Bốn "nguy cơ Trung Quốc" trong lòng nước Úc
Xem nước Úc cảnh báo hiểm họa từ Trung Quốc mà nghĩ đến...
Có một “hiểm họa Trung Quốc” gồm bốn thành tố chính ngay trong lòng nước Úc, đe dọa chủ quyền và nền dân chủ của quốc gia này, theo các cơ quan truyền thông lớn của Úc. Cụ thể là gì?
Theo trang Global Research, tại Úc đang có một chiến dịch “săn tìm” những chính trị gia, thương gia, hay bất kỳ tổ chức cá nhân nào cũng có lập trường thân Trung Quốc. Đây là chiến dịch xuất hiện sau vụ bê bối “ăn tiền Bắc Kinh” của thượng nghị sĩ Đảng Lao động Sam Dastyari.
Ông Dastyari bị phát hiện nhận 1.670 USD dưới hình thức chi phí đi lại cá nhân do một công ty Trung Quốc chi trả, và sau đó lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, trái với lập trường của đảng mình.
Sau vụ bê bối này, truyền thông Úc liên tục cảnh báo đất nước đang chịu hiểm họa từ một “đạo quân thứ 5” (fifth column, thuật ngữ chỉ lực lượng phá hoại ngầm từ bên trong), gồm “những người hoặc bị Trung Quốc mua chuộc thông qua “quyền lực mềm”, hoặc có gốc gác Trung Hoa và trung thành với (Bắc Kinh)”.
Theo Global Research, dẫn đầu chiến dịch truyền thông "vạch mặt âm mưu" này là đài quốc doanh ABC và tờ tạp chí kinh tế hàng đầu nước Úc, tờ Australian Financial Review.
Chính tờ Australian Financial Review đã đăng tải bài viết tố ông Dastyari, và tiếp sau đó là một loạt 11 bài viết chỉ ra các hiểm họa Trung Quốc có thể gây hại cho lợi ích nước Úc.
Một trong những bài viết “dữ dội” nhất trong chiến dịch truyền thông chống Trung Quốc, theo Global Research, là bài xã luận ngày 5-9 của Peter Hartcher, biên tập viên quốc tế của tờ Sydney Morning Herald.
Nhận diện chuột, ruồi, muỗi, và chim sẻ
Ông Hartcher khẳng định chủ quyền nước Úc đang gặp nguy bởi nhiều tầng lớp thân Bắc Kinh ngay trong giới chính trị, doanh nghiệp và cả cộng đồng người Úc gốc Hoa. Cây bút này cho rằng “nước Úc đang nhìn nhận Trung Quốc một cách khá ngây thơ”, khi xem nhẹ hiểm họa mà các thế lực nói trên có thể gây ra cho nền chính trị nước này.
Nhà báo Hartcher nhắc lại chiến dịch diệt chim sẻ (Đả ma tước vận động) mà chủ tịch Mao Trạch Đông từng phát động trong kế hoạch Đại nhảy vọt ở Trung Quốc năm 1958 nhằm diệt trừ bốn con vật chuột, ruồi, muỗi, và chim sẻ, và cho rằng nước Úc đang cần một chiến dịch tương tự như thế. “Chúng ta cần chiến dịch nâng cao cảnh giác trước sự chi phối của nước ngoài vào nền dân chủ - Hartcher viết - Dùng lại từ ngữ của Mao, chúng ta có lẽ cũng cần chiến dịch “Diệt bốn con vật gây hại” để ngăn chặn ảnh hưởng của các nhân tố ngoại bang”.
Tác giả giải thích ngay “chuột” ở nước Úc chính là “những chính trị gia bị Trung Quốc quyến rũ” và Dastyari chỉ là “một trong số rất nhiều nhân vật như thế”.
“Ruồi”, theo Hartcher, chính là “những cái loa miệng được trả tiền để nói tốt cho Trung Quốc”. Tác giả nói thẳng một trong số những “con ruồi” như vậy là cựu ngoại trưởng (thuộc Đảng Lao động) Bob Carr, người đã thành lập Viện Quan hệ Úc-Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney bằng khoản tài trợ 1,8 triệu USD từ một tập đoàn Trung Quốc.
Kế tiếp, ông Hartcher cho rằng “muỗi” chính là những doanh nhân người Úc “lo lắng cho lợi ích tài chính của bản thân đến mức muốn nước Úc phải chịu vị thế quỵ lụy”. Ông cho rằng tỉ phú truyền thông và khai khoáng Kerry Stokes, chủ tịch đài truyền hình Channel 7, chính là “muỗi” vì đã từng phản đối việc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ đặt căn cứ đồn trú ở thành phố miền bắc Darwin.
Cuối cùng, các tổ chức Úc gốc Hoa và hội sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học được Hartcher xếp vào nhóm “chim sẻ” bởi các tổ chức này “tồn tại chỉ để truyền bá ảnh hưởng của Bắc Kinh”. Con “chim sẻ đầu đàn”, theo Hartcher, là Hội đồng Thúc đẩy thống nhất hòa bình Trung Quốc ở Úc.
“Ai cần những sinh vật phá hoại này chứ?” biên tập viên tờ Sydney Morning Herald kết luận.
Global Research bình luận chiến dịch truyền thông chống Trung Quốc ở Úc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục leo thang ở Biển Đông. Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đều muốn Úc gửi tàu chiến và máy bay tham gia thể hiện “Quyền tự do hàng hải” cùng với Mỹ xung quanh các đảo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại Biển Đông.
Bắc Kinh cũng đã cảnh báo thông qua truyền thông Trung Quốc các tàu chiến Úc sẽ bị tàu quân sự nước này tấn công nếu làm theo đề nghị của Mỹ.
Trong một bài báo khác góp vào chiến dịch trên tờ The Australian ngày 5-9, nhà phân tích chiến thuật Paul Dibb cho biết hiện có 1 triệu người Úc gốc Trung Quốc (1/3 trong số này sinh ra ở Trung Quốc) và khoảng 140.000 sinh viên Trung Quốc tại Úc.
“Sự thật là có một lượng đáng kể các cư dân và sinh viên Trung Quốc (ở Úc) đang hoài nhớ cố hương - Dibb viết - Nếu đúng như thế thật, thì chúng ta đang gặp nguy hiểm với một nhóm người không hòa nhập (vào nước Úc) mà vẫn trung thành với một thế lực nước ngoài”.
“Sự thật là có một lượng đáng kể các cư dân và sinh viên Trung Quốc (ở Úc) đang hoài nhớ cố hương - Dibb viết - Nếu đúng như thế thật, thì chúng ta đang gặp nguy hiểm với một nhóm người không hòa nhập (vào nước Úc) mà vẫn trung thành với một thế lực nước ngoài”.
TRƯỜNG SƠN
(Bài đăng Tuoi Tre Online)
Comments
Post a Comment
Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.