Cuộc chiến trên cổ tay: xa xỉ hay thông minh?

Đồng hồ Thụy Sĩ, biểu tượng của sang trọng và xa xỉ, liệu có đứng vững trước sự phát triển của smartwatch, và ngược lại, smartwatch sẽ trở thành thiết bị trên cổ tay mọi người dùng hay cũng chỉ là một thứ trào lưu thoáng qua?

Đồng hồ thông minh mau hết thời?

“Cell phone watch là tương lai của đồng hồ thông minh hay chỉ là trào lưu thoáng qua?” - Appcessories, chuyên trang bình luận, phân tích các thiết bị đeo tay, không chỉ đưa cái tít khiêu khích như vậy hồi cuối tháng 7 mà còn cho rằng “trong khoảng 10 năm nữa, có lẽ người ta vẫn thích chạm vào điện thoại màn hình lớn hơn là đồng hồ”.




Thị trường đồng hồ thông minh được dự báo đạt đến mức 117 tỉ USD vào năm 2020, so với chỉ 1,3 tỉ USD năm 2014 - năm đánh dấu sự bắt đầu bùng nổ của dòng thiết bị thông minh này. Cuộc chơi đồng hồ thông minh vẫn tiếp tục sôi động khi cả Samsung lẫn Apple đều sẽ cho ra mắt thế hệ mới nhất của họ, Gear S3 và Apple Watch 2, trong năm nay.

Smartwatch thế hệ đầu tiên được xem như chiếc remote, hay “cánh tay nối dài” của smartphone hoặc máy tính bảng. Người đeo có thể đọc tin nhắn, kiểm tra email, xem thông báo hay giải trí trên smartwatch và ngược lại điều khiển một vài tác vụ trên smartphone thông qua chiếc đồng hồ này. Để làm thế, họ luôn phải kết nối hai thiết bị với nhau. Điều này rõ ràng rất bất tiện! Nếu không được kết nối thì thiết bị thông minh này chỉ là vật để xem giờ như bao đồng hồ khác.

Về sau, các nhà sản xuất tiếp tục phát triển để smartwatch có thể vận hành như chiếc điện thoại thực thụ, nghĩa là bản thân đồng hồ đã là một điện thoại và không cần phải kết nối với thiết bị chính. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt ở mảng phần cứng, đã biến điều này hoàn toàn khả thi: các thiết bị tối quan trọng như cảm ứng, cảm biến, bộ vi xử lý và cả màn hình ngày càng được thu nhỏ nhưng lại mạnh mẽ hơn, hoàn toàn có thể gắn vào chiếc đồng hồ nhỏ xíu. Những smartwatch như vậy gọi là cell phone watch hoặc smartwatch phone. Nếu hai thế hệ smartwatch đầu tiên của Samsung (Galaxy Gear và Gear 2) chỉ đơn thuần là “cánh tay nối dài” cho các smartphone của hãng thì từ xêri Samsung Gear S (2014), nhà sản xuất Hàn Quốc đã bắt đầu cho ra các cell phone watch. Gear S và Gear S2 đều có các tính năng đo nhịp tim, giải trí và lần đầu tiên được trang bị cả kết nối 3G, WiFi và bluetooth, giúp người đeo có thể nghe - gọi - nhắn tin ngay trên đồng hồ mà không cần lấy điện thoại ra.

Dễ điều khiển
Cuộc chạy đua giành thị phần của các nhà sản xuất smartwatch không chỉ ở nâng cấp phần cứng hay thiết kế thời trang, mà vấn đề quan trọng hơn cả là làm sao để đồng hồ thông minh ngày càng thông minh hơn. Với màn hình, dù cảm ứng, gói gọn trong diện tích quá nhỏ của mặt đồng hồ, xây dựng trải nghiệm của người dùng thế nào để người đeo thực hiện các tác vụ dễ dàng và tiện lợi luôn là vấn đề đau đầu với các nhà sản xuất. “Dù smartwatch của bạn có hàng tá chức năng, nhưng việc sử dụng chúng là một thử thách với người dùng, chẳng ai sẽ thèm đeo đồng hồ của bạn đâu” - trang Wareable bình luận.

