Giải mã Pokémon Go: Khi thật - giả quay cuồng

Pokémon Go chắc chắn là game di động hot nhất năm 2016 với 7,5 triệu lượt tải trong chưa đầy một tuần. Điều gì đã giúp dòng game cũ này gây bão trở lại cực kỳ ngoạn mục sau nhiều năm dài ngủ yên?

 “Trừ khi bạn đi đâu đó khỏi trái đất hồi tuần rồi mới không biết chuyện Pokémon Go vừa ra mắt (hôm 6-7)” -  VentureBeat (12-7)

Pokémon Go là gì? Vì sao nó có thể thu hút cả một lính Mỹ đang đánh IS ở Mosul (Iraq) lẫn Tổng thống Israel Reuven Rivlin cùng gia nhập hàng triệu người chơi toàn cầu, bất kể tuổi tác hay nghề nghiệp?

Vì sao hai ứng viên đang đối đầu nhau trong cuộc đua giành ghế thượng nghị sĩ bang California bằng cách quyết đấu Pokémon Go thay vì tranh luận (debate) như bình thường?

“Bắt hết chúng đi”

Để hiểu vì sao Pokémon Go nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu, cần nhìn lại lịch sử khởi thủy của dòng game này từ những năm 1990. “Gotta catch “em all” (Phải bắt hết chúng) - slogan của Pokémon nhanh chóng trở thành câu cửa miệng và từ khóa thời thượng nhất trên mạng xã hội kể từ ngày 6-7.

Slogan này cũng phản ánh tinh thần của trò chơi: tìm và bắt các Pokémon, những con quái vật đủ hình thù, từ giống rùa, chim, rồng, rắn cho đến cả hình thanh kiếm, đang xâm chiếm trái đất của con người.

Trong thế giới đó, người chơi được gọi là trainer (nhà huấn luyện) sẽ đi khắp nơi lùng và bắt bọn Pokémon này bằng cách ném một quả cầu màu đỏ (Poké Ball) về phía chúng. Sau khi bắt được, người chơi sẽ huấn luyện chúng để tạo thành một đội quân đi chiến đấu với các đối thủ. Mục tiêu cuối cùng của trò chơi vẫn là bắt được hết số Pokémon do nhà sản xuất tạo ra, từ 151 con những ngày đầu cho đến khi được mở rộng ra đến 720 sau này. Riêng Pokémon Go chỉ gồm 151 con của nguyên bản.

Bắt đầu từ trò đùa cá tháng tư

Dịp cá tháng tư năm 2014, Google tung ra video kết hợp Google Maps với Pokémon, làm người dùng thích thú với ý tưởng săn bắt Pokémon trong đời thật. Niantic khi đó vẫn còn là một startup được Google hỗ trợ, đã nghiêm túc suy nghĩ biến trò đùa cá tháng tư đó thành sự thật. Họ mang ý tưởng này nói với Pokémon Company và nhận ra phía đối tác cũng có kế hoạch tương tự. Chỉ hơn hai năm sau, họ đã biến tất cả thành sự thật và thành công ngoài mong đợi.

Từ ảo đến thực

Dễ chỉ ra vài nguyên nhân của cơn sốt Pokémon Go: dễ download (hoàn toàn miễn phí) và dễ chơi. Ngoài ra, sự nổi tiếng của thương hiệu Pokémon cũng phần nào khiến game dễ được tiếp nhận bởi lực lượng fan sẵn có.

Thậm chí dù chưa từng chơi Pokémon nhưng nhiều người chắc chắn từng thấy hay nghe nói đến những con quái vật này ít nhất một lần trong đời.

Tuy nhiên, yếu tố quyết định sự thành công của Pokémon Go chính là

"Pokémon Go hoàn tất giấc mơ mà các fan của Pokémon luôn ấp ủ kể từ những ngày đầu game ra mắt: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Pokémon có thật và chiếm lấy thế giới loài người?” - VOX (11-7)

Thật vậy, những người từng say mê Pokémon trên máy cầm tay hẳn từng mơ đến ngày được “bắt lấy chúng” trong đời thực, hay tưởng tượng rằng giá lũ Pokémon lấp ló đâu đó ngay tại nhà, trường học, đường phố thì tuyệt biết bao. Những ước mơ tưởng hão huyền ngày đó giờ đã thành hiện thực với công nghệ augmented reality (thực tại tăng cường - AR).

AR là công nghệ đưa vật thể ảo vào giữa đời thực, tức hòa trộn giữa thực và ảo. Và chính xác đó là những gì người say mê Pokémon mong muốn: những con thú ảo giờ đây đã xuất hiện ngay trong đời thật, và giấc mơ săn lùng những con quái thú ở ngay nơi mình sinh sống đã thành hiện thực với hàng triệu người, miễn là họ có smartphone!

Để “tăng cường thực tại”, Pokémon Go sử dụng chức năng định vị GPS và đồng hồ trên thiết bị của người chơi để thay thế thế giới giả tưởng của Pokémon bằng thế giới thật. Nghĩa là nếu như với hệ máy handheld cũ người chơi chỉ có thể di chuyển trong thế giới ảo do nhà sản xuất tạo ra, thì với phiên bản AR người chơi sẽ phải thật sự di chuyển trong thế giới thật, ứng dụng nhờ vào GPS và giờ hệ thống trên máy sẽ quyết định các con quái thú sẽ hiện ra khi nào và ở đâu.

Và như đã nói, ý tưởng này khiến những người chơi trưởng thành có cảm giác như thể giấc mơ thời con trẻ của họ rốt cuộc đã thành hiện thực, góp phần lý giải sự đón nhận nồng nhiệt mà game thủ dành cho Pokémon Go.

“Pokémon Go thành công một phần là do pha trộn được thế giới thực và ảo với nhau” - Pamela Rutledge, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tâm lý truyền thông (California), nói với LiveScience. Rutledge cho rằng trải nghiệm của trò chơi (ảo) và các hoạt động trong thực tại (di chuyển, giao tiếp xã hội) được hòa quyện với nhau trong Pokémon Go và trò chơi này, hơn hết, hấp dẫn bởi đánh trúng nhu cầu cần giao tiếp xã hội của con người.

Quả vậy, phần lớn các trò chơi trên điện thoại di động có thể được chơi khi ta nằm một chỗ, ngồi trên ghế bành ở nhà hay trên xe buýt, taxi, thậm chí trong nhà vệ sinh và dán mắt vào màn hình, thì với Pokémon Go, như tên gọi của nó, người chơi buộc phải đi (go) và đi rất nhiều.

Không thể chỉ quanh quẩn trong nhà mà bắt Pokémon, người chơi phải ra đường, đến công viên, bãi biển, thậm chí đến những ngóc ngách phố xá mà trước giờ chưa bao giờ ghé qua để tìm và “bắt hết bọn chúng”. Chính đặc điểm lý thú này giúp Pokémon Go tạo hẳn một trào lưu vận động vì sức khỏe.

Công ty Jawbone UP khẳng định những người chơi Pokémon Go có đeo thiết bị theo dõi sức khỏe của họ đã có số bước di chuyển trong hai ngày cuối tuần (9 và 10-7), tức chỉ ba ngày sau khi game ra mắt, nhiều hơn 62,5% so với mức thông thường.

Thậm chí trang Mashable ngày 13-7 chỉ ra rằng chơi Pokémon Go cũng “bỗng dưng” trở thành liệu pháp chữa chứng ám ảnh sợ xã hội cực kỳ hiệu quả, bởi chúng khuyến khích người chơi ra khỏi nhà và lùng sục khắp mọi nơi để săn Pokémon.


Cú hích cho AR?

Như đã nói, việc sử dụng công nghệ AR đã đem đến thành công “chỉ sau một đêm” của Pokémon. Dù không phải là game đầu tiên sử dụng công nghệ này nhưng không thể chối cãi Pokémon Go đã giới thiệu AR với công chúng một cách cực kỳ thành công.

Đến mức mà trang ReCode ngày 13-7 cho rằng giờ đây không phải dài dòng giải thích khi có ai hỏi AR thật ra là gì, bởi chỉ cần nói “AR giống như Pokémon Go đó” là đủ hiểu. Nhưng nếu muốn tìm hiểu sâu hơn thì sao? AR khác thế nào với công nghệ thực tế ảo (virtual reality - VR), lĩnh vực mà những ông lớn Facebook, Microsoft và Google đều đang đổ tiền vào?

Bản chất của AR là thêm (augment) công nghệ vào để tăng cường trải nghiệm của người dùng về thực tế xung quanh họ, tức bối cảnh vẫn là trong đời thực, trong khi thực tế ảo, đúng như tên gọi, tạo ra một không gian hoàn toàn không có thật (virtual) cho người dùng.

Công nghệ AR trong Pokémon Go ngoài sử dụng thế giới thực để làm bối cảnh cho game còn được lập trình để diễn biến ăn khớp với bối cảnh thực tế: khi bạn đi lùng Pokémon ở công viên, các quái vật có hình dáng cây cỏ hay sâu bọ sẽ xuất hiện, trong khi các loài thủy quái sẽ hiện ra nếu bạn chơi gần ao hồ hay ngoài biển.

Tương tự, khi chơi ban đêm thì chỉ có những loài Pokémon sống về đêm mới xuất hiện.

Khác biệt dễ nhận ra hơn là để trải nghiệm VR, người dùng phải đeo thiết bị như kính Oculus Rift của Facebook hay Samsung Gear, trong khi AR có thể chạy ngay trên smartphone mà không cần đeo thêm thiết bị ngoại vi.

Giới công nghệ đã dành rất nhiều mỹ từ về đóng góp của Pokémon Go cho AR, xem đó như là bước ngoặt để công nghệ này tiếp tục phát triển và đánh bại VR trong việc giành được tình cảm của người dùng.

Các game cũng dùng AR trước đó như Ingress, Life is crime đều không có được sự thành công đáng mơ ước như Pokémon Go.

Hiện tượng Pokémon Go được giới phân tích xem như chứng thực cho nhận định rằng chính AR chứ không phải VR mới có vai trò lớn hơn trong đời sống con người.

“VR chỉ là một thị trường ngách, tuy sôi động và vui nhộn nhưng sẽ không bao giờ trở nên chính thống, điều mà AR chắc chắn sẽ làm được” - trang Sci-Tech Today ngày 14-7 dẫn lời Dmitri Williams, chủ tịch công ty phân tích dữ liệu Ninja Metrics.

Lý do, theo Williams, thật đơn giản: “VR ngăn tách bạn ra khỏi mọi người, trong khi AR khuyến khích bạn tương tác với người khác”.

Những khoảng tối

Lẽ dĩ nhiên mọi thứ không chỉ toàn màu hồng với Pokémon Go. Đã có nhiều cảnh báo xung quanh việc nghiện game này, nhiều nhất là mải nhìn vào điện thoại mà ngó lơ luật giao thông, dễ gây/bị tai nạn. Và để “bắt hết bọn chúng”, nhiều người sẵn sàng bước vào không gian riêng của người khác (như tự ý vào vườn nhà người lạ). Mỹ cũng đang kêu gọi người chơi đừng lùng bắt Pokémon ở những nơi tôn nghiêm như nghĩa trang quốc gia Arlington hay Bảo tàng Diệt chủng (Holocaust Memorial Museum). Đã có trường hợp lợi dụng Pokémon Go để dụ nạn nhân vào chỗ vắng và cướp của. Về phía người chơi, đã có rất nhiều than phiền vì việc phát hành nhỏ giọt, mạng chập chờn và độ ngốn pin của game.

Không phải ai cũng phát cuồng bọn quái vật Pokémon. Nữ phóng viên Caitlin Dewey của tờ Washington Post cho rằng cô “khinh thường” Pokémon Go và tin rằng mình không phải là người duy nhất. Lập luận đáng chú ý nhất được Dewey đưa ra là tại sao phải cần đến Pokémon Go người ta mới chịu ra ngoài, vận động, giao tiếp với người lạ, những việc mà lẽ ra ta nên làm mỗi ngày? Một lập trình viên tên Jamie Farrelly cũng nhanh tay cho ra mắt phần mở rộng (extension) PokeGone cho người dùng Chrome để khóa bất kỳ nội dung nào có liên quan đến Pokémon Go. Quả là thứ mà những người vốn phát ngán khi cứ mở mạng lên là thấy Pokémon Go khắp nơi đang cần.

20 năm Pokémon

Khởi nguồn từ nhân vật video game, trong 20 năm qua, Pokémon đã lấn sân sang hàng loạt lĩnh vực như bài Pokémon (trading card), truyện tranh (manga), phim hoạt hình (anime), chương trình truyền hình, phim điện ảnh, đồ chơi và mô hình sưu tầm (figure).

- 1996: Pokémon chính thức ra đời qua game nhập vai (RPG) Pokémon Red and Green do Nintendo phát hành cho máy cầm tay Game Boy. Kể từ đó, đã có bảy thế hệ game “Pokémon” được ra mắt.

- Ba thế hệ đầu, từ 1996 đến 2005, Pokémon tiếp tục cho ra mắt các phần tiếp theo, vẫn dành cho máy Game Boy, với mỗi phần được cập nhật thêm số quái thú và các tính năng khác.

- Năm 2006, thế hệ thứ tư của Pokémon bắt đầu tại Nhật với sự ra đời của game Pokémon Diamond and Pearl cho máy Nintendo DS. Hệ máy này, với màn hình cảm ứng, kết nối Wi-Fi, giúp nhà sản xuất mang đến nhiều tính năng hơn cho người chơi. Trong thời kỳ thứ tư này, Pokémon cũng bắt đầu có phiên bản dành cho hệ máy Wii với Pokemon Battle Revolution (2009).

- Thế hệ thứ năm (9-2010) các tựa game mới tiếp tục được ra mắt dành cho máy Nintendo DS và Wii.

- Tháng 1-2013, phiên bản Pokémon X and Y ra mắt dành cho hệ máy Nintendo 3DS, đánh dấu lần đầu tiên Pokémon được phát hành ở định dạng game 3D.

- Tháng 2-2016, phiên bản Pokémon Sun and Moon dành cho máy Nintendo 3DS đánh dấu thế hệ thứ bảy của Pokémon, và cũng là kỷ niệm 20 năm ngày các con quái vật Pokémon ra đời và chinh phục người chơi toàn cầu.

- Tháng 7-2016, Pokémon Go ra mắt với công nghệ tăng cường thực tại, chinh phục một thế hệ người chơi mới.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)


Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh