Tháng 7



Tháng 7. Cây phượng nơi con đường dẫn vào KTX giờ đã không còn rực rỡ màu đỏ dưới nắng đầu hè như ngày nào. Màu đỏ ấy đã chuyển xuống mặt sân, nơi những cánh hoa xao xác rơi rụng và vương vãi trên đường, khiến ai đi ngang cũng nghe thoang thoảng hương thơm của loài hoa biểu tượng cho mùa hè. Những cơn mưa đến cũng thường xuyên hơn, dầm dề và dai dẳng. Tháng 7 mở đầu bằng kì thi đại học, và những câu chuyện về gia đình.

1. Tháng 7. Lại thấy sinh viên KTX hối hả thu dọn đồ đạc khi mùa thi đã kết thúc, rồi lại lũ lượt nối đuôi nhau, tay xách nách mang lỉnh kỉnh những valise, hành lý rời khỏi KTX. Những tưởng KTX sẽ vắng lặng, buồn bã hơn khi sinh viên đã về gần hết, nhưng không, KTX vẫn đông đúc, náo nhiệt như ngày thường, bởi xen lẫn giữa những dòng người đang rời khỏi KTX kia, theo hướng ngược lại, là những đoàn người, cũng hành lý trên tay, đang bước chầm chậm vào khuôn viên KTX. Họ là những phụ huynh đi cùng với những sĩ tử sắp sửa bắt đầu cuộc chiến sinh tử trước ngưỡng cửa vào đại học. Và năm nào cũng vậy, thay cho lứa sinh viên vừa từ biệt KTX, họ đã mang đến nơi đây một không khí nô nức như một ngày hội, dù rắng chắc chẳng ai trong số họ cảm nhận được không khí ấy vì đang phải chịu những áp lực của kì thi sắp tới. Chỉ có chúng tôi, lũ sinh viên vẫn còn nấn ná lại nơi đây, hằng ngày nhìn cảnh những bà mẹ lam lũ dắt con vào đăng ký chỗ trọ mà nghĩ về ngày xưa.

2. Bến xe An Sương, một chiều mưa đầu tháng 7. Đội tiếp sức mùa thi đang hoạt động khẩn trương, tư vấn cho một nhóm phụ huynh lẫn thí sinh vừa xuống xe vào bến. Bên kia đường, người đàn ông cố gắng chen giữa đám đông xô bồ đang chen lấn nhau để lên được xe bus, mắt ngước lên, dõi theo những hàng địa chỉ trên cửa sổ của những chiếc bus đang chầm chậm lướt qua. “Đây rồi, Đại học Nông lâm này con”, ông nói bằng cái giọng miền Trung không lẫn đi đâu được với cậu con trai đi cùng, một thanh niên dong dỏng cao trong bộ đồng phục học sinh cũ kỹ, trên người chẳng có gì ngoài cuốn tập cuộn lại nhét trong túi quần, khi chiếc xe bus số 104 vừa lướt qua tầm mắt. Cậu con cằn nhằn điều gì đó với cha mình, rồi đứng đó mà chẳng chịu đi theo người cha vẫn đang mải miết bám theo chiếc xe bus. Rồi ông cũng quay lại, trao đổi điều gì đó với con, rồi lại kiên nhẫn đứng dõi mắt theo hàng xe bus đang nối đuôi nhau rời bến. Muốn hỏi ông muốn đi đâu để hướng dẫn, nhưng rồi lại phải chen qua dòng người xô đẩy để lên xe bus của chính mình vừa trờ tới. Tôi không thôi nghĩ về cha con họ trên suốt quãng đường còn lại. Lần đầu vào thành phố, giữa phố phường xa lạ, người cha ấy, với bộ đồ công nhân cũ kỹ và đôi giày mòn vẹt, ắt hẳn đã phải đánh đổi rất nhiều để có mặt cùng con nơi đây, với tài sản mang theo có lẽ không gì lớn hơn niềm tin và hy vọng vào một chỗ trên giảng đường đại học cho đứa con trai. Liệu giấc mơ đó có thành hiện thực, khi cậu con trai kia chẳng hiểu được sự lo lắng của cha mình, mà chỉ ung dung đứng đó nhìn cha mình bươn bả giữa dòng người hòng tìm cho được một chuyến xe?

3. Ký túc xá, một sớm đầu tháng 7. Vẫn chưa đến giờ làm việc, nhưng nhiều phụ huynh đã có mặt sẵn nơi bàn đăng ký chỗ ở cho thí sinh. Cha và con gái. Mẹ và con trai. Có khi là cả gia đình, cả chị cả em. Háo hức. Mong chờ. Lạ lẫm. Và cả mỏi mệt sau một chuyến hành trình dài nào đó. Chỉ chốc lát nữa thôi, khi mọi thủ tục đã xong xuôi, những bà mẹ kia sẽ ngồi bên chăm cho con gái tranh thủ ngủ một giấc sau chuyến đi vất vả, và những ông bố kia sẽ tụ nhau nơi bàn cà phê, cùng bàn chuyện con cái, chuyện thi cử học hành. “Tất cả vì sĩ tử mà”, như một ông bố vui vẻ nói khi dặn người bán cơm cho thêm vài món đặc biệt vào phần cơm của cô con gái. Tôi thích ngồi ở góc quán ăn, nhìn những gia đình thí sinh quây quần bên nhau. Họ đã mang không khí gia đình đến với cái quán ăn vốn chỉ toàn những sinh viên này. Và biết đâu trong số những cô cậu sinh viên ngồi kia, có người thoáng chạnh lòng khi nhìn những cảnh đầm ấm đó?

4. Ngày mai đã là ngày thi đầu tiên của kì thi đại học đầy cam go thử thách. Sáng mai sẽ lại có những đoàn người nối đuôi nhau đến trường thi. Các bậc cha mẹ rồi sẽ thấp thỏm ngoài cổng trường suốt cả buổi thi, chỉ mong được thấy con cười đầu tiên khi ra khỏi cổng.

Chợt nhớ bà mẹ Nghệ An già ngồi ôm túi xách trên ghế đá, ngồi chờ đứa con trai đi đâu đó mãi không thấy quay lại với mẹ. Chiếc điện thoại duy nhất bà đã đưa cho con, phải nhờ bạn tôi gọi giúp để kêu con về, nhưng đáp lại chỉ là tiếng ừ hử gì đó, rồi mãi cả tiếng sau mới nghe cậu gọi lại mà hỏi mẹ em đâu rồi.

Lại nhớ người đàn ông cùng đi xem trận bóng đá vào 1h sáng, vì “nhiều muỗi quá, không ngủ được”. Ông cứ lo không biết con gái bên dãy nhà nữ có bị muỗi nhiều như thế không, rồi khi tôi trấn an rằng bên phòng nữ có quạt máy, chắc sẽ không bị muỗi, ông mới yên tâm mà xem bóng đá. Rồi ông cũng ra về lúc 3h sáng, có lẽ vì muốn giữ sức để sáng mai còn dậy sớm, dắt con gái đến trường thi.

Nhớ bà mẹ Khánh Hòa nhờ tôi mua hộ vài cái móc để phơi đồ cho con, khi cô bé đang nằm mê mệt vì say xe.

Lại nhớ người cha miền Trung ngoài bến xe.

Và còn rất nhiều người nữa, những người tôi gặp, tiếp xúc hay chỉ thoáng thấy trên đường, những bậc làm cha làm mẹ đang chung sức cùng con chịu bao vất vả trong những ngày đầu tháng 7 này. Chỉ mươi ngày nữa tất cả các đợt thi sẽ kết thúc, cũng là lúc họ kết thúc chuỗi hành trình gian lao vất vả những ngày qua. Và chỉ mong kết quả của hành trình ấy sẽ tốt đẹp, để công sức học hành và những hy sinh của cha mẹ các em không là uổng phí.

Comments

  1. "...nghe thoang thoảng hương thơm của loài hoa biểu tượng cho mùa hè."
    Biểu tượng của mùa hè/ Biểu trưng cho mùa hè chứ Kun. :D

    ReplyDelete
  2. Lê Phạm Thy NhaJuly 3, 2010 at 10:18 PM

    Great! Touching!
    You're so sentative and sympathetic, my dear brother! >.<
    I love the way you described the beauty of flamboyant in July!
    I'm touched by your stories and your thoughts and cares for others!!! >.<
    I must say that I love you!(don't misundertand)=))

    ReplyDelete
  3. @Anonymous (ko biết phải Luân ko :D):

    ủa xu nghĩ là biểu tượng luôn chứ, nhìn hoa phượng là nghĩ đến mùa hè? chắc có lẽ phải xme lại định nghĩa 2 từ này. Cám ơn bạn nha.

    @Nha: thank you so much for your kind words :X

    I'll not misunderstand you, hehe. I love you too :* [in the same fashion ;)]

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog