Nếu tôi chết xin hóa thân thành đất

Người ta thường nói chết là “trở về cát bụi” và cách chúng ta làm hiện nay đang đầu độc thêm Trái đất. Một ý tưởng mới nảy sinh: thân xác chúng ta sẽ trở thành đất dinh dưỡng cho cây cối và bảo vệ đất mẹ nơi đã sinh ra ta.


Một dự án phi lợi nhuận đang gây quỹ để biến giấc mơ trên thành sự thật dù bắt nguồn từ lý do thực tế hơn: Trái đất rồi sẽ chẳng còn đủ chỗ nếu ai cũng muốn “về thế giới bên kia” theo cách “nằm vào lòng đất mẹ”.


Dừng việc đầu độc trái đất

Theo kiến trúc sư Katrina Spade - người sáng lập dự án Urban Death Project, sẽ tốt hơn cho sinh thái của Trái đất nếu chúng ta chết đi và biến thành đất với đầy đủ dưỡng chất, giúp tạo thêm mảng xanh cho hành tinh này.

Spade, hiện sống tại TP Seattle (bang Washington, Mỹ), mong muốn thiết lập một Trung tâm tái tạo (Recomposition Center), nơi thi thể của người đã khuất được chuyển hóa thành đất thay vì phải xây thêm nhiều nghĩa trang để đủ chỗ cho người chết, chiếm thêm không gian đô thị (vốn ngày càng nhỏ hẹp).

Ngoài ra, giải pháp của Spade còn giải quyết một vấn đề nghiêm trọng khác: phương pháp chôn cất truyền thống thật ra rất có hại với môi trường sinh thái của Trái đất. “Điều cuối cùng mà chúng ta làm cho Trái đất này trong đời lại chính là “đầu độc” nó” - Spade khẳng định trong video kêu gọi tài trợ cho dự án.

Vì sao lại thế? Theo Spade, chỉ riêng ở Mỹ, 2,5 triệu người chết mỗi năm và 50% trong số họ chọn cách chôn cất thông thường với quan tài bằng gỗ hay kim loại, huyệt mộ bằng bêtông và hóa chất tẩm ướp thi thể.

Điều này có nghĩa “mỗi năm chúng ta chôn vào lòng đất lượng kim loại đủ xây thêm một cầu Cổng Vàng nữa và số gỗ đủ để dựng 1.800 ngôi nhà” - Spade nói. Và số lượng hóa chất dùng trong chôn cất đủ để đổ đầy 8 hồ bơi chuẩn Olympic (50m x 20m)!

Nếu chọn cách hỏa táng thì sao? Phương pháp này đòi hỏi phải đốt nhiên liệu và lượng khí CO2 thải ra tương đương khí thải của 70.000 xe hơi mỗi năm. Spade và nhóm của cô tin rằng “cơ thể con người còn có nhiều tiềm năng” hơn là khi mất đi lại gây hại cho môi trường như thế.

Chuyển hóa thành đất

Ý tưởng của Urban Death Project như sau: khi ai đó qua đời, thi thể của họ sẽ được chuyển đến Trung tâm tái tạo của địa phương - được xây dựng giống như một tòa nhà cao tầng.

Tại đó, các thành viên trong gia đình cùng đặt thi thể người đã mất, được bọc trong một lớp vải, vào một ô vuông (giống như huyệt mộ) trên đỉnh tòa nhà.

Sau đó, như cảnh gia quyến của người chết thường ném đất và hoa xuống huyệt mộ khi áo quan đã được hạ khi chôn cất thông thường, tại Trung tâm tái tạo người thân sẽ ném dăm gỗ phủ lên thi thể người đã mất. Chỉ như thế là đủ để quá trình chuyển hóa “từ người thành đất” bắt đầu.


“Trong vài tuần tiếp theo, cơ thể sẽ phân hủy theo cách tự nhiên - Spade giải thích - Vi sinh vật và lợi khuẩn sẽ tách protein cùng carbon ra khỏi cơ thể và tạo nên vật chất mới: một thứ đất giàu dinh dưỡng”.

Trong quá trình chuyển dần thành đất, cơ thể sẽ “sụt” xuống dần dọc theo trục của tòa nhà, các thi thể mới tiếp tục đặt lên trên. Nghĩa là một trung tâm có thể “xử lý” nhiều thi thể cùng lúc.

“Việc các thi thể dịch chuyển dần xuống phần đáy của tòa nhà cũng giống như cách bạn làm quen dần với “cuộc sống” mới - không còn là người, mà là đất” - Spade nói trong bài phỏng vấn với tờ Metropolis.

Khi người mất đã hoàn toàn biến thành đất, chỗ đất đó sẽ được “dùng để vun xới nên một cuộc sống mới cho cây cối”.

“Và cuối cùng, bạn sẽ trở thành một cây chanh”.

Theo thiết kế, mỗi Trung tâm tái tạo sẽ được đặt trong một khuôn viên xanh, mà cây cối tất nhiên được trồng trên đất - vốn - từng - là - người. Người thân của người đã khuất vì thế có thể thăm viếng thường xuyên để tưởng nhớ và nhìn thấy thân nhân họ trong hình hài mới.

Dự án này đã hoàn thành giai đoạn hai (thiết kế và xây dựng cơ chế chuyển hóa) và đang gây quỹ thông qua Kickstarter để tiến đến giai đoạn tiếp theo là xây dựng cơ sở mẫu đầu tiên trong khuôn viên Đại học Washington, Seattle.

Ngoài ra, dự án cũng dự định xây dựng bộ công cụ chuẩn để bất kỳ thành phố nào muốn có cơ sở chuyển hóa cũng có thể áp dụng nhanh chóng.

Nhóm của Spade đang vận động hành lang để phương pháp “hóa thân thành đất” được công nhận như một lựa chọn chôn cất hợp pháp. Spade cho biết Urban Death Project hoạt động phi lợi nhuận với tôn chỉ ai cũng có quyền được chăm lo hậu sự tốt đẹp, bất kể họ có khả năng chi trả hay không.


Đất chật người đông là một thực tế không chối cãi, vì thế những sáng kiến giúp tránh “lãng phí” đất cho người đã khuất thường được đồng tình. Theo trang Quartz, 66% dân số toàn cầu sẽ sống ở vùng thành thị vào năm 2050, thời điểm Trái đất sẽ có 1,6 tỉ người trên 65 tuổi. Những dự án như Urban Death Project giúp tiết kiệm quỹ đất và thay vì những nghĩa trang, không gian đô thị lại có thêm những mảng xanh mà ai cũng có thể đến để chiêm nghiệm về sự sống, cái chết và kiếp luân hồi.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh