Điểm sách: Bốn ngọn gió (The Four Winds, Kristin Hannah)
Mình vẫn thích đọc sách kể chuyện cả một đời người. Hay dở tùy người, nhưng sách hay với mình là những quyển sẽ khiến mình nhớ các nhân vật, không rõ sẽ thế nào, nếu chẳng may 1-2 ngày chưa được thăm họ qua trang sách. Bốn ngọn gió với mình là một quyển như thế.
Như nhiều người, mình biết Kristin Hannah từ Sơn ca vẫn hót và rất thích quyển đó, nên mới chuyển tiếp sang Nữ phi công - và bớt thích tác giả một chút. Giờ thì chưa đến mức yêu lại từ đầu, nhưng sau Bốn ngọn gió, mình thấy có thể tiếp tục đọc sách của bà.
Thật ra vài chục trang đầu, mình cứ nghĩ mình sẽ không thích Bốn ngọn gió khi Elsa lúc đó chỉ đọc sách kiểu Kiêu hãnh và định kiến, rồi lại va vào một mối tình chớp nhoáng. Nhưng khi câu chuyện chuyển sang chủ đề chính của nó - mảnh đất hứa dường như quay lưng với những người tin yêu nó - mình mới biết mình sẽ đọc hết quyển này.
Bốn ngọn gió lấy bối cảnh nước Mỹ gần giữa thập niên 1930s, khi nông dân ở Texas, Oklahoma và 1 số nơi khác thuộc vùng đại bình nguyên khốn khổ với hạn hán và Dust Bowl - những cơn bão cát quét qua những cánh đồng, tàn phá nhà cửa, gieo rắc bệnh tật và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái và nông nghiệp.
Những người nông dân - rất nhiều trong số đó là người nhập cư, đã chọn được miền đất hứa để gắn bó khi đến Mỹ, đứng trước lựa chọn: ở lại và chết dần chết mòn cùng đất hoặc rời mảnh đất thân yêu để đi về phía tây, đến California tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, hay ít ra là họ tưởng thế.
Nhân vật chính Elsa, một bà mẹ đơn thân cùng con gái Loreda 13 tuổi và Anthony 8 tuổi, rốt cuộc cũng tham gia vào dòng người hướng về California, những người ra đi không mang theo gì khác ngoài ý chí sinh tồn, niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, cùng sức mạnh và lòng dũng cảm đáng nể. Đích đến của họ không có bão cát, mất mùa, nhưng có suy thoái kinh tế, có những người dân địa phương kỳ thị kẻ từ phương xa tới - dù đều là người Mỹ, có những chủ đồn điền tàn nhẫn, thuê người làm bông đang đói khổ trong trại tạm bợ làm việc với đồng lương rẻ mạt.
Kristin Hannah đã chọn bối cảnh đó để kể một câu chuyện theo chủ đề xuyên suốt của bà: đưa phụ nữ từ hậu phương lên tiền tuyến của những giai đoạn lịch sử, những thời khắc khó khăn và tăm tối, và để những người bà, người mẹ, người chị, con gái trở thành người hùng theo một cách nào đó.
Bốn ngọn gió là một lát cắt giúp người đọc nhìn lại nước Mỹ thời Đại suy thoái 1930s, về một làn sóng người dân bỏ xứ đi tìm cơ hội. Dù được mô tả kỹ và bám lịch sử, cảnh màn trời chiếu đất của những người từ xa đến, hàng ngày lang thang tìm việc, sẵn sàng làm bất cứ việc gì với bất cứ giá nào để nuôi sống cả gia đình, song hành trình đó chỉ là phụ, làm nền cho hành trình chính: sự chuyển biến của Elsa, từ một phụ nữ dù sinh trong gia đình giàu có nhưng bị cô lập, luôn cảm thấy bất an, tự ti, không dám tin mình có thể làm vợ, làm mẹ, hay có một tương lai như bao người, sang thành một chiến binh, đấu tranh không chỉ cho bản thân, 2 con, mà cho cả cho những người không dám lên tiếng cho chính mình. Tất cả biến đổi đó đến từ việc làm mẹ.
Bốn ngọn gió là quá trình Elsa tìm được tiếng nói của mình, một người con gái bị gia đình ghẻ lạnh, chồng coi thường, con cái dù yêu thương nhưng nhiều lần thất vọng. Elsa sẽ khóc cho cuộc sống mình và các con phải trả qua, những giấc mơ mà họ đã đánh mất, và cho cả tương lai mà họ mù quáng tin vào, nhưng sau cùng, cô vẫn có thể sống đời mình đến trọn vẹn, làm tất cả, giải phóng được sức mạnh bên trong mà chính cô cũng từng không biết là mình có. Cô tìm được cách tin và yêu bản thân mình, đấu tranh cho người khác, và trong quá trình khám phá được những điều đó, cô cũng dạy 2 con mình bài học lớn nhất trong đời: biết yêu thương và dũng cảm.
Điều khiến chính Kristin Hannah bất ngờ là ban đầu bà không định để quyển sách này là về Elsa, mà là xoay quanh Loreda, một cô bé tuổi teen phải lớn lên trong gia đình ly tán, những giấc mơ tươi đẹp bị thực tế đen tối đè nghiến. Nhưng càng viết bà càng thấy Elsa mạnh mẽ và xứng đáng là nhân vật của cuốn sách.
Biên tập viên lâu năm của Kristin Hannah cho rằng kể từ Sơn ca vẫn hót, bà đã chuyển từ người viết “tiểu thuyết phụ nữ" thành một tiểu thuyết gia đúng nghĩa, dù phụ nữ vẫn là chủ đề ưa thích của bà. Trong Bốn ngọn gió, ngoài người mẹ-chồng-còn-hơn-mẹ-ruột mà Elsa phải từ bỏ gia đình ruột thịt của mình mới có được, cô còn may mắn tìm được một người bạn gái thân thiết, cùng chia ngọt sẻ bùi trong những ngày tháng tăm tối, ở một nơi chỉ có bẩn thỉu và bất công. Hannah nói bà thấy mừng khi Elsa đã tìm được những tình cảm đó.
“Bốn ngọn gió là một bức chân dung không thể xóa nhòa về nước Mỹ và Giấc mơ Mỹ, được nhìn qua con mắt của một người phụ nữ bất khuất, người có lòng dũng cảm và sự hy sinh sẽ định hình nên một thế hệ”. Câu chuyện nước Mỹ, nhưng cuộc đời của một phụ nữ như Elsa, và những ngụ ý về va chạm giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa người giàu kẻ nghèo, chủ áp lực, công nhân bị áp bức, rõ ràng sẽ làm người đọc Việt thấy không hề xa lạ.
Điều đặc biệt về Bốn ngọn gió là nó hoàn thành và xuất bản đúng thời covid, khi nước Mỹ cũng trải qua giai đoạn khó khăn, những sợ hãi về bệnh tật và kỳ thị người cùng xứ sở như 90 năm trước lại trở lại, khiến 1 câu chuyện cũ lại rất thời sự. Đó cũng là lý do Kristin Hannah thích chọn bối cảnh lịch sử. Bà luôn tìm cách để chuyện xưa liên quan với người nay, và qua đó truyền tiếp những bài học về giá trị phổ quát chứ không phải riêng người Mỹ: lòng tin, niềm can đảm, sự kiên trì.
Như mọi khi, mình luôn tò mò về tựa sách. Bốn ngọn gió chỉ xuất hiện một lần, về cuối tác phẩm. Mình không rõ đây là 4 ngọn gió đông tây nam bắc hay là gió mậu dịch, gió mùa, tây ôn đới các thứ. Tác giả nói bà muốn chọn 1 cái tựa có từ gió cho quyển này, vì những cơn bão bụi và cuồng phong xuất hiện nhiều trong đó. Sau cùng bà chọn Bốn ngọn gió, vì con người đến từ 4 phương trời và số phận họ cũng đưa đẩy theo cơn gió.
Một bài phỏng vấn bà trên New York Times thì lại có một chú thích ảnh bâng quơ, không giải thích thêm, rằng bà đang kẹt xe ở Los Angeles thì nhìn sang thấy chiếc xe đưa đón học sinh của hãng Four Winds. Do lúc đó đang bí tựa cho quyển sách mới, bà chụp hình dòng chữ và gửi cho biên tập viên của mình với lời nhắn: Cái này thì sao? Số phận sắp đặt rồi.
Trong quá trình viết Bốn ngọn gió, Kristin Hannah được truyền cảm hứng từ những bức ảnh của Dorothea Lange, đặc biệt là bức Woman of the High Plains, một chân dung nắm bắt được sự mệt mỏi, sợ hãi và mạnh mẽ của người phụ nữ Texas, để bà viết nên Elsa sau này.
Về tư liệu, Kristin Hannah có tham khảo ghi chép của Sanora Babb, một nhà báo đã đến sống trong các trại di cư để tường thuật chân thật nhất có thể. Babb vừa gửi tin bài về cho tòa soạn, vừa giữ tư liệu để viết tiểu thuyết. Không ngờ chưa kịp ra sách thì John Steinbeck đã tung ra Chùm nho uất hận (1939) với cùng chủ đề. Nhà xuất bản hủy hợp đồng với bà, và phải 65 năm sau, bản thảo của bà mới được in thành sách, Whose Names Are Unknown (2004).
Nếu có gì để chê về Bốn ngọn gió thì đó là các nhân vật tuyên ngôn nhiều quá - những khẳng định về tình yêu mảnh đất mà mình sẽ gắn bó cả đời, những kỳ vọng kiểu “đây là nước Mỹ”, nước Mỹ thế này, người Mỹ thế kia, lặp lại nhiều lần. Còn lối kể tuyến tính, tuần tự thời gian, văn chương cũng đơn giản, theo mình là phù hợp, dễ đọc, lúc nào cũng có thể đọc được một chút, không nặng đầu.
Và tất nhiên sách sẽ gợi mở rất nhiều về nước Mỹ và đại suy thoái để ai quan tâm có thể đọc thêm, để biết dữ kiện lịch sử và câu chuyện trong sách gần đến đâu, và có những nguyên mẫu, câu chuyện cảm hứng nào đã được tác giả tiểu thuyết hóa.
Comments
Post a Comment
Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.