Tin vui là các nhà khoa học máy tính thuộc Đại học St. Andrews (Scotland) vừa tạo ra một hệ thống có tên WatchMI, giúp người đeo sử dụng nhiều tính năng trên chiếc smartwatch của họ chỉ bằng cử động tay. Chẳng hạn để tăng giảm âm lượng, ta chỉ việc xoay mặt đồng hồ qua trái hoặc phải, nghiêng tay về hai phía để lướt các menu. Muốn soạn tin nhắn, người dùng chỉ việc đè vào các phím để hiển thị đúng ký tự, thay vì phải chạm tay gõ vào mặt đồng hồ nhiều lần. Trong thông cáo ngày 12-8, nhóm nghiên cứu cho biết phần mềm của họ tận dụng cảm biến gia tốc và con quay hồi chuyển vốn có sẵn trong hầu hết các smartwatch, đồng nghĩa bất kỳ hãng nào cũng có thể áp dụng hệ thống điều khiển này cho đồng hồ của họ.

Ngoài ra, nhiều smartwatch đã có thể điều khiển bằng giọng nói (các smartwatch chạy Android sẽ dùng Google Now), đây cũng là giải pháp hiệu quả cho bài toán giúp người dùng sử dụng smartwatch dễ dàng hơn.



Các smartwatch chạy Android Wear, phiên bản hệ điều hành Android Google phát triển riêng cho smartwatch và các thiết bị wearable, giúp người dùng “nói chuyện với cổ tay” của mình và chẳng cần phải đụng tới điện thoại dễ dàng hơn bao giờ hết. Thông qua trợ lý ảo Google Now vốn quen thuộc với người dùng smartphone, người dùng có thể ra lệnh cho đồng hồ đáp ứng các nhu cầu như tìm kiếm thông tin trên Internet hay tra cứu lịch làm việc. Bạn chỉ cần đưa tay lên và nói “khi nào tới hẹn gặp nha sĩ?”, Google Now sẽ quét lịch làm việc trên đồng hồ và trả lời lại chính xác những gì bạn đã ghi chú.

Trang mạng Droid Life cho biết Samsung đã thử nghiệm ứng dụng Samsung Pay trên đồng hồ Gear S2 cho một nhóm nhỏ người dùng. Sau khi cài đặt và nhập thông tin thẻ tín dụng, người đeo Gear S2 chỉ cần đưa cổ tay vào máy thanh toán sử dụng công nghệ giao tiếp tầm gần (NFC) là đã hoàn tất giao dịch.

BMW, Mercedes-Benz hay Hyundai đã phát triển ứng dụng giúp tài xế điều khiển xe của họ từ xa chỉ bằng cách thao tác ngay trên đồng hồ. Người đeo có thể định vị, đóng/mở cửa, bật/tắt động cơ bằng smartwatch và một số ứng dụng như Blue Link của Hyundai dành cho Android Wear còn cho phép bật đèn pha hay bóp kèn từ đồng hồ.

Smartwatch có thật sự cần thiết?
Để smartwatch có thể thật sự trở thành “kẻ thay đổi cuộc chơi” (game changer), các hãng công nghệ hào hứng với sản phẩm này vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Giới “chống smartwatch” luôn cho rằng sản phẩm này chỉ là trào lưu thoáng qua, thậm chí còn so sánh nó với kính thông minh Google Glass vốn được hứa hẹn nhiều nhưng thực tế chẳng được đón nhận bao nhiêu.

“Vũ khí” quan trọng nhất của giới chỉ trích chính là câu hỏi tại sao phải bỏ tiền mua thêm smartwatch khi ai cũng đã có smartphone, làm được đủ chuyện trên đời rồi? Trừ những tên tuổi kém nổi tiếng, những smartwatch của Samsung và Apple không hề rẻ, đôi khi còn đắt bằng hoặc hơn giá một chiếc smartphone. Smartwatch hiện vẫn chỉ là phụ kiện cộng thêm cho giới sành công nghệ. Nhưng không phải ai cũng sẵn sàng chi một số tiền lớn mua một thứ đắt tiền bằng smartphone và đều có chừng ấy chức năng.



Vấn đề thứ hai, các nhà sản xuất luôn khẳng định đồng hồ thông minh sẽ giúp người dùng bớt phụ thuộc vào smartphone, tức không phải cứ lấy điện thoại ra vào mỗi khi cần gọi điện hay xem email, thông báo. Trên thực tế, điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ. Vì việc kiểm tra tin nhắn hay các thông báo trên đồng hồ tiện hơn smartphone, người ta vẫn cứ phải loay hoay với thiết bị này suốt. Dĩ nhiên ta có thể tắt tính năng thông báo trên đồng hồ là xong, nhưng nếu thế thì mang đồng hồ thông minh để làm gì nữa?

Cuối cùng, vấn đề quan trọng hơn là các smartwatch thật sự chưa có đột phá nào kể từ năm 2014. Các mẫu mới chỉ là đẹp hơn, máy mạnh hơn, pin bền hơn và... chấm hết. Dù chỉ mới phát triển vài năm nhưng smartwatch gần như đã bão hòa, giống như smartphone: ai cũng có thể mua được và sản phẩm mới không có gì thật sự mới ngoài việc làm tốt hơn những gì đã có. Vì lẽ đó, theo trang NewAtlas.com ngày 17-8, smartwatch “cần một ứng dụng sát thủ khiến nó trở thành một món hàng “nhất định phải mua” với số đông, làm những người chưa có đồng hồ thông minh phải sẵn sàng bỏ ra vài trăm đôla để có một cái”. Nhưng khi nào mới có một app như thế? “Điều lo lắng ở đây là ngày ấy có lẽ sẽ chẳng bao giờ đến” - trang mạng này kết luận.

Con đường nào nên đi?
Giới phê bình cho rằng các nhà sản xuất đồng hồ thông minh đang đi sai hướng khi tiếp tục tung ra nhiều ứng dụng mới cho smartwatch, nhưng thật ra các app này chỉ để làm tiếp những việc mà ai cũng có thể làm trên smartphone. Con đường đúng là tập trung vào các tính năng hỗ trợ việc tập luyện thể thao hay theo dõi sức khỏe, điều mà smartwatch sẽ làm tốt hơn smartphone. Thật bất tiện khi tập thể dục mà vẫn phải mang điện thoại bên người để chạy các ứng dụng theo dõi sức khỏe. Với smartwatch, người dùng có thể đeo mọi lúc mọi nơi, thậm chí khi đi ngủ (để chạy ứng dụng theo dõi giấc ngủ). Chưa kể vì đeo dính trên tay, tiếp xúc trực tiếp với da nên các cảm biến cần thiết cho ứng dụng theo dõi sức khỏe sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Dù phần lớn smartwatch đời đầu đều có mặt vuông, trang chuyên về các thiết bị đeo trên người Wareable ngày 16-8 cho rằng “smartwatch mặt vuông đang chết”. Wareable chứng minh nhận định trên bằng việc kể ra hàng loạt nhà sản xuất đã từ bỏ mặt vuông và chuyển sang mặt tròn như Samsung, Asus, Motorola và Fossil. Apple Watch và dòng Pebble Classic vẫn kiên định với mặt vuông ngay từ dòng sản phẩm đầu tiên. Lý do? Tờ The Sydney Morning Herald cho rằng “Đồng hồ thông minh mặt vuông chẳng khác gì buộc cái màn hình máy tính vào cổ tay”. Còn theo Wareable, 80% đồng hồ kinh điển đều có mặt tròn, vì thế smartwatch phải thuận theo xu hướng này để gần gũi với người dùng hơn.



Dù tăng trưởng chậm lại và vẫn còn chưa được công nhận là một sản phẩm thay đổi thị trường, nhiều nhà sản xuất vẫn chưa có ý định từ bỏ smartwatch.

Doanh số smartwatch lần đầu tiên đã giảm sút từ quý 2 năm nay khi chỉ có 3,5 triệu chiếc bán ra trên toàn cầu, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường IDC.

Trong quý 2-2016, Apple vẫn dẫn đầu thị trường với 1,6 triệu Apple Watch bán ra (chiếm 47%), tuy con số này đã giảm mạnh (55%) so với 3,6 triệu chiếc một năm trước đó. Samsung và Lenovo (sở hữu Motorola) đứng tiếp theo với 600.000 và 300.000 sản phẩm được tiêu thụ, lần lượt chiếm 16% và 9% thị phần. Đáng chú ý là hai hãng này đều tăng trưởng (Samsung tăng 51%, Lenovo 75%) so với quý 2-2015.

