Cuộc đời qua radio





Ngày trước tôi vẫn luôn cho rằng radio là món giải trí của người già, hay ít nhất là người nghèo, vì giữa muôn vàn phương tiện truyền thông giải trí hiện đại và hấp dẫn như TV và internet kia ai lại đi suốt ngày ôm khư khư cái radio rò rè rột rẹt để nghe đài. Chỉ có thể là những người già mắt kém không thể lướt web hay xem TV hoặc những người không đủ điều kiện kinh tế để tiếp cận với những thứ ấy. Lẽ đương nhiên với suy nghĩ xem thường radio như vậy, không bao giờ tôi nghĩ mình sẽ nghe đài. Ấy vậy mà 3 năm sinh viên của tôi đã luôn gắn liền với việc "nghe radô".



Lý do thật đơn giản, tôi là một tín đồ của âm nhạc nhưng lại không đủ tiền sắm điện thoại có chức năng nghe nhạc, còn máy mp3 thì cứ lần lượt ra đi. Thế là nghe đài, chức năng sẵn có trong con dế tồi tàn của tôi. Dễ đoán là tôi chủ yếu nghe nhạc. Hết đài này đến đài khác, có thể nói âm nhạc luôn đc phát 24/24, không bao giờ sợ buồn, dù tất nhiên là mình không thể chủ động, người ta phát nhạc gì nghe nhạc nấy. Tôi nghe đài suốt chặng đường 4 tiếng mỗi lần về quê, mỗi lần đi bộ đến trường hay những lần đi xe buýt vào thành phố. Tôi cảm thấy khó chịu nếu di chuyển 1 đoạn dài mà không có tiếng nhạc xập xình bên tai. Tôi nghe cả trong lúc ngủ trưa hay những khuya không ngủ được. Chỉ cần đeo phone vào, có nhạc là tôi ngủ được ngay. Cũng chính từ việc trở thành tín đồ của radio như vậy mà tôi có dịp khám phá, hiểu biết thêm nhiều điều mới lạ. Đó là cuộc sống của những công nhân xa quê, những tài xế rong rủi đường xa - đối tượng chính mà các chương trình radio hướng đến.

Không khó để giải thích tại sao giới công nhân, người lao động xa quê và cánh tài xế lại thích nghe đài. Nói đúng hơn là họ khó có sự lựa chọn nào khác. Đặc thù của nghề cầm lái là đôi mắt phải luôn tập trung hướng về phía trước để nhìn đường, việc xem TV trong khi lái xe là điều không thể. Do đó chỉ có thể nghe đài. Đường xa gió bụi, xe cộ chập chùng, có tiếng nhạc bên tai cũng phần nào giúp giải tỏa căng thẳng. Chưa kể có thể nghe thời sự thay cho xem báo. Với giới công nhân, nghe đài là phương tiện đơn giản nhất nhưng lại có phạm vi phổ biến rộng - cả một xưởng may có thể chỉ cần một chiếc đài là hàng chục công nhân đã có thể thưởng thức các chương trình yêu thích trên radô. Ngày nay, với sự góp mặt của XONE FM, ngày càng có nhiều những người trẻ thuộc giới học sinh sinh viên hướng đến việc nghe đài vì đây là một kênh hoàn toàn trẻ trung và hiện đại, đáp ứng được những nhu cầu và thị hiếu của họ. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những khía cạnh về cuộc sống của giới công nhân và tài xế mà tôi cảm nhận được thông qua những câu chuyện của họ mà tôi nghe được trên radio.

Chuyên mục mà công nhân và tài xế thích nhất có lẽ là quà tặng âm nhạc. Họ khao khát được một lần lên sóng, được "giao lưu với chương trình/trò chuyện với anh A chị B" như cách họ vẫn thường hồ hởi bày tỏ mỗi lần được kết nối với chương trình. Họ, những công nhân, người lao động còn rất trẻ, xa quê vất vả kiếm sống nơi thành phố ồn ào náo nhiệt này, tìm vui trong những lần được giao lưu, được gửi tặng bài hát cho bạn bè, người thân. Họ, tự tin và hồ hởi, hay đôi lúc rụt rè e thẹn, trả lời những câu hỏi giao lưu của MC, rồi vui mừng liệt kê danh sách bạn bè mà họ muốn tặng bài hát. Những cái tên được đọc với một sự vui mừng và, niềm hãnh diện không thể che giấu. Danh sách ấy đôi lúc thật dài, với những cái tên đậm chất nông thôn miền Tây như Được, Gái, Bé Ba... với những bài hát được tặng cũng đậm chất bình dân. Nhưng đó là niềm vui của họ. Là niềm vui vì được may mắn được chọn giữa bao cuộc gọi về tổng đài, niềm vui được chia sẻ tâm tình của mình đến bạn bè muôn nơi và cả chút nỗi niềm lắng đọng khi cùng nghe Nỗi lòng xa xứ với những bạn đồng cảnh ngộ như mình, rồi cùng động viên nhau cố gắng.

Đôi lúc tôi bực mình vì sự ngô nghê, và cả cái chân chất quê mùa trong cách diễn đạt thông tin và nói chuyện của họ; từng bật cười trước những trường hợp quà tặng và người được tặng hoàn toàn tréo ngoe kiểu như "Em xin yêu cầu bài Giả vờ yêu, bài hát này em xin tặng ông xã em; Em xin gửi đến ba má em ca khúc Yêu lầm.."; Tôi  đã từng tự hỏi tại sao lại có thể quê mùa đến thế? và việc gọi điện tặng quà như thế thì có gì vui? Nhưng khi thử đặt mình vào vì trí của họ - trình độ không cao, xa quê, xa gia đình và người thân, suốt ngày chỉ biết làm việc quần quật - thì như thế cũng đủ là vui, đủ là sự động viên để họ tiếp tục cố gắng rồi. Một cuộc sống, một niềm vui hoàn toàn khác với những gì mà tôi đang có.

Cánh tài xế cũng vậy, họ thường tranh thủ gọi điện cho tổng đài những khi nghỉ trưa hoặc xếp hàng chờ vào bến bãi. Trái với ấn tượng của nhiều người về giới tài xế luôn dữ dằn và bặm rợn, có rất nhiều tài xế khiến tôi ngạc nhiên vì những tâm sự, thổ lộ của họ với các chương trình quà tặng âm nhạc. Những lời nhắn đơn sơ mộc mạc về nỗi nhớ vợ con kèm những bài hát tặng họ; những bài hát "tặng toàn thể anh chị em công nhân công ty XYZ" và "chúc mọi người một ngày làm việc vui vẻ" và bài hát được ưa chuộng nhất "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" làm cho các chuyến xe trở nên bớt đơn điệu hơn bởi ấm tình thương gia đình, tình bạn bè đồng nghiệp.

Giới nữ công nhân cũng thường tin cậy trao gửi nỗi niềm của mình với các chương trình tư vấn tâm lý và tình yêu hôn nhân. Hay nói đúng hơn, họ còn có ai để mà tâm sự? Những nỗi niềm được trút hết vào các chuyên viên tâm lý - những người luôn sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện, đôi khi không mạch lạc, rõ ràng và đẫm nước mắt, sau đó đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng cho những người đang đau khổ và tuyệt vọng. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời khác nhau nhưng đều có mẫu số chung là xa nhà, thiếu thốn tình cảm, bị lừa tình, lừa tiền... Đan xen vào đó là những câu chuyện về những người con trai con gái xa quê có chí hướng phấn đấu, luôn hướng về quê nhà, cha mẹ, vợ con, nhưng cuộc sống lại thiếu công bằng bắt họ phải gánh chịu một nỗi đau nào đó. Và rồi họ chỉ biết chia sẻ tâm sự của mình với bạn nghe đài, và chắc chắn, sẽ nhận được nhiều đồng cảm. 

Nghe đài với tôi giờ đây không còn là nghe nhạc đơn thuần nữa. Nó đã trở thành một phương tiện, đưa tôi khám phá những góc khác của cuộc sống mà tôi chưa có dịp tìm hiểu. Mỗi chương trình, câu chuyện chia sẻ trên đài như một nét vẽ làm cho bức tranh về đời sống, tâm tư của những người lao động chân chất, xa quê trong tôi ngày một hoàn chỉnh hơn.

Và cứ thế, mỗi ngày tôi lại nghe đài.

---
Bài này hôm nay (14/04) đã được đăng trên mục Blog quanh ta của Tuổi Trẻ Online:
http://nhipsongso.tuoitre.vn/Index.aspx?ArticleID=373221&ChannelID=550

Comments

  1. what is so different? me? life?

    ReplyDelete
  2. what is so different? me or you or this life???

    ReplyDelete
  3. hẻm bik nữa.Thấy bn viết cái này thấy bn khác ghia,thấy bn giống ng lớn wa @@ đọc hai entry mới nhất cái nào cũng phải căng neuron lên hết áh,hixx bn gấu đỏ dạo này hem bùn nên hem có chín chắn hì

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh