Người Việt hiểu sai tinh thần Pokémon GO?

Việc chỉnh sửa thông tin trên Google Maps để chơi Pokémon GO dễ dàng hơn cho thấy nhiều người chơi Việt đã hiểu sai tinh thần của game này, khiến họ trở nên không giống ai trong cộng đồng người chơi khắp thế giới.

Nhà sản xuất Niantic thực chất khuyến khích người chơi Pokémon GO ra khỏi nhà, di chuyển thật nhiều, và thăm thú khám phá nơi này nơi kia, thay vì nằm dài trên giường vẫn chơi được như các game di động khác.

Các Pokéstop, thứ mà người chơi Việt Nam đang “nhiệt tình” tạo ra hàng loạt bằng cách lạm dụng dịch vụ Google Map Maker, cũng được nhà sản xuất định nghĩa rõ là “những nơi thú vị như các di tích lịch sử, đền đài, hay nơi trình diễn nghệ thuật sắp đặt”. Các Pokéstop do Niantic quy định cũng đa phần là công viên, bảo tàng, các công trình văn hóa có tính biểu tượng, cho thấy họ thật sự muốn người chơi vừa săn Pokémon vừa đến những nơi như thế để khám phá, học hỏi thêm (vì nếu không có game này chắc gì họ đã chịu đến).

Do đó, việc người chơi Việt Nam muốn biến nhà họ thành Pokéstop chỉ để bắt Pokémon và thu vật phẩm dễ dàng mà không phải đi đâu xa, rõ ràng là đi ngược với tinh thần khuyến khích mọi người ra ngoài và vận động của nhà sản xuất. Và Việt Nam dường như là thị trrường duy nhất nghĩ ra trò ăn gian này.


Trên các Facebook cũng như trang mạng, diễn đàn liên quan đến Pokémon GO, người dùng khắp thế giới cũng bày tỏ mong muốn được tự tạo Pokéstop, nhưng không có mẹo hay chiêu trò nào được mang ra thảo luận. Cách “chính thống” nhất là gửi yêu cầu cho Niantic, tuy nhiên hãng này hiện đã ngừng nhận yêu cầu xác nhận địa điểm mới là Pokéstop hoặc Gym (nơi người chơi huấn luyện các con Pokémon đã bắt được). Thay vào đó, người dùng đang được khuyến khích báo cho Niantic gỡ bỏ các Pokéstop không phù hợp.

Vì sao Niantic lại chấp nhận gỡ bỏ các Pokéstop đã tạo? Chủ nhân của những vị trí được Pokémon Go xem là PokéStop vốn cảm thấy bị phiền phức khi người lạ liên tục đến nhà/cửa hàng của mình mà chẳng mua hàng gì vì chủ yếu đến để bắt Pokémon. Niantic cũng khuyến khích người chơi yêu cầu xóa các PokéStop hoặc Gym nếu nhận thấy chúng được đặt ở những nơi không phù hợp hay không an toàn.

Có thể thấy trong khi nhà sản xuất đang ra sức ngăn chặn sự bùng nổ của các Pokéstop, người chơi Việt Nam lại đang muốn biến nhà họ thành Pokéstop chỉ để bắt Pokémon và thu vật phẩm dễ dàng mà không phải đi đâu xa, đi ngược với tinh thần vận động của game.

Phá hoại vô ích

Trong khi đó, trên diễn đàn của Google Map Maker, chỉ cần tìm với từ khóa “Pokéstop” sẽ thấy kết quả gần như toàn là người Việt yêu cầu xác nhận nhận địa điểm họ mong muốn làm Pokéstop. Điều đáng nói là các yêu cầu toàn viết bằng tiếng Việt dù trang này là tiếng Anh.

Lượng yêu cầu vô lý của người Việt nhiều đến mức một trong số những người quản trị trên diễn đàn này phải thốt lên: “Tôi không hiểu vì sao gần đây có nhiều người Việt vào đây yêu cầu xác nhận Pokéstop quá vậy”. Anh này khẳng định những người chơi này đã “lộn địa chỉ” và mong được biết “ai đã khiến các bạn đến đây” để nói lại cho rõ họ đừng mong biến nhà mình thành Pokéstop thông qua Google Maps.

