Chuyện
Những chuyện linh tinh lang tang, không khởi đầu, không kết thúc.
1.
Trưa…bỗng dưng nhận ra mình lại đang ở nhà một mình, giữa một trưa vắng lặng. Hẻm sâu, quanh co, cách biệt với mặt đường xô bồ ồn ã, nên trưa sao mà thanh vắng quá. Chợt nhớ những trưa cũng yên ả như thế này ở ký túc xá, hay những trưa ở quê nhà, khi mọi người chìm trong giấc ngủ và không gian tĩnh mịch đến vô cùng.
Và, cũng như ở quê nhà, giữa buổi trưa thanh vắng nơi hẻm nhỏ Sài Gòn này, rồi sẽ thỉnh thoảng vang lên tiếng rao thánh thót của những người hàng rong. Mình đã nghe, đã đọc rất nhiều về tiếng rao Sài Gòn, nhưng mãi đến giờ mới có dịp sống giữa lòng thành phố, để được tận mắt chứng kiến, và tận tai lắng nghe. Những tiếng rao đến từ những quê xa xôi tận ngoài trung, ngoài bắc, những tiếng rao đủ loại hàng hóa mà mình chưa bao giờ tưởng tượng được họ có thể bán rong.
Mình thích mỗi sáng được đánh thức bởi tiếng rao bánh mì í ới, bởi hình ảnh người phụ nữ khệ nệ ôm cần xé bánh mì len lỏi vào tận những ngóc ngách cuối cùng của con hẻm quanh co này.
Mình thích giữa trưa thi thoảng giật mình bởi tiếng rao cam đây, táo đây, chuối đây và, ngạc nhiên quá, cả muối cả đường và những chiếc chiếu cũng được cho vào xe và đưa đi bán khắp nơi. Những tiếng rao với đủ âm sắc và giai điệu, khiến người nghe đôi khi không rõ đó là “châm cứu” hay “canh bún”, khi vần “cứu” [hay “bún”] cứ được người bán rong đưa lên cao vút rồi lại lọt thỏm và tan vào hẻm sâu hun hút.
Mình thích được nghe tiếng rao bánh giò bánh gai vào lúc giữa đêm. Đêm đã khuya, trong con hẻm nhỏ này sẽ có ai còn thức, để mua giúp người đàn ông kia những chiếc bánh con cỏn, đủ làm vui lòng chiếc dạ dày chợt cồn cào giữa đêm dài thao thức?
2.
Từ những người bán rong, lại nhớ những người mở quán bên đường. Những gánh chè, gánh bún không rong rủi đường xa mà dừng lại cố định bên vệ đường hay một gốc cây nào đó; những hàng hủ tíu, bún riêu cứ sáng sáng, chiều chiều dọn ra trước một căn nhà bên phố, rồi trưa trưa, tối tối lặng lẽ dọn hàng, chuẩn bị cho ngày hôm sau với một vòng lặp tương tự.
Mình thích những ngày có việc phải ra đường thật sớm, để có dịp nhìn những người bán lui cui dọn hàng, nhìn những bếp lò vừa đỏ lửa và những làn khói đầu tiên bắt đầu tỏa ra từ những nồi bánh canh, hủ tíu. Mình thích đi dọc phố xá khi đã lên đèn, để lại được nhìn những người bán đêm bắt đầu dọn hàng, cũng hì hục đẩy xe, bày bàn ghế. Mình thích đưa mắt tìm những quán quen, dù không có nhu cầu vào ăn, chỉ để được nhìn xem hôm nay họ có bán không, và, hôm nay họ có đông khách không. Mình thích nhìn những cô, những chị ngồi bên gánh hàng đã hết, tỉ mẩn đếm những đồng tiền vừa kiếm được trong ngày. Mình thích nhìn cảnh cặp vợ chồng bán hủ tíu vui vẻ đẩy chiếc xe hàng về sau một ngày vất vả nhưng buôn may bán đắt.
Và sẽ thật buồn lắm mỗi khi mình không tìm thấy bóng dáng quen thuộc của một quán bên đường nào đó, hay chỉ thấy chị chủ hàng ngồi đó với đống bàn ghế trọi trơ mà không có một vị khách nào.
3.
Mỗi khi nghe chương trình quà tặng âm nhạc trên radio, mình vẫn luôn ngạc nhiên và không ngừng thắc mắc, khi có rất nhiều người, hằng ngày vẫn kiên nhẫn gọi cho đài, để được giao lưu, để được đọc số điện thoại trên sóng, với lời nhắn “bạn nào muốn làm quen với mình xin hãy gọi số 093xxxx”. Làm quen là làm quen thế nào, khi mình chẳng biết gì về bạn, ngoài một cái tên? Mình tự hỏi những người làm biên tập trên đài, ngày nào cũng phải tiếp nhận những thông tin như vậy, có thấy buồn cười không, có thấy chán không. Rồi mình tự trả lời, hay là có lẽ đó là niềm vui của họ, của cái nghề này, khi được làm cầu nối cho những người con phương xa, vất vả mưu sinh không có thời gian tìm cho mình một người bạn thật sự mà phải nhờ đến radio, thông qua việc tìm bạn quá đỗi đơn giản kia. Và với họ, những công nhân, người lao động tha phương, niềm vui đơn giản chỉ là được lên sóng và đọc số điện thoại của mình.
Và mình lại tự hỏi, vậy, niềm vui còn đến từ đâu nữa?
Mình nhớ một sáng trên đường đón xe bus đi học, chú xe ôm giơ tay hỏi, xe không. Mình lắc đầu như thường lệ và bước tiếp, thì lại nghe chú nói, đi không, 3 ngàn thôi. Mình giật mình quay lại thì thấy chú cười khà khà, gương mặt sạm đen vì nắng, và nụ cười úa màu thuốc lá, nhưng sao nó làm sáng bừng cả không gian. Mình cũng cười theo, đi liền đi liền. Rồi cứ thế mà bước tiếp. Niềm vui, phải chăng đến từ những điều như thế. Một chút pha trò để mở đầu ngày mới vui vẻ, có lẽ người xe ôm nghĩ vậy. Và nhờ vậy mà sau đó, dù phải chờ xe bus lâu hơn mọi ngày, mình vẫn không thấy phiền, vì vẫn còn cười mãi chuyện người xe ôm vui tính.
Ôi những niềm vui quá đỗi giản dị mà ta không nhận ra, cứ mãi kiếm tìm đâu đó.
4.
Mình sẽ làm gì sau khi ra trường? Mình có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, tùy theo người hỏi. Với bạn bè và ba má, đó là mình sẽ tìm việc làm và học tiếp cao học. Với bạn thân và những người cùng chí hướng: mình sẽ đi du lịch xuyên Việt. Mọi thứ xem chừng như đúng quy củ, và có vẻ là quá hiển nhiên. Nhưng có lúc mình chợt nghĩ, mình có thể làm khác được không?
Hôm rồi bỗng nhiên mình có ý nghĩ muốn vứt bỏ tất cả, hay nói đúng hơn, là tạm dừng, để dấn thân vào những thế giới khác, những thế giới mà mình chỉ dừng lại ở góc độ của một người quan sát, chứ chưa thể đặt chân vào, dù mình rất muốn tìm hiểu nó.
Những thế giới đó là gì? Đó là những chuyến xe bus ngược xuôi, ngày ngày bươn bả qua những con đường ken cứng người và xe. Mình muốn sống trong thế giới đó, để biết những áp lực thực sự mà người tài xế và tiếp viên phải chịu đựng là gì, khi ngày càng có nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm và công bằng với họ, mà không nghĩ rằng nếu họ ở đó, ngồi sau vô lăng khi trước mặt là hàng trăm con người và xe cộ chen cứng nhau, họ có còn đủ bình tĩnh để hành xử nhã nhặn, khi mà ngay chính bản thân họ, chỉ phải dựng vài mươi giây đèn đỏ đã bắt đầu nhặng xị, chửi bới?
Thế giới đó là gì nữa? Là những người buôn gánh báng bưng, những người vất vả mưu sinh trong đêm để kiếm vài ba đồng tiền lẻ. Mình muốn bước chân mình rong rủi theo họ khắp những nẻo đường, mình muốn cùng ngồi với họ dưới ánh đèn đường vàng vọt, mong chờ bóng dáng ai ghé ngang qua mua vội vài món hàng. Mình luôn sợ, luôn ái ngại, khi quan sát họ, nhưng giờ mình muốn thử sống trong hoàn cảnh đó để thật sự biết nó buồn tủi đến như thế nào.
Ngày xưa, mình rất thích những câu chuyện về những con người gánh chữ lên non, từ bỏ thị thành tiện nghi để về với bản làng xa xôi hay vùng non cao đảo xa nào đó. Giờ đây, mình không dám nghĩ đến chuyện đó nữa, vì mình biết, mình không đủ bản lĩnh để vứt bỏ tất cả để đến những nơi như vậy, cùng như mình không thể tạm ngừng mọi thứ để làm nhân viên xe bus, hay để đi bán dạo. Mình biết những chuyến đi, những cuộc dấn thân như vậy chắc chắn sẽ mang đến cho mình nhiều bài học hay, đắt giá về cuộc sống này, nhưng hoàn cảnh không cho phép mình làm thế.
Thôi thì đành tự nhủ, đến khi nào có thể, mình sẽ thực hiện những ước mơ này vậy. Có khi ở một ngã rẽ nào đó trên đường đời trước mặt, mình sẽ vào nghề báo, để có thể thực hiện được những cuộc hóa thân này.
Mà trước mắt, phải sống tốt cuộc đời này cái đã.
Những bài viết của xu đều có chút j đó liên quan đến đồ ăn nhỉ,hì.Xu có cảm quan tinh tế thật.Đọc entry xu, t cứ ngỡ mình đang xem một bộ phim vậy, k ồn ào, k hành động, dường như cảm xúc của bạn len lỏi trong nhịp sống hối hả của tp nhưng để lại trong lòng độc giả nhiều suy tư.Phượt hay đem ánh sáng tri thức đến những vùng đất xa xôi, hẻo lánh thực sự là những khát vọng đẹp.Hy vọng một ngày nào đó xu sẽ sớm thực hiện dc những điều ấy.
ReplyDeletecám ơn bạn Wind nhiều lắm. mình nghĩ trong cuộc sống hiện thay, thật may mắn khi vẫn giữ được cách nhìn và cách giữ cảm xúc như vậy, dù đôi lúc cũng khó khăn lắm mình mới viết ra được
ReplyDeletethật khó để xác định con người ta hướng nội or hướng ngoại nhỉ
ReplyDeletechào bạn,
ReplyDeleteđúng là thật khó để biết ngta hướng nội hay hướng ngoại. bản thân mình cũng ko thật rõ lắm về 2 khái niệm này.
Mình thích vui chơi, đùa giỡn với bạn bè, và luôn có vẻ rất vô tư. Và mình cho đó là hướng ngoại.
Nhưng mình thích viết blgo, và những tâm sự, suy nghĩ hay cảm xúc sâu kín nhất, mình đều dồn vào đây chứ ko thể kể cho ai được. Mình xem đó là hướng nội :)
Mình nghĩ thế có đúng không nhỉ :D