Chat bot nói hộ lòng em

Không phải ánh trăng, mà là chat bot và trợ lý ảo, sẽ nói hộ lòng ta trong nay mai.

Trí thông minh nhân tạo, dưới hình thức trợ lý ảo hay chat bot - phần mềm được thiết kế để có thể “trò chuyện” với con người - sẽ dần lấn sân vào các cuộc trò chuyện, vốn là lãnh địa giữa người với người. Các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể “đàm thoại” thay con người.

Thuở sơ khai, con người bắt đầu “giao tiếp” với máy tính bằng các dòng lệnh và sau đó bằng bàn phím và con chuột trên các hệ điều hành có giao diện người dùng (GUI). Đến thời smartphone, những cú chạm trên màn hình cảm ứng là phương thức giao tiếp mới. Vậy bước “tiến hóa” kế tiếp sẽ là gì?


Khi ta cất tiếng

Tại hội nghị dành cho các nhà phát triển ứng dụng Build Developer hồi cuối tháng 3, CEO của Microsoft Satya Nadella đã tiết lộ tầm nhìn mới của hãng: tạo ra các phần mềm (bot) có thể hiểu được ngôn ngữ tự nhiên của con người.

“Tương lai của máy tính sẽ phát triển xoay quanh ba thành tố chính: con người, trợ lý ảo và bot” - Nadella nói. Con người đương nhiên là thành phần không thể thiếu. Còn các trợ lý ảo (như Microsoft Cortana, Apple Siri, Amazon Alexa và Google Now) thì sao?

Vị CEO này giải thích các trợ lý “sẽ luôn ở bên bạn trên mọi thiết bị” để học hỏi, ghi nhớ sở thích và thói quen của bạn. Trong khi đó các bot, hay chat bot, sẽ đóng vai trò trung gian giữa con người và trợ lý ảo thực hiện các tác vụ như mua sắm trực tuyến, xếp lịch làm việc...

“Bot là các ứng dụng mà bạn có thể trò chuyện với chúng” - Nadella nói. Microsoft đang tạo ra một hệ thống mà ở đó trợ lý ảo có thể thay con người giao việc cho các bot.

Ngay tại Build Developer, Nadella minh họa bằng việc ra lệnh cho Cortana (được tích hợp trong Skype) “ra lệnh” cho các bot sắp xếp một chuyến nghỉ mát mà con người (tức Nadella) không phải làm bất kỳ thao tác nào. Nadella khẳng định mục tiêu của Microsoft là tạo ra những bot có thể “nâng cao các khả năng của con người”, nghĩa là “máy móc sẽ hỗ trợ chứ không phải đối đầu với con người”.

Trên thực tế, Microsoft không phải đang “một mình một ngựa” trong lĩnh vực này. Các tên tuổi công nghệ khác như Amazon, Facebook, Google hay thậm chí WeChat của Trung Quốc đều có trợ lý ảo riêng và đang đầu tư mạnh để chúng ngày càng thông minh hơn.




Máy tính giao tiếp 
thay con người

Hồi giữa tháng 5, Google công bố ứng dụng chat mới với tên Allo. Ngoài những tính năng thông thường như bất kỳ ứng dụng nhắn tin nào khác, Allo còn cực kỳ thông minh vì được phát triển dựa trên công nghệ deep learning (các thuật toán mô phỏng não con người giúp máy tính có thể “học” điều mới).

Trên blog chính thức của Google ngày 18-5, nhóm phát triển sản phẩm của “gã khổng lồ” công nghệ này hào hứng khoe Allo có tính năng trả lời thông minh (Smart Reply): tự đọc nội dung chat và đề xuất các câu trả lời theo đúng gu của người dùng.

Nhờ “học sâu”, Smart Reply biết được bạn thích gõ “haha” hay “hehe” hơn khi muốn cười trong khi chat. Không chỉ đọc các dòng chữ, Allo còn có thể nhận dạng hình ảnh và đưa ra câu trả lời gợi ý tương thích. Khi có người gửi cho bạn tấm ảnh chụp tô phở, Smart Reply sẽ gợi ý bạn trả lời “ngon quá” và “tôi thích phở”. Google cho biết Smart Reply sẽ liên tục học hỏi và các câu gợi ý vì thế sẽ ngày càng chính xác hơn.

Theo Quartz, ví dụ trên vẽ nên một viễn cảnh hoàn toàn không quá xa vời: sẽ có lúc các ứng dụng chat như Allo nói thay phần con người, hay nói cách khác, một dạng thức trò chuyện mới sẽ xuất hiện mà ở đó câu chuyện hoàn toàn bao gồm những câu thoại do trí thông minh nhân tạo soạn ra.

Hãy tưởng tượng khi bạn vừa chụp hình bữa điểm tâm, chat bot cài sẵn trong điện thoại biết ngay đó là món cơm tấm và lập tức gửi bức ảnh đó cho một người có trong danh bạ của bạn mà nó biết chắc người đó thích cơm tấm (nhờ Deep Learning).

Khi bức ảnh được gửi sang máy của người nhận (vợ bạn chẳng hạn), chat bot trên điện thoại của cô ấy sẽ nhận ra đó là hình cơm tấm và đưa ra câu trả lời gợi ý như ví dụ tô phở nói trên. Việc của cô ấy là nhấn chọn câu trả lời mình muốn. Và cứ thế, hai chat bot sẽ tự phân tích các nội dung trao đổi qua lại và đề xuất câu trả lời.