Trên thực tế, việc phá Google Maps của người chơi Việt có thể nói là vô ích, vì ngoài cách gửi yêu cầu xác nhận Pokéstop (nay đã bị khóa), chưa có thông tin chính thức nào từ phía Niantic về việc tạo mới các Pokéstop. Thay vào đó, nhà sản xuất này tiết lộ họ có thể cho ra mắt “Sponsored Pokéstop”, tức các doanh nghiệp trả tiền để được làm Pokéstop, chứ không cho đăng ký tràn lan.

Vẫn theo nhân vật được gọi là top mentor trên forum của Google Map Maker, “các Pokéstop là địa điểm ảo được nhà sản xuất tạo ra và chồng lên Google Maps, chứ không phải là dữ liệu được lưu trữ trên Google Maps”.

Anh này kết luận: “Thêm thông tin vào Google Maps bằng Google Map Maker sẽ không tạo ra Pokéstop”. Điều quan trọng hơn, các Pokéstop hiện có trong Pokémon Go vốn được lấy từ chính một game tăng cường thực tại khác của Niantic là Ingress, và “bản đồ này đã hoàn chỉnh và nhà sản xuất vì thế sẽ không chấp nhận thêm thắt gì nữa đâu”.

Bằng chứng là dù hôm qua nghe nói công viên Lê Thị Riêng đã bị ai đó “dời” về Bình Tân, thì ngay trong tối đó, khu vực công viên này ở ngoài đời thực vẫn đầy người chơi như thường.

Tóm lại, việc quậy Google Map Maker và làm loạn trên diễn đàn của Google không giúp tạo ra thêm Pokéstop, mà chỉ làm giảm chất lượng bản đồ Việt Nam trên Google Maps và làm xấu mặt người Việt trên không gian ảo mà thôi.

TRƯỜNG SƠN

Phần trên là viết báo, còn đây là ý kiến cá nhân của mình khi chơi Pokémon GO.

Đầu tiên, không giấu giếm, mình đã down và chơi Pokémon GO chỉ 1-2 tiếng sau khi Niantic loan báo game đã về với buôn làng Việt Nam hôm 6-8. Nhưng như mọi game khác, mình chơi nhưng không ghiền. Và quan điểm của mình với những ai chống game này ở Việt Nam mà viện dẫn chuyện đạo đức, phí thời gian, công sức cha mẹ, vô bổ, blah blah là chính các bạn mới là người tào lao.

Như đã trình bày ở trên, cách xây dựng gameplay của Pokémon GO thể hiện rõ tinh thần hãy di chuyển, hãy ra ngoài, hãy khám phá, giao lưu với người khác. Những ý này mình đã nói rõ trong bài viết cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần ở đây http://xumap.blogspot.com/2016/08/giai-ma-pokemon-go-khi-that-gia-quay.html

Cho nên game không xấu. Những quan ngại về an toàn, an ninh v.v. là có, nhưng cũng là do người chơi thôi. Mình chỉ chơi khi ngồi ở nhà/cơ quan/siêu thị/quán cà phê, những nơi mình biết chắn điện thoại mình an toàn, không ai giựt được, và mình cũng chả bổ vào ai, hay bị xe tông.

Mất thời gian, vô bổ? Chẳng có trò chơi nào là vô bổ cả. Hãy chơi trước khi phán, để biết cái khoái cảm mỗi khi bắt được một con Pokémon, được thêm một loài mới vào bộ Pokedex. Chuyện chơi quên ăn quên ngủ là của người chơi, nhà sản xuất không phải chịu trách nhiệm cho chuyện này.

Pokémon GO là một trào lưu? Một trào lưu mà 100 triệu lượt download chỉ sau 1 tháng? Mình sẽ vẫn chơi Pokémon GO, mỗi ngày một ít, thật an toàn và điều độ, cho đến khi nào bắt đủ bộ thì thôi :-)


Comments

Popular posts from this blog