Món quê





Ngày giỗ tổ, ngay khi vừa về quê, cô bạn thân đã nhắn tin rủ tôi cùng đi một vòng ăn uống. Dạo quanh một vòng quán xá trải dài từ khu vực Long Hoa đến thị xã Tây Ninh là sở thích của chúng tôi mỗi khi về thăm nhà. Cũng giống như câu ca dao xưa, “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”, những món ăn bình thường và giản dị ở cái đất Tây Ninh nắng gió này luôn khiến ai đi xa cũng nhớ, cũng thèm. Và như thế, một vòng ẩm thực quanh các quán yêu thích luôn là lựa chọn hàng đầu của đám sinh viên xa nhà bọn tôi mỗi dịp về quê.



“Anh có tưởng tượng được không, có những lúc em thèm da diết một tô mì hoành thánh Thị Xã hay một chén chè ở Long Hoa”, cô bạn tôi vừa xì xụp tô mì bốc khói vừa nói. Đêm nay trời bất chợt đổ mưa và không gì thú vị hơn là ngồi nhấm nháp món mì nóng sốt trong không gian ấm cúng của một quán mì trên đường Cách mạng tháng 8 và nhìn mưa tí tách rơi ngoài phố. Tôi cười và bảo ở Sài Gòn, có khó gì để tìm được một tô mì như thế, cô bạn tôi lại nói “Em không biết phải giải thích thế nào, nhưng những quán ăn ở Tây Ninh có cái gì đó rất riêng mà em không thể tìm thấy ở bất cứ đâu”. Tôi trả lời rằng tôi hiểu, vì tôi cũng thế, có những lúc chợt thèm đến quay quắt tô bún riêu dưới chân cầu Mới, ổ bánh mì ở góc đường Lê Lợi hay những món chay ở khu vực vòng quanh Tòa Thánh, chỉ mong đến ngày về để được ăn thỏa thuê.

Quả vậy, giữa Sài Gòn náo nhiệt với đủ các món ăn từ khắp 5 châu và 3 miền Nam Trung Bắc, có khó gì để tìm một chén chè đậu đen hay một tô mì hoành thánh, nhưng những thứ đó sẽ khác, rất khác, so với những món được bán ở Tây Ninh này. “Có lẽ vì ta đã quá thân thuộc với chúng”, tôi thử đưa ra giả thuyết và được cô bạn đồng tình ngay “Đúng đấy anh ạ, như quán mì này chẳng hạn, em nhớ từ hồi cấp 2, mỗi tối đi học về đều được mẹ chở vào đây để ăn. Cái vị mì quen thuộc này đã theo em suốt từ bấy đến giờ”. Có lẽ chính sự thân thuộc này đã tạo nên sự khác biệt, vì khi chúng tôi chuyển sang quán chè vỉa hè trên đường Hùng Vương, dưới ánh đèn đường vàng ấm và mặt đường còn đẫm nướt mưa, sự thân thuộc lại ùa về khi đây là quán chè mà chúng tôi vẫn thường đến những năm còn là học sinh cấp 3. Những chén chè bé bé xinh xinh, những hũ da-ua làm tại gia, không món nào có giá quá 2.000 ngàn đồng, trong đêm mưa lạnh với 2 kẻ lâu ngày về thăm quê bỗng trở thành những món cao lương mỹ vị, làm người ăn phải xuýt xoa. Quán vẫn đông như mọi ngày, và những cô cậu học sinh đang ngồi quanh chúng tôi đây, chắc hẳn mai này đi xa sẽ lại mong đến ngày trở về đây để nhấm nháp hương vị của những ngày xưa.

Rời quán chè, chúng tôi lại rảo sang những quán khác, tiếp tục con đường ăn uống của mình. Tiết trời đêm sau mưa thật mát mẻ, những vòng xe quen thuộc lướt qua những đường phố vắng vẻ và bình yên, thật khác với cái đông đúc, ồn ào, náo nhiệt nhưng ô nhiễm và ngập nước mỗi lần mưa ở thành phố. Và kia rồi, phố nước mía nhộn nhịp dọc theo đường Hoàng Lê Kha đã hiện ra trước mắt, chúng tôi ghé vào, gọi cho mình 2 ly nước mía, rồi tiếp tục câu chuyện về những món ăn nơi quê nhà thương nhớ.

Comments

  1. t thích bài này lắm, nhứt là rất xúc động câu "có những lúc em thèm da diết..."
    đúng là đồ ăn thì ở đâu ko có, nhưng chỉ ở quê mình mới có một vị gọi là "vị quê hương", có thứ mùi là "mùi quê hương", có chất gọi là "chất quê hương"...
    lại nhớ quê nữa rồi! :(

    ReplyDelete
  2. sắp đc về rùi m, wa cầu cần thơ rùi làm 1 vòng :D

    t thấy sinh viên xa wê như tụi mình mà nói về đồng cảm thì khối chuyện m ha, nhứt là mấy đứa ko bao h dứt ra đc với quê hương như mình :)

    ReplyDelete
  3. gởi rùi a Sen ơi :D viết riêng cho TN mà :D

    ReplyDelete
  4. Tây ninh thế mà hay nhể khà khà

    ReplyDelete
  5. vâng, chứ lại không ah? :P =)) B-)

    ReplyDelete
  6. hehe, hình cười lăn trong blog mình hiện hình tung tăng nha bạn :P sao cười zữ zạ??? =))

    ReplyDelete

Post a Comment

Để đề phòng blog bị lỗi ko comment được, trước khi bấm Post comment các bạn nên copy nội dung comment lại trước.

Popular posts from this blog