người đàn ông tôi đã gặp có giống người đàn ông trong ảnh này không, bởi tôi chưa lần nào ghé lại để mua giùm ông ít trái cây. Lâu rồi tôi không còn qua lại con đường đó. Tự thấy mình vô tâm và có lỗi. Cảm ơn tác giả đã gợi lên trong tôi nhiều điều...

LỆ HUYỀN--
Đồng cảm
Tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết của Lương Nguyên, nhất là những dòng cuối. Tôi cũng đã từng đi qua đoạn đường đời như vậy. Những giọt mồ hôi thấm đẫm nổi chua xót, tủi cực nhưng thật hạnh phúc khi nghĩ đến đứa con đang ngồi trên ghế giảng đường.Vâng, chỉ có những người cha với trái tim mênh mông tình thương và tấm lòng hi sinh lặng lẽ bên đời... Hình ảnh đó ở lại trong tôi suốt cả cuộc đời. Xin cám ơn Lương Nguyên!

HOÀNG LINH

Comments

  1. Anh heo thiệt là người có tình cảm, anh nhạy cảm và sâu sắc lắm óh! ^^
    Em đang tự hỏi là tấm hình đầu bài là anh chụp đó hả? Và những nhân vật buồn xa xăm đó, anh đã hỏi một ít về cuộc sống của học phải không?
    Em thích phần buồn xa xăm hơn! Anh viết rất có cảm xúc! ^^

    ReplyDelete
  2. cám ơn e đã còm nha. thật ra hình đó a google thôi. a rất tiếc vì chưa có điều kiện mua máy ảnh, trong khi nó rất cần cho cái sự viết lách của a :(

    bài này chủ yếu nhắm vào phần buồn xa xăm mà em, phần kia chỉ làm nền để dẫn dắt câu chuyện thôi.

    a ko có điều kiện hỏi những ng buồn, nhưng có điều kiện quan sát họ em à. như ông bán kem, lần nào đi a cũng thấy. còn quán mì là quán ưa thích của anh [mới tối hôm qua mưa tầm tã a từ tp về ghé đó ăn nên mới có cảm xúc vít bài này đó]

    ReplyDelete
  3. e đoán là có a đã nói tới ông bán cơm nhà a8.Bác nhà a5 cũng đc.

    ReplyDelete
  4. @o chuột: em đoán đúng rùi. thế anh ấy tên gì nhỉ? mà em có đồng ý với nhận định của anh về anh ấy ko?

    ReplyDelete
  5. Chi cung hay quan sat nhung nguoi dan ong ban hang, va co cung tam trang nhu em vay, nhung chi ko gioi viet lach nhu em :) Con nhung nguoi gia ban hang cung nhieu hoan canh lam em a. Chuc em co them nhieu bai viet hay nhu vay nua nhe

    ReplyDelete
  6. Dạ, em cám ơn chị. người bán hàng hay người lao động nào cũng có những hoàn cảnh xót xa hết mà, đúng không chị. nhưng em chọn viết về ng đàn ông vì nó làm em suy nghĩ nhiều quá.

    ReplyDelete
  7. Một comment rất xúc động gửi dưới bài viết này của tôi trên Tuổi Trẻ Online, xin đăng lại dưới đây:


    Đồng cảm

    Tôi thật sự xúc động khi đọc bài viết của Lương Nguyên, nhất là những dòng cuối. Tôi cũng đã từng đi qua đoạn đường đời như vậy. Những giọt mồ hôi thấm đẫm nổi chua xót, tủi cực nhưng thật hạnh phúc khi nghĩ đến đứa con đang ngồi trên ghế giảng đường.Vâng, chỉ có những người cha với trái tim mênh mông tình thương và tấm lòng hi sinh lặng lẽ bên đời... Hình ảnh đó ở lại trong tôi suốt cả cuộc đời. Xin cám ơn Lương Nguyên!

    ReplyDelete
  8. tui e kiu dai 'Anh a8' thui chu k bit ten dc dau.nchung ng vui tinh lun lam ngkhc de chiu khi mua hang.ma anh da cam wa .anh lam nha bao dc do,loi van dac set chat nha van.hehe

    ReplyDelete
  9. @o chuot: hihi cám ơn em nha, nhưng em nói "lối văn anh sệt chất nhà văn" mà kêu anh đi làm nhà báo thì hơi lạ nha :P hihi đùa thôi chứ a vẫn đang cố gắng để làm điều đó đây :) trước hết anh chỉ đang là 1 người thích viết thôi ^^

    ReplyDelete
  10. Em làm tôi lại nhớ đến người đàn ông đẩy xe đạp đi bán dạo đã líu ríu như thế nào khi bị cảnh sát trật tự "lùa" mà tôi đã gặp trên đường, trong một buổi trưa nắng.
    Thật đắng lòng...


    PQ

    ReplyDelete
  11. vâng, khi chứng kiến những cảnh như vậy chẳng thể làm gì hơn...

    ReplyDelete
  12. Ôi pé sợ sợ khi nhìn thấy những bài viết như thế này. Bỗng thấy xót xa, sợ cái cảm giác nhói lên khi thấy những người kém may mắn hơn chúng ta. Chắc là pé nhạy cảm hơn pé nghĩ =.= Hồi đó ba pé cũng như vầy nè, nhưng bây giờ thì hết rồi! Bởi vậy ba rất thương những người lao động như thế này. Mong là những người đàn ông này, một này nào đó, cũng may mắn có được hạnh phúc như ba pé...

    ReplyDelete
  13. Ông bán hàng ở cầu Kinh gần nhà em nè anh Xu:). Từ khi em học tiểu học đã thấy ông bán. Và bây giờ vẫn vậy. Khổ nhất là khi trời mưa thấy ông mặc áo mưa ngồi co ro thương lắm.
    (Em Trúc)

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh