Có nghề nào không sợ bị robot xâm lăng?

Không chỉ nhằm thay thế các công việc đơn giản, lặp đi lặp lại, các xu hướng phát triển công nghệ ngày nay đang nhắm đến việc để tự động hóa và trí thông minh nhân tạo (AI) thực hiện các công việc vốn đòi hỏi kỹ năng cao và kiến thức chuyên ngành chuyên sâu.
Thay thế lao động bậc cao

Việc các công nhân trong ngành sản xuất và những người lao động chân tay với đồng lương còm cõi sẽ là nạn nhân đầu tiên của “cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư” là điều không phải bàn cãi. Nhà Trắng từng ước tính khả năng những người kiếm ít hơn 20 USD/giờ sẽ mất việc vào tay máy tính lên đến 83%. Song không chỉ những công việc đơn giản mới lo bị máy móc thế chỗ. Theo New York Times, AI có thể làm các ngành nghề thuộc top 5% công việc có lương cao nhất nước Mỹ biến mất nhanh chóng.

Trong phóng sự “Robot đang tiến vào Phố Wall” tháng 2-2016, cây bút Nathaniel Popper của New York Times dẫn lời Daniel Nadler, nhà sáng lập công ty phân tích tài chính Kensho, cho rằng đến năm 2026, khoảng 33-50% nhân viên ngành tài chính sẽ mất việc vì đã có các phần mềm thay thế. Hệ quả là những người khổng lồ trong lĩnh vực này, như Goldman Sachs, sẽ bị thu hẹp quy mô đáng kể. Nadler lấy ví dụ từ chính công ty của mình: hệ thống Kensho cho phép người dùng tra cứu các dữ liệu tài chính chỉ bằng các câu lệnh tìm kiếm đơn giản. Theo đó, chỉ mất một phút để Kensho đưa ra hàng tá dữ liệu về các biến động giá dầu hay tiền tệ trong thời gian xảy ra nội chiến ở Syria. “Ta sẽ mất nhiều ngày, có thể 40 giờ làm việc, từ những người được trả lương từ 350.000 đến 00.000 USD/năm để làm điều đó” - Nadler nói. Để làm được điều đó, Kensho phải có cơ sở dữ liệu khổng lồ và các công nghệ phân tích dữ liệu hiện đại, thường được biết đến với tên gọi Big Data. Đây cũng là xu hướng phát triển mới của công nghệ, khi tốc độ tra cứu, phân tích và xử lý những kho dữ liệu khổng lồ được phần mềm thực hiện trong chớp mắt, điều mà ngay cả giới chuyên viên tài chính đầy kinh nghiệm cũng không thể làm được.

“Khi máy tính ngày càng phát triển phức tạp hơn, lẽ dĩ nhiên chúng sẽ có thể làm được các công việc phức tạp hơn” - Bernard Marr, tác giả sách chuyên về Big Data, nhận định trong bài viết trên Forbes ngày 25-4. Marr cho rằng Big Data cùng các phần mềm máy tính và robot ngày càng thông minh sẽ sớm đủ khả năng đảm trách những công việc có tính chuyên môn cao chứ không chỉ các công nhân làm việc trong nhà máy.Các thuật toán ngày càng phức tạp và công nghệ giúp máy tính có thể học hỏi (như cách Google tạo ra cỗ máy có thể tự học cờ vây AlphaGo) ngày càng phát triển đang chứng minh không có nghề nào con người làm được mà máy móc không làm được.



Forbes chỉ ra 10 ngành nghề chuyên môn cao mà phần mềm có thể thực hiện được gồm chăm sóc sức khỏe, chuyên viên bảo hiểm, kiến trúc sư, báo chí, chuyên gia phân tích tài chính, giáo viên, chuyên viên nhân sự, chuyên gia marketing và quảng cáo, giáo viên, và cả nhân viên thực thi pháp luật. Thực tế nhiều trong số 10 ngành trên hiện nay đã nhờ rất nhiều vào sự trợ giúp của các công nghệ thông minh như bác sĩ, kiến trúc sư. Các công nghệ phân tích dữ liệu hiện đã là trợ thủ đắc lực cho chuyên viên tài chính, marketing và quảng cáo, và phần mềm có thể đọc các bản dữ liệu như chỉ số chứng khoán, dự báo thời tiết hay kết quả bóng đá và viết thành bản tin hoàn chỉnh, câu cú rõ ràng giúp các phóng viên không còn là chuyện viễn tưởng. Các nhà khoa học cũng đã phát triển các thuật toán riêng có thể ghi nhận kết quả học tập của học sinh để đưa ra các phương pháp phù hợp dành riêng cho từng em. Vậy còn với các nhân viên thực thi pháp luật? Năm 2003, các thuật toán được xây dựng để giúp nhà bán lẻ Wal-Mart dự đoán nhu cầu khách hàng cho từng sản phẩm đã được sử dụng để dự báo sát xuất các sự cố cần cảnh sát có mặt có thể xảy ra trong đêm giao thừa ở TP New York. Kết quả, theo Forbes, cực kì đáng kinh ngạc: ứng dụng công nghệ đã giúp giảm tỉ lệ người dân nổ súng ăn mừng năm mới giảm 47% và ngành cảnh sát tiết kiệm được 15.000 USD chi phí để cử các sĩ quan đến bảo vệ an ninh trong khoản thời gian 8 tiếng diễn ra sự kiện.

Tháng trước, các trang tin công nghệ thế giới xôn xao trước một công nghệ được cho là có thể thay đổi thế giới: xe tải không người lái. Công nghệ này đã được thử nghiệm thành công hồi đầu tháng tư, với chuyến đi thử nghiệm gốm sáu nhóm xe đầu kéo xuất phát từ Thụy Điển và Đức, băng qua châu Âu và gặp nhau tại Hà Lan. Hình thức di chuyển là mỗi nhóm sẽ do một xe có tài xế dẫn đầu, và các xe phía sau được phần mềm tự động căn chỉnh tốc độ, khoảng cách và nối đuôi nhau hoàn tất hành trình. Chuyến đi thử nghiệm này cho thấy ngày cánh tài xế xe tải đường dài phải nhường vô-lăng cho công nghệ không còn quá xa. Thực tế cho thấy công nghệ này có rất nhiều ưu điểm. Theo trang tin công nghệ TechCrunch, chi phí cho một chuyến xe tải từ Los Angeles đến New York hiện vào khoảng 4.500 USD, với khoảng 75% là tiền công lao động. Chủ hàng dĩ nhiên sẽ tốn ít hơn nếu không có ai ngồi vào vô-lăng. Hơn nữa, xe tự động sẽ mang đến nhiều lợi ích kinh tế hơn vì chúng có thể chạy suốt 24/24, trong khi giới tài xế buộc phải chấp hành quy định phải nghỉ 8 tiếng sau 11 giờ lái xe liên tục. Điều này có nghĩa chi phí giảm 25% nhưng hiệu suất chuyên chở lại tăng gấp đôi, chưa kể xe tải tự động sẽ tiêu thụ ít nhiên liệu hơn.

Vậy còn giới quản lý thì sao? Các công nhân, nhân viên hay người làm thuê luôn được xem là nạn nhân của công nghiệp hóa, “số phận” của những người giữ vị trí quản lý ít khi được nhắc đến. Tờ Financial Times ngày 5-5 dẫn lời các chuyên gia cho rằng giới quản lý cần phải nhanh chóng trau dồi các kỹ năng của mình để sẵn sàng cho “thời kỳ chuyển giao”. Các kỹ năng cần rèn luyện gồm tư duy sáng tạo và phản biện cùng các kỹ năng chuyên môn về kỹ thuật, thứ mà robot không có. Điều này sẽ giúp họ tồn tại trước làn sóng tự động hóa. Và nếu may mắn, họ có thể thăng chức với các kỹ năng được cải thiện và tạm thời không phải lo lắng về bọn robot nữa.



Phát triển và những mối lo

Phát triển công nghệ và trí thông minh nhân tạo là đỉnh cao mà khoa học hướng đến. Nhưng đi kèm với những tiếc bộ vượt bậc kể trên là nhiều mối lo. Forbes dẫn dự đoán của công ty tư vấn Boston Consulting Group cho biết đến năm 2025, ¼ số công việc hiện có sẽ được thay thế bởi các phần mềm thông minh hoặc robot. Một nghiên cứu khác của Đại học Oxford University dự báo 35% công việc hiện tại ở Anh sẽ được tự động hóa hoàn toàn trong 20 năm tới. Một báo cáo vừa công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2016 ước tính công nghệ sẽ làm 7,1 triệu người mất việc trên toàn thế giới vào năm 2020. Các hãng tư vấn như McKinsey cho rằng robot, AI ha các công nghệ khác có thể đảm nhiệm được đến 45% các công việc hiện tại. Tại hội nghị toàn cầu do viện nghiên cứu kinh tế Milken Institute khai mạc hôm 1-5 ở Beverly Hills, California, nhiều người thuộc giới siêu giàu, trùm công nghệ và các bộ óc lớn cũng lên tiến cảnh báo con người hãy sẵn sàng bởi “robot đang đến chiếm công việc của bạn đấy”. Tệ hơn, khi một nghề nào đó bị mất vào tay robot, nhiều công việc liên quan cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trở lại với câu chuyện xe tải không người lái, TechCrunch bình luận: “Không có công nghệ nào làm mất nhiều việc làm hơn là xe tải không người lái”. Thật vậy, các bác tài không phải là những người bị ảnh hưởng duy nhất khi công nghệ thế chỗ họ sau vô-lăng: các cây xăng, trạm dừng chân trên xa lộ, quán ăn dành cho cách tài xế và nhà nghỉ dọc đường - tất cả những dịch vụ này cũng sẽ lao đao khi không còn các tài xế ghé qua. 

Một vấn đề nghiêm trọng hơn là dù khiến nhiều người mất việc, các cuộc cách mạng công nghệ lại không tạo ra các nghề mới thay thế cho họ. Lẽ dĩ nhiên, cần có thêm nhiều lập trình viên, kỹ sư, chuyên viên thống kê và phân tích dữ liệu, cùng các nhân sự khác trong ngành công nghệ thông tin để tiếp tục phát triển công nghệ và trí thông minh nhân tạo, nhưng rõ ràng một công nhân mất việc vì robot không thể chuyển ngay sang ngành công nghệ thông tin ngay được. “Việc chúng ta làm sao để lấy đầy các khoảng trống việc làm do máy móc gây ra là yếu tố quyết định để có thể nhận định tự động hóa là tốt hay xấu với nhân loại” – chuyên gia Marr nhận định trên Forbes.



Điều đáng lo hơn chính những người lao động lại cho rằng cái ngày mà robot thế vào chỗ của họ hẳn còn cách hàng mấy thập niên nữa. Một thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu PEW cho thấy 80% người Mỹ tin rằng công việc họ đang làm sẽ còn tồn tại thêm 50 năm nữa bởi trí thông minh nhân tạo còn lâu mới có thể thay thế được kiến thức và các kỹ năng chuyên môn của họ. Chỉ 11% công nhân lo sẽ mất việc vì tự động hóa. Nhưng những người còn đang lạc quan này sẽ phải thay đổi quan điểm nếu cân nhắc các ví dụ vừa nêu ở đầu bài.

Theo Los Angeles Times, trong khi các tài xế xe bus, nhân viên pha chế nước, giới tư vấn tài chính, người viết diễn văn, lính cứu hỏa, trọng tài thể thao hay thậm chí bác sĩ và nhà phẫu thuật đều đang cố gắng “níu kéo” rằng nghề của họ là không thể thay thế, các doanh nghiệp đang chi hàng tỉ đôla để biến cơn ác mộng của họ thành sự thật. Cụ thể, các ông lớn công nghệ Google, Facebook và Microsoft đã chi khoảng 8,5 tỉ USD cho nghiên cứu AI trong năm 2015, gấn 4 lần kinh phí năm 2010, theo công ty dữ liệu Quid. Số tiền dành cho nghiên cứu robot năm ngoái là 1,8 tỉ USD. Mức đầu tư khủng này chắc chắn không phải là ném tiền qua cửa sổ, bởi tự động hóa, ngoài tăng thêm hiệu quả lao động, còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho các doanh nghiệp và chủ lao động. Như tờ Los Angeles Times bình luận: “Các robot đâu có đòi bảo hiểm y tế, lương hưu, ngày nghỉ phép hay thậm chí là tiền lương?”

Tự động hóa có thể lấy đi công việc của hàng triệu người, nhưng cùng với nó là các lợi ích to lớn về kinh tế, năng suất lao động. Vì lẽ đó, chúng ta cần chấp nhận hi sinh để dọn đường cho công nghệ, như đã làm với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó mà lịch sử đã chứng minh. Chuyện gì sẽ xảy ra khi máy cày được phát minh hồi đầu thế kỷ 20 mà người ta, chỉ vì không muốn nông dân mất việc, từ chối chấp nhận chúng?

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 19/2016)

Comments

Popular posts from this blog