Review: Fury (2014)


Một đêm nọ tôi nằm mơ thấy mình cầm súng ra chiến trường, dù không rõ đó là cuộc chiến gì và tôi đang chống lại ai. Nhưng đó là giấc mơ đến sau buổi tối tôi cùng vợ xem "Đại thủy chiến". Chúng tôi tắt TV đi ngủ khi bộ phim chỉ mới đi quá nửa, vì cả hai đã quá mệt, dù khi ấy mới bắt đầu diễn ra trận đánh.


Sẽ không chính xác nếu gọi đó là ác mộng, nhưng tôi vẫn nhớ mình đã rất sợ, trong giấc-mơ-cầm-súng đó. Còn nỗi sợ nào khác, ngoài việc lãnh đạn và hi sinh, khi ta đứng giữa chiến trường? Tôi đã có cùng cảm giác ấy khi tham gia trò bắn súng sơn, hiểu theo một cách nào đó là trò đánh trận giả. Cảm giác mình có thể bị bắn trúng bất kỳ lúc nào, dù đó chỉ là một cuộc chơi và khi ai đó bị thương, họ chỉ việc giơ hai tay lên trời và bước ra khỏi sân đấu. Đôi khi họ sẽ còn cười vì việc đó.

Nhưng chiến trường thật sự thì sẽ khác. Vì thế mà tôi sợ, ngay cả khi núp sau những núi mô hình nhắm bắn đối phương. Sợ không phải vì sẽ bị bắn, bị loại mà khi tham gia một trò chơi tiêu khiển không hơn không kém, tôi đã gắn nó với đời thực, với những cuộc chiến thật sự, nơi không có tiếng cười và sẽ chẳng có cơ hội cho mình vui vẻ giơ tay lên trời khi trúng đạn. Ở đó chỉ có cái chết, thực sự, và có thể đến bất kỳ lúc nào.

Cho đến một tối khác, chúng tôi xem Fury. Từng lỡ dịp xem bộ phim có tài tử Brad Pitt này ngoài rạp nên chúng tôi đành xem lại qua mạng Internet. Lại là chiến tranh. Lần này chúng tôi vẫn mệt và cứ tưởng sẽ phải bỏ dở giữa chừng, nhưng cái khốc liệt của bộ phim, những cái chết đến bất ngờ và tàn khốc, khiến chúng tôi phải bật dậy, dán mắt vào màn hình cho đến hết.



Trùng hợp làm sao, chúng tôi xem Fury đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Đệ nhị Thế chiến, một cuộc chiến mà, không biết có nên đổi lỗi cho nền giáo dục nước nhà hay không, chúng tôi không biết tí gì về nó, dù đã được học qua ở thời phổ thông. Tôi chỉ còn nhớ mang máng mình đã phải học thuộc rằng quân ABC đã tấn công quân DEF vào H giờ M phút sáng hay quân này đã phá được bao nhiêu xe tăng của quân kia. Quá nhiều con số phải ghi nhớ để rồi ta chẳng hiểu biết chút gì về nguyên nhân, diễn biến và ý nghĩa cuộc chiến khủng khiếp nhất của nhân loại.

Khi người Mỹ làm phim chiến tranh, họ không hô khẩu hiệu, họ hạn chế cảnh khóc than và nước mắt, nhưng thông điệp họ muốn truyền tải thì cực kì mạnh mẽ và thấm thía mà không cần những điều trên. Chúng tôi xót xa thấy xe tăng cán qua những lớp xác người vùi trong bùn đen, kinh hãi khi nhìn những phần cơ thể người bị đạn bắn lìa và gần như tuyệt vọng khi thấy từng người một trong cỗ Fury phải chết.


Cái khốc liệt mà trung sĩ dạn dày chiến trận “Wardaddy” (Brad Pitt) muốn anh chàng được đào tạo làm người đánh máy mới ra chiến trường được 8 tuần phải hiểu, và chấp nhận, có lẽ đúng với mọi cuộc chiến tranh.
Tôi đã liên tưởng nhiều đến những tiểu thuyết và phim về chiến tranh Việt Nam mình đã xem và hiểu rằng những gì diễn ra trong cuộc chiến ấy cũng không kém phần khốc liệt.


Những người lính tăng trong Fury không hát "Năm anh em trên một chiếc xe tăng", nhưng tình đồng đội của những người lính vào sinh ra tử cùng nhau chắc hẳn ở đâu cũng thế.

Chỉ tiếc vẫn chưa được xem một bộ phim Việt Nam nào đặc tả được điều đó như Fury hay các phim khác của Mỹ. 

Khi xem Fury, chúng tôi nghĩ đến Lone Survivor, bộ phim cũng tàn nhẫn không kém khi người xem phải chứng kiến sự đau đớn của những người lính Mỹ cho đến phút cuối đời.

Fury quá hay nhưng cũng quá buồn, may mà coi xong (12h đêm) đi ngủ chứ không thôi sẽ buồn cả ngày.

Comments

Popular posts from this blog