Trung Quốc đang giết chết ngư trường Biển Đông ra sao
Bài này lẽ ra dịch cho Long read nhưng sẵn có bài lược dịch cho TTO nên mình đăng lại ở đây luôn. Bài 1,800 chữ rất hay của Nat Geo.
Các động thái xâm lấn trái phép cùng hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông đang đẩy ngư trường rộng lớn, là nguồn sinh kế của hàng triệu ngư dân thuộc nhiều quốc gia, đến chỗ biến mất.
Tạp chí National Geographic (Nat Geo, Mỹ) ngày 29-8 có bài phóng sự dài miêu tả tình cảnh bi đát của ngư nhân Philippines và Việt Nam chuyên đánh bắt trên Biển Đông. Nguyên nhân tình trạng này, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều là do kiểu hành xử "bắt nạt" của Trung Quốc.
Ngư trường khổng lồ đang sụp đổ
Tài nguyên Biển Đông phong phú ra sao? Giá trị hàng hóa được vận chuyển qua vùng biển này lên đến 5,3 ngàn tỉ USD mỗi năm, và sự đa dạng sinh học của Biển Đông cũng tương tự như "rừng Amazon trên cạn" vậy.
Theo Nat Geo, 3,7 triệu người thuộc 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đang đánh bắt cá trên Biển Đông, thu về hàng tỉ USD mỗi năm, nhưng sản lượng cá hiện đã giảm rất nhiều so với vài chục năm trước đây, đe dọa an ninh lương thực và phát triển kinh tế của các nước sống nhờ nguồn tài nguyên này.
Các nhà khoa học chỉ ra tại một số khu vực trên Biển Đông, lượng cá chỉ còn chưa đầy 1/10 so với cách đây 50 năm. Và các loài cá giá trị cao như cá ngừ và cá mú đang ngày càng hiếm đi.
“Chúng ta có thể nói đang chứng sự biến mất của một trong những ngư trường lớn nhất thế giới - ông John McManus, nhà sinh vật học hàng hải thuộc Trường Khoa học Khí quyển và Hàng hải Rosenstiel (Đại học Miami, Mỹ), nói với Nat Geo - Hàng trăm loài thủy sản sẽ biến mất, và sẽ rất nhanh, hết loài này đến loài khác”.
Nguyên nhân cũng vì cái vòng luẩn quẩn: tranh giành đánh bắt cá dẫn đến tranh chấp trên biển, và tranh chấp trên biển cũng lại khiến ngư dân các nước phải cạnh tranh với nhau mạnh mẽ hơn. Rốt cuộc thì lượng cá vẫn tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, dường như mọi vấn đề đều từ Trung Quốc mà ra.
Khi tàu cá được chống lưng
Ngư dân Philippines Christopher Tubo buộc phải thôi đánh cá trên Biển Đông sau khi một người bạn của anh bị tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng. “Đầu tiên ta sẽ thấy máy bay trờ tới, rồi đến một tàu hải quân” - anh Tubo kể với Nat Geo, mô tả lại cách Trung Quốc thường dùng để đuổi ngư dân các nước ra khỏi vùng biển tranh chấp.
Theo Nat Geo, có khoảng 320.000 ngư dân Philippines đang mưu sinh trên Biển Đông. Nhưng ngày càng nhiều ngư dân, như Tubo và bạn anh, buộc phải tìm vùng biển khác vì các hành động can thiệp từ phía Trung Quốc như xây công trình nhân tạo trên các thực thể chiếm đóng trái phép, cho tàu hải cảnh đe dọa tàu cá nước khác và “bảo kê” cho ngư dân nước mình.
“Nếu chúng tôi cứ đến đó đánh cá, có khi chẳng còn đường mà về” ngư dân Philippines ChristopherTubo.
Ông Henry Tesorio, trưởng làng chài ở TP Puerto Princesa trên đảo Palawan (Philippines) cám cảnh: “Cứ theo cách đó thì Trung Quốc đang coi vùng biển đó là của họ và người Philippines bị cấm cửa hoàn toàn”.
Câu chuyện trên không xa lạ với ngư dân Việt Nam. Trong bài viết nói trên, Nat Geo cũng nhắc lại những vụ tàu cá của ngư dân Lý Sơn bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, đâm chìm tàu trên Biển Đông.
Khi cá tôm ở các vùng biển cận bờ cạn kiệt, ngư dân buộc phải dong thuyền ra xa hơn, và thường phải vào cả các vùng biển đang tranh chấp để mưu sinh. Trung Quốc chộp ngay cơ hội này để tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển đó bằng cách chống lưng cho các tàu cá nước mình một cách hung hăng.
Bắc Kinh đã củng cố lực lượng hải cảnh, quân sự hóa các đội tàu đánh cá và bắt đầu trợ cấp nước uống, xăng dầu cũng như chi phí để ngư dân đóng tàu to hơn, tốt hơn.
Bắc Kinh cũng huấn luyện quân sự cho các tàu cá và trang bị hệ thống liên lạc qua GPS để ngư dân Trung Quốc có thể dễ dàng “chỉ lối” cho tàu hải cảnh đến hỗ trợ mỗi khi đối mặt với tàu của lực lượng chấp pháp các nước, hoặc khi có tàu cá nước khác cùng đến đánh bắt.
Thậm chí, Nat Geo nhấn mạnh, có cả một chương trình trợ cấp đặc biệt dành cho ngư dân đến đánh bắt tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Lý do duy nhất để các tàu đánh cá nhỏ của Trung Quốc đến Trường Sa là vì họ được trả tiền để làm thế” - ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), nói với Nat Geo.
Việc trả tiền và bảo hộ bằng vũ lực cho tàu cá Trung Quốc đến các vùng biển tranh chấp được xem là “áp lực cộng thêm” khiến trữ lượng thủy sản ở Biển Đông ngày càng cạn kiệt. Ông Gilbert Elefane, thuyền trưởng một tàu đánh cá ngừ của Philippines, cho biết vào cuối tháng 8, có đến cả trăm tàu nước ngoài, phần lớn là Trung Quốc, đánh bắt trên biển Đông, trong khi chỉ vài năm trước, “số tàu Trung Quốc không quá 30”.
Khai thác quá mức, tàn phá đáy biển
Những động thái “độc chiếm” các ngư trường trên Biển Đông của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc mưu sinh của ngư dân các nước. Không còn cách nào khác, ngư dân Philippines buộc phải chuyển sang các phương pháp đánh bắt nguy hiểm và bất hợp pháp như đánh cá bằng thuốc nổ hay xyanua. Cả hai phương pháp này đều gây hại cho các dải san hô lẫn các loài cá khác, và làm sự suy giảm trữ lượng cá trầm trọng thêm.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc tiếp tục làm vấn đề tệ thêm với các công trình nhân tạo xây ngay trên các bãi đá chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông Zachary Abuza, chuyên gia an ninh hàng hải và chính trị Đông Nam Á thuộc Đại học National War College (thủ đô Washington, Mỹ) cho rằng việc xây dựng trên là cách để Bắc Kinh “tuyên bố chủ quyền và ngăn các quốc gia khác tiếp cận nguồn tài nguyên (trên Biển Đông)”.
Việc bồi đắp, xây đảo nhân tạo và các công trình khiến các bãi đá ở Biển Đông bị hủy hoại nghiêm trọng. “Có thể nói một nửa số bãi đá ngầm đã bị phá hủy” - chuyên gia John McManus, nhà sinh vật học hàng hải của trường Rosenstiel, nói với Nat Geo. Ngoài ra, việc đánh bắt trai kiểu tận diệt dưới đáy Biển Đông của Trung Quốc cũng khiến các rặng san hô bị tàn phá.
Tác hại của việc này ra sao? Tạp chí Nat Geo giải thích: một khi các bãi đá ngầm đã bị phá hủy, các loài cá sống ở đó sẽ mất chỗ ở và cả nguồn thức ăn. Nghiêm trọng hơn, cá con vẫn thường được dòng chảy của đại dương đưa từ bãi đá này sang bãi đá khác. Do đó nếu một bãi đá mất đi thì nguồn cá con cũng mất, và hậu quả cuối cùng là “sự duyệt vong của nhiều giống cá”.
Làm sao cứu ngư trường Biển Đông?
Nếu các bên có liên quan cùng ngồi lại với nhau, sẽ có giải pháp để ổn định ngư trường Biển Đông, nhưng điều này dường như là không tưởng.
Ông McManus, nhà sinh vật học hàng hải thuộc Trường Khoa học Khí quyển và Hàng hải Rosenstiel, cho rằng các bãi đá ngầm bị phá hủy có thể được phục hồi trong một hoặc hai thập niên, nhưng chỉ khi các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo và đánh bắt trai của Trung Quốc chấm dứt.
Chuyên gia này đề xuất thành lập một “công viên hòa bình” trên Biển Đông, tức thiết lập một vùng biển được bảo hộ mà các nước cùng thống nhất không đòi chủ quyền và ngưng mọi hoạt động như bồi đắp đảo tại đó.
Theo tạp chí Nat Geo, các chuyên gia cũng cho rằng nếu các bên có liên quan cùng ngồi lại với nhau, sẽ có giải pháp để ổn định ngư trường Biển Đông. Các giải pháp sẽ bao gồm mỗi nước chấp nhận cắt giảm số lượng tàu cá và hạn chế sử dụng các phương pháp đánh bắt nguy hại như câu cá ngừ bằng đèn. Nhưng điều này cũng có nghĩa các nước phải hỗ trợ ngư dân tìm việc làm mới.
Một khi đã có kế hoạch quản lý bền vững, sản lượng cá ngừ và cá thu ở Biển Đông có thể phục hồi đến 17 lần so với hiện nay vào năm 2045, theo một báo cáo hồi năm ngoái của Đại học British Columbia. Lượng cá sống tại các bãi đá ngầm cũng sẽ tăng 15%, giúp các chuyến đánh bắt của ngư dân tăng cả về số lượng lẫn giá trị, theo cùng báo cáo nói trên. Ngoài ra, các loài cá giá trị cao như cá mập và cá mú cũng sẽ quay lại Biển Đông nếu tình hình được ổn định.
Những viễn cảnh thật tốt đẹp. Nhưng quan trọng là liệu sẽ có một kế hoạch như thế hay không? Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) không mấy lạc quan. “Để làm được điều đó cần phải đặt các tranh chấp qua một bên - ông Poling nhận định - Điều này là khả thi, nhưng không chắc sẽ xảy ra”.
Lý do cho sự bi quan của ông Poling chính là Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế trong các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
Ông McManus, nhà sinh vật học hàng hải thuộc Trường Khoa học Khí quyển và Hàng hải Rosenstiel, cho rằng các bãi đá ngầm bị phá hủy có thể được phục hồi trong một hoặc hai thập niên, nhưng chỉ khi các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo và đánh bắt trai của Trung Quốc chấm dứt.
Chuyên gia này đề xuất thành lập một “công viên hòa bình” trên Biển Đông, tức thiết lập một vùng biển được bảo hộ mà các nước cùng thống nhất không đòi chủ quyền và ngưng mọi hoạt động như bồi đắp đảo tại đó.
Theo tạp chí Nat Geo, các chuyên gia cũng cho rằng nếu các bên có liên quan cùng ngồi lại với nhau, sẽ có giải pháp để ổn định ngư trường Biển Đông. Các giải pháp sẽ bao gồm mỗi nước chấp nhận cắt giảm số lượng tàu cá và hạn chế sử dụng các phương pháp đánh bắt nguy hại như câu cá ngừ bằng đèn. Nhưng điều này cũng có nghĩa các nước phải hỗ trợ ngư dân tìm việc làm mới.
Một khi đã có kế hoạch quản lý bền vững, sản lượng cá ngừ và cá thu ở Biển Đông có thể phục hồi đến 17 lần so với hiện nay vào năm 2045, theo một báo cáo hồi năm ngoái của Đại học British Columbia. Lượng cá sống tại các bãi đá ngầm cũng sẽ tăng 15%, giúp các chuyến đánh bắt của ngư dân tăng cả về số lượng lẫn giá trị, theo cùng báo cáo nói trên. Ngoài ra, các loài cá giá trị cao như cá mập và cá mú cũng sẽ quay lại Biển Đông nếu tình hình được ổn định.
Những viễn cảnh thật tốt đẹp. Nhưng quan trọng là liệu sẽ có một kế hoạch như thế hay không? Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) không mấy lạc quan. “Để làm được điều đó cần phải đặt các tranh chấp qua một bên - ông Poling nhận định - Điều này là khả thi, nhưng không chắc sẽ xảy ra”.
Lý do cho sự bi quan của ông Poling chính là Trung Quốc vẫn bất chấp luật pháp quốc tế trong các tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông.
“Khi Trung Quốc vẫn dựa vào các gọi là đường lưỡi bò chín đoạn, còn các nước dựa vào pháp luật quốc tế, để đạt được một sự đồng thuận là không tưởng” - ông Poling kết luận.
Và ở thì hiện tại, mọi thứ chẳng có gì sáng sủa: cá trên Biển Đông ngày một ít đi, và các nước hoặc không làm gì, hoặc thúc giục ngư dân cứ hãy đánh bắt tiếp đi.
Tương lai của ngư trường Biển Đông vì thế thật chẳng mấy sáng sủa.
TRƯỜNG SƠN
Comments
Post a Comment
Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.