Cuộc chiến giữa “thông minh” và “xa xỉ”
Những người lớn lên cùng thời đại công nghệ có còn muốn khẳng định “đồng hồ Thụy Sĩ đấy nhé!”, hay sẽ đọ nhau ai có đồng hồ thông minh thế hệ mới nhất?

Trong cuộc chiến giành lấy cổ tay của người dùng, đồng hồ Thụy Sĩ danh tiếng một thời biểu hiện cho đẳng cấp và xa xỉ đang yếu thế so với đối thủ đồng hồ đa chức năng, thông minh và sành điệu.

Trước sự trỗi dậy của các nhà sản xuất đồng hồ thông minh như Apple và Samsung, kịch bản nào cho những nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ sừng sỏ một thời? Tự thay đổi “thức thời” hòng vượt bão hay kiên trì với truyền thống?

Đánh giá thấp đối thủ...
Tháng 3-2014, một tháng trước khi Apple ra mắt dòng đồng hồ thông minh đầu tiên, Jean-Claude Biver, CEO của TAG Heuer, tuyên bố những chiếc đồng hồ thông minh có giá đến 10.000 USD sẽ chẳng bao giờ so sánh được với đồng hồ Thụy Sĩ có giá tương tự.

Biver cho rằng “con cháu chúng ta sẽ chẳng thể đeo những chiếc Apple Watch sau 100 hay 80 năm” vì khi đó chúng đã ngừng hoạt động rồi. “Ở phân khúc cao cấp nhất của thị trường đồng hồ, truyền thống vẫn sẽ chiến thắng các công nghệ mới, thứ chắc chắn sẽ trở nên lạc hậu chỉ sau vài thập niên” - Biver tuyên bố với CNBC.

Trong một bài phỏng vấn khác với CNBC vào tháng 10 cùng năm, Biver lặp lại quan điểm: “Ai lại bỏ ra 10.000-20.000 USD để mua một cái đồng hồ chỉ sau 5-10 năm là lỗi thời chứ?”. Mức giá mà Biver đề cập là dòng Apple Watch mạ vàng 18k, trong khi dòng phổ thông chỉ có giá từ 600-1.000 USD tại Mỹ.

Trong khi đó, chủ tịch Longines, Walter von Kanel, cũng nói với CNBC là hãng này sẽ không bao giờ nhảy vào lĩnh vực đồng hồ thông minh. “Chúng tôi trân trọng các thương hiệu đủ can đảm làm điều đó nhưng Longines thì không, chúng tôi vẫn ở lại với các đồng hồ truyền thống”. Ông chủ tịch Longines cho rằng đồng hồ không chỉ để xem giờ “mà còn là biểu tượng đẳng cấp”, và “tôi không nghĩ bạn lại khẳng định được gì khi đeo một cái Apple Watch với hai tỉ chức năng mà không ai biết gì về chúng”.



Thực tế đã chứng minh lời nói của những người đứng đầu Tag Heuer và Longines ra sao? Quý 4-2015, lần đầu tiên số đồng hồ thông minh bán ra toàn cầu đã vượt đồng hồ Thụy Sĩ (8,1 triệu chiếc so với 7,9 triệu), theo Hãng phân tích Strategy Analytics. Apple dẫn đầu thị trường với 63% thị phần, theo sau là Samsung (16%).

Điều này có nghĩa cứ 10 chiếc đồng hồ thông minh bán ra thì hai hãng đã chiếm đến 8.

Trái với đà tiến của “phe thông minh”, ngành đồng hồ Thụy Sĩ tiếp tục sa sút, xuất khẩu nửa đầu năm 2016 giảm 11,9% về lượng và 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, theo Bloomberg.

Kim ngạch xuất khẩu đồng hồ Thụy Sĩ giảm dần đều, riêng tháng 6-2016 “giảm ở mọi khu vực, mọi phân khúc giá và mọi chủng loại”, vẫn theo Bloomberg. “Các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã “vùi đầu vào cát” giả vờ như không biết gì và mong những chiếc đồng hồ thông minh sẽ 
tự động biến mất” - giám đốc điều hành Strategy Analytics Neil Mawston bình luận.