Một cuộc trò chuyện hoàn chỉnh đã được hình thành mà cả hai người tham gia không thật sự phải gõ một dòng chat nào, ngoài việc “nhấn duyệt” các gợi ý trả lời.

Google thực tế đã áp dụng công nghệ “tự biên câu trả lời” này cho ứng dụng email inbox của mình. Inbox có khả năng đọc các email gửi đến và đề xuất câu trả lời ngắn gọn, người dùng chỉ việc nhấn gửi thay vì phải ngồi soạn tin trả lời.

Chẳng hạn khi sếp gửi thư thông báo cuộc họp, inbox sẽ quét thấy từ “họp” và đề xuất câu trả lời kiểu như “Tôi biết rồi, tôi sẽ có mặt đúng giờ”. Facebook hiện cũng đã sử dụng công nghệ tương tự cho ứng dụng nhắn tin Messenger của mình.

Messenger tự phân tích, ghi nhớ từng khuôn mặt những người có trong danh sách bạn bè của bạn và khi bạn chụp một bức hình, ứng dụng này sẽ đề xuất được tự gửi tấm ảnh đến chính xác người có mặt trong đó. Nếu không có sự trợ giúp này, thường thì bạn sẽ phải chọn gửi riêng từng bức cho từng người, vô cùng mất thời gian.

Facebook cũng đang rất quan tâm đến chat bot, rõ ràng nhất là việc đưa tính năng này vào ứng dụng Messenger hiện đã có tới 900 triệu người dùng hôm 13-4. Với chat bot của Messenger, các doanh nghiệp, cửa hàng có thể tạo ra một nhân viên ảo, sẵn sàng tương tác và chăm sóc khách hàng của họ 24/24 giờ mà không biết mệt mỏi thông qua ứng dụng nhắn tin của Facebook.

Một tiệm giày có thể ứng dụng công nghệ này để khách hàng chỉ cần chat với họ qua Messenger, chat bot sẽ đảm trách mọi phần còn lại. Khi trò chuyện, chat bot sẽ đưa ra hàng loạt câu trắc nghiệm (giày nam/nữ, kích cỡ, màu sắc, khoảng giá...) và người dùng chỉ việc click chọn tương ứng.

Như vậy, dù ta phải mô tả món hàng cần mua với máy tính chứ không phải một nhân viên chăm sóc khách hàng thực thụ, rốt cuộc ta vẫn có giày mới và doanh số cửa hàng vẫn tăng. Các hãng tin, tòa báo cũng có thể xây dựng chat bot: độc giả chỉ cần gõ tên chủ đề mình muốn và chat bot sẽ đưa ngay đường link đến các tin bài có liên quan, như Đài CNN và báo Washington Post hiện đang làm.

Ngoài nói chuyện với máy tính, con người còn có thể thoải mái trò chuyện và ra lệnh với một chiếc loa nhỏ gọn đặt đâu đó trong phòng. Còn gì tuyệt vời hơn nếu luôn có một người đứng sẵn ở góc phòng “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” mọi yêu cầu của ta?

Amazon đã tung ra một trợ lý hoàn hảo như thế với hình dạng một chiếc loa từ năm 2014. Amazon Echo có thể nghe mệnh lệnh người dùng bằng giọng nói và thực hiện các thao tác như thêm ghi chú vào lịch, bật nhạc...

Google đã chính thức tuyên chiến với Echo hôm 19-5 bằng việc tung ra Home, ứng dụng tương tự nhưng với thiết kế đẹp hơn và được cho là nhiều tính năng hơn. Cũng như Echo, Home là một chiếc loa “hợp với mọi căn phòng dù bạn cắm nó vào đâu trong nhà”, có khả năng thực việc các tác vụ đơn giản theo lệnh người dùng.

Bạn cũng có thể yêu cầu Home bật bản nhạc yêu thích hay tắt giảm, tùy chỉnh các thiết bị thông minh có trong nhà (kết nối qua hệ sinh thái Google). Dù là Home hay Eco, các sản phẩm này đã góp phần thay đổi cách con người tương tác. Các ông bố không cần phải nhờ con xem giúp thời tiết hôm nay thế nào, các bà mẹ không phải vội lau tay đầy xà phòng để hí hoáy ghi chú những thứ cần mua mà mình vừa nhớ ra. Tất cả giờ đây chỉ cần nói với một thiết bị điện tử, vô tri nhưng thông minh, luôn nằm sẵn trong phòng.

Các thành tựu trí thông minh nhân tạo, Deep Learning và Big Data (dữ liệu lớn) hiện nay có thể xem là những mảnh ghép cần có để sớm hoàn thành bức tranh tương lai “robot nói thay người” nói trên. Google đã đầu tư rất nhiều để phát triển trí thông minh nhân tạo có thể đọc hình ảnh được như mắt người với tỉ lệ chính xác cao. Và Facebook, với dữ liệu khổng lồ của 1,65 tỉ người dùng, được cho là “hiểu ta hơn cả chính ta”. Dù bạn có 5.000 người trong danh sách kết bạn, Facebook vẫn “biết” rõ mặt từng người, nhớ ngày sinh của họ, biết họ thích gì, đã đi đâu và làm gì.

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh