Avatar vì Paris, thay hay không thay?

Ông chủ Facebook tươi cười trên tấm ảnh được phủ cờ Pháp nhằm xoa dịu nỗi đau nạn nhân khủng bố ở Paris.

Facebook tung tính năng nhằm chia sẻ với nạn nhân khủng bố, hóa ra lại dẫn đến tranh cãi nảy lửa từ đông sang tây.

Xu's note: Từ khi Facebook cho phủ cờ Pháp lên avatar để chia sẻ với nạn nhân khủng bố Paris đến giờ, trên mạng cứ tranh cãi miết, từ Facebook cho đến báo chí. Mình chả đọc bài nào cả, mà đi đâu cũng gặp, chán không để đâu cho hết.

Phàm ghét của nào trời trao của đó, chán ngán vậy mà hôm nay buộc phải làm một chút tin này cho báo điện tử. Thì làm thôi. Bài đăng không đầy đủ do phải ghép với phần chính là 'cộng đồng mạng VN', nên đây là bài gốc, tổng hợp vội trong vòng 30' sáng nay. Có viết thêm đoạn chót ;-)


Người dùng Facebook trên khắp thế giới đã hưởng ứng mạnh mẽ tính năng thêm bộ lọc cờ Pháp vào ảnh đại diện của mình để hướng về người dân Paris. 

Dễ thấy điều này qua con số hơn 1,2 triệu người like ảnh đại diện với bộ lọc cờ Pháp của Mark Zuckerberg tính đến sáng nay 16-11, và các ảnh đại diện với bộ lọc tương tự hiện đã tràn mạng xã hội hơn 1 tỉ người dùng.

Tuy nhiên, cũng như ở VN, số người phản ứng với chuyện này không phải là ít. 

Một trong những lý do phổ biến nhất của những người phản đối là vì sao chỉ khi Paris bị tấn công khủng bố, Facebook mới hành động trong khi trước đó đã có rất nhiều vụ tấn công chết chóc ở các quốc gia khác mà Mark Zuckerberg chẳng buồn lên tiếng?

Trước khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris, 43 người chết và hơn 200 người đã bị thương trong các vụ nổ bom ở thủ đô Beirut của Libăng. Trước đó, một vụ tấn công khủng bố cũng làm chết 147 người tại Kenya. Nhưng Facebook không hề có lựa chọn thay đổi ảnh đại diện sang cờ Libăng hay Kenya như với Paris.

“Mark, vì sao anh không ủng hộ Syria hay Palestine theo cách tương tự? Hàng triệu người ở đó đã chết, chẳng phải đó cũng là một phần của khủng bố sao” tài khoản Tushar Fahim đặt câu hỏi ngay dưới ảnh mang cờ Pháp của ông chủ Facebook. Comment này đã nhận được đến hơn 3.100 like ủng hộ.

Một người khác có tên Mohammad Imran Ansari cũng chất vấn về “tính công tâm” của Mark Zuckerberg với câu hỏi “vậy cờ của các quốc gia vốn đang phải đối mặt với khủng bố quốc tế hàng ngày đâu?”

Nếu cả hai ý kiến trên đều đến từ những người Hồi giáo, thì ngay cả những người phương Tây cũng có những lý lẽ riêng để khẳng định họ sẽ không thêm cờ Pháp vào avatar của mình.

“Thay ảnh đại diện, viết vài dòng kèm một hashtag trên mạng xã hội chỉ làm giảm thiểu (thậm chí làm rẻ rúng) cái thực tế tàn khốc khủng khiếp của những việc đang thực sự diễn ra khắp thế giới, chẳng riêng gì Paris” – tác giả James Khoo viết trên trang Elephant Journal.

Theo Khoo, thay đổi avatar chỉ là một trào lưu trên mạng xã hội để cho thế giới biết rằng “chúng ta cũng có quan tâm đến các thảm họa”.

“Bạn bè tôi ở Paris, hay bất kỳ nơi nào phải gánh chịu bi kịch, luôn ở trong tâm trí tôi và tôi không có nhu cầu khoe điều này cho cả thế giới biết” – cô viết.

Khoo cho rằng cô có nhiều cách để liên lạc với họ trực tiếp để xem họ thế nào, hoặc hỗ trợ họ và đây mới là cách phản ứng mà cô cho là ý nghĩa hơn chỉ việc thay ảnh đại diện.

“Tôi không thay avatar không có nghĩa là tôi không quan tâm đến sự việc” – cô kết luận.

Từ nước Anh, Charlotte Farhan, một công dân Paris, viết trên Facebook của mình rằng cô sẽ không phủ quốc kỳ Pháp lên avatar của mình vì “sẽ là sai trái nếu tôi chỉ làm điều đó vì Paris”.

Nữ công dân Pháp này cho biết “nếu tôi cứ phải đổi ảnh của mình mỗi khi có một cuộc tấn công xảy ra đâu đó trên thế giới, chắc phải thay hàng chục lần mỗi ngày”.

“Trái tim tôi luôn hướng về thế giới, bất kể ranh giới, đẳng cấp và tôi trân trọng giá trị nhân mạng của mỗi người bị giết bởi các niềm tin cực đoan về tôn giáo, định kiến hay lợi ích. Đừng trở thành một phần của cách nghĩ “chúng ta và họ” như ý bọn lái buôn chiến tranh” cô Farhan viết trên status được nhiều báo chí quốc tế đăng lại. 

Trong khi đó, tại Việt Nam, anh Sơn T. Lương cho biết anh hoàn toàn tán đồng quan điểm của cô James Khoo, và không chỉ riêng chuyện thay cờ vì Paris hay không, có rất nhiều chuyện khác mà theo anh, việc làm và quan điểm của mình không nhất thiết phải được "loan báo cho cả thế giới".

TRƯỜNG SƠN

Comments

Popular posts from this blog