Đét tơ ni là cái định mệnh
Một ngày nọ, bà Tám, một bà ngoại U75, ngồi buồn không biết làm gì, bèn với tay lấy tờ Tuổi Trẻ con cháu để trên bàn.
Bà giở ra trang Kinh tế, thấy nào là IPO, “nới room”, “thương vụ M&A”, choáng váng mặt mày, chẳng hiểu gì, bèn giở sang trang Công nghệ. Chẳng may, trang này hôm đó lại đi bài dài 7 cột về chuyện Lenovo cài “phần mềm gián điệp” vào máy ở VN. Bà Tám lại hoa mắt với nào là “mã độc”, “BIOS”, rồi thì “System 32”...
Thất kinh, bà Tám kêu thằng Tèo ra quở, sao báo tiếng Việt mà toàn từ gì khó hiểu vậy con. Thằng Tèo chưng hửng, nhưng cũng ráng trả lời, thì từ chuyên ngành mà ngoại, cái này dành cho người chuyên môn đọc mà.
Bà Tám vẫn không ưng, mắng tiếp: “Báo in cho cả nước đọc mà, phải viết sao cho mọi người cùng hiểu chứ, đọc mà không biết họ viết cái gì khó chịu lắm!”.
Thằng Tèo chịu chết, chẳng biết nói sao, bèn gãi đầu rồi tìm đường vọt thẳng.
Bà Tám, trong câu chuyện tưởng tượng trên, có thể đến thăm một bà nọ, cũng là một bà nội gần 70 tuổi, được biết đến qua bài báo trên tờ Tuổi Trẻ hôm 4-1.
Bà này có lẽ một hôm cũng buồn, nhưng không chịu đọc báo mà coi TV, chẳng may trúng ngay một chương trình truyền hình, lại đúng lúc có ca sĩ Hồ Ngọc Hà ra hát bài tên “Destiny”. (Tiếng Việt có thể hiểu là “Cái ĐM (định mệnh)” - chú thích của xuxu)
Bà liền hỏi con cháu cắt cớ như bà Tám, vậy chứ Đét ti ni là cái chi chi?
Theo tác giả thuật lại trên báo, mấy đứa cháu nói bà, cũng như thằng Tèo, nói “bà nội già rồi, mấy bài này dành cho giới trẻ mà.” (*)
Thế rồi, “bà nội không chịu, nói ca sĩ hát trên truyền hình cho cả nước nghe mà, phải hát sao cho mọi người cùng hiểu chứ, nghe mà không biết họ hát cái gì khó chịu lắm!”
Hỡi ôi! Hóa ra hát trên truyền hình giờ đây phải “hát sao cho mọi người cùng hiểu”, với mọi người đây bao hàm cả nam phụ lão ấu, cả người Kinh lẫn người Tày, cả dân thành thị lẫn nông thôn, từ người phố thị đồng bằng nam bộ đến rẻo cao bắc bộ. Ô hô hô.
Vậy báo chí chắc cũng phải viết sao cho cả làng đều hiểu, dù đó là vấn đề kinh tế hay khoa học công nghệ chuyên sâu mà rõ ràng dân thường không cần phải hiểu/quan tâm nếu chuyện đó chẳng liên quan gì đến họ.
Mỗi dòng nhạc có một đối tượng khác giả riêng. Cũng như mỗi tờ báo, thể loại sách, chương trình truyền hình. Không thể bắt tất cả các loại hình trên lúc nào cũng phục vụ đại chúng.
Ca sĩ viết bài “Destiny” chưa bao giờ, dù trong những phút điên rồ nhất, muốn phổ biến bài hát của mình đến những người như bà nội trong bài báo nọ. Tai hại hơn. tác giả bài phản ánh tự giới thiệu mình là dân 7x nhưng cũng không chấp nhận thứ mà anh gọi là "nửa nạc nửa mỡ", tây ta lẫn lộn đó.
Đối tượng khán giả (target audience) của bài hát này, cũng như vô vàn ca khúc khác mà tên bài hát lẫn cái câu trong phần lời đều bằng tiếng Anh, là giới trẻ, và dĩ nhiên họ hiểu "destiny" cũng như các ví dụ được dẫn ra trong bài báo “Khổ, bà già gần 70 tuổi mà cứ phải nghe những Destiny, What is love?, Bad boy, Just love, My everything, Forever alone, I’m sorry baby, Daydreams, Say you do, I'm in love, Hold me tonight, Really love you" nghĩa là gì.
Vì sao bà già phải nghe chi cho khổ vậy? Một chương trình phát trên TV, dĩ nhiên cả gia đình có thể cùng ngồi coi, 3 thế hệ, 3 độ tuổi, 3 quan điểm khác nhau. Chẳng có chương trình nào có thể dung hòa được hết 3 dạng khán giả như vậy.
Nghe nói hình như bà cụ nọ xem trao giải Làn sóng xanh, một chương trình tôn vinh âm nhạc đại chúng, mà phần lớn là dành cho giới trẻ dưới 30 tuổi, thì có thể phàn nàn về nội dung của nó sao? Giống như một người cày sâu cuốc bẫm, tìm đọc tờ Forbes Vietnam rồi chê trách viết cái gì mà mình chẳng hiểu gì hết vậy.
Bà cụ hãy phản đối khi một bài cải lương, bài dân ca quê hương, một bản bolero trữ tình, lại có tên “Girl next door” thay vì “Cô hàng xóm”, hay “Love castle” thay vì “Lâu đài tình ái”.
Chuyện đặt tên bài hát bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ chính của lời hát, cũng như có nhiều câu trong lời bài hát bằng ngoại ngữ, cũng không mới và chẳng có gì đáng phàn nàn.
Không cần kể đến Hàn Quốc, với hằng hà sa số các bài hát tiếng Hàn nhưng tựa Ăng-lê và phần lời có chen tiếng nước ngoài. Hãy tìm nghe những “La vie en rose” (bản tiếng Anh), “Michelle” của The Beatles, hay “Voulez Vous” của ABBA.
Và khi Phạm Duy sáng tác "Em Hiền Như Ma Soeur", liệu ông có sợ mọi người không biết "ma soeur" là gì?
Những ý kiến chê trách như nêu trên cực kì thiển cận, nhưng rất dễ “ăn khách”, vì có một bộ phận đông đảo “cư dân mạng” rất mê những chủ đề như thế để có cớ viện dẫn “thuần phong mỹ tục”, “truyền thống dân tộc”, “tự hào tiếng Việt” để thể hiện ta là người yêu nước, yêu tiếng Việt, có phông văn hóa cao hơn hẳn cái bọn sáng tác ra thứ nhạc “nửa nạc nửa mỡ kia”.
Cuối cùng, tôi chưa bao giờ thích bài Destiny của Hồ Ngọc Hà, vì ngoài phần hòa âm phối khí rất hay và hiện đại thì cô này hát dở quá, không rõ lời, cả bài chỉ nghe được từ Đét tơ ni. Nhưng tôi sẽ bảo vệ đến cùng quyền được sáng tác và hát những bài hát như vậy (**) hehe.
TRƯỜNG SƠN
* Những chữ in nghiêng là trích nguyên văn từ bài báo (http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20160104/destiny-la-cai-gi-vay-con-sao-ten-bai-hat-la-tieng-anh/1032148.html)
** "I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it" (Evelyn Beatrice Hall)
Comments
Post a Comment
Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.