Nguy cơ sức khỏe từ Wi-Fi: Cẩn tắc vô ưu

Một thành phố được phủ Wi-Fi đến từng ngóc ngách có nghĩa sẽ có rất nhiều cư dân sống với những bước dãy sóng vô hình xung quanh, 24/24 và 7 ngày/tuần.

Sóng Wi-Fi có tác động thế nào đến sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em? Câu hỏi này cho đến nay vẫn còn là vấn đề đầy tranh cãi trong giới khoa học. Cũng như điện thoại di động, router (bộ phát sóng) Wi-Fi cũng phát ra các bức xạ điện từ mà nhiều người tin rằng có thể gây các triệu chứng từ nhẹ như nhức đầu, buồn nôn đến nghiêm trọng hơn như ung thư não nếu tiếp xúc thường xuyên trong thời gian dài. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho rằng sóng Wi-Fi hoàn toàn vô hại, nhưng dường như những lời trấn an này chưa đủ sức thuyết phục.

Bức xạ Wi-Fi: yếu và vô hại?

Lo ngại về sự nguy hiểm của sóng Wi-Fi xuất phát từ việc nó phát ra bức xạ - thứ khiến người ta nghĩ ngay đến phóng xạ chết người như trong bom hạt nhân. Song cần nhớ có hai loại bức xạ điện từ, ion hóa và không ion hóa. Theo trang công nghệ Alphr, bức xạ ion hóa được sinh ra từ các lò phản ứng hạt nhân hay tia X-quang. Chúng có năng lượng cao, đủ để xuyên qua thành tế bào và làm thay đổi cấu tạo ADN của con người, dẫn đến ung thư. Bức xạ không ion hóa có các đặc tính ngược lại: năng lượng yếu hơn và không nguy hại. Router Wi-Fi chỉ phát ra bức xạ ra không ion hóa thuộc dải tần số vô tuyến (RF). Một nghiên cứu đăng trên Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cũng khẳng định bức xạ vô tuyến của sóng Wi-Fi “yếu hơn nhiều so với mức có thể gây ngộ độc phóng xạ”.



Tín hiệu Wi-Fi được truyền đi ở dải băng tần 2,4GHz, cùng tần số với lò vi sóng. Việc bức xạ của lò vi sóng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng dù vẫn còn là vấn đề tranh cãi nhưng cũng được lấy làm cớ để cho rằng Wi-Fi, vì cùng tần số, chắc cũng sẽ có nguy cơ tương tự. Tuy nhiên, BBC dẫn lời chuyên gia lý sinh Malcolm Sperrin cho biết sóng Wi-Fi có cường độ thấp hơn 100.000 lần so với sóng phát ra từ lò viba. Hơn nữa, sóng Wi-Fi truyền dẫn theo luật bình phương nghịch đảo (inverse-square law), tức cường độ bức xạ giảm bằng bình phương khoảng các tính từ router, hay đơn giản hơn: ở càng xa router thì tín hiệu càng nhỏ. Nghĩa là nếu ta ngồi suốt ở bên nguồn phát thì mới thực sự “phơi nhiễm” với sóng Wi-Fi cường độ cao.

Ngoài ra, một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ ra mức độ phơi nhiễm bức xạ từ các công nghệ không dây sử dụng tần số vô tuyến thấp hơn hàng ngàn lần so với chuẩn an toàn quốc tế. WHO đánh giá sóng Wi-Fi là tác nhân ung thư ở cấp độ 2B, tức “có khả năng gây ung thư” (xếp dưới 2A – gần như chắc chắn, và 1 – chắc chắn gây ung thư). Tuy vậy, theo The Telegraph, việc phân loại này không thể xem là bằng chứng Wi-Fi gây ung thư. Hơn nữa, việc phân loại này đồng nghĩa khả năng sóng Wi-Fi gây ung thư tương đương với 250 tác nhân khác cùng được WHO xếp loại 2B, gồm cả cà phê và rau củ muối.

Trang Alphr cũng cho biết bức xạ phát ra từ các thiết bị quen thuộc như TV, radio hay chuông cửa không dây cũng tương tự như từ router Wi-Fi (mà trước giờ đâu có ai cho những thứ này là nguy hiểm). “Người dùng Wi-Fi không cần phải giấu router trong tủ bếp mà chỉ việc yên tâm lướt mạng vì sóng Wi-Fi hoàn toàn vô hại với sức khỏe con người” – Alphr viết.

Chưa có bằng chứng không có nghĩa là an toàn

Tháng 2-2016, Tiến sĩ Maryanne Demasi, người dẫn dắt chương trình khoa học Catalyst trên Đài ABC (Úc), có bài viết trên The Guardian để phản bác các ý kiến cho rằng sóng Wi-Fi chẳng có gì nguy hiểm. Demasi đã phỏng vấn Cục Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân Úc (ARPANSA) về tính an toàn của sóng Wi-Fi, và nhận được câu trả lời từ người phát ngôn của cơ quan này rằng “Chưa có bằng chứng vững chắc về tác động lên sức khỏe của bức xạ vô tuyến từ máy tính bảng, điện thoại di động và sóng Wi-Fi”.

Demasi cũng nhận được phản hồi tương tự từ các cơ quan hữu trách khác như Hiệp hội Vật lý Hoàng gia Anh, Hội đồng Ung thư Úc và Hiệp hội Viễn thông di động Úc. Tuy nhiên, với Demasi “không có bằng chứng vững chắc về nguy cơ sức khỏe” khác với việc khẳng định sóng Wi-Fi là an toàn. Theo nữ tiến sĩ, hơn 200 nhà khoa học đã cùng gửi kiến ghị đến WHO và Liên hợp quốc kêu gọi hai tổ chức này nên chú ý nhiều hơn đến cái họ gọi là “cuộc khủng hoảng sức khỏe đang hình thành”. Những người ký thỉnh nguyện thư cho rằng các tiêu chuẩn an toàn về bức xạ hiện nay còn quá thấp, chưa đủ để bảo vệ con người.

Tháng 1-2015, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Microscopy and Ultrastructure cho rằng trẻ em dễ hấp thụ bức xạ hơn người lớn vì “cơ thể chúng nhỏ hơn, hộp sọ mỏng hơn và các mô não dễ hấp thu hơn”. Tuy nhiên các phát hiện này không được đánh giá cao lắm. Forbes gọi nghiên cứu là “gây tranh cãi”, còn tờ Huffington Post lưu ý nhà tài trợ của nghiên cứu này là Hiệp hội kính hiển vi Ả rập Saudi, với vỏn vẹn 31 người theo dõi trên Twitter, ngụ ý mức độ uy tín và tin cậy của nghiên cứu là không cao.

Dù sao đi nữa, không thể phủ nhận những tiện ích mà Wi-Fi mang lại cho đời sống hiện nay. Quan ngại về tính an toàn của Wi-Fi không có nghĩa chúng ta phải tuyệt giao với các thiết bị kết nối không dây. Những người thuộc “phe lo lắng” cho rằng dù tính nguy hại của sóng Wi-Fi có được chứng minh hay chưa, việc nên làm là chủ động tìm cách sử dụng chúng một cách an toàn. Tiến sĩ Devra Davis, chuyên gia dịch tễ học ung thư người Mỹ, cho rằng cãi nhau về tính an toàn của Wi-Fi là vô nghĩa. “Chúng ta đang tranh cãi chuyện gì vậy? Liệu phải chờ đến khi có hàng triệu người mắc ung thư thì ta mới chịu hành động hay sao?” - TS Davis được Demasi trích dẫn trong bài viết trên The Guardian. Demasi tán thành quan điểm cần thận trọng hết mức có thể với việc dùng Wi-Fi: “Tôi thà cẩn trọng dù không có bằng chứng còn hơn là làm như con đà điểu – vùi đầu vào cát và vờ nhưng không biết gì”.

Nhưng không ai chỉ ra phải “tránh” Wi-Fi thế nào khi mọi nơi, từ nhà riêng, cơ quan đến trường học và đường phố, đều ngập sóng Wi-Fi.

Nhiều trường học trên thế giới hiện cũng đã phủ kín Wi-Fi đến từng lớp học, và trong không ít trường hợp, các phụ huynh và cả giáo viên đã kịch liệt phản đối vì sức khỏe học sinh. Tháng 3 vừa qua, hai liên đoàn giáo viên tại thành phố Kingston (bang Ontario, Canada) đã kêu gọi chính quyền địa phương dừng ngay việc phát Wi-Fi tại các lớp học, bất chấp các khẳng định về tính an toàn của sóng Wi-Fi. Hai liên đoàn này cho rằng chừng nào chưa chính thức chứng minh được sóng Wi-Fi là an toàn, router phát Wi-Fi tại các lớp học cần được tắt vĩnh viễn để không ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Tương tự, trường Montgomery County Public School (bang Maryland, Mỹ) cũng khiến phụ huynh nổi giận khi lắp thiết bị phát Wi-Fi ngay giữa trần mỗi lớp học, phủ bức xạ xuống học sinh suốt cả ngày. Lisa Cline, một phụ huynh có con học lớp hai tại trường này, nói với FOX 5 bà lo ngại việc con bà bị “phơi nhiễm với bức xạ mà không biết hậu quả của việc này trong thời gian dài sẽ ra sao”.

TRƯỜNG SƠN

(Bài đã đăng Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

Comments

Popular posts from this blog

[Truyện ngắn] Am cu ly xe - Thanh Tịnh