Tại hội nghị dành cho các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ ở Geneva hồi tháng giêng năm nay, Vincent Perriard, CEO Hãng HYT, thừa nhận “năm 2016 sẽ là một năm vô cùng khó khăn”. Financiere Richemont, chủ sở hữu thương hiệu cao cấp Cartier, đã phải cắt giảm 350 việc làm hồi tháng 2 trong khi Swatch Group, nhà sản xuất thương hiệu Omega, đang e ngại lợi nhuận nửa đầu năm 2016 sẽ giảm đến hơn 50%.

Xa xỉ không hợp thời
“Thời hoàng kim của sự xa xỉ mà ngành đồng hồ Thụy Sĩ vẫn luôn dựa vào để quảng bá sản phẩm đã quá vãng và kém hấp dẫn với thế giới do công nghệ dẫn dắt hiện nay, khi thế hệ người tiêu dùng hiện tại thật ra đã nghèo hơn cha mẹ họ” - Bloomberg ngày 22-7 viết, dẫn thông tin từ báo cáo của Viện McKinsey Global.

Ngoài việc ít quan tâm đến hàng xa xỉ hơn, “gu” của người tiêu dùng giữa thời đại công nghệ hiện nay đã thay đổi rất nhiều, mà dường như các nhà làm “đồng hồ Thụy Sĩ” không muốn thừa nhận.

Vẫn theo Bloomberg, người trẻ sẽ chẳng còn quan tâm một chiếc đồng hồ được làm ở Thụy Sĩ hay ở bất kỳ đâu, mà họ quan tâm đến trải nghiệm hơn là sự xa xỉ. “Một món hàng quý giá chắc chắn sẽ bán chạy nếu có tính công nghệ cao (hi-tech)”.

Cuối cùng, nhà sản xuất cũng nên tự trách mình vì không chịu thay đổi để phù hợp với lớp người mua tiềm năng mới.

Trong khi hầu hết người dùng trẻ đều quan tâm đến tương lai và tò mò các công nghệ sẽ còn làm được gì nữa, các hãng đồng hồ Thụy Sĩ vẫn nghĩ họ có thể bán được hàng chỉ bằng lối tiếp thị sản phẩm lỗi thời: một chiếc đồng hồ lung linh trên cổ tay một người nổi tiếng.

Bài viết nói trên của Bloomberg có tựa đề “Đồng hồ Thụy Sĩ đang trong “cơn bão hoàn hảo”, một ẩn dụ ý chỉ tình cảnh họa vô đơn chí với hàng loạt lý do khiến doanh thu các nhà sản xuất sa sút. Ngoài lý do chủ quan kể trên, còn có lý do khách quan như sức mua ở các thị trường chính giảm mạnh, đồng franc Thụy Sĩ tăng giá...

Tuy vậy, Bloomberg khẳng định nguyên nhân chính vẫn là ở bản thân các nhà sản xuất thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tờ Business Insider cũng góp thêm một nguyên nhân khác cho thất bại của đồng hồ Thụy Sĩ trong “cuộc chiến cổ tay”: từ chối bán hàng qua mạng để “giữ phẩm giá” vì là hàng xa xỉ, trong khi mua sắm online ngày càng được nhiều người 
ưa thích.



Bất chấp ở thế họa vô đơn chí, quá ít nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ chịu bước vào lĩnh vực đồng hồ thông minh. Thậm chí thái độ của họ rất dửng dưng.

Một thăm dò hồi năm 2015 của Hãng nghiên cứu Deloitte cho biết chỉ 25% giới giám đốc điều hành của các hãng đồng hồ xem đồng hồ thông minh là mối đe dọa cạnh tranh. Grégory Pons, chuyên gia người Pháp về thị trường hàng xa xỉ, nói trong cuộc phỏng vấn với trang swissinfo.ch hồi tháng 7 rằng các hãng đồng hồ Thụy Sĩ đã tự đánh mất cơ hội vàng để tham gia thị trường đồng hồ thông minh và đang phải trả giá.

Pons cho rằng “đồng hồ Thụy Sĩ” không chịu chấp nhận tình hình đang bi đát hơn họ tưởng, nhất là ở phân khúc giá thấp nhất, khi với cùng số tiền người dùng lại thích mua đồng hồ thông minh hơn là đồng hồ xa xỉ.

“Các thương hiệu Swatch, Tissot và thậm chí Longines đang chịu áp lực rất lớn, bất chấp đã từng tự trấn an rằng họ chẳng có gì phải sợ” - Pons nói. Chuyên gia này cho rằng ngành đồng hồ Thụy Sĩ đã phí tiền vào “các chiến dịch marketing đắt đỏ, tạo ra các sản phẩm vô dụng và các xưởng sản xuất hào nhoáng”, trong khi không chịu đầu tư vào đào tạo nhân lực và nghiên cứu phát triển.

Dù vậy, cho đến lúc này có vẻ như các nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ vẫn tự tin rằng họ có thể vượt qua cơn bão này.

Cứu vãn thế nào?
Có cách nào cứu vãn tình hình của ngành đồng hồ Thụy Sĩ ngoài việc phải tự sản xuất lấy đồng hồ thông minh hay không? Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Exane BNP Paribas (Pháp), chuyển sang dùng thép không gỉ thay vì các kim loại quý để giảm giá là một giải pháp khá hữu dụng.

Thực tế các thương hiệu đồng hồ bằng thép không gỉ, giá phải chăng của Richemont hiện mang lại nhiều doanh thu nhất cho hãng. Trái lại, hai thương hiệu Piaget và Vacheron Constantin (cũng của Richemont), chủ yếu làm từ kim loại quý, lại có doanh số tệ nhất, theo số liệu do Exane BNP Paribas thu thập.

Trong khi đó, chuyên gia Pons cho rằng ngành đồng hồ Thụy Sĩ, với 400 năm kinh nghiệm, cần tiếp tục sáng tạo và tìm thị trường ngách mới cho riêng mình.

Nhiều người cho rằng khủng hoảng mà đồng hồ thông minh gây ra cho “đồng hồ Thụy Sĩ” không kém gì cuộc khủng hoảng đồng hồ thạch anh (quartz) chạy pin cách đây hơn 40 năm. Vào thập niên 1970 và đầu 1980 của thế kỷ trước, đồng hồ quartz do các công ty Nhật như Seiko Holdings sản xuất, ra đời và nhanh chóng được người dùng ưa chuộng vì giá rẻ, tính chính xác cao, khiến doanh số đồng hồ cơ Thụy Sĩ sụt giảm nghiêm trọng.

Trên thực tế, chỉ mới có hai hãng đồng hồ Thụy Sĩ là TAG Heuer và Tissot chấp nhận thay đổi, bước vào cuộc chơi đồng hồ thông minh thay vì tự tin ngành công nghiệp của họ sẽ không bao giờ sụp đổ.

TAG Heuer rốt cuộc đã cho ra mắt TAG Heuer Connected, thế hệ đồng hồ thông minh đầu tiên của hãng, với công nghệ của Google và phần cứng của Intel, hồi cuối năm 2015. Hãng này tuyên bố nhanh chóng bán được 15.000 chiếc ngay sau khi ra mắt (chiếm 1% thị phần quý 4-2015), và hi vọng sẽ đạt doanh số 40.000-50.000 trong năm nay.

CEO Biver khá tự tin với kết quả bước đầu này và hào hứng với Reuters hồi tháng 5: “Năm 2017 chúng tôi sẽ có một bộ sưu tập (smartwatch) thật sự với phiên bản mới có 6-8 mẫu khác nhau”.

Tissot cũng vừa bước vào cuộc chơi với dòng Tissot Smart-Touch, cho phép người dùng kết nối đồng hồ với điện thoại thông minh qua bluetooth hay xem bản đồ qua GPS. CEO của hãng, Francois Thiebaud, nói với Reuters ưu điểm của Smart-Touch là pin bền đến một năm và có thể tự sạc qua một tấm pin mặt trời. Tissot dự định bán 20.000-40.000 chiếc Smart-Touch trong một năm sau khi ra mắt.

TRƯỜNG SƠN

(Bài dài 3.800 chữ chi làm hai kì đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Popular posts from this blog