Khi lẽ thường chịu thua công nghệ

Do việc buộc những “con nghiện smartphone” tạm rời chiếc điện thoại ngày càng trở nên bất khả thi, người ta đang dần phải nhượng bộ các đối tượng này, thậm chí phải tìm cách để bảo vệ an toàn cho họ...

Chiều lòng “dân nghiện”

Không gì khó chịu hơn khi người ngồi cạnh ta trong rạp phim cứ hí hoáy nhắn tin tít tít và khán phòng tối bị ảnh hưởng bởi ánh sáng lóa mắt từ màn hình điện thoại. Ấy vậy mà Công ty AMC Entertainment (Mỹ) lại đang cân nhắc biến hành vi này thành hợp lệ tại các cụm rạp AMC Theatres của mình.

Lý do của việc “thả cửa” cho người nghiện di động nhắn tin ngay trong rạp phim, theo CEO Adam Aron, là vì “buông điện thoại ra, dù là khi đi xem phim, không phải là cách họ sống”. “Đơn giản là ta không thể buộc một người 22 tuổi tắt điện thoại” - giám đốc điều hành AMC Entertainment nói với tờ Variety hồi trung tuần tháng 4.


Dĩ nhiên không thể chỉ chiều chuộng các khán giả mê điện thoại mà lại làm phiền lòng những người muốn xem phim nghiêm túc. Aron nói giải pháp khả dĩ là tạo ra các khu vực riêng dành cho người nghiện nhắn tin, kiểu như phòng dành cho người hút thuốc tại các sân bay.

Dù AMC Entertainment sau đó đã khẳng định đó chỉ là ý tưởng và không chắc họ sẽ thực hiện nó, viễn cảnh các rạp phim phải “bó tay” và thỏa hiệp với “dân nghiện smartphone” khó có thể nói là phi thực tế. Điều này càng có cơ sở hơn khi các nước gần như đã chịu thua những người mắc hội chứng “vừa đi vừa xem Facebook”.

Và biển báo dành riêng

Với những “dân nghiện smartphone”, tranh thủ cập nhật Facebook hay trả lời tin nhắn khi đi bộ trên đường xem ra quan trọng hơn cả việc quan sát khi di chuyển. Chuyện người đi bộ gặp tai nạn vì mải cắm mặt vào điện thoại không còn là hi hữu, và có hẳn một từ tiếng Anh để mô tả những người như vậy: petextrian (ghép giữa pedestrian - khách bộ hành và texting - nhắn tin).

Thế giới cũng đã phải tốn nhiều công sức, tiền bạc, vận dụng óc sáng tạo để cho ra các biện pháp hòng bảo vệ an toàn cho chính các “petextrian” này. Chẳng hạn, những biển báo kêu gọi người đi đường không dùng smartphone đã xuất hiện trên đường phố Stockholm (Thụy Điển) từ cuối năm ngoái.


Biển báo này hình tam giác, có màu vàng viền đỏ hệt như các biển báo giao thông thông thường, với hình hai người đi bộ trong tư thế cúi đầu, chăm chú vào smartphone. Hai tác giả của ý tưởng này, Jacob Sempler và Emil Tiisman, thừa nhận họ cũng là người nghiện điện thoại di động và mạng xã hội. “Tôi suýt bị xe cán phải trên đường đi làm một ngày nọ vì tôi cứ cắm mặt vào điện thoại như kẻ điên” - Sempler nói với báo The Local.

Thụy Điển không phải là nơi duy nhất có những khách bộ hành nghiện smartphone. Ở Nhật cũng có các biển cảnh báo tương tự tại các ga tàu điện vì có quá nhiều người trượt chân vào đường ray do mải mê dùng điện thoại. Hãng di động Docomo từng cho sơn thông điệp cảnh báo lên các lối đi có bậc thang ở ga Shinjuku.

Thông điệp “Vừa đi vừa dùng điện thoại rất nguy hiểm” được viết bằng chữ cỡ to trên nền cầu thang màu vàng nổi bật, kèm theo dòng chú thích dí dỏm bên dưới: “Nhưng mấy người làm vậy chắc không thấy thông báo này đâu”. Tờ Washington Post hồi tháng 6 năm ngoái lập một danh sách các thành phố “ưu ái” người nghiện nhắn tin bằng giải pháp tương tự như Antwerp (Bỉ) và Washington D.C.


Smartphone còn khiến người ta lơ là trong việc chăm sóc con cái, chểnh mảng công việc... Từ năm 2012, người ta đã cảnh báo về “dịch bệnh phubbing” (nghĩa là “phớt lờ một ai đó trong giao tiếp xã hội, tập trung hoàn toàn vào điện thoại di động thay vì người đối diện”).

Thành phố Augsburg (Đức) vừa có sáng kiến dời đèn giao thông xuống ngay dưới lòng đường thay vì trên cao, vì ngày càng có nhiều người phớt lờ đèn đỏ do cứ chúi mặt vào smartphone. Với hệ thống đèn xanh đỏ trên mặt đường, các “petextrian” vẫn có thể tuân thủ tín hiệu đèn giao thông mà không phải rời mắt khỏi màn hình di động.


Tuy vậy, nhiều người cho rằng làm thế chỉ phí tiền thuế của dân. “Tôi chả bao giờ để ý đến chúng” - một khách bộ hành trẻ tuổi nói với báo Augsburger Allgemeine khi phóng viên tờ này nhắc anh về sự có mặt của hệ thống đèn dưới lòng đường. Song người phát ngôn Augsburg, bà Stephanie Lermen, tin rằng tiền đang được dùng đúng chỗ, viện dẫn một thăm dò cho thấy tại nhiều thành phố châu Âu, gần 20% người đi đường bị sao nhãng bởi smartphone.

Nhưng không phải ai cũng chấp nhận nương tay với “dân nghiện smartphone”. Hồi tháng 3, chính quyền bang New Jersey (Mỹ) công bố dự luật bỏ tù những người vừa đi bộ vừa nhắn tin. Theo Washington Post, những người bị bắt quả tang khi đi trên đường mà sử dụng thiết bị điện tử sẽ bị phạt 50 USD và 15 ngày ngồi tù. Dù vậy, dự luật được cho là khó khả thi vì cảnh sát có nhiều mối ưu tiên hơn là canh bắt những người vừa đi bộ vừa chat với bạn bè trên di động.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 17, 6-5-2016)